4
18
/
1100288
Miền trầm tích nơi cửa ngõ phía Tây
longform
Miền trầm tích nơi cửa ngõ phía Tây

Có lưng tựa núi và hướng ra sông lớn, vùng đất cửa ngõ phía Tây Đông Triều ẩn chứa trong mình một bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa hàng nghìn năm. Ánh hào quang, vàng son từ quá khứ xa xưa ấy cũng như khí thế cách mạng của một vùng đất cách mạng năm nào hun đúc niềm tự hào thiêng liêng cho mảnh đất, con người Đông Triều vững bước đi lên hôm nay…

Tự hào, phấn khởi khi chứng kiến sự đổi thay của quê hương… Ông NGUYỄN QUANG NHẠ, nguyên Bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Triều (nay là TX Đông Triều)

Tôi sinh ra, lớn lên ở ngay làng Yên Lâm, xã Đức Chính (nay là phường Đức Chính) là ngôi làng cổ, có từ sớm của Đông Triều. Theo truyền thuyết thì tên làng do vua Trần Nhân Tông đặt cho, khi mà vua trên đường đến Yên Tử tu hành đi qua, ông lội qua một con ngòi nhỏ, sang bên kia là một làng nhỏ vốn là rừng nhưng rất bình yên, nên mới đặt tên là Yên Lâm.

Ở Đông Triều còn nhiều làng khác mà theo tương truyền cũng là vua Trần đặt tên, như Hà Lôi hạ, Hà Lôi thượng, Tràng Bản, Đạm Thủy, Mễ Cụ, Mễ Xá, làng Cầm… Nơi đây là quê gốc của nhà Trần giờ hẳn là nhiều người biết rồi, vốn họ Trần làm nghề đánh cá, lênh đênh sông nước, rồi mới phiêu bạt về phía sông Hồng, ra tận cửa biển lập ấp ở vùng Hưng Hà, Thái Bình, sau chuyển về Nam Định rồi phát tích đế vương ở đấy…

Vùng đất Đông Triều quy tụ được nhiều di tích về các triều đại, trong đó dấu ấn đậm nét nhất là nhà Trần, một triều đại anh hùng với 3 lần chống quân xâm lược Nguyên Mông. Một vùng đất có ông vua từ bỏ hết mọi vinh hoa phú quý, quyền cao chức trọng lên núi đi tu và trở thành một ông vua hoá phật duy nhất trên thế giới. Chính vì thế mà Đông Triều thu hút sự chú ý của rất nhiều các vụ, viện và các nhà khoa học về văn hoá, lịch sử về đây tổ chức nhiều hội thảo, từ đó đưa ra những kết luận rất hay. Sau này, với điều kiện kinh tế của tỉnh, của địa phương khá lên thì sự quan tâm cũng nhiều hơn trước, ngay cả nhận thức của người dân cũng nâng lên. Chùa Ngọa Vân nơi vua hoá Phật, Thái miếu – nơi thờ hoàng tộc nhà Trần rồi chùa Trung Tiết, Quỳnh Lâm, Cảnh Huống, Hồ Thiên… đã, đang được đầu tư gần hết rồi. Cả một vùng di tích nhà Trần hơn 2.000ha đã được tỉnh quy hoạch, tạo thành một vùng du lịch cảnh quan tâm linh đặc sắc.

Vùng đất Đông Triều quy tụ được nhiều di tích về các triều đại, trong đó dấu ấn đậm nét nhất là nhà Trần.

Làm được những việc như thế, tôi thấy rất vui mừng. Bởi lẽ, các di tích nhà Trần ở Đông Triều được công nhận là Di tích cấp Quốc gia đợt đầu tiên năm 1962, nhưng các di tích đã trở thành phế tích vì nhiều lý do. Thời ấy, nghĩ đến việc khôi phục di tích khó lắm, vì nhận thức, vì kinh tế cũng không cho phép. Khi chúng tôi làm đền Sinh đã thuận lợi hơn vì là thời kỳ đổi mới rồi, dân ủng hộ mà cấp trên cũng ủng hộ nữa. Huy động cả huyện góp được cỡ 1,7 đến 1,8 tỷ rồi xin thêm tỉnh 2 tỷ nữa là triển khai, làm từ năm 1997 đến năm 2000 thì xong…

Đông Triều không chỉ là quê gốc của nhà Trần mà còn là vùng đất có bề dày truyền thống từ xa xưa, thời Hai Bà Trưng đã xuất hiện nữ tướng Lê Chân ở làng Vẻn, thời Lý có chùa Quỳnh Lâm, thời vua Lê, chúa Trịnh cũng xây dựng rất nhiều chùa chiền trên đất này, biến Đông Triều thành vùng đất có truyền thống văn hoá, để lại dấu tích tốt đẹp, giá trị. Đó là am Ngoạ Vân nơi vua Trần Nhân Tông hóa phật, chùa Quỳnh Lâm là học viện của phái Trúc Lâm, chùa Hồ Thiên là nơi đào tạo các cao tăng của phật giáo Trúc Lâm, hay đền Sinh, Thái Miếu… Truyền thống đó cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tư tưởng, nhận thức của con người Đông Triều xưa nay với niềm vinh dự, tự hào về truyền thống quê hương, tổ tiên xưa.

Đó là truyền thống của quá khứ lâu đời, còn thời cận đại thì Đông Triều là vùng đất mà ngay khi xâm lược thì người Pháp đã để ý đến vì giàu có về tài nguyên, không chỉ là than đá mà còn lâm sản, đất sét… Vậy nên họ đã mua ngay mỏ Mạo Khê. Mỏ than đầu tiên của Quảng Ninh cũng là trên đất Đông Triều. Từ phong trào công nhân, chi bộ Đảng Cộng sản của vùng mỏ cũng ở Đông Triều và đó là một trong những chi bộ Đảng đầu tiên cả nước, có nhiều đồng chí tiền bối của Đảng về sinh hoạt ở đấy như Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Đức Cảnh…

Đình Hổ Lao - Nơi diễn ra cuộc mít tinh thành lập Chiến khu Trần Hưng Đạo - Chiến khu Đông Triều (8/6/1945).

Chiến khu Đông Triều ra đời rất sớm và lấy được chính quyền sớm nhất trong cả nước, sau ngày 8/6/1945 đã thành lập được chính quyền cách mạng từ huyện xuống cơ sở rồi. Thật là kỳ diệu chiến khu Đông Triều khi các đồng chí Trần Cung, Hải Thanh – hai đồng chí tỉnh uỷ viên của Hải Dương chưa về, hội nghị quân sự Bắc Kỳ còn đang họp, thì Chiến khu Đông Triều dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Bình, sư Tuệ, Nguyễn Văn Đài đã được thành lập và đi đúng hướng của tổng bộ Việt Minh. Chỉ trong 5 tháng thôi (từ tháng 3 đến tháng 8/1945), Chiến khu đã làm đúng sứ mệnh lịch sử của mình và đạt thành tích rất to lớn, không chỉ giải phóng Đông Triều mà còn giải phóng hết khu Đông Bắc, cả TP Hải Phòng. Kết quả đó làm đúng lời Lê-nin nói: Trong tình thế cách mạng khẩn trương đã làm một việc với tinh thần 1 ngày bằng 20 năm.

Đến năm 1947 thì Pháp đánh đến và chiếm hẳn Đông Triều. Thực sự cuộc kháng chiến chống Pháp của Đông Triều bắt đầu từ đây. Giai đoạn đầu rất gian khổ vì chưa quen với chiến trận. Pháp đi đến đâu thì bình định đến đấy nhưng có xã chúng vẫn không chiếm được, như xã Đức Chính quê tôi vẫn chỉ kiểm soát được ban ngày, kiểm soát ban đêm vẫn là Việt Minh. Căn cứ của huyện ở trong rừng, còn ở các làng hình thành nên các vùng du kích, như du kích Yên Đức, Nguyễn Huệ… Pháp có thể càn quét các làng nhưng chỉ vào rồi lại phải ra, du kích chống càn, người ta bám đất, bám làng ghê lắm.

Đông Triều thời bình cũng rất tự hào, là huyện trọng điểm nông nghiệp của tỉnh. Bí thư Đông Triều đa phần là người xuất phát từ ngành nông nghiệp. Người nông dân xưa khổ lắm, nói đến chuyện thu nhập bình quân đầu người 300 đô không bao giờ nghĩ được, thế mà giờ gấp 10 lần rồi. Ngày xưa làm gì có nhà cửa, đường sá, trường học… như bây giờ. Nhưng người dân Đông Triều cũng đã làm được mấy việc lớn. Thành tựu lớn nhất là thủy lợi hoá, bắt đầu từ Bí thư Trần Giao, cứ một năm 2 chiến dịch làm thủy lợi, huy động theo kiểu quân sự hóa, huyện là 1 sư đoàn, mỗi xã là 1 tiểu đoàn...

Tượng đài văn hoá TX Đông Triều.

Làm liên miên bao nhiêu năm trời nên hơn 40 cây số đê được nâng cấp lên, mái được kè đá, các hệ thống cống kè qua đê kiên cố hết. Chỗ nào làm được hồ đập là làm hết, có 3 hồ lớn là Bến Châu, Khe Chè, Trại Lốc và một loạt hồ nhỏ ở Mạo Khê, Tràng Lương, rồi hơn 50 trạm bơm điện phục vụ tưới tiêu. Xưa rất khổ, cứ động mưa là úng, động nắng là hạn, nhưng sau này không có úng lụt, hạn hán, đó là cơ sở vô cùng quan trọng cho sản xuất nông nghiệp phát triển. Không chỉ tưới vùng thấp mà còn tưới cả trên đồi. Chẳng thế mà Đông Triều có cả kiện tướng làm thủy lợi, được bầu là đại biểu Quốc hội là bà Đặng Thị Càng ở xã Yên Thọ bây giờ.

Thứ hai là chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, giờ thì dễ rồi nhưng lúc trước khó lắm vì động vào tập quán canh tác từ đời xưa, đưa giống mới vào, thay đổi mùa vụ là rất khó. Hơn 1.000ha đất của nông trường rải từ xã Bình Dương xuống đến xã Bình Khê, đã làm bao dự án nhưng hầu như không có hiệu quả, cuối cùng để hoang hóa, rồi cho mượn để trồng cây. Tôi đã báo cáo tỉnh để xin chủ trương thu hồi về giao cho dân, vậy mới hình thành nên vùng kinh tế vườn đồi của các xã được như hiện nay.

Trường học thì có phong trào “ngói hóa” trường học, nấc thứ 2 là “kiên cố hóa” trường học và tiếp đến là “cao tầng hóa” trường học. Chúng tôi thời ấy từng quy hoạch mỗi xã dành ít nhất 1ha cho trường học. Giờ thì “số hóa” trường học rồi, việc mà trước đây chúng tôi mơ cũng không nghĩ ra được.

Thị xã Đông Triều đang thay đổi từng ngày.

Đông Triều cũng là huyện đầu tiên phát triển giao thông. Năm 1987 mất mùa đói lắm, dân phải ăn sắn, khoai, bo bo…, chúng tôi nhờ người giới thiệu vào miền Nam gặp chị Ba Thi, Tổng giám đốc Công ty lương thực Sài Gòn mua 1.000 tấn gạo về cứu đói cho dân. Sau tỉnh cắt lại 300 tấn, còn 700 tấn chúng tôi bán phục vụ cho các cơ quan, xí nghiệp, thu lãi được hơn 30 triệu đồng, thế là chỉ đạo làm luôn tuyến đường điện cho thị trấn Đông Triều. Từ đấy trở đi là phong trào làm đường điện nông thôn cứ phát triển theo, các xã thi nhau làm. Cứ đường đến đâu là điện đến đấy, mấy trăm cây số vào tận những vùng hẻo lánh…

Là người đã tham gia vào sự lãnh đạo của địa phương trong thời gian dài, so với những người đi trước thì tôi chỉ là lớp sau thôi, nhưng cũng được chứng kiến sự đổi thay của quê hương nên rất tự hào, phấn khởi. Lớp cán bộ lãnh đạo sau này có điều kiện làm được những thứ mà thời chúng tôi mơ không được, thật quá tốt. Tôi cũng tin là trên bước đường đi tới luôn có những khúc khuỷu, không có con đường nào thẳng tắp hết cả, đó cũng là điều tất yếu thôi…

Gắn bó với các di sản nhà Trần, với tôi là một cái duyên… TS khảo cổ học NGUYỄN VĂN ANH, Trường ĐH KHXH-NV, Đại học Quốc gia Hà Nội

Năm 2007, sau 6 năm tốt nghiệp cử nhân ngành khảo cổ học và về công tác tại Viện Khảo cổ học, tôi được giao nhiệm vụ chủ trì một cuộc khai quật thăm dò di tích Thái Lăng (lăng vua Trần Anh Tông) và chùa Quỳnh Lâm. Đó là lần đầu tiên tôi biết đến các di tích ở Đông Triều.

Cảm giác của tôi lúc đó là sự vui mừng cộng thêm chút lo lắng. Vui bởi vì đó là lần đầu tiên được giao đứng chủ trì một cuộc khai quật, lo lắng vì đây là những di tích lớn. Đặc biệt, chùa Quỳnh Lâm là trung tâm Phật giáo lớn của Việt Nam trong suốt nhiều thế kỷ nhưng có lịch sử hết sức thăng trầm với nhiều lần bị tàn phá bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Sau mỗi lần bị tàn phá, Quỳnh Lâm lại được khôi phục, điều đó cho thấy sự lý thú của việc nghiên cứu di tích nhưng cũng có thể hình dung được tính phức tạp trong các tầng văn hóa của di tích này.

Chùa Quỳnh Lâm được mệnh danh là "Danh lam cổ tự xứ Đông"

Từ sự khởi đầu ấy, tôi cũng không nghĩ là mình lại gắn bó với các di sản nhà Trần nơi đây tới cả chục năm như thế. Cơ hội để tôi khám phá, nghiên cứu tiếp tục tới khi tôi được giao tiến hành thăm dò, khảo cổ hàng loạt các di tích khác nữa, từ chùa Hồ Thiên, quần thể di tích Ngọa Vân, Thái Miếu, chùa Trung Tiết, chùa – quán Đạo Thanh, lăng mộ các vua Trần… Công việc của khảo cổ là tìm về những bằng chứng gốc của di tích và chúng tôi cứ đi như thế, tìm như thế trong hiện trạng các di tích hầu hết đã bị phá huỷ do thời gian và những biến động lịch sử, tác động của con người. Nhiều di tích nhà Trần phân bố trên vùng đồi núi hoang sơ, đường sá khó khăn, chủ yếu là đường rừng trong khi các ghi chép về di tích thì ít ỏi và sai lệch. Khảo cổ mỗi di tích lại có những khó khăn riêng. Đơn cử như Ngọa Vân và Hồ Thiên là những di tích nằm trên núi cao, năm 2007-2008 khi chúng tôi điều tra khảo sát tại các di tích này là giai đoạn thời tiết rất khắc nghiệt, có ngày nhiệt độ xuống 2 độ C, chúng tôi thường phải trèo đèo lội suối mỗi ngày hàng chục cây số… Hà Nội – Quảng Ninh không xa, tôi đi về giữa những đợt khai quật thường xuyên, tuy nhiên khi khai quật và nghiên cứu khảo cổ học di tích Thái Lăng, tôi đã lưu lại ở Đông Triều trong khoảng 5 tháng liên tiếp.

Công việc gian nan không kể hết nhưng niềm say mê khám phá những “kho báu trong lòng đất” dường như cao hơn. Có lần, chúng tôi chỉ kết thúc cuộc điều tra và trở về nhà vào ngày 27 tháng Chạp. Đó cũng là khi tôi tìm kiếm những bằng chứng khoa học để trả lời câu hỏi rằng am Ngọa Vân ở đâu trên dãy núi thiêng Yên Tử? Lại là một cơ duyên nữa chăng khi kết quả khảo cổ được các nhà khoa học công nhận đã chứng minh vị trí của am Ngọa Vân trên dãy Bảo Đài sơn, thuộc địa bàn hai xã An Sinh và Bình Khê của Đông Triều vào đúng năm 2008, tròn 700 năm ngày vua Trần Nhân Tông hóa Phật. Qua đây đã chấm dứt cuộc tranh luận về vị trí của am Ngọa Vân, khi trước đây mọi người đều cho rằng am Ngọa Vân tại Yên Tử.

Khảo cổ học tại khu vực am - chùa Ngọa Vân, tháng 8/2017.

Đối với việc khẳng định vị trí của am Ngọa Vân, chúng tôi đã cung cấp 3 cứ liệu quan trọng: cứ liệu về lịch sử địa lý để thấy không gian Yên Tử theo cách hiểu trước đây rộng lớn hơn nhiều so với cách hiểu ngày nay. Theo đó, Yên Tử sơn là một không gian rộng lớn tương đương với một phần vòng cung Đông Triều từ Uông Bí đến Côn Sơn; thứ hai là tư liệu thư tịch và cuối cùng là các bằng chứng khảo cổ học phát hiện tại di tích. Tại đây, các di tích đều gắn với địa danh Ngọa Vân như chùa Ngọa Vân, am Ngọa Vân… Bài vị đặt trong tháp Phật Hoàng tại đây cho biết, tháp thờ vua thứ ba của nhà Trần, tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm Trần Nhân Tông hoàng đế. Mặc dù đây là tòa tháp được xây dựng lại vào năm 1707 nhưng văn bia Trùng tu Ngọa Vân tự ở đây cho biết, tháp được xây dựng lại do sau 400 năm ngày đức vua đến đây tu hành hóa Phật thì các công trình đã bị đổ nát. Văn bia còn khắc lại nội dung sắc chỉ của chúa Trịnh giao cho dân xã An Sinh là dân tạo lệ, có nhiệm vụ trông nom thờ phụng các lăng tẩm của vua Trần và chùa Ngọa Vân. Đặc biệt, tại đây còn tìm thấy một số viên ngói mũi sen thời Lê Trung hưng trên lưng in nổi hai chữ Hán là Vân Phong - tên gọi khác của Ngọa Vân được ghi chép trong sách cổ.

Đông Triều là một vùng trầm tích văn hoá lớn của nhà Trần, càng đi sâu khám phá, chúng tôi càng ngỡ ngàng trước những giá trị di sản của tiền nhân. Qua đó góp phần vén những bức màn bí mật về một thời vàng son xưa kia. Khảo cổ đền Thái, chúng tôi đã phát hiện đây chính là Thái miếu, nơi thờ hoàng tộc của nhà Trần với kiến trúc mặt bằng hình chữ Vương độc đáo bậc nhất còn lại tới ngày nay. Khảo cổ đền An Sinh đã phát lộ một quần thể di tích kiến trúc thời Trần với nhiều lớp kiến trúc, phản ánh quá trình phát triển của điện An Sinh dưới thời Trần. Nhiều di vật đặc biệt quý giá thời Trần cũng được tìm thấy tại đây, như tượng phượng bằng đồng, chậu gốm hoa nâu lớn trang trí hoa sen và rồng. Mở rộng khảo cổ tại khu vực Ngoạ Vân, chúng tôi cũng nhận thấy một quần thể di tích phân bố từ dưới chân lên tới đỉnh núi. Đặc biệt, khu vực Đá Chồng dưới thời Lê Trung hưng, khi Ngọa Vân được trùng tu, tôn tạo thì nơi đây đã được xây dựng và phát triển thành một quần thể chùa tháp lớn, bao gồm khu vườn tháp, sân vườn, khu nội tự và tịnh thất… Và hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với Trường ĐH Hạ Long nghiên cứu làm rõ tính chất và vai trò của di tích Thiên Long Uyển trong chiến thắng Bạch Đằng 1288 cũng như vị trí và vai trò của lưu vực sông Bạch Đằng - Đá Bạc trong các thế kỷ I, II trước và sau công nguyên.

Chùa Ngọa Vân được xây dựng trên mặt bằng gốc của di tích sau khai quật khảo cổ.

Có thể nói, cho đến giờ thì những khoảng trống về các di sản nhà Trần ở Đông Triều đã và đang dần được khảo cổ làm sáng tỏ. Góp công vào việc cung cấp những bằng chứng gốc về di sản, tôi rất vui và tin đây sẽ là những cứ liệu quan trọng khẳng định giá trị của hệ thống di tích chùa tháp, lăng tẩm nhà Trần tại Đông Triều trong quần thể khu di sản Yên Tử đang được 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang phối hợp lập hồ sơ đề cử danh hiệu Di sản văn hóa thế giới hiện nay.

Tôi mang tình yêu quê bền chặt và thủy chung suốt cuộc đời... Đại tá, Nhà thơ ĐỖ VĂN LUYẾN

Con người ta hình như có cái số, nó định cho người ta, có người không ở quê được, kiểu gì cũng phải xa quê, nhưng cũng có người thì đi đâu cuối cùng vẫn lại trở về quê. Với tôi là đúng, sinh ra ở đất Xuân Sơn, Đông Triều này, bao năm tôi đi xa công tác theo ngành công an từ Nha Trang, Hà Nội rồi Hạ Long, chỗ nào cũng có điều kiện định cư nhưng đều không ở, chỉ mong về với quê...

Xuân Sơn - tôi lớn lên là từ đồng bãi này, từ con cáy, con rươi, con rạm và những cánh rừng nơi đây. Chủ đề về quê từ đấy cũng in dấu trong thơ, các truyện ngắn và tản văn của tôi. Viết về quê, tôi viết mấy trăm bài thơ mà không trùng nhau, về mùa màng, về sự lam lũ của người nông dân… Tôi hay làm thơ lục bát, cảnh quê đi vào thơ lục bát nó thấm lắm.

Thật ra, tôi mang nợ với mảnh đất này cũng nhiều, chính là vùng quê mà bố mẹ, anh chị em họ hàng thân quen đều ở đây, xưa nay vẫn gắn bó với đồng ruộng. Họ cũng như bao người Đông Triều vốn có cái chân chất, hiền lành từ ngày xưa. Ông, bà, bố, mẹ tôi làm nông nghiệp, tôi đi lên từ luống cày, ngày xưa rất vất vả về chuyện rơm rạ, bèo hoa dâu, vạ bờ, cuốc góc, đi xây, gặt hái cùng gia đình nên cái sương nắng của người nông dân nó thấm vào mình. Tôi không thể quên những cảnh phơi thóc, chạy mưa trên sân kho hợp tác, trời nắng chang chang cứ vừa đọc sách vừa canh chim ăn lúa… Rồi đi gánh lúa cho tập thể, gánh về lấy công điểm, toàn thiếu niên đi gánh lúa giúp bố mẹ thôi. Ngày xưa học hết lớp 10 rồi vào công an, tôi cao 1,56m mà nặng có 42 cân thôi, nhưng mà ở nhà gánh gánh lúa có khi còn nặng hơn cân người. Bạn bè thì cùng chơi đánh chắt, đánh chuyền, đánh khăng, nhảy dây, nung khoai trên đồng, đi cắt lúa về rồi tuốt ra làm cốm. Ngày xưa đói lắm, đói tới mức đi lấy khế chua về vắt nước chua ra để ăn cho đỡ đói. Đi chăn trâu bắt được tép rồi cài lên vành mũ, nắng tới nỗi làm chín con tép để ăn được… tóm lại cứ cái gì có thể ăn được là ăn.

Sông Cầm, con sông gắn liền với lịch sử, đời sống văn hoá của người dân Đông Triều.

Trẻ con mùa này trời nắng hanh rét tới mức phải nấp dưới chiềng bãi, để tránh gió mùa Đông Bắc thổi, không thể chịu được. Ngày xưa quần áo sơ sài, đói rét không kể hết. Cả nhà mùa đông nằm ổ lá chuối, xếp gạch xung quanh, rồi đốt gộc tre sưởi ấm…

Quê nghèo nhưng cảnh quê thì đẹp lắm. Bóng trăng quê luôn khiến tôi rung động. Ngày ấy, vầng trăng quê đêm đêm đưa tôi đến lớp sơ tán, ánh trăng soi trang sách mở dưới hầm sâu và dáng bà ngoại tôi giữa đàn cháu nhỏ ríu rít nói cười, bất chấp hiểm nguy rình rập quanh mình. Có những đêm, tôi cùng mấy đứa bạn thân thơ thẩn trong vườn cây ngập ánh trăng vàng và hương bưởi, hương cau, hương ổi, nghe tiếng cuốc từ đồng xa vọng lại. Dưới ánh trăng vằng vặc, tôi đọc truyện tới tận khuya, đón nhận làn sương mát dịu thấm qua áo mỏng, nghe gió bờ tre rì rào, tiếng cá đớp dưới ao bèo yên tĩnh. Những đêm trời oi bức, mấy đứa tôi rủ nhau trải chiếu nằm chuyện gẫu, rồi ngủ ngon lành trên bờ cỏ ven ao, được màn trăng mỏng tang như mơ choàng lên bốn phía. Vào mùa nước nổi, tôi mê say đánh giậm cáy trên cánh bãi trước nhà. Hôm nào thủy triều lên muộn, bóng tôi in giữa vùng sông nước hữu tình, bát ngát màu trăng…

Ký ức quê xưa nghèo mà vẫn đẹp, khởi nguồn từ những cảm nhận giản đơn như thế mà tôi mang tình yêu quê bền chặt và thủy chung suốt cuộc đời.

Miền quê Đông Triều ngày nay.

Quê hương tôi nâng từng thế hệ lớn lên, mang ước mơ phơi phới hoài vọng vào đời. Gặp mặt những người con xa quê, tôi bảo dẫu còn nghèo nhưng mỗi người con xa quê chúng ta phải cám ơn quê hương chứ không phải quê hương cảm ơn mình. Chúng ta đã giúp được gì cho quê hương đâu. Bởi những người nào được học, đi rồi mới khá, chứ đúng là ở lại quê hương thì nghèo. Xuân Sơn có ruộng, có rươi… cũng được gọi là đất học nhưng cũng chỉ được một số người thôi, số còn lại vẫn còn gian nan lắm. Mà rươi cũng giống như lộc trời, xưa nhiều giờ hiếm hơn, tính cả năm thì cũng không ăn thua. Người dân quê tôi từ bao đời nay vẫn vất vả lắm “tinh mơ đã thấy em cày đồng sương”.

Tôi là người quê, đi các nơi rồi trở về sống với người quê, quen thuộc lắm, cho nên rất khó lý giải, chỉ có thể cảm nhận rằng mình không thể xa quê. Nông thôn Đông Triều mấy mươi năm qua thay đổi nhiều lắm. Ngay như cánh bãi sau nhà tôi đây trước nhìn thẳng sang Hưng Đạo giờ người ta khoanh bờ vùng, bờ thửa lên rồi. Có những vùng người ta quy hoạch chuyển đổi rất đẹp, rất khác, như Việt Dân, Bình Khê, An Sinh… từ đường sá, quy hoạch trồng cây gì, nuôi con gì, nhưng vẫn chưa thay đổi được hết.

Cho đến bây giờ, người quê tôi không ít người vẫn còn nghèo vì chỉ trông vào đồng ruộng, đa phần vẫn chỉ là cây lúa, củ khoai, rau cỏ… Bảo là đói ăn thì không nhưng giàu thì khó, để tiêu pha cũng phải tùng tiệm. Nhà cửa nhỏ bé, còn chắp vá, gia đình cũng chỉ dám đun than củi, nước nóng rửa bát đĩa thôi. Cảnh quê, chợ quê, nếp sống sinh hoạt ở đây cũng thế, người dân bán từ con don, con hến…

Giờ đây, mỗi chiều đi đón cháu, tôi vẫn hay chạy xe dọc con đường bờ sông, nhớ lại những kỷ niệm xưa. Đi giữa cảnh quê êm đềm bao giờ cũng thấy dịu mát lòng người, mà trong lòng tôi vẫn trăn trở thương quê, mong làm sao để cảnh quê vẫn giữ được, gắn với sự thay đổi của quê hương và đời sống người nông dân hôm nay không còn quá đỗi nhọc nhằn, lam lũ như xưa.

DẤU XƯA LỐI CŨ

Thôi, ta trả phố cho người
Để về nguồn cội trọn đời nuôi ta
Nơi còn hồn cốt ông cha
Nâng bao thế hệ vượt qua đói nghèo.

Bồi hồi nghe gió đồng reo
Chim ca ngoài bãi, trăng treo hiên nhà
Chùm me, nụ vối, hoa cà
Lời ru thức với tiếng gà ban trưa.
Bạn thời dãi nắng, dầm mưa
Trái tim đồng vọng bốn mùa thương yêu
Dòng sông vàng rực nắng chiều
Nước ưu tư chở cánh diều trong mây…

Bàn chân mòn vẹt tháng ngày
Buồn vương lối cũ in đầy dấu xưa
Vòng đời khép cảnh đón đưa
Nợ quê nhiều lắm vẫn chưa đáp đền!
Đỗ Văn Luyến
Xưa nay Đông Triều vẫn được xem là “đất học”… Bà Đinh Thị Diệp, nguyên Phó Chủ tịch UBND thị trấn Mạo Khê (nay là phường Mạo Khê)

Gắn bó với sự nghiệp giáo dục Đông Triều từ đầu thập kỷ 60 của thế kỷ 20, tôi khẳng định rằng, sự nghiệp giáo dục của mảnh đất này như một dòng chảy không ngừng và luôn tiên phong chăm lo cho sự nghiệp trồng người.

Kể từ thập kỷ 70 thì phong trào “ngói hóa” trường học của Đông Triều đã tạo dấu ấn sâu sắc về diện mạo của những ngôi trường mới trên quê lúa ngày ấy. Nối tiếp đó là các mục tiêu “kiên cố hóa”, “cao tầng hóa” trường học, dành quỹ đất cho trường học có đủ vườn cây xanh, sân chơi, bãi tập, nhà thi đấu đa năng và xây dựng trường chuẩn quốc gia đã tạo ra sự thay đổi lớn về môi trường, cảnh quan trường học và trang thiết bị theo hướng đổi mới, hiện đại. Đặc biệt là hệ thống các trường mầm non được đầu tư theo các tiêu chí đạt chuẩn.

Tôi thích nhất là khi đến các trường học ở Đông Triều hiện giờ, các bạn có thể thấy được những “Công viên lịch sử”, những cột mốc Trường Sa được dựng lên trong trường học, có cả cây bàng vuông được phụ huynh là bộ đội Hải quân ở Trường Sa mang về trồng bên cột mốc. Rồi cả tượng đài những lãnh tụ của Đảng đã từng hoạt động tại mỏ Mạo Khê như đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Đức Cảnh được đặt ở những ngôi trường mang tên các anh, để giáo dục truyền thống lịch sử quê hương cho các thế hệ học sinh...

Học sinh Đông Triều tham quan các di tích lịch sử tại thị xã.

Nhớ lại khi tôi còn là cô giáo trẻ, tôi không thể quên những ngôi trường đơn sơ, giáo viên thì “vô sản” bởi chỉ có những trang giáo án, viên phấn với kiến thức học được để truyền thụ cho các em học sinh. Học sinh thời ấy nhất nhất nghe theo lời cô giáo từ bài giảng đến giáo dục đạo đức. Tuy nghiêm túc nhưng cô trò rất tình cảm. Ngày đó, học sinh đều gọi giáo viên rất thân mật là “cô giáo em”. Đó chính là nguồn tình cảm để thầy cô giáo phấn đấu dạy tốt.

Hồi mới đến dạy học tại xã Thủy An, tôi ở trong ngôi nhà tập thể đơn sơ của nhà trường. Hàng ngày, học sinh đến lớp đều có mang bình đựng nước cho cô giáo uống. Có một lần, em học sinh trên đường đi đến lớp, qua đầm nuôi thả cá, bà con đang bắt cá bán, em đó đã đổ nước đi, xuống xin bắt những con cá nhỏ cho “cô giáo em ở trường”. Số cá đó cho vào bình đựng nước mang đến cho các cô giáo… Sau 40 năm gặp lại, em học sinh đó đã thành danh, câu chuyện mang cá cho cô giáo để tôi nhớ mãi về những học sinh thân yêu ở Đông Triều…

Tôi có thời gian rất lâu công tác tại Mạo Khê, một thị trấn đông dân nhất cả nước thời kỳ ấy. Mạo Khê là một trong những chiếc nôi hình thành giai cấp công nhân Việt Nam, sự học của học sinh Mạo Khê cũng có nhiều khác biệt. Ngày ấy, trường lớp đơn sơ, có lần, bão tràn qua làm bay mất nhiều ngói trên mái ngói lớp học của trường Vĩnh Khê, thế là tan bão, cả thầy cô cùng leo lên mái lợp lại để có được phòng học cho trò. Dù khó khăn nhưng các thầy cô vẫn luôn vui vẻ bám lớp với khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh thân yêu”. Người dân địa phương rất chăm lo đến “việc học” của con em mình. Sau những năm “ngói hóa” trường học bằng sự chung tay của các cơ sở kinh tế địa phương, vào đầu thập kỷ 90, được sự hỗ trợ của ngành Than, ngôi trường cao tầng đầu tiên được xây dựng ở Mạo Khê đã tạo nên khuôn mẫu mới của trường học Đông Triều ngày đó...

Một tiết học ứng dụng CNTT tại Trường Tiểu học Bình Khê, TX Đông Triều.

Đông Triều xưa nay vẫn được xem là “đất học”, những năm gần đây đặc biệt đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý giáo dục. Công tác xã hội hóa giáo dục để đầu tư cơ sở vật chất nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh cũng được quan tâm, như các chương trình “Bể bơi cho em”, “Điều hòa cho em”, sân đá bóng trải cỏ nhân tạo, nhà vệ sinh học sinh đạt chuẩn và thân thiện... tiếp tục là động lực để sự nghiệp giáo dục của Đông Triều phát triển…

Người dân quê tôi giản dị mà kiên cường… Bác sĩ, nhà thơ VŨ XUÂN HỒNG

Khi tôi 9 tuổi thì đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại, đem bom bắn phá miền Bắc. Những năm tháng chiến tranh ác liệt đó in đậm trong ký ức tuổi thơ gắn với quê hương tôi…

Chúng tôi luôn tự hào mình sống trên quê hương Đệ tứ chiến khu Đông Triều. Niềm tự hào đó đã tạo nên sức mạnh. Tôi vẫn nhớ khi ấy, trên mỗi thân cây cổ thụ, bức tường của mọi nhà đều kẻ vẽ những khẩu hiệu, pa-nô, áp phích giản dị, khích lệ lòng người: “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Thi đua vững tay cày, chắc tay súng”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Ta nhất định thắng, địch nhất định thua”, “Hồ Chủ tịch muôn năm!”…

Niềm tin của người dân quê tôi từ già đến trẻ rất giản dị, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác. Người xã viên hợp tác xã nông nghiệp cần cù, siêng năng lao động sản xuất gieo trồng lúa, ngô, khoai, sắn, lạc, đỗ, tiết kiệm, dành những nông sản tốt nhất để chi viện cho chiến trường miền Nam. Thanh niên nam nữ hăng hái lên đường nhập ngũ vào bộ đội, thanh niên xung phong, vào tuyến lửa trực tiếp chiến đấu. Chú ruột tôi là Vũ Mạnh Thảo đã viết đơn bằng máu, xung phong lên đường nhập ngũ năm 1968 (năm 1971, chú đã hy sinh tại mặt trận đường Chín Nam Lào). Người ở hậu phương gánh vác công việc của người ra trận, chị em phụ nữ hăng hái tham gia dân quân, nêu cao tinh thần cảnh giác, tuần tra bảo vệ xóm làng.

Công trình “Đài chiến thắng” là niềm tự hào của người dân quê hương Đệ tứ chiến khu Đông Triều.

Bộ đội hành quân qua làng, hội “Mẹ chiến sỹ” nấu nước chè xanh, cho vào những chiếc thùng để dọc đường đi. Những chén nước ấm tình hậu phương cùng lời động viên của các mẹ, các chị đã làm cho người chiến sỹ thêm “chân cứng đá mềm”. Tôi thường theo bà nội ra nơi bộ đội nghỉ chân, nhìn thấy bà vui vẻ rót nước, tay phe phẩy chiếc quạt mo cau cùng lời tâm sự: “Bộ đội trẻ đều là con của mẹ, con của mẹ cũng là bộ đội. Con của mẹ đi xa cũng được các bà, các mẹ trên mọi miền đất nước thương yêu đùm bọc, nhìn thấy các con, mẹ vui như được gặp con mình”. Rồi bà quay đi giấu những giọt nước mắt thương nhớ con…

Chính sách hậu phương đối với những gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình bộ đội tại ngũ khó khăn được chính quyền, cùng bà con lối xóm động viên giúp đỡ tận tình. Người dân ở TP Hải Phòng, TX Hòn Gai sơ tán, được người dân quê tôi chia sẻ, giúp đỡ nơi ăn chốn ở, tình người trong thời chiến vô tư, trong sáng đến lạ kỳ. Bao bỡ ngỡ, khó khăn của dân sơ tán nhanh chóng qua đi, sau này hết chiến tranh, nhiều người đã ở lại làm ăn sinh sống, bao lứa đôi đã nên vợ thành chồng.

Bọn trẻ con đầu đội mũ rơm, học ở những ngôi trường tranh tre nằm sâu trong lòng đất, cùng những căn hầm chữ A, dãy thông hào chạy bao quanh, ẩn mình dưới bóng tre xanh. Chúng tôi ai cũng nhớ câu chuyện hy sinh của bạn Phạm Văn Cường, học sinh Trường cấp 2 Hoàng Quế vào trưa ngày 13/12/1965. Máy bay Mỹ ném bom phá hủy cầu Tràng Bạch, ba anh em Cường đang thu hoạch khoai lang gần đó. Bom nổ rất gần, Cường chỉ kịp nằm đè lên che cho 2 em. Một mảnh bom găm vào Cường, máu chảy lênh láng trên luống khoai.

Bộ đội đến băng bó, đưa Cường đi bệnh viện cấp cứu. Cường nói trong hơi thở: “Chú bộ đội ơi, ta có bắn rơi được chiếc máy bay Mỹ nào không, chú cho cháu xin mảnh máy bay để làm chiếc lược nhé, máy bay Mỹ rơi cháu chết cũng cam lòng!”. Sự hy sinh dũng cảm của Phạm Văn Cường đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng tặng Bằng khen, trở thành niềm tự hào của thế hệ chúng tôi thời đó, góp phần vào trang sử vẻ vang thời kỳ chống Mỹ cứu nước của mảnh đất Đông Triều quê hương tôi…


Thực hiện: Phan Hằng - Xuân Quảng
Kỹ thuật đồ họa: Đỗ Quang


Hòn Gai - Hạ Long: Thân quen như là hơi thở
Hòn Gai là cái tên xưa cũ của thành phố Hạ Long bây giờ. Đối với những người đã sinh ra và lớn lên hoặc có gần như cả cuộc đời gắn bó với mảnh đất này, Hòn Gai như là máu thịt, là một phần không thể thiếu. Trải qua thời gian, trải qua thăng trầm, đã có biết bao nhiêu đổi thay, nhưng với họ, Hòn Gai xưa - Hạ Long nay vẫn luôn thân quen như là hơi thở…
   
Quảng Yên trĩu nặng nghĩa tình
Quảng Yên - vùng đất nên thơ nằm bên dòng Bạch Đằng giang đã ghi những dấu ấn đặc biệt vào văn hoá, lịch sử đất nước với 3 trận thủy chiến chống quân xâm lược phương Bắc, với những lễ hội, những công trình mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
   
Nơi ta thấy cả dáng hình đất nước thân thương
Móng Cái đang trỗi dậy mạnh mẽ trong hình hài, diện mạo của một thành phố vùng biên năng động, hiện đại, luôn trong tốp đầu phát triển, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của tỉnh Quảng Ninh.
   
Cẩm Phả in dấu tâm hồn thợ Mỏ
Vùng mỏ Cẩm Phả bây giờ đã mang diện mạo của đô thị hiện đại, năng động, phát triển. Trải qua những thăng trầm, khó khăn và thách thức, những con người vùng mỏ ở thế hệ nào vẫn luôn sát cánh, đồng tâm, mạnh mẽ đứng lên.
   
Tiên Yên - Vơi đầy một miền ký ức
Tiên Yên là một vùng đất phong cảnh hữu tình, được thiên nhiên ban tặng những ưu đãi, một miền núi non kỳ vĩ, một bờ biển tươi đẹp, một vùng đồng bằng trù phú. Đây là địa bàn cư trú lâu đời của 13 dân tộc anh em với những bản sắc văn hóa đặc sắc.