4
18
/
1071072
Bài 3: Từ thực tiễn sinh động đến những mô hình đổi mới
longform
Bài 3: Từ thực tiễn sinh động đến những mô hình đổi mới

 

 

Đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị là một điều kiện hàng đầu bảo đảm cho việc nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Nhận diện đúng thực trạng của hệ thống chính trị, Quảng Ninh đã tiến hành đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị địa phương và đây cũng chính là điều kiện để tỉnh có thể xây dựng, hoàn thiện và thực thi hệ thống thể chế nhằm giữ vững ổn định chính trị - xã hội, khai thác và phát huy những tiềm năng, lợi thế, các nguồn lực trong xã hội, thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững.

 

 

Những năm qua, Quảng Ninh là địa phương đi đầu cả nước về thực hiện các mô hình sắp xếp, tinh gọn bộ máy; nhất là mô hình nhất thể hóa các chức danh, hợp nhất một số cơ quan đơn vị có chức năng tương đồng, thành lập cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội...

Ngay từ năm 2014, sau khi được Trung ương cho phép, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước đã thực hiện chủ trương nhất thể hóa các chức danh đến cấp huyện, đồng thời rà soát, tiến hành hợp nhất một số cơ quan tham mưu giúp việc của cấp ủy và cơ quan chuyên môn chính quyền cùng cấp, có nhiệm vụ tương đồng. Hàng loạt các chức danh trong toàn tỉnh được nhất thể hóa. Trong đó, thực hiện Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND cấp huyện tại 2 địa phương (Cô Tô, Tiên Yên); Bí thư đồng thời là Chủ tịch HĐND cấp huyện tại 7/14 địa phương; Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã ở 75/186 xã. Cùng lúc, triển khai nhất thể hóa một số chức danh tại huyện Cô Tô, như Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra đồng thời là Chánh thanh tra, Trưởng Ban Tổ chức đồng thời là Trưởng Phòng Nội vụ...

 Cán bộ, công chức Cơ quan Tổ chức - Nội vụ huyện Hải Hà làm việc hiệu quả hơn sau sáp nhập.
Cán bộ, công chức Cơ quan Tổ chức - Nội vụ huyện Hải Hà làm việc hiệu quả hơn sau sáp nhập.
 

Sau khi thành công với mô hình nhất thể hóa các chức danh, Quảng Ninh tiếp tục thực hiện thí điểm hợp nhất các cơ quan, đơn vị có cùng chức năng, nhiệm vụ hoặc chức năng, nhiệm vụ tương đồng, theo hướng “một chức năng, một nhiệm vụ chỉ có một đơn vị chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm”. Tháng 3/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Công văn số 630-CV/TU về triển khai thực hiện thí điểm hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy với cơ quan chuyên môn khối chính quyền cấp huyện, trong đó giao cho Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy phối hợp triển khai xây dựng, thực hiện đề án hợp nhất và dự thảo quy chế làm việc của cơ quan sau hợp nhất... Tiếp đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định phê duyệt các Đề án hợp nhất Ban Tổ chức cấp ủy với Phòng Nội vụ, Uỷ ban Kiểm tra với Thanh tra cấp huyện. Trên cơ sở này, các huyện, thị, thành phố đồng bộ triển khai thực hiện mô hình Cơ quan Tổ chức - Nội vụ, Cơ quan Kiểm tra – Thanh tra theo đề án đã được phê duyệt.

Đến cuối năm 2020, Quảng Ninh đã thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân ở 3 địa phương cấp huyện và 119/177 (67,23%) địa phương cấp xã; 100% bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố theo phương châm “Dân tin - Đảng cử”; thực hiện các mô hình hợp nhất cơ quan ủy ban kiểm tra - thanh tra, cơ quan tổ chức - nội vụ, cơ quan tham mưu giúp việc chung khối mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện ở 13/13 địa phương. Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, các mô hình sau hợp nhất đã giúp tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước với số lượng đầu mối các cơ quan giảm từ 28 còn 13.

 
 

Những mô hình thí điểm đầu tiên tại Quảng Ninh như nhất thể hoá các chức danh và sáp nhập một số đơn vị đã và đang ngày càng khẳng định được hiệu quả, thể hiện quyết tâm của tỉnh trong việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đổi mới hệ thống chính trị quyết liệt hơn và ở quy mô, tầm mức cao hơn.

Ông Bùi Văn Lưu, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ba Chẽ, khẳng định: Thực hiện chủ trương nhất thể hóa một số chức danh, Ba Chẽ chú trọng thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ, đảm bảo nghiêm túc, đúng quy trình. Các đồng chí được luân chuyển, điều động thực hiện nhất thể hóa các chức danh đến nay đều phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đến nay, tại địa phương Bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã đã đạt được 75% (6/8 xã, thị trấn); bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn (khu) đạt 100%.

Anh Dương Văn Sằn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nà Luông (xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu) , (thứ 2, từ phải sang) huy động nhân dân đóng góp ngày công, kinh phí hoàn thiện nhà văn hóa mới của thôn.
Anh Dương Văn Sằn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nà Luông (xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu),
(thứ 2, từ phải sang) huy động nhân dân đóng góp ngày công, kinh phí hoàn thiện nhà văn hóa mới của thôn.
 

Bên cạnh đó, sau mô hình hợp nhất một số cơ quan cùng cấp có chức năng, nhiệm vụ tương đồng cũng đã mang lại những hiệu quả rõ nét, khắc phục được tình trạng cồng kềnh trong tổ chức bộ máy, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; phát huy hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động các cơ quan, tổ chức. Việc thí điểm thực hiện cơ quan tham mưu giúp việc chung Khối MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cấp huyện và cấp tỉnh cũng đạt kết quả tích cực, góp phần tăng cường vai trò liên minh chính trị của MTTQ, phát huy sức mạnh tổng hợp, gắn kết các tổ chức trong hệ thống chính trị; thống nhất ý chí, nguyện vọng trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị chung. Hay như Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, sau khi đi vào vận hành từ năm 2019 đến nay đã từng bước ổn định, phát huy hiệu quả hoạt động theo mô hình "Tòa soạn hội tụ", tích hợp truyền thông đa phương tiện với những sản phẩm báo chí đa loại hình, bảo đảm phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh; được nhân dân đồng tình, đánh giá cao…

 

Nhận diện đúng thực trạng của hệ thống chính trị tỉnh, ngay từ những giai đoạn trước, Quảng Ninh đã luôn chú trọng việc cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Trung ương về đổi mới hệ thống chính trị bằng các nghị quyết chuyên đề, kế hoạch, chương trình, hệ thống quy chế, quy định, quy trình để tổ chức thực hiện theo từng nội dung cụ thể; đề ra các chủ đề công tác năm; xây dựng và nhiều lần sửa đổi quy chế, quy định nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, nhưng không thật sự mang tính tổng thể, không rà soát và đánh giá một cách toàn diện, chưa phát huy được nội lực của từng cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên. Với nhận thức đó, tỉnh đã quyết tâm thực hiện đổi mới tổ chức bộ máy theo hướng sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi mô hình, tăng cường tự chủ nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hệ thống chính trị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Sau khi đi vào vận hành, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã từng bước ổn định, phát huy hiệu quả hoạt động, sản xuất sản phẩm báo chí đa loại hình với tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Sau khi đi vào vận hành, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã từng bước
ổn định, phát huy hiệu quả hoạt động, sản xuất sản phẩm báo chí đa loại hình
với tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
 

Qua rà soát tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập, tỉnh nhận thấy, bộ máy cồng kềnh, chức năng, nhiệm vụ trùng chéo. Có chức năng được giao cho nhiều cơ quan, đơn vị cùng thực hiện nhưng không quy trách nhiệm giải quyết đến cùng; thẩm quyền không gắn với nghĩa vụ và chế độ trách nhiệm (cùng một ngành nhưng vừa có phòng chuyên môn, vừa có chi cục quản lý cùng tên, cùng chức năng; trên cùng địa bàn có nhiều đơn vị thực hiện một nhiệm vụ). Giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị có nhiều chức năng, nhiệm vụ tương đồng có thể bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau, nhưng thiếu cơ chế bảo đảm tính thống nhất nên có thể làm nảy sinh tình trạng buông lỏng, bỏ sót hoặc phát sinh khâu trung gian (cơ quan, tổ chức của cấp ủy với cơ quan nội vụ của chính quyền; cơ quan ủy ban kiểm tra của Đảng với thanh tra nhà nước...). Bộ máy phục vụ hình thành bên trong mỗi tổ chức chiếm tỷ lệ cao. Các đơn vị sự nghiệp quy mô nhỏ, chất lượng cung cấp dịch vụ và hiệu quả chưa cao, tính tự chủ thấp. Tổ chức hội nhiều nhưng hoạt động chưa mạnh, chưa thể hiện được rõ vị thế, vai trò; tính tự nguyện, tự quản, tự trang trải, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật còn thấp.

Đội ngũ cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước đông và có xu hướng càng thực hiện chính sách tinh giản thì biên chế càng tăng. Đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở cơ sở đông do vận dụng cứng nhắc quy định chung, mang tính bình quân, cào bằng, mà chưa chú ý tới đặc thù về quy mô, phạm vi, địa lý, dân số của các cơ sở, dẫn đến nơi đông dân thì quá tải, nơi rất ít dân, ít việc vẫn có đủ các vị trí.

Quảng Ninh đón nhận Nghị quyết 837 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ninh
Quảng Ninh đón nhận Nghị quyết 837 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sáp nhập huyện Hoành Bồ
vào TP Hạ Long và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ninh.
 

Xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn khách quan, nhằm bảo đảm sự đồng bộ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chủ động xây dựng Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” (gọi tắt là Đề án 25). Đề án được xây dựng hết sức công phu, bài bản; được tiến hành đồng bộ từ cấp xã, cấp huyện đến cấp tỉnh; xin ý kiến tham vấn của nhiều cấp lãnh đạo, ban, bộ, ngành ở Trung ương; có sự tham gia, góp ý trực tiếp của nhân dân, các trí thức, lão thành cách mạng, các đối tượng chịu tác động,... và thông qua HĐND các cấp. Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 3/3/2015 “Về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện trong cả hệ thống chính trị.

Cũng từ các mô hình đột phá, nhân dân đã nhận được sự phục vụ có trách nhiệm hơn từ cán bộ, cơ quan nhà nước; bước đầu đã được thụ hưởng những dịch vụ, tiện ích tốt hơn trong lĩnh vực giáo dục, y tế. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền ngày càng được tăng lên. Đó là minh chứng sinh động cho thấy các nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đều xuất phát từ thực tiễn, thực sự đi vào cuộc sống và đã mang lại hiệu quả cao.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trò chuyện với cán bộ khu phố 4, phường Hồng Hà, TP Hạ Long
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh
trò chuyện với cán bộ khu phố 4, phường Hồng Hà, TP Hạ Long.
 

Việc đổi mới tư duy nhận thức, xác định phương hướng phát triển, đưa ra được một số mô hình đổi mới, có tính đột phá cùng với sự quan tâm của Trung ương chính là những nhân tố quan trọng giúp Quảng Ninh đạt được những kết quả nổi bật trong những năm qua. Bộ máy được sắp xếp tinh gọn, phương thức lãnh đạo đã có nhiều đổi mới; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; năng lực điều hành, quản lý của chính quyền ngày càng được nâng lên rõ rệt; góp phần khẳng định vị trí, vai trò của một cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc, một trong 3 địa phương đầu tàu trong phát triển của miền Bắc.

Nhiều cách làm của Quảng Ninh rất đáng biểu dương, thể hiện được nguyên tắc Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Quan trọng hơn là tạo được sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong cả hệ thống chính trị để phát huy sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

Thực hiện: Trúc Linh

Trình bày: Đỗ Quang


>> Bài 5: Khẳng định bản lĩnh chính trị, sức chiến đấu

>> Bài 4: Đảng gần dân hơn từ những "cầu nối"

>> Bài 2: Chăm lo khâu "then chốt của then chốt"

>> Bài 1: Xây dựng niềm tin từ sự đổi mới tư duy

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu