4
18
/
1070449
Bài 2: Chăm lo khâu "then chốt của then chốt"
longform
Bài 2: Chăm lo khâu "then chốt của then chốt"

 

 

Công tác cán bộ là khâu “then chốt của then chốt”. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là vấn đề trọng tâm xuyên suốt được Đảng đặt ra từ Đại hội XI năm 2011 đến nay. Cụ thể hóa quan điểm này, 10 năm qua, tất cả các khâu, các quy trình của công tác cán bộ tại Quảng Ninh đều được đổi mới. Qua đó góp phần xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) tận tụy, chuyên nghiệp, trung thành làm việc có kỷ cương, kỷ luật, đóng góp tích cực vào thành công trên nhiều lĩnh vực của tỉnh.

Từ năm 2011, trong quá trình chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, trên cơ sở nghiên cứu một cách khoa học, nhận diện tiềm năng, thế mạnh, định vị lại Quảng Ninh trong tương quan với quốc gia và quốc tế, tỉnh đã nhận diện ra một trong những mâu thuẫn cơ bản cần giải quyết là giữa đổi mới hệ thống chính trị chưa tương xứng với đổi mới kinh tế và tình hình thực tiễn đang diễn ra. Trong đổi mới chính trị, bên cạnh việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thì việc đổi mới công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Trên quan điểm đó, bám sát Nghị quyết XI, XII của Đảng, các nghị quyết chuyên đề, chỉ thị, quy định của Trung ương, nhất là Nghị quyết số 26 ngày 19/5/2018 của BCH Trung ương Đảng về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định về công tác cán bộ, chú trọng xây dựng, kịp thời bổ sung quy hoạch cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 

Tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh về kết quả thực hiện một số quy định, kết luận của BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác cán bộ hồi cuối năm 2020, đoàn giám sát của Ban Tổ chức Trung ương đánh giá công tác cán bộ đã được tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, đáp ứng được yêu cầu tình hình thực tiễn và có nhiều điểm đổi mới, sáng tạo. Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 2018 đến nay, các địa phương, cơ quan, đơn vị cơ bản thực hiện tốt các quy định của trung ương về công tác cán bộ, ít có trường hợp sai sót.

Để có được kết quả đó, thời gian qua, Tỉnh ủy đã dành nhiều tâm huyết đề ra những quan điểm, chủ trương và giải pháp quan trọng, phù hợp với từng thời kỳ; tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định về công tác cán bộ.  Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức ký cam kết trách nhiệm của Ban Thường vụ và đồng chí Bí thư các huyện, thị, thành uỷ, tập thể lãnh đạo và người đứng đầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trên tinh thần không cam kết các nội dung chung chung mà định hướng, “đặt hàng” 3-4 đầu việc cụ thể, cấp bách nổi lên của Đảng bộ các huyện, thị xã, thành phố, cơ quan, đơn vị cần tập trung giải quyết bằng cam kết trách nhiệm của người đứng đầu. Các cấp, các ngành trong tỉnh đã tổ chức ký cam kết trách nhiệm tương tự như ở tỉnh, tạo ra hiệu ứng lan tỏa và đạt kết quả rõ nét.

Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước tiên phong đổi mới quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm thông qua thi tuyển đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch. Các tiêu chuẩn, điều kiện tuyển dụng được tỉnh nâng lên so với quy định của Trung ương; dành 15-20% nhu cầu để tuyển nguồn nhân lực chất lượng cao (trình độ thạc sỹ, đại học loại giỏi trở lên), do đó chất lượng công chức được tuyển dụng cao hơn rất nhiều so với trước.

Công tác quy hoạch cán bộ cũng được đảm bảo trên nguyên tắc quy hoạch cấp dưới trước và lấy quy hoạch cấp dưới để xây dựng quy hoạch cấp trên; đồng thời mở rộng dân chủ trong phát hiện, giới thiệu nguồn cán bộ đưa vào quy hoạch. Đến nay, công tác quy hoạch cán bộ ở cả 3 cấp cơ sở, huyện và tỉnh đảm bảo về số lượng, chất lượng, thành phần, cơ cấu nữ, dân tộc, độ tuổi.

Trong công tác luân chuyển cán bộ, Quảng Ninh cũng ghi dấu ấn đậm nét khi thực hiện hiệu quả việc bí thư cấp ủy không phải là người địa phương nhằm phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của cán bộ trong chỉ đạo, điều hành công việc, đồng thời cũng là cơ hội để cán bộ rèn luyện thực tế. Hiện toàn tỉnh có 85% bí thư cấp ủy cấp xã, 100% bí thư cấp ủy cấp huyện không phải là người địa phương, hoàn thành trước 5 năm so với quy định của Trung ương... Hàng nghìn cán bộ được luân chuyển, điều động đều phát huy tốt nhiệm vụ, đóng góp vào thành công trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của tỉnh.

Để nâng cao chất lượng công tác cán bộ, tỉnh cũng rất quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ mọi mặt của cán bộ. Từ năm 2015 đến nay, cấp tỉnh ưu tiên nguồn lực gần 260 tỷ đồng để đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 46 ngàn lượt cán bộ ở trong nước và nước ngoài. Hiện số lượng cán bộ, công chức có trình độ đào tạo sau đại học tăng hơn 2 lần so với năm 2010, 100% uỷ viên ban chấp hành các đảng bộ trực thuộc tỉnh có trình độ cao cấp lý luận chính trị, chuyên môn đại học trở lên...

Trong công tác đánh giá cán bộ, gắn với nêu gương tự phê bình Quảng Ninh cũng có nhiều đổi mới cách thức kiểm điểm. Trong đó đặc biệt là tăng cường phát huy dân chủ, đẩy mạnh công khai, minh bạch trong tất cả các lĩnh vực, nhất là những vấn đề mang tính chất nhạy cảm, phức tạp liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của nhân dân. Điều này được thể hiện cụ thể, rõ nét ở hàng loạt các nội dung công việc mà tỉnh đã quyết liệt triển khai thời gian qua, bước đầu mang lại những kết quả tích cực. Đặc biệt, bám sát chỉ đạo của Trung ương về thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, Quảng Ninh đã yêu cầu lãnh đạo các cấp ủy, thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND các địa phương thực hiện nghiêm túc. Nhất là tiếp tục quán triệt và quản lý cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành thời giờ làm việc; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các CBCCVC vi phạm. 

Cán bộ là gốc của công việc. Con thuyền đổi mới tại Quảng Ninh cập bến thành công do được chèo lái bởi đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, có năng lực và tâm huyết. Đặc biệt, tư duy luôn đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và sẵn sàng chịu trách nhiệm đã thành một truyền thống được trao truyền qua các thế hệ lãnh đạo của tỉnh.

Nhận xét về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh Quảng Ninh, PGS.TS Nguyễn Quang Hồng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Khu vực I, nhấn mạnh:  Theo dõi công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác cán bộ nói riêng tại Quảng Ninh thời gian qua, tôi thấy địa phương đã có những lựa chọn cán bộ lãnh đạo đột phá, không quá câu nệ hành chính, sự tuần tự mà chủ yếu dựa vào hiệu quả công việc, coi trọng những cán bộ trưởng thành từ thực tiễn, dùng người đúng sở trường. Tôi cho rằng, để có được đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, chắc chắn các cấp ủy đảng phải hết sức dày công từ việc phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cho đến sử dụng, đãi ngộ cán bộ. Từ những quan điểm, cách làm mạnh dạn đó, hệ thống chính trị của Quảng Ninh đã không ngừng được củng cố, gia tăng sức mạnh. Đây cũng chính là tiền đề quan trọng nhất để Quảng Ninh tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 – 2025 với nhiều điểm đột phá trong công tác cán bộ được các bộ, ngành Trung ương và nhiều tỉnh bạn đánh giá cao.  

 
 

Theo đó, với 20 đảng bộ trực thuộc, 735 tổ chức cơ sở đảng (438 đảng bộ cơ sở và 297 chi bộ cơ sở), trong quá trình đại hội các cấp, trừ đảng bộ quân sự tỉnh, còn tất cả đều bầu trực tiếp bí thư cấp ủy nhiệm kỳ mới tại đại hội. Các đồng chí bí thư cấp ủy mới này đều được đại hội bầu 1 lần, với số phiếu cao. Việc bầu bí thư trực tiếp tại đại hội cho thấy việc mở rộng dân chủ trong Đảng. Càng mở rộng được dân chủ thì càng tốt cho sự ổn định, phát triển, đoàn kết và thống nhất cao trong sinh hoạt cũng như mọi công tác của Đảng.

Theo đồng chí Vũ Quyết Tiến, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ: Để có được sự thành công như vậy, Quảng Ninh đặc biệt chú trọng đến công tác nhân sự nhiều nhiệm kỳ qua. Đặc biệt, bám sát Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết chuyên đề, chỉ thị, quy định của Trung ương, Quảng Ninh chủ trương xây dựng một đội ngũ cán bộ đáp ứng làm việc trong môi trường quốc tế giai đoạn 2020-2025 nên công tác lựa chọn nhân sự nhiệm kỳ mới được thực hiện chu đáo và bài bản. Trong đó, tập trung nhiều cán bộ trẻ dưới 40 tuổi (khoảng 20%-25% trong cấp ủy), được đào tạo bài bản và đang giữ chức vụ ở cấp phó sở, ngành đáp ứng yêu cầu về công tác nhân sự cao hơn trong giai đoạn tới, nhất là về chuyên môn và ngoại ngữ. Với quan điểm đó, Quảng Ninh đã chuẩn bị được nguồn đội ngũ cán bộ gồm 68 đồng chí ban đầu, để chọn 59 đồng chí và tiến hành bầu 53 đồng chí tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ mới.

Ngay trong nhiệm kỳ mới này, Quảng Ninh tiếp tục là địa phương đi đầu về việc thí điểm nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, khu phố. Hiện việc nhất thể hóa này đạt 100% ở 1.542 thôn, bản, tổ dân phố trên toàn tỉnh. Ở cấp cơ sở, tất cả bí thư cấp ủy ở 177 xã, phường, thị trấn của tỉnh đồng thời là Chủ tịch HĐND hoặc Chủ tịch UBND. 

Cùng với những kết quả trên, việc giao trọng trách cho cán bộ không phải là người địa phương đảm nhận cương vị là bí thư cấp ủy cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh cũng đã được triển khai đạt kết quả tốt. Đến nay, toàn tỉnh đã có 100% bí thư cấp ủy cấp huyện và 85% bí thư cấp ủy cấp xã không phải là người địa phương, hoàn thành trước 5 năm so với quy định của Trung ương. Việc làm tốt công tác điều động, luân chuyển cán bộ gắn với bố trí người đứng đầu cấp ủy không phải là người địa phương vừa qua đã góp phần quan trọng vào thành công của Đại hội Đảng các cấp trên địa bàn tỉnh, nhất là chủ trương 100% bầu bí thư cấp ủy tại đại hội. 177 đồng chí bí thư cấp ủy cấp xã và 13 đồng chí bí thư cấp ủy cấp huyện được bầu trực tiếp tại đại hội đều trúng cử, đặc biệt là 100% đồng chí bí thư cấp ủy không phải là người địa phương chiếm số phiếu rất cao, nhiều đồng chí đạt tỷ lệ tín nhiệm tuyệt đối hoặc gần tuyệt đối, như tại Hạ Long (100%), Móng Cái (100%), Ba Chẽ (100%), Đầm Hà (98%)...

Tiếp nối những thành quả trên, Đề án đầu tiên của nhiệm kỳ mới là “Tiếp tục đổi mới hoàn thiện bộ máy hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, xây dựng đội ngũ CBCCVC đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ giai đoạn 2021 – 2025” đang được triển khai tiếp tục cho thấy việc chú trọng đổi mới toàn diện, đồng bộ công tác cán bộ của tỉnh. Đây chính là nền tảng vững chắc để Quảng Ninh lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội, tạo bước chuyển mới cho tỉnh trong giai đoạn mới.

Thực hiện: Hoài Anh

Trình bày: Đỗ Quang


>> Bài 5: Khẳng định bản lĩnh chính trị, sức chiến đấu

>> Bài 4: Đảng gần dân hơn từ những "cầu nối"

>> Bài 3: Từ thực tiễn sinh động đến những mô hình đổi mới

>> Bài 1: Xây dựng niềm tin từ sự đổi mới tư duy

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu