4
18
/
1100233
Hà Nội - Một tuần “thần tốc”
longform
Hà Nội - Một tuần “thần tốc”

Hà Nội “ốm” rồi! Những ca Covid-19 xuất hiện rải rác trong cộng đồng ở nhiều quận, huyện trong nhiều ngày liên tiếp khiến Thủ đô phải thực hiện lệnh giãn cách, phong tỏa. Với mục tiêu kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 trước ngày 15/9, TP Hà Nội quyết định khẩn trương thực hiện “2 mũi chủ công”: Xét nghiệm diện rộng và tiêm phủ vắc xin phòng Covid-19.

Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, Quảng Ninh đã cử gần 200 “chiến sĩ áo trắng” lên đường chi viện giúp Thủ đô.

Chiều 8/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ban hành kế hoạch tiêm vắc xin cho 100% người dân trên 18 tuổi và xét nghiệm diện rộng toàn thành phố. Theo kế hoạch, đến ngày 15/9 phải xét nghiệm 100% các trường hợp có biểu hiện ho, sốt.

Để hoàn thành kế hoạch mang tính “thần tốc”, quyết định sự “thành-bại” việc kiểm soát thành công dịch Covid-19, có 11 tỉnh, thành phố tham gia hỗ trợ Hà Nội trong công tác xét nghiệm và tiêm chủng.

“Hà Nội gọi, Quảng Ninh đáp lời” - ngay ngày 9/9, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh ký quyết định điều động nhân lực tham gia hỗ trợ TP Hà Nội chống dịch. Theo đó, 8h ngày 10/9, đoàn cán bộ, nhân viên y tế Quảng Ninh gồm 191 người lên đường đến TP Hà Nội nhận nhiệm vụ hỗ trợ huyện Chương Mỹ lấy mẫu xét nghiệm và tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho toàn dân.

Đoàn cán bộ, nhân viên y tế Quảng Ninh lên đường hỗ trợ huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội.

Đoàn tình nguyện đến Hà Nội lần này là cán bộ y tế, giáo viên và sinh viên của Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh, Bệnh viện Y dược cổ truyền, Bệnh viện Phục hồi chức năng… Các thành viên đều đã được tập huấn thường xuyên về công tác phòng chống dịch bệnh, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm phòng. Có nhiều người từng tham gia hỗ trợ chống dịch tại các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, TX Đông Triều…

“Dịch Covid-19 ở Hà Nội đang ngày càng nóng lên, Hà Nội cần chúng ta chi viện - câu nói của lãnh đạo ngành Y tế Quảng Ninh đã thôi thúc chúng tôi nhanh chóng lên đường. Chỉ có 1 ngày để chuẩn bị nên chúng tôi cố gắng sắp xếp việc nhà, việc cơ quan ổn thỏa để sẵn sàng tiến về Hà Nội” - Bác sĩ Phạm Thị Mai Hương, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh, chia sẻ.

Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh được tập huấn kỹ càng trước khi tham gia chống dịch.

Bác sĩ Lê Thị Thuý Nga (Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và quan hệ quốc tế, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh), Trưởng đoàn cán bộ, nhân viên y tế tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại huyện Chương Mỹ, bày tỏ: “Cũng như những đợt dịch trước, chúng tôi đều tình nguyện lên đường chống dịch, sẻ chia khó khăn với nhân dân các tỉnh, thành phố. Lần này Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước cần giúp sức, vì vậy, khi được huy động chúng tôi sẵn sàng “tiếp sức”. Đặc biệt, có nhiều sinh viên của Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh đăng ký tình nguyện tham gia. Chúng tôi mong muốn đóng góp một phần nhỏ sức lực của mình góp phần đẩy lùi dịch bệnh, mang lại bình yên cho Thủ đô và đất nước”.


Đoàn cán bộ, nhân viên y tế Quảng Ninh xuất quân tham gia chống dịch tại Hà Nội.

11h ngày 10/9, Đoàn Quảng Ninh có mặt tại huyện Chương Mỹ. Sau bữa cơm trưa, Đoàn chia làm 32 nhóm xuống 32 xã, thị trấn của huyện để làm nhiệm vụ. Xã đông dân thì nhóm gồm 7-8 người, xã ít dân nhóm gồm 4-5 người. Nhóm đi lấy mẫu xét nghiệm, nhóm tiêm vắc xin, có nhóm vừa tiêm vừa lấy mẫu xét nghiệm.
Cán bộ, nhân viên y tế Quảng Ninh bắt tay vào công việc ngay sau khi đến huyện Chương Mỹ.

Theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, cần truy vết thần tốc, loại hết F0 ra khỏi cộng đồng, đồng thời, tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho nhân dân để tạo ra những “vùng xanh” an toàn. Đến thời điểm ngày 10/9, Chương Mỹ đang là “vùng xanh” của Hà Nội và đang triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc Chỉ thị 15 ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

“Gấp rút, nhanh chóng, chạy đua với thời gian, sớm được phút giây nào thì nguy cơ dịch bệnh sẽ được loại trừ sớm phút giây đó. Chúng tôi xác định càng là “vùng xanh” càng phải hết sức cẩn trọng, nhanh chóng, chắc chắn, an toàn trong xét nghiệm diện rộng và tiêm phòng vắc xin. Đó là một tuần làm việc gần như không có thời gian ngơi nghỉ của tôi và các anh em nhân viên y tế của Đoàn Quảng Ninh và huyện Chương Mỹ. Rất may, khu vực chúng tôi làm nhiệm vụ không phát hiện ca F0 nào” - Bác sĩ Phạm Thị Mai Hương cho biết.

Không giống như khu vực bác sĩ Mai Hương phụ trách, ở xã Thụy Hương ngay trong buổi lấy mẫu, xét nghiệm đầu tiên, Đoàn nhân viên y tế của Quảng Ninh đã phát hiện một số trường hợp có biểu hiện bất thường như ho, sốt, lấy mẫu test nhanh cho kết quả dương tính. Đang là “vùng xanh”, Thụy Hương có nguy cơ cao trở thành “vùng đỏ”.

Xã Thụy Hương bị phong tỏa sau khi phát hiện 5 ca F0 trong cộng đồng.

Xã Thụy Hương có gần 10.000 dân. Đoàn Quảng Ninh cử 6 cán bộ y tế và sinh viên đến làm việc, do bác sĩ Vũ Trọng Tâm, Bệnh viện Y dược cổ truyền Quảng Ninh, làm trưởng nhóm.

Nguyễn Tuấn Cường, sinh viên năm 3, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh, là người tiếp xúc đầu tiên với người nghi nhiễm Covid-19. Ngay lập tức, Cường báo cho bác sĩ Vũ Trọng Tâm và chính quyền địa phương để sẵn sàng phương án khi xuất hiện F0.

Đến 19h00’ ngày 10/9, kết quả xét nghiệm Realtime PCR của Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ cho kết quả khẳng định 5 người dân xã Thụy Hương dương tính với SARS-CoV-2. Lập tức, 5 người này được khoanh vùng và điều tra dịch tễ.

Ngay trong đêm hôm ấy, Nguyễn Tuấn Cường cùng đội ngũ cán bộ y tế trong đoàn và lực lượng tham gia chống dịch xã Thụy Hương đã có một đêm thức trắng để truy vết F1, F2, F3. Huyện Chương Mỹ quyết định cách ly toàn xã Thụy Hương với hơn 2.000 hộ dân và gần 10.000 nhân khẩu để khoanh vùng dập dịch. Đồng thời, huyện điều động cán bộ y tế thuộc Đoàn cán bộ y tế tình nguyện của tỉnh Hòa Bình, Quảng Ninh tăng cường hỗ trợ địa phương trong công tác lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Xét nghiệm thần tốc xuyên đêm nhằm truy vết F0 ở xã Thụy Hương.

“Ngày 11/9, Đoàn tăng cường thêm 16 cán bộ ở xã khác tới Thụy Hương để thần tốc truy vết, lấy mẫu toàn dân làm xét nghiệm bóc tách F0. Làm việc cả đêm ngày 11/9, chúng tôi đã lấy mẫu xong cho toàn bộ dân của xã để làm xét nghiệm. May mắn là không phát hiện thêm ca dương tính nào. Đến 22h ngày 12/9, tức là chỉ trong hơn 2 ngày, chúng tôi đã hỗ trợ tiêm xong vắc xin phòng Covid-19 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên của xã Thụy Hương. Chưa khi nào tôi tham gia một “chiến dịch” thần tốc như vậy, vất vả như vậy nhưng thấy rất nhẹ nhõm khi đã góp phần loại trừ Covid-19 ra khỏi cộng đồng” - Nguyễn Tuấn Cường chia sẻ.

Theo kế hoạch, đến hết ngày 15/9, huyện Chương Mỹ sẽ tổ chức xét nghiệm diện rộng cho toàn bộ người dân có mặt trên địa bàn ít nhất 1 lần. Các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... sẽ được xét nghiệm để phát hiện sớm nguồn lây. Việc lấy mẫu xét nghiệm được thực hiện theo phương châm “cuốn chiếu”, gọn theo địa bàn dân cư.

Đồng thời, huyện đặt mục tiêu sẽ tiêm chủng mũi 1 và 2 cho 233.636 người trong độ tuổi từ 18 tuổi trở lên. Việc tiêm vắc xin phải đảm bảo an toàn, hiệu quả, đúng đối tượng, sử dụng vắc xin ngay sau khi được phân bổ trong thời gian sớm nhất. Bố trí các kíp trực, chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ phương tiện, trang thiết bị, cơ số thuốc phục vụ công tác cấp cứu khi xảy ra tình huống phản ứng sau tiêm.

Từ ngày 9/9, Hà Nội bắt đầu bước vào tuần tiêm chủng "thần tốc" với 1.600 dây chuyền tiêm trên địa bàn thành phố hoạt động liên tục, các điểm tiêm chủng đều mở tối đa công suất. Làm nên bước chuyển đột phá này, ngoài lực lượng y tế Thủ đô, đã có hơn 3.000 nhân lực y tế của các tỉnh, thành phố, trong đó có Quảng Ninh, hỗ trợ Hà Nội thực hiện công tác xét nghiệm, tiêm chủng.

Đây là một khối lượng công việc lớn lại thực hiện trong một thời gian ngắn, do vậy tất cả các lực lượng trên địa bàn huyện đều nỗ lực, cố gắng, tận dụng “thời gian vàng” để triển khai công tác xét nghiệm thần tốc cũng như tiêm chủng vắc xin cho người dân.

Hoàn thành hai mục tiêu quan trọng trên là cơ sở, tiền đề để địa phương nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, dần đưa nhịp sống, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trở lại trạng thái bình thường mới sau gần 2 tháng thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Di chuyển bằng xe tải, "tắm" trong bộ đồ bảo hộ ướt sũng mồ hôi, tất cả vì mục đích chặn đứng dịch ngay khi khởi phát.

Cùng với Đoàn nhân viên y tế tỉnh Hòa Bình, Đoàn nhân viên y tế Quảng Ninh đã không quản ngại khó khăn, vất vả, ngày đêm, phối hợp nhịp nhàng, hỗ trợ huyện Chương Mỹ tổ chức xét nghiệm, tiêm chủng đảm bảo an toàn, hiệu quả, đúng tiến độ.

Chỉ sau 2, 3 ngày, thông tin hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng ở từng xã liên tiếp được báo về. Ngày 12/9, nhóm cán bộ y tế Quảng Ninh hoàn thành hỗ trợ tiêm chủng cho toàn dân xã Thụy Hương. Ngày 14/9, hoàn thành nhiệm vụ lấy mẫu và tiêm chủng ở xã Phú Nam An, tiếp tục tăng cường cho xã Hoàng Diệu. Ngày 15/9, toàn bộ 32 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Chương Mỹ đã cơ bản hoàn thành công tác lấy mẫu xét nghiệm và tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 cho công dân đủ tuổi từ 18 trở lên.

Phút giây thư thái nhẹ nhõm sau chuỗi ngày thần tốc đẩy lùi dịch bệnh.

Trong kết quả của những ngày làm việc “thần tốc” này, Đoàn nhân viên y tế Quảng Ninh góp phần lấy được trên 84.000 mẫu làm xét nghiệm; đóng góp vào kết quả tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 cho người dân huyện Chương Mỹ đạt 88%.

Đặc biệt, sáng ngày 15/9, 191 người của Đoàn Quảng Ninh được lấy mẫu làm xét nghiệm RT-PCR, tất cả đều cho kết quả âm tính. 15h ngày 16/9, đoàn trở về Quảng Ninh an toàn và thực hiện cách ly theo quy định.

Ngày 16/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã gửi thư cảm ơn đến Đoàn y, bác sĩ, nhân viên y tế Quảng Ninh nói riêng và Đảng bộ, nhân dân tỉnh Quảng Ninh nói chung. Trong thư Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh: Đây là tấm lòng, tình cảm, sự giúp đỡ hết sức có ý nghĩa đối với chính quyền và nhân dân Thủ đô trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, thể hiện tình cảm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh nói riêng, nhân dân cả nước nói chung với Thủ đô, thắm đượm tinh thần “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội”.

Đáp lại lời hiệu triệu của ngành Y tế Quảng Ninh, tôi xung phong lên đường hỗ trợ TP Hà Nội. Chỉ có 1 ngày để chuẩn bị, sắp xếp viêc nhà, việc cơ quan, điều tôi lo nhất là 2 con nhỏ. Chồng tôi đi công tác, đang ở vùng phải giãn cách, chưa thể về nhà. May mắn là bà nội và bác dâu các cháu đều sẵn sàng hỗ trợ, là hậu phương vững chắc động viên tôi yên tâm lên đường.

Năm học mới vừa đến, con đầu vào lớp 3, con nhỏ mới được 3 tuổi, tôi cũng khá trăn trở khi không được bên cạnh con để kèm cặp những ngày đầu con đến lớp. Vậy là hai mẹ con có thỏa thuận trước với nhau, mỗi khi cô giao bài tập về nhà, con hoàn thành bài thì sẽ chụp lại cho mẹ kiểm tra. Tranh thủ những lúc ăn cơm hoặc cuối ngày, tôi sẽ xem bài làm của con và gọi điện nhắc nhở, đốc thúc. Cũng may là một tuần đi vắng, các con ở nhà rất ngoan, chăm chỉ học hành.

Dịch Covid-19 khiến cả thế giới đảo lộn. Bất kỳ địa phương nào, bất kỳ ai cũng có thể mắc SARS-CoV-2. Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương hay Hà Nội… cần chi viện, chúng tôi sẵn sàng lên đường, bởi đằng sau chúng tôi là hậu phương vững chắc.

Khi xã Thụy Hương có ca Covid-19 cộng đồng, áp lực truy vết, lấy mẫu xét nghiệm tăng lên gấp nhiều lần, đã “thần tốc” còn “thần tốc” hơn nữa. Do đó, mỗi thành viên trong đoàn luôn nêu cao tinh thần khẩn trương, nhanh chóng nhất có thể. Một ngày đi từng ngõ, gõ từng nhà, làm việc xuyên đêm lấy mẫu, xét nghiệm cho hàng nghìn người khiến mọi người khá mệt mỏi. Nhưng nếu mình không cố gắng thì rất có thể dịch bệnh sẽ lan rộng hơn, công cuộc chống dịch sẽ thêm một phần nặng nề. Do đó, mọi người đều động viên nhau phải hết sức nỗ lực, gấp rút để hoàn thành truy vết.

Trước khi lên đường đến Hà Nội, chúng tôi cũng đã xác định tinh thần là có thể sẽ trở thành F0, F1 bất kỳ lúc nào. Nhưng trách nhiệm của một nhân viên y tế trong tương lai thôi thúc tôi phải tham gia cuộc chiến này. Đó cũng chính là lời thề mà mỗi y, bác sĩ đều mang theo, thực hiện trong suốt cuộc đời hành nghề của mình, bằng mọi giá để mang lại sức khỏe, tính mạng cho người dân, cộng đồng…

Tôi nhận lệnh lên đường hỗ trợ TP Hà Nội khi cách ngày dự kiến tổ chức hôn lễ chỉ hơn 1 tháng. Khoảng thời gian này với bất kỳ cô dâu nào đều sẽ rất bận rộn với công tác chuẩn bị cho ngày trọng đại của mình. Nhưng tôi nói với chồng sắp cưới: Chuyến đi này có thể sẽ lâu hơn dự định, nếu tình hình dịch phức tạp hơn, chuyện cưới xin của chúng mình hãy chờ ngày hết chiến dịch em về. Câu nói đó của tôi nhận lại là cái gật đầu đầy ủng hộ, động viên của anh. Đó cũng là động lực cho tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ lần này.

Lần đi này tôi không chỉ nhận được sự ủng hộ của chồng sắp cưới và gia đình hai bên, mà còn có sự tiếp sức từ phía lãnh đạo Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh, nơi tôi đang công tác. Từ những chiếc khẩu trang, đến găng tay, quần áo bảo hộ, kính, mũ, cồn sát khuẩn, nước rửa tay đều được Giám đốc Bệnh viện đích thân chuẩn bị cho từng thành viên. Chính sự quan tâm chu đáo từ cấp trên đã tiếp thêm sức mạnh, động lực cho chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ.


"Chạy đua" với Covid-19.

Thực hiện: Hoàng Quý - Nguyên Ngọc

Kỹ thuật đồ họa: Mạnh Hà

Bài viết sử dụng một số hình ảnh của đồng nghiệp và các y, bác sĩ, sinh viên Quảng Ninh tình nguyện tại huyện Chương Mỹ cung cấp.


Mùa hè bỏng rát ở Bắc Giang
Đối với hơn 200 chiến sỹ áo trắng của Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển, đó là mùa hè rực lửa, mùa hè của thử thách, mùa hè của thực hành y tế và đạo đức về lời thề Hippocrates…   
   
30 ngày "chia lửa" cùng Tây Ninh
Hàng trăm cuộc chiến sinh tử đã diễn ra tại khu ICU- tầng điều trị cao nhất bệnh nhân Covid-19 ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh. Áp lực đến với y bác sĩ của Quảng Ninh cũng như Tây Ninh rất lớn, thậm chí có lúc căng thẳng đến “nghẹt thở”.
   
Bình Dương gọi, chúng tôi sẵn sàng
Trong Đoàn lần này, hầu hết đều là y bác sĩ trẻ, cũng có những người đã từng lên đường chi viện cho tâm dịch Bắc Giang trước đó, có đủ sức khỏe, kinh nghiệm, và dũng cảm để đương đầu với những khó khăn, vất vả phía trước. 
   
Hẹn ngày TP Hồ Chí Minh trở lại yên bình
Đoàn y tế Quảng Ninh đã tham gia điều trị cho gần 1.000 bệnh nhân ở Bệnh viện thu dung số 6 và tiếp nhận, thu dung, điều trị cho hơn 4.400 bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến số 12. Đến nay đã có hơn 3.330 bệnh nhân được khỏi bệnh, ra viện.