4
18
/
1100229
Bình Dương gọi, chúng tôi sẵn sàng
longform
Bình Dương gọi, chúng tôi sẵn sàng

Từ ngày 6/9 đến nay đã gần một tháng kể từ ngày đoàn 20 y bác sĩ tình nguyện Quảng Ninh vào “chia lửa” cùng tỉnh Bình Dương chống dịch. Tranh thủ từng phút giây, nỗ lực trong từng khoảnh khắc, các y bác sĩ Quảng Ninh đã và đang cống hiến tất cả tâm sức để giành giật lại sự sống cho mỗi bệnh nhân. Giữa ngổn ngang những vất vả, chất chồng những hiểm nguy thì những “chiến sĩ áo trắng” vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan và lan toả năng lượng tích cực đến với bệnh nhân và cộng đồng, để tiếp thêm nhịp thở cho miền Nam ruột thịt vững tin vượt qua đại dịch, góp phần thổi bùng lên ngọn lửa quyết tâm chung sức, đồng lòng chống dịch của cả nước.

Có lẽ điều ai cũng cảm thấy ấm lòng trong suốt gần 2 năm u ám do Covid-19 hoành hành chính là nghĩa tình đồng bào tỏa sáng khắp nơi. Và hình ảnh của hàng nghìn nhân viên y tế trên khắp mọi miền đất nước đang dốc hết sức lực hỗ trợ miền Nam thân yêu trong cuộc chiến đấu với đại dịch thật sự đẹp đẽ và đáng trân trọng. Đất mỏ Quảng Ninh tự hào vì có những y bác sĩ như thế, những người luôn sẵn sàng bước vào “tuyến lửa”, sẵn sàng cống hiến vì sức khỏe và hạnh phúc nhân dân.

Đầu tháng 9 vừa qua, Quảng Ninh cử 20 cán bộ, y, bác sĩ tới hỗ trợ Bình Dương đẩy lùi dịch bệnh.

Nối tiếp hàng trăm y bác sĩ Quảng Ninh đã lên đường hỗ trợ công tác chống dịch tại các tỉnh Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, đoàn y bác sĩ tình nguyện Quảng Ninh chi viện cho “điểm nóng” Bình Dương đầu tháng 9 vừa qua gồm 20 thành viên với 6 bác sĩ và 14 điều dưỡng đến từ bệnh viện Bãi Cháy và bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả.

Đoàn được phân công nhiệm vụ phối hợp cùng các nhân viên y tế của Trung tâm Y tế Thuận An và đoàn 52 y bác sĩ tình nguyện tỉnh Phú Thọ trực tiếp làm nhiệm vụ thu dung và điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Trung tâm y tế Thuận An. Trong đó Đoàn y bác sĩ Quảng Ninh thực hiện điều trị và chăm sóc bệnh nhân tại 4 khoa, gồm: Cấp cứu 3 bác sĩ, khoa nhi 2 điều dưỡng, khoa xã hội hoá 3 bác sĩ và 8 điều dưỡng, khu hồi sức cấp cứu (ICU) 4 điều dưỡng.

Đoàn được phân công nhiệm vụ thu dung và điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Trung tâm y tế TP Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Bác sĩ Đào Hồng Ngự, Trưởng đoàn y bác sĩ tình nguyện Quảng Ninh tại Bình Dương, chia sẻ: Trong những ngày qua, Đoàn luôn nhận được sự quan tâm chu đáo từ các đồng chí lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo và anh em đồng nghiệp tại bệnh viện Bãi Cháy và bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả. Tại Bình Dương, lãnh đạo địa phương và Sở Y tế cũng rất quan tâm, luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để Đoàn sinh hoạt và công tác. Cùng với đó, anh em trong Đoàn đều xác định chuyến đi này không hẹn trước ngày về, quyết tâm đồng hành cùng địa phương chống dịch đến khi kiểm soát ổn định tình hình.

Trong Đoàn lần này, hầu hết đều là y bác sĩ trẻ, cũng có những người đã từng lên đường chi viện cho tâm dịch Bắc Giang trước đó, có đủ sức khỏe, kinh nghiệm, và dũng cảm để đương đầu với những khó khăn, vất vả phía trước. Song không vì thế mà trận chiến lần này dễ dàng hơn mà còn gian nan gấp bội phần, bởi số lượng bệnh nhân F0 rất lớn là áp lực không nhỏ cho nhân lực và thiết bị y tế...

Lượng bệnh nhân đông khiến hệ thống y tế luôn trong tình trạng quá tải.

Thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm Y tế Thuận An, đoàn y bác sĩ Quảng Ninh phối hợp với các đoàn y, bác sĩ khác tại khu vực phụ trách thực hiện điều trị cho bệnh nhân ở tầng 2 và 3 trong tháp điều trị Covid-19 3 tầng. Tức là tiếp nhận, thu dung và cấp cứu, điều trị cho F0 có triệu chứng từ nhẹ, trung bình đến nặng cùng các trường hợp cần hồi sức chuyên sau khi đã trải qua giai đoạn nguy kịch. Song thực tế số bệnh nhân ở tầng 3 rất nhiều, tập trung chủ yếu ở khoa cấp cứu và khu ICU khiến hệ thống y tế luôn trong tình trạng quá tải.

“Ngay ngày đầu tiên đến nhận công tác tại Trung tâm Y tế Thuận An – tâm dịch Covid-19 tại Bình Dương, số lượng bệnh nhân lớn, khiến chúng tôi không khỏi lo lắng. Nhưng cảm xúc ấy nhanh chóng được gạt sang một bên khi chúng tôi bắt tay vào công việc. Xác định làm hết việc chứ không hết giờ, tất cả mọi người đều nêu cao quyết tâm, cùng dặn nhau thêm cố gắng” – Bác sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa, đoàn y bác sĩ tình nguyện Quảng Ninh, bộc bạch.

Vào đến tâm dịch, mỗi y bác sĩ đều trở thành người thân, túc trực bên bệnh nhân mỗi ngày. Bởi thế, hình ảnh về những bệnh nhân già yếu, thậm chí đã bị lẫn, không có người chăm, mọi sinh hoạt đến vệ sinh đều do các y bác sĩ hỗ trợ chăm sóc hoàn toàn vô cùng đáng thương.

Hay trường hợp cả gia đình 6-7 người đều vào khoa điều trị nằm kín một buồng bệnh, người nặng, người nhẹ với những bất an thường trực về sự ra đi, chia lìa có thể ập đến bất cứ lúc nào; đặc biệt sự ra đi đầy tiếc nuối của những người trẻ. Rồi tiếng tít tít, âm thanh đều đều chạy liên tục của các loại máy thở, thiết bị y tế.... Tất cả sẽ trở thành những ký ức mỗi y bác sĩ không bao giờ quên ở nơi đây.

Vào đến tâm dịch, mỗi y bác sĩ đều trở thành người thân, túc trực bên bệnh nhân mỗi ngày.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Thiêm (SN 1979) hiện công tác tại bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả cũng là thành viên lớn tuổi nhất trong đoàn y bác sĩ Quảng Ninh lần này. Với 15 năm gắn bó với nghề, chị Thiêm được giao nhiệm vụ chăm sóc các bệnh nhân có triệu chứng nặng.

Những ngày đầu, chị cùng các y bác sĩ trong đoàn đều gặp khó khăn khi giao tiếp với các bệnh nhân do chưa nghe quen tiếng địa phương, nhiều khi bệnh nhân phải viết giấy mới đọc hiểu. Vì vậy, cùng với chăm sóc, chị thường xuyên trò chuyện, động viên tinh thần, giúp bệnh nhân hiểu hơn về tình trạng bệnh để mọi người an tâm, tích cực điều trị cũng như giúp chị hiểu và có thể hỗ trợ cho bệnh nhân tốt nhất.

Mặc đồ bảo hộ rất nóng nhưng là đây là vật bất ly thân của các y bác sĩ khi thực hiện nhiệm vụ.

Chị Thiêm chia sẻ: Do phải mặc đồ bảo hộ trong quá trình điều trị rất nóng dẫn tới mất nước và nguy cơ lây nhiễm cao nếu thời gian ở trong môi trường lây nhiễm kéo dài. Vì vậy, anh em trong đoàn không phân biệt việc nhiều ít, nặng nhẹ mà luôn kịp thời san sẻ, thấy việc là chủ động làm để mỗi người có thể tranh thủ nghỉ ngơi tiếp nước. Tất cả đều cuốn vào guồng quay công việc để chạy đua với mỗi nhịp thở của bệnh nhân.

Bàn tay của các y bác sĩ sau nhiều giờ làm việc trong lớp áo bảo hộ.

Mặc dù là trưởng đoàn phải quán xuyến rất nhiều nhiệm vụ nhưng với kinh nghiệm từ lần chống dịch tại Bắc Giang, lần này, bác sĩ Đào Hồng Ngự cũng tiếp tục tham gia trực tiếp khám, điều trị ngay từ đầu như các anh em trong đoàn. Từ đây, kịp thời hỗ trợ chuyên môn cho đồng nghiệp cũng như nắm bắt đầy đủ diễn biến tình trạng sức khỏe của bệnh nhân khu vực đoàn phụ trách.

Bác sĩ Đào Hồng Ngự kể: Làm việc tại khoa cấp cứu, chính mình cũng phải giữ cho mình tâm lý, tinh thần thép mỗi khi phải chứng kiến bệnh nhân tử vong vì Covid-19. Cũng không thiếu những bệnh nhân ra đi mà phải liên lạc chờ hai ba ngày mới có người thân đến nhận vì thực tế người nhà của họ hiện cũng đang điều trị Covid-19 tại các khu cách ly hay các bệnh viện khác. Áp lực nhiều, trăn trở không ít nhưng chúng tôi vẫn luôn cố gắng tìm kiếm, chắt chiu những nụ cười, ánh mắt hy vọng của bệnh nhân khi đã vượt qua cơn nguy kịch. Đó thật sự là liều vắc xin tinh thần quý giá nhất đối với chúng tôi mỗi ngày. Hết mình, tận tâm cứu chữa cho người bệnh song tôi luôn nhắc nhở anh chị em phải tuân thủ nghiêm kỷ luật để đảm bảo an toàn cho đoàn. Bởi chúng ta vào đây để làm nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch, mà muốn làm được điều đó thì trước hết mình phải an toàn. Còn ngược lại, chúng ta không những không hỗ trợ được mà còn trở thành gánh nặng thêm cho địa phương.

Tình người ấm áp là nguồn sức mạnh để chiến thắng đại dịch.

Giữa cam go cuộc chiến chống dịch này vẫn luôn luôn có một thứ ánh sáng diệu kỳ, tiếp thêm sức mạnh để chiến thắng đại dịch. Đó là ánh sáng của tình người ấm áp, tình yêu thương, đùm bọc, sẻ chia trong hoạn nạn.

Đoàn y bác sĩ tình nguyện Quảng Ninh lên đường hỗ trợ Bình Dương chống dịch lần này đã mang theo tinh thần ấy, nguyện gánh vác thêm gian khổ trên vai, sát cánh cùng cả nước kiên cường chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh. Đây chính là lời hồi đáp đầy tâm huyết của mỗi y bác sĩ với sứ mệnh nghề Y cao quý và với quê hương, Tổ quốc.

Anh Vũ Văn Đức (SN 1995), bác sĩ ngoại khoa bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả, Phó trưởng đoàn y bác sĩ tình nguyện Quảng Ninh:

Với Covid-19, nhiều bệnh nhân chuyển từ nhẹ lên vừa, rồi nặng, thậm chí nguy kịch trong thời gian rất ngắn. Có trường hợp bệnh nhân chuyển nặng, suy hô hấp, có chỉ định chuyển khu ICU điều trị nhưng khu đó đã kín giường bệnh không thể nhận thêm nữa, chúng tôi không thể làm gì khác, đứng cả tiếng bên cạnh bệnh nhân vừa động viên “Bác chịu khó hít thở đều vào nha”, vừa liên tục gọi chuyển bệnh nhân đi viện khác để nâng cao khả năng cứu sống bệnh nhân. Có trường hợp khi vào viện thì con chăm mẹ, nhưng vài hôm sau thì mẹ chuyển sang khoa cấp cứu vì bệnh chuyển biến nặng, rồi hôm sau thì chỉ còn mỗi con...

Cứ như thế, mỗi ngày điều tồi tệ nhất với tôi và các y bác sĩ đã tham gia điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 không phải làm việc cật lực đến kiệt sức mà là trải qua cảm giác nhói lòng khi nhìn bệnh nhân ra đi. Là những bệnh nhân nhiễm Covid-19 nên hầu hết sẽ không được gặp người thân lần cuối để phòng ngừa lây lan dịch bệnh, vì vậy sự ra đi trong cô đơn của các bệnh nhân càng khiến chúng tôi thêm xót xa.

Anh Nguyễn Hữu Nghĩa (SN 1993), bác sĩ khoa Hồi sức tích cực và chống độc, bệnh viện Bãi Cháy, đoàn y bác sĩ tình nguyện Quảng Ninh:

Tôi rất thích những câu thơ giản dị trong bài thơ “Nếu anh không về” của anh Vũ Quốc Tuấn, một giáo viên dạy Toán ở tỉnh Phú Thọ từ một lần tôi vô tình đọc được trên mạng “Nếu anh không về trong buổi chiều nay/Em đừng buồn và âu lo quá nhé/Nhớ đón con và động viên cha mẹ/Bởi Tổ quốc cần, anh chẳng thể ngồi yên”.... Đọc câu thơ ấy có lẽ không chỉ tôi mà nhiều người – những lực lượng trên tuyến đầu chống dịch sẽ thấy mình trong đó.

Những ngày mải miết đi chống dịch thì mọi công việc, gia đình đều phải gác lại một bên, gửi gắm hoàn toàn nơi hậu phương. Và tôi may mắn khi có bố mẹ, vợ con luôn thấu hiểu, tin tưởng, ủng hộ, tiếp thêm cho tôi ý chí, sức mạnh trên chặng đường chống dịch còn nhiều gian khổ.

Anh Nguyễn Hữu Nghĩa trò chuyện với gia đình qua facetime.

Khi tôi đi chống dịch ở Bắc Giang được 11 ngày thì vợ tôi sinh con gái đầu lòng, đến nay cháu đã hơn 3 tháng tuổi nhưng vì cách ly, giãn cách tôi chưa thể về thăm hai mẹ con, thì nay lại tiếp tục lên đường vào Bình Dương. Những yêu thương vẫn được trao đi nhờ những tin nhắn zalo, những cuộc gọi facetime ngắn ngủi tranh thủ hỏi thăm, động viên nhau cùng cố gắng sau ca làm việc mỗi ngày còn nỗi nhớ mong thì tạm gói gọn lại trong tim. Nhưng tôi tin một ngày không xa, tôi có thể ôm con gái nhỏ vào lòng, cùng nhau xem những hình ảnh, thước phim về các y bác sĩ đi chống dịch và tự hào kể với con về những ngày bố đã xung phong “ra trận” như thế.

Chị Trịnh Thị Diệp Anh (SN 1998), điều dưỡng khoa Nội tổng hợp, bệnh viện Bãi Cháy, đoàn y bác sĩ tình nguyện Quảng Ninh:

Ngay khi khoa có thông báo phát động các y bác sĩ tham gia chống dịch tại Bình Dương tôi đã xung phong đăng ký tham gia ngay. Khi biết tin tôi tham gia đoàn tình nguyện, gia đình và bạn bè rất lo lắng vì tình hình dịch bệnh tại phía Nam đang rất phức tạp. Chính tôi phải động viên lại mọi người là đã được tập huấn đầy đủ kiến thức cũng như trang bị về tiêm phòng, bảo hộ để hạn chế tối đa bị nhiễm Covid-19 khi đi vào vùng tâm dịch. Song tôi nghĩ đây không chỉ đơn thuần là một cuộc rèn luyện về chuyên môn mà còn là một dịp để rèn luyện tư cách, trách nhiệm của một nghề cứu người. Tuổi trẻ cho đi là tuổi trẻ còn mãi... và là một người trẻ tôi tin vào điều đó, tin vào những điều mình lựa chọn, dấn thân.

Bảo vệ bản thân mình giữa tâm dịch là điều tối quan trọng của một nhân viên y tế.

Những ngày ở Bình Dương - nơi vừa là tuyến đầu căng thẳng chống dịch, song với tôi ở đó còn có điểm tựa là một đại gia đình đoàn kết, gắn bó, giúp tôi – cô em út trong đoàn chưa từng đi đâu xa nhà quá 20 ngày thêm mạnh mẽ, quyết tâm. Anh em trong đoàn luôn yêu thương, sẵn sàng sẻ chia với nhau từng bữa ăn vội vã giữa hành lang bệnh viện, hay những đêm chia giấc chưa tròn... Tất cả để chờ đón một ngày mai trọn vẹn bình yên, trọn vẹn hạnh phúc.


Thực hiện: Minh Thu - Nguyễn Dung

Kỹ thuật đồ họa: Đỗ Quang


Mùa hè bỏng rát ở Bắc Giang
Đối với hơn 200 chiến sỹ áo trắng của Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển, đó là mùa hè rực lửa, mùa hè của thử thách, mùa hè của thực hành y tế và đạo đức về lời thề Hippocrates…   
   
30 ngày "chia lửa" cùng Tây Ninh
Hàng trăm cuộc chiến sinh tử đã diễn ra tại khu ICU- tầng điều trị cao nhất bệnh nhân Covid-19 ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh. Áp lực đến với y bác sĩ của Quảng Ninh cũng như Tây Ninh rất lớn, thậm chí có lúc căng thẳng đến “nghẹt thở”.
   
Hà Nội - Một tuần "thần tốc"
Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, 8h ngày 10/9, đoàn cán bộ y tế Quảng Ninh gồm 191 người lên đường đến TP Hà Nội nhận nhiệm vụ hỗ trợ huyện Chương Mỹ lấy mẫu xét nghiệm và tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho toàn dân.   
   
Hẹn ngày TP Hồ Chí Minh trở lại yên bình
Đoàn y tế Quảng Ninh đã tham gia điều trị cho gần 1.000 bệnh nhân ở Bệnh viện thu dung số 6 và tiếp nhận, thu dung, điều trị cho hơn 4.400 bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến số 12. Đến nay đã có hơn 3.330 bệnh nhân được khỏi bệnh, ra viện.