4
18
/
1100283
Quảng Yên vẹn nghĩa, nặng tình
longform
Quảng Yên vẹn nghĩa, nặng tình

Quảng Yên - vùng đất nên thơ nằm bên dòng Bạch Đằng giang đã ghi những dấu ấn đặc biệt vào văn hoá, lịch sử đất nước với 3 trận thủy chiến chống quân xâm lược phương Bắc, với những lễ hội, những công trình mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Và vùng đất ấy cũng ghi dấu ấn vào tâm tư con người theo một cách rất riêng, thấm sâu vào lòng người những lớp lang kỷ niệm, những ân tình chan chứa. Để những còn người ấy, dù vẫn đang gắn bó với dòng sông huyền thoại Bạch Đằng hay đã đi khắp bốn phương, trải qua bao thăng trầm của đời người, vẫn vẹn nguyên một tấm lòng tha thiết với quê hương, với hai chữ Quảng Yên nặng nghĩa, nặng tình. 


T

rên mỗi bước đường biên cương Tổ quốc, tôi thường tự hỏi những thác ghềnh đầu nguồn biên giới này sẽ theo dòng nước mang phù sa bồi đắp về đâu? Nhìn lá rừng trôi từ đầu nguồn Đà Giang nơi Mường Tè xa lắc hay dòng Lũng Pô nước đỏ phù sa nơi sông Hồng đổ vào đất Việt, tôi vẫn ước mong nó sẽ lan tỏa theo những dòng sông ấy rồi đổ ra cửa Nam Triệu, về với miền quê Quảng Yên của tôi.

Miền đất ấy, với gần 200 di tích lịch sử văn hóa gắn với ngàn năm người Quảng Yên quai đê, lấn biển, mở đất. Vùng đất đó là nơi hành dinh đầu tiên của nhà Lý được xây dựng để thực thi sứ mệnh thiêng liêng trấn giữ vùng cửa ngõ sông nước quan trọng bậc nhất của quốc gia Đại Việt, là nơi có biết bao thế hệ hiếu trung, xả thân bảo vệ một miền biên ải, góp phần tạo nên chiến thắng Bạch Đằng Giang huyền thoại. Đó cũng là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước khởi nghĩa giành chính quyền thành công, làm nên một Cách mạng tháng 8 đầy vẻ vang. Hẳn là vì lẽ ấy nên mỗi chiều biên giới nhớ nhà, tôi lại như thấy sóng sánh trong mắt sắc xanh mê mải của dòng Bạch Đằng Giang đã bồi đắp phù sa châu thổ và lưu giữ trong lòng sông bao chiến tích bảo vệ biên cương lừng lẫy của cha ông năm nào.

Bức tranh "Trận thủy chiến Bạch Đằng Giang 1288" của họa sĩ Đặng Đình Nguyễn.

Trong tôi, quê hương Quảng Yên vừa đằm sâu vừa quật cường khí thế. Con người thẳng thắn, ăn sóng nói gió đấy mà không hề nông nổi, cạn nghĩ suy. Ẩn trong vẻ mộc mạc, chân quê là sâu nghĩa nặng tình. Trong ký ức của tôi, miền quê ấy đã nắng thì nắng chan hòa, đã gió thì gió ầm ào, cởi mở. Ruộng đồng đã xanh là xanh thăm thẳm, sóng đã đục là phù sa nồng nàn. Và hàng năm, các dòng họ, xã phường nơi đây lại hòa chung không khí đoàn kết, vui tươi của những lễ hội dân gian như Lễ hội Bạch Đằng, Tiên Công, lễ hội Xuống đồng hay những ngày hội xuân rộn ràng lời ca, tiếng hát. Đất ấy, người này hẳn phải là sự giao hòa giữa cái mạnh mẽ, khoáng đạt của biển và sự bền bỉ, thủy chung, nhẫn nại của đồng bãi bồi tụ ngàn năm.

Quang cảnh một đoàn rước cụ thượng lên miếu Tiên Công.

Làng Quỳnh Lâu thân thương của tôi nay là Khu Khe Nước, Phường Cộng Hòa vốn là một làng cổ nằm nghiêng nghiêng theo triền đồi xoải chân ra biển, quanh năm xanh mướt những luống rau, vàng óng mùa lúa mới cùng nhiều sản vật đặc trưng. Tuổi thơ tôi là những tháng ngày chân đất chạy chơi cùng chúng bạn theo những dòng mương thủy lợi nước xanh như pha mực; là con đường đến trường uốn lượn theo triền đồi, ven những đồng xanh mướt; là những sớm hè theo cha mẹ ra đồng chăn trâu, cắt cỏ; là bài giảng ân cần, lắng đọng của thầy cô và những tình cảm mến thương, trong sáng tuổi học trò… Bài học về tình yêu cuộc sống, hăng say lao động, sự chính trực, lòng nhân ái, thủy chung đã ngấm vào trong tôi một cách giản dị bằng chính những tấm gương của người dân quê mình.

Từ vùng quê thuận lành với những con người hồn hậu, chân thành ấy, từ hạt lúa củ khoai của đồng đất thuần nông, từ lời ru của bà, của mẹ và sự uốn nắn, dạy bảo của ông, cha mà tôi đã lớn khôn, trở thành một người lính mang trên vai sứ mệnh bảo vệ biên cương, bờ cõi suốt gần 40 năm qua. Truyền thống của một vùng đất kiên trung, kiêu hãnh trước biển với bao người con trung dũng hi sinh quên mình vì độc lập, tự do của dân tộc đã nâng bước chân tôi vượt qua trăm núi ngàn khe, khắc phục khó khăn gian khổ nơi địa đầu phên dậu để cống hiến xứng đáng với truyền thống quê hương, với niềm yêu thương, kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô và màu quân hàm đầy tự hào trên vai áo.

KCN Đông Mai (TX Quảng Yên).

Giờ đây, Quảng Yên xôn xao những con đường lớn, những phố thị khang trang và bao cây cầu nối bờ vui đã dần khai mở diện mạo một đô thị mới. Nơi đây đã và đang là điểm kết nối quan trọng của các công trình giao thông liên vùng Đông Bắc, những cảng biển hiện đại hay các khu công nghiệp Nam Tiền Phong, Đầm Nhà Mạc, Đông Mai,… đang đà phát triển; những vùng sản xuất rau, vùng nuôi hải sản tập trung, vùng trồng cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao cũng đang rộn ràng nhịp điệu ngày mới.

Một Quảng Yên anh hùng, quật khởi trong cách mạng tháng 8, một Quảng Yên thanh bình, no ấm bao đời giờ đang vươn vai đứng dậy để hội nhập toàn diện. Tất cả đang mở ra những bước phát triển ấn tượng về kinh tế - xã hội cho một vùng đất ven biển còn nhiều tiềm năng chưa khai phá. Song nội lực dồi dào đã thể hiện bằng những con số đáng mừng mà Quảng Yên góp vào mức tăng trưởng chung của toàn tỉnh Quảng Ninh. Trong nhịp sinh sôi của thiên nhiên, nhịp phát triển của cả một vùng đất lớn ấy, là biết bao tâm sức của ngàn, vạn người con Quảng Yên đang nỗ lực vì thị xã hôm nay - thành phố biển ngày mai.


T

ôi sinh ra và lớn lên ở TX Quảng Yên. Đó là vùng đất yên ả bên bờ sông Bạch Đằng gắn liền với những chiến công hào hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Mỗi lần nhắc đến Quảng Yên là lại khơi dậy trong tôi góc ký ức tuổi thơ với bao thổn thức nghẹn ngào...

Mảnh đất nơi tôi sinh ra là tổng Hà Nam thuộc huyện Yên Hưng (nay là TX Quảng Yên) - nơi ấy đã gắn bó biết bao kỷ niệm ngày tôi còn thơ bé. Những kỷ niệm tôi được theo bà nội đi gặt lúa, mót khoai, xay thóc, giã gạo, chui hầm tránh đạn bom... đã in đậm trong tâm trí tuổi thơ của tôi. Nhiều kỷ niệm được tôi lưu giữ, khắc ghi khi hằng ngày qua sông bằng chiếc thuyền gỗ, kéo dây để đi học, cùng các bạn đeo vòng lá ngụy trang đằng sau lưng, vượt bom đạn để tới Trường Tiểu học Nam Hòa. Bạn bè cùng lớp hay trêu đùa tôi “mặc quần đàn ông, lấy chồng bộ đội” để muốn nói về sự khác biệt khi tôi là học sinh thành phố chuyển về, thường hay mặc quần xanh (mầu quần của con trai), khác với cách ăn mặc của học sinh nông thôn lúc bấy giờ.

Bà Ngô Thị Minh cùng gia đình về miếu Tiên Công, TX Quảng Yên.

Ngoài giờ học, tôi vẫn hay quanh quẩn bên ông nội để xem ông khắc hoa văn trên gỗ, hát cho ông nghe và mỗi khi ông nghỉ tay, ông kể cho tôi nghe về 3 cuộc thuỷ chiến của quân dân nhà Trần cách đây gần 10 thế kỷ, về bãi cọc Bạch Đằng - dòng sông huyền thoại, về những tiền nhân của vùng đất đầu sóng ngọn gió sáng mãi bản thiên hùng ca… Còn nữa, niềm vui đơn sơ mỗi khi tôi được theo bà nội đi một buổi chợ chiều (khi thì bà bán dưa, khi thì bán chuối), được bà mua bánh giày, bánh gio – món ăn mang hồn quê, đất việt ở vùng đảo Hà Nam sao mà ngon đến thế. Rồi một ngày, tôi cũng phải chứng kiến trận bom bi kinh hoàng của bọn Mỹ dội xuống vùng quê yên bình do ánh đèn dầu kéo lưới của người đánh cá trên sông. Tiếng gào thét của cô bác bị bom giặc rơi trúng hầm... đã luôn ám ảnh trong tôi. Gia đình tôi cũng bị 4 quả bom bi, trong đó có một quả xuyên thẳng vào chiếc giường mà chú ruột tôi thường ngủ. May sao, đêm đó trời lạnh, chú lại vào giường ngủ cùng với ông nội tôi và 2 cậu em trai của tôi nên đã tránh được hiểm nguy.

Còn nữa, cuối mỗi tuần, tôi thường được người cô ruột của mình cho theo lên sân kho để tập nghi thức của Đội TNTPHCM. Nhiều lần được nghe cô kể chuyện về việc bắn rơi máy bay Mỹ khi cô phải tham gia trực chiến... Rồi mỗi độ Tết đến Xuân về, tôi cùng mấy đứa em lại được bà nội dắt tay đưa đến Lễ hội Tiên Công, Lễ hội Xuống đồng… Thi thoảng lại được bà nội đưa sang thăm bà ngoại và các dì em của mẹ tôi... Hết sơ tán, tôi cùng các em lại được ba mẹ tôi đón ra vùng mỏ Cẩm Phả để sinh sống và học tập. Xa quê, chúng tôi luôn nhớ quê, nhớ ông bà nội và bà ngoại cùng các cô chú, cậu dì và luôn háo hức chờ đến dịp được trở về thăm quê.

Thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh trò chuyện với học sinh, sinh viên.

Ký ức của tôi với mảnh đất Bạch Đằng Giang lịch sử này giản dị vậy đấy. Đó là tất cả những gì chân thật nhất, ấn tượng nhất mà tôi đã trải qua những ngày còn thơ bé tại quê hương của mình. Nơi đây đã nuôi dưỡng cảm xúc, tình yêu và niềm tự hào với quê hương, đất nước. Để từ đó thôi thúc tôi cần phải nỗ lực đóng góp và đóng góp thật nhiều vào sự phát triển của đất nước Việt Nam nói chung và của Quảng Ninh nói riêng, trong đó có Thị xã Quảng Yên quê mình.

Giờ đây, sau bao nhiêu năm trở lại thăm quê, tôi vẫn luôn có cảm giác thật thanh bình, yên ả. Mọi thứ, từ cảnh vật đến nếp sinh hoạt của người dân nơi đây, dẫu có pha trộn đôi nét hiện đại nhưng vẫn đậm chất cổ xưa của vùng đô thị cổ. Mỗi lần về quê, tranh thủ ghé thăm Phường Nam Hòa, ngắm nhìn lại dãy phố quen thuộc, thăm lại các cô bác, anh chị họ hàng và anh chị đang sinh sống trong căn nhà của ông bà nội tôi xưa kia, nơi đong đầy những kỷ niệm của tuổi thơ tôi, tôi không khỏi bồi hồi, nhớ về miền quê thân yêu đó. Với tôi, ký ức về xã đảo Hà Nam, về TX Quảng Yên là những gì thân quen nhất, gắn bó mật thiết nhất về hình ảnh quê hương, cội nguồn.

Bến Ngự xưa.

Làng quê tôi bên dòng sông Bạch Đằng giờ cũng khác xưa nhiều, được thay da đổi thịt, đang chuyển mình theo cuộc sống đô thị hóa, vươn vai đứng dậy, bước đi cùng nhịp phát triển mới của quê hương, đất nước. Nét cổ kính và tĩnh lặng của Quảng Yên cũng đã được đánh thức bởi những dự án phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ và mở rộng đô thị dọc ven dòng sông Bạch Đằng lịch sử, như tiềm thức của người con Yên Hưng trong âm vang Trống trận Bạch Đằng hơn 700 năm trước.

Tôi càng cảm thấy vui, tự hào hơn khi được đảm nhận vai trò ĐBQH tỉnh Quảng Ninh các khóa XI, XII, XIII, XIV, được bà con quê mình tin yêu, quý trọng, lựa chọn lá phiếu bầu cho mình trong gần 20 năm qua. Những lần về tiếp xúc cử tri tại Quảng Yên với vai trò là đại biểu Quốc hội, tôi lại được trò chuyện, được lắng nghe và tiếp nhận những tâm tư, nguyện vọng của bà con nhân dân quê mình gửi đến Quốc hội. Tôi thật tự hào trên bước đường đã qua, luôn được gắn bó với quê hương yêu dấu. Nay tôi được Đảng, Nhà nước phân công sang nhiệm vụ mới, tôi luôn tin rằng, mình sẽ tiếp tục phát huy những truyền thống, lịch sử văn hóa của mảnh đất Bạch Đằng Giang, Quảng Yên - một trong những địa danh phát triển năng động của tỉnh Quảng Ninh. Tôi sẽ tiếp tục góp sức nhỏ bé của mình để Tỉnh Quảng Ninh nói chung và Thị xã Quảng Yên nói riêng không ngừng được xây dựng, phát triển mạnh mẽ và ngày càng giàu đẹp, hiện đại, văn minh; phấn đấu để TX Quảng Yên trở thành thành phố trước năm 2025; là trung tâm công nghiệp, dịch vụ cảng biển và logistics, đạt đô thị loại II trước năm 2030.


T

ôi sinh ra và lớn lên ở xã Hiệp Hoà, thị xã Quảng Yên. Tuổi học trò của tôi trôi qua trong tiếng gầm rít của máy bay và bom đạn Mỹ trút xuống quê hương. Khi còn là cậu học trò cấp 2, trường chúng tôi sơ tán vào sâu trong khu vực đồi núi của xã Hiệp Hòa, nhưng khi lên cấp 3, chúng tôi không được gần nhà như vậy và vác bút nghiên sơ tán tận dãy núi đá Hoàng Tân cách đó gần 20 cây số.

Dẫu phải sinh hoạt và học trong những hang đá, hầm hào nhưng tuổi thơ chúng tôi vẫn trôi qua bình an. Quảng Yên quê tôi như tên gọi của nó vẫn bình yên bước qua cuộc chiến này một cách anh hùng, bởi vì vùng đất ấy là bất tử với dòng sông Bạch Đằng linh thiêng luôn giữ gìn hào khí của cha ông. Những chiến thắng trên sông Bạch Đằng đều là những dấu mốc đặc biệt quan trọng trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc và đều mở ra một thời kỳ hòa bình lâu dài và một thời kỳ phát triển thịnh vượng của đất nước. Tất cả những điều đó làm cho dòng sông Bạch Đằng ngàn năm qua trong tâm thức của mọi người dân Quảng Ninh nói riêng, người dân Việt Nam nói chung, luôn là dòng sông huyền thoại, linh thiêng, là mạch nguồn sức mạnh kỳ diệu của dân tộc. Không ở đâu trên đất nước này có lịch sử dòng sông hào hùng đến thế.

Năm 1970, khi 20 tuổi tôi nhập ngũ và xa quê từ đó. Và những ngày sơ tán, chứng kiến cuộc sống tạm bợ của người dân quê tôi dưới tiếng gầm rít của máy bay đã hun đúc ý chí quyết chiến và quyết thắng của người lính trẻ như tôi. Năm 1971, tôi tham gia chiến đấu Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào, đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 của quân đội Sài Gòn được Mỹ yểm trợ hỏa lực. Tôi cùng đồng đội của mình đã tham gia tiêu diệt một lực lượng lớn quân địch, bảo vệ vững chắc tuyến chi viện chiến lược, tạo điều kiện cho các chiến trường khác đẩy mạnh tiến công địch. Đến năm 1973, tôi xuất ngũ, thi vào khoa Văn, Trường ĐH Tổng hợp nhưng khi tốt nghiệp, tôi chỉ làm ở Viện Ngôn ngữ học một thời gian rồi chuyển sang Hãng phim truyện Việt Nam và học tiếp ở Trường Sân khấu điện ảnh để trở thành một nhà biên kịch.

Quảng Yên có thể tự hào là vùng đất giầu truyền thống văn hoá, đặc biệt là văn hóa dân gian. Mỗi mùa lễ hội, bạn đều bắt gặp ở mọi nẻo thôn làng, ngõ xóm, rực rỡ cờ hoa, âm vang chiêng trống và réo rắt nhã nhạc sân đình. Đó là vẻ đẹp vừa tâm linh vừa gắn kết trong nếp sống cộng đồng. Sức mạnh gắn kết cộng đồng đó được minh chứng từ thuở cha ông dựng nước. Bằng chứng là bức trướng: “AN HƯNG NGHĨA DÂN” do đích thân Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn tặng cho vẫn còn đó, ghi nhớ công lao to lớn của người dân nơi đây đã giúp vua đánh thắng giặc Nguyên trên sông nước Bạch Đằng. Đó chính là văn hoá yêu nước được phát huy rực rỡ của người dân vùng đất này.

Đua thuyền chải là một trong những nét văn hóa đặc sắc trong Lễ hội xuống đồng của TX Quảng Yên. Khúc sông trước cửa đình Cốc là nơi diễn ra giải đua truyền thống hàng năm.

Xuất thân từ một vùng đất giầu truyền thống văn hóa và lịch sử như vậy, tất nhiên tôi được thừa hưởng để tạo những cảm hứng trong công việc mà đặc biệt là công việc sáng tạo nghệ thuật. Chính vùng đất này đã nuôi dưỡng tâm hồn nghệ thuật và góp phần quan trọng tạo nên tư tưởng nghệ thuật và phong cách của tôi. Tôi đã viết kịch bản phim từ những năm 1980 với phim “Đồng đội” và sau đó là những phim “Hoang tưởng”, “Hồng hải tặc” (phim hợp tác với một đơn vị của Hồng Kông, phát hành trong và ngoài nước)… Và sau này là những phim được giới điện ảnh đánh giá cao về nghệ thuật như phim “Những người thợ xẻ” (Bông sen bạc của Liên hoan phim Việt Nam và Cánh diều Bạc của Hội Điện ảnh Việt Nam), phần 2, phần 3 của bộ phim truyền hình dài tập “Những đứa con biệt động Sài Gòn”…

Tôi tự hào vì trong lĩnh vực của mình, tôi đã làm được một số tác phẩm cho quê hương Quảng Yên nói riêng và Quảng Ninh nói chung. Đơn cử như các tác phẩm” Phim truyện Đảo Khát (Huy chương bạc LHTH toàn quốc năm 2008) Con đường sáng (15 tập) về anh hùng tình báo quê Móng Cái, người duy nhất được phong tặng 2 danh hiệu cùng lúc Huân chương Hồ Chí Minh và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; phim ký sự: Văn hoá Thăng Long vùng cửa biển, Người Thăng Long đi mở đất, Làng Rừng, Thông điệp Bạch Đằng Giang (giải Nhì liên hoan phim Quốc tế tại Hà Nội)…

Đầm Tây Long (xã Hoàng Tân, TX Quảng Yên).
Quảng Yên và Quảng Ninh nói chung tự hào là một đỉnh trong tam giác kinh tế đặc biệt vùng đồng bằng sông Hồng. Tôi tự hào khi những năm gần đây Quảng Ninh nổi lên trở thành một trong những đầu tàu phát triển của khu vực phía Bắc, trở thành tỉnh đi tiên phong trong rất nhiều lĩnh vực như cải cách hành chính, phát triển đô thị, thu hút đầu tư vv… và rất nhiều lĩnh vực khác. Nghe nói Quảng Yên sẽ trở thành thành phố sinh thái trong tương lai gần. Đó thật sự là tín hiệu đáng mong đợi của một người con của Quảng Yên như tôi.


T

ôi sinh ra và lớn lên tại đảo Hà Nam, vùng đất mang đậm nét văn hoá của ngư dân miền biển đan xen với nét văn hóa từ kinh thành Thăng Long xưa lưu truyền từ ngàn đời nay. Mẹ tôi là một ca nương hát đúm có tiếng ở vùng đảo Hà Nam thời xưa. Có lẽ bởi vậy mà ký ức tuổi thơ gắn bó với Quảng Yên trong tôi chính là những làn điệu, câu hát đúm. Tôi hay nghe mẹ và các cụ trong làng kể hát Đúm ở xã Hà Nam đã có lịch sử từ hơn 500 năm, khi 19 vị Tiên công đến khai phá vùng đất Hà Nam - huyện Yên Hưng xưa (nay là TX Quảng Yên). Ngày còn bé mỗi khi mẹ đi hát đúm ở lễ hội miếu Tiên Công, tôi lại trốn theo để nghe, rồi lại ngân nga theo lời mẹ hát. Và từ năm 18 tuổi, tôi tham gia hát đúm. Ngày ấy, cứ khi có hội làng, hội xuân hay động viên nhau quên đi mệt nhọc trong lao động rồi những lần hẹn hò của đôi trai gái tuổi mười tám, đôi mươi, chúng tôi lại cùng nhau hát đúm. Những câu hát trầm ấm chan chứa nghĩa tình, bày tỏ, gửi gắm lòng yêu thương, lời hẹn ước. Mọi người khi hát đã say thì quên ăn, quên sớm tối, hát thâu đêm. Mỗi mùa hát có nhiều đôi đã nên vợ nên chồng.

Hát đúm tại đình Cốc.

Hát đúm là một lối hát đối đáp, nó bắt nguồn từ những câu nói giản dị hàng ngày được dân gian biến tấu cho có thanh vần, sau đó được ngân nga theo giai điệu đã định hình. Hát đúm Quảng Yên khác với hát đúm các vùng biển khác bởi lối hát giọng thổ thật giọng và dân dã, ca từ chủ yếu là các lời cổ, nghe phải thấm mới hiểu và khi hiểu rồi mới có thể hát hay được.

Gần 50 năm tôi gắn liền với hát đúm. Hát đúm như sắc hương hoa đồng cỏ nội. Nó dịu dàng giản dị mà chân thành. Nó như bản chất của người Quảng Yên quê tôi mộc mạc, thôn dã vậy.

“Rằng duyên kết bạn mình ơi!

Đầu năm xem hội Tiên Công

Bước vào trong hội cất ngay tiếng chào

Lòng tôi nay vẫn khát khao

Mong sao Mong sao đến hội tôi vào hát ca

Tôi chào quý khách gần xa

Tôi chào tất cả bạn xa bạn gần…”

(Trích Bài Hát Chào trong cuốn Hát đúm Làng Đảo Hà Nam - Quảng Yên - Quảng Ninh)

Những câu hát giản dị, chân chất của người dân cũng là lời mời gọi bạn bè đến với lễ hội Tiên Công - một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất, mở đầu hàng năm của huyện Yên Hưng. Đây cũng là dịp để mọi người dân nơi đây cùng hướng về cội nguồn tổ tiên, là dịp ôn lại những truyền thống tốt đẹp của cha ông, nét đặc trưng của người xã đảo Hà Nam.

Tục Hát đúm Hà Nam ngày nay vẫn được duy trì trong các lễ hội của Quảng Yên như: Lễ hội Tiên Công, Lễ hội Bạch Đằng… Những điệu hát cổ như hát chào, hát hỏi, hát giao duyên, mời trầu… hát ra về lại được cả các nghệ nhân và người xem hội hát lên, hòa cùng một nhịp. Đó cũng là cơ hội để chúng tôi ôn lại bao làn điệu hát đúm ngày xưa. Cũng từ đó, nhen nhóm niềm hy vọng hát đúm được bảo tồn, duy trì, từ đời này sang đời khác để kế thừa, phát huy, lưu giữ bất thành văn được di sản văn hóa quý báu này. Tâm niệm đấy đã thôi thúc tôi suốt 20 năm qua ròng rã đi đến các xã phường của TX Quảng Yên tìm gặp người cao tuổi để lắng nghe, sưu tầm và ghi chép các câu hát đúm của vùng đất giàu truyền thống văn hóa này. Có những ngày tôi đạp xe hàng chục cây số chỉ để được nghe, được cảm nhận cái hay của một làn điệu hát đúm cổ nào đó. Hai tập sách Hát đúm Hà Nam - Yên Hưng và Làng đảo Hà Nam TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh là những công trình tôi đã dày công sưu tầm, chắt lọc và gửi gắm bao tâm huyết. Nó gắn liền với cả cuộc đời tôi, là những ký ức thân thiết về quê hương, gia đình và mẹ tôi…

Đến Quảng Yên hôm nay, có lẽ hầu hết chúng ta đều hình dung về một thị xã trẻ đang vươn mình đổi thay không ngừng. Đó là một Quảng Yên với những khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, khu đô thị hiện đại, thông minh đang từng bước hình thành. Song, nếu đã từng đặt chân đến đây, từng gắn bó, từng nhớ về mảnh đất này, chắc hẳn mỗi người sẽ không thể quên được hình ảnh về một Quảng Yên giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, về nét đẹp trong từng làn điệu, câu hát đúm của người dân vùng đảo Hà Nam.

Dù có bận bịu với những bao lo toan, bộn bề cuộc sống nhưng không gì có thể dập tắt được ngọn lửa đam mê với hát đúm trong tôi. Tôi luôn mong muốn sẽ mang được niềm say mê, tình yêu, sự trân trọng với hát Đúm truyền lại cho các thế hệ. Tôi cùng những nghệ nhân yêu hát Đúm của vùng đất Quảng Ninh đang từng ngày dồn nỗ lực, tâm huyết để sưu tầm và truyền dạy lại nghệ thuật hát Đúm cho lớp con cháu với niềm hy vọng góp phần bảo tồn và phát huy giá trị loại hình di sản phi vật thể độc đáo của vùng cửa biển Bạch Đằng vùng duyên hải Quảng Ninh. 


T

ôi sinh ra và lớn lên ở xã Cẩm La, TX Quảng Yên. Cụ tổ họ tôi là Tiên Công Lê Khép và Lê Mở là 2 trong 17 vị Tiên Công năm 1434 đã đến vùng đất này quai đê lấn biển. Thời gian ấy, nhiều nhóm Tiên công ở vùng châu thổ sông Hồng đã xuống đây quai đê lấn biển lập nên đảo Hà Nam. Họ mang theo bản sắc văn hóa người Việt ở vùng cửa biển này.

Trong tôi đã sớm yêu thích và trân trọng những kỷ vật lịch sử, sớm đam mê văn hóa của quê hương. Có lẽ bởi vậy nên khi còn trẻ, học xong phổ thông ra trường, bạn bè nhiều người đều muốn theo học ngành kinh tế để thuận lợi cho phát triển kinh tế sau này, còn bản thân tôi lại lựa chọn theo học ngành bảo tồn bảo tàng - một ngành học vất vả với công tác nghiên cứu, sưu tầm, đòi hỏi sự tỉ mỉ, chi tiết. Nhưng tôi nghĩ có lẽ là do cái nghiệp mà quê hương mình giao phó.

Ngã tư Quảng Yên xưa.

Khi học xong, tôi có rất nhiều cơ hội được công tác ở Hà Nội, ở tỉnh nhưng không hiểu sao tôi vẫn thích về quê hương công tác. Rồi hơn 20 năm gắn bó với vị trí Trưởng phòng Văn hóa TX Quảng Yên, chính gắn bó với công việc ấy đã cho tôi có điều kiện được tìm hiểu về lịch sử, bản sắc văn hóa của địa phương, để có điều kiện viết bộ sách nhằm góp phần phục hồi phục dựng lại và phát huy giá trị lịch sử gần 200 di tích trên địa bàn. Chính cái ngành bảo tồn, bảo tàng với những kiến thức về sử học, về bảo tàng, về bảo tồn, về văn hóa đã giúp cho tôi bảo lưu được văn hóa cội nguồn.

Vùng Hà Nam, TX Quảng Yên quê tôi là một hòn đảo nổi chìm giữa cửa sông Bạch Đằng. Giới văn nghệ thì ví đảo như con mắt biển, canh trời, canh núi, canh sông cho quốc gia Đại Việt; có người còn viết về đảo như một con cá chép đang bơi về phía kinh thành Thăng Long. Dân sử học thì gọi sông Bạch Đằng và đảo Hà Nam là quan ải Bạch Đằng giang. Vùng đất địa linh nhân kiệt này ghi đậm dấu ấn lừng lẫy của chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 - một trong những trận chiến thắng oai hùng nhất, rực rỡ nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam ta. Chiến thắng lịch sử cùng di tích bãi cọc Bạch Đằng vẫn luôn hiện hữu trên vùng đất Hà Nam quê tôi, nhưng không phải ai cũng biết. Bởi vậy, trong suốt mấy chục năm công tác trong ngành văn hóa, cho đến khi đã về hưu, tôi vẫn tới từng di tích lịch sử để ghi chép, chụp ảnh lại các thần tích, sắc phong, văn bia, câu đối, đại tự, đi điền giã hỏi các cụ già lịch sử các vị thần được thờ, lịch sử hình thành của từng làng xã. Tôi không giỏi về Hán Nôm nhưng biết chữ nào thì dịch chữ đó. Rồi làm dần, từng ngày, từng tháng, trong suốt mấy chục năm để hình thành nên bộ sách Văn hóa Yên Hưng gồm 2 tập, mỗi tập gần 700 trang.

Những chi tiết về di tích, những làng nghề truyền thống, những tâm tư nguyện vọng của người làm nghề, việc bảo tồn các giá trị vật thể, phi vật thể ở quê hương… tôi đều ghi chép, chụp ảnh tỉ mỉ, lưu lại trong cuốn sách tâm huyết của đời mình. Bởi chính những tư liệu vật thể này đã bồi đắp cho tôi những cảm xúc và tình cảm trận trọng nâng cao với những chiến tích lịch sử, những con người, những nghề truyền thống của quê hương mình.

Nhất là sau khi xuất bản cuốn sách “Bạch Đằng di tích và huyền thoại” nhiều người dân trong cả nước, những người dân của quê chúng tôi đã biết được bãi cọc Đồng Má Ngựa, bãi cọc Bạch Đằng… hiểu được ý nghĩa lịch sử của trận chiến thắng oai hùng này, hiểu được thiên tài quân sự của Hưng đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Cũng di tích bãi cọc Bạch Đằng, trận địa bãi cọc, truyền thuyết Vua Bà… bà con nhân dân nơi đây biết đến công lao đóng góp của quân dân nhà Trần với người dân Yên Hưng làm nên chiến thắng lịch sử này. Quảng Yên còn là một trong những miền di tích về lễ hội. Ngoài những lễ hội lớn như lễ hội Tiên Công, Lễ hội xuống đồng, thì 23 làng cổ xưa đều có 23 lễ hội Đại kỳ phước của các làng, rồi các làng nghề truyền thống của người dân xã đảo Hà Nam…

Bởi vậy, việc bảo tồn di tích, phục dựng, bảo tồn các lễ hội cũng như làng nghề là tâm niệm suốt đời của người làm nghề bảo tồn, bảo tàng như tôi, của một người con vùng đất Bạch Đằng giang lịch sử này. Với niềm đam mê và nỗ lực của bản thân, tôi cũng đã góp phần lập hồ sơ khoa học để xếp hạng các di tích quốc gia. Bởi đây chính là cơ sở pháp lý cao nhất để giúp địa phương, nhân dân bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử trên địa bàn. Đến nay, nét văn hóa đặc trưng của TX Quảng Yên, văn hóa của người Việt vẫn còn hiện hữu ở vùng đất này với các di tích đều được tôn tạo khang trang, các lễ hội được phục dựng góp phần phát huy đời sống văn hóa cơ sở.

Giờ tuổi đã cao, nhưng tôi luôn muốn đóng góp vào việc bảo tồn lưu giữ các giá trị văn hóa lịch sử của địa phương. Với tôi đó chính là tình cảm tôi dành cho quê hương thân yêu của mình. Tôi sẽ tiếp tục đóng góp cho địa phương bằng những công trình như bộ sách Văn hóa Yên Hưng.


Thực hiện: Bảo Bình - Trúc Linh

Kỹ thuật đồ họa: Tất Đạt


Hòn Gai - Hạ Long: Thân quen như là hơi thở
Hòn Gai là cái tên xưa cũ của thành phố Hạ Long bây giờ. Đối với những người đã sinh ra và lớn lên hoặc có gần như cả cuộc đời gắn bó với mảnh đất này, Hòn Gai như là máu thịt, là một phần không thể thiếu. Trải qua thời gian, trải qua thăng trầm, đã có biết bao nhiêu đổi thay, nhưng với họ, Hòn Gai xưa - Hạ Long nay vẫn luôn thân quen như là hơi thở…
   
Nơi ta thấy cả dáng hình đất nước thân thương
Móng Cái đang trỗi dậy mạnh mẽ trong hình hài, diện mạo của một thành phố vùng biên năng động, hiện đại, luôn trong tốp đầu phát triển, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của tỉnh Quảng Ninh.
   
Miền trầm tích nơi cửa ngõ phía Tây
Đông Triều không chỉ là quê gốc của nhà Trần mà còn là vùng đất có bề dày truyền thống, cùng khí thế của một vùng đất cách mạng  hun đúc niềm tự hào thiêng liêng cho mảnh đất, con người Đông Triều vững bước đi lên hôm nay…
   
Cẩm Phả in dấu tâm hồn thợ Mỏ
Vùng mỏ Cẩm Phả bây giờ đã mang diện mạo của đô thị hiện đại, năng động, phát triển. Trải qua những thăng trầm, khó khăn và thách thức, những con người vùng mỏ ở thế hệ nào vẫn luôn sát cánh, đồng tâm, mạnh mẽ đứng lên.
   
Tiên Yên - Vơi đầy một miền ký ức
Tiên Yên là một vùng đất phong cảnh hữu tình, được thiên nhiên ban tặng những ưu đãi, một miền núi non kỳ vĩ, một bờ biển tươi đẹp, một vùng đồng bằng trù phú. Đây là địa bàn cư trú lâu đời của 13 dân tộc anh em với những bản sắc văn hóa đặc sắc.