4
18
/
791767
Mỗi giọt máu cho đi - Một cuộc đời ở lại
longform
Mỗi giọt máu cho đi - Một cuộc đời ở lại

Hiến máu cứu người từ lâu đã là truyền thống, nghĩa cử cao đẹp của người Việt Nam. Thông qua các chiến dịch, chương trình, những giọt máu hồng lại tiếp tục hành trình vượt qua không gian, thời gian đến với hàng nghìn bệnh nhân đang cần máu...


Nghĩa tình nơi biển đảo

Mặc dù đã hàng chục lần tham gia các chương trình hiến máu tình nguyện nhưng chuyến đi gần đây nhất đến đảo Cô Tô, anh Nguyễn Quyết Tiến, chuyên viên Ban Tổ chức, kiểm tra, tuyên huấn thanh thiếu niên, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, khiến anh rất xúc động. Anh kể: “Đó là lần đầu tiên huyện đảo Cô Tô tổ chức hoạt động hiến máu tình nguyện. Nhà thể thao đa năng Trường THPT thị trấn Cô Tô rất đông các đồng chí lãnh đạo, công chức, viên chức, thanh niên và người dân tập trung đông đủ, sẵn sàng hiến máu. Đáp lại tình cảm ấy, chúng tôi bảo vệ cẩn thận, nâng niu từng giọt máu hồng “vượt biển” về đất liền”. Trong ngày hôm đó, đã có hơn 300 người tình nguyện đăng ký hiến máu, đạt 3,1% dân số huyện; thu được 218 đơn vị máu an toàn, đảm bảo chất lượng.

Chương trình hiến máu tình nguyện lần đầu tiên được tổ chức tại huyện đảo Cô Tô vào ngày 4/4/2018.
Chương trình hiến máu tình nguyện lần đầu tiên được tổ chức tại huyện đảo Cô Tô vào ngày 4/4/2018.

Không chỉ ở Cô Tô, phong trào hiến máu tại các xã đảo của huyện Vân Đồn cũng rất sôi nổi. Ngày 6/5 vừa qua, Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện huyện Vân Đồn đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện tại cụm xã đảo Quan Lạn - Minh Châu. Kết thúc ngày hội, Ban Tổ chức thu được 77 đơn vị máu, vượt chỉ tiêu đề ra. Nguồn máu thu được, được chuyển về BVĐK tỉnh để điều trị, cấp cứu cho bệnh nhân.

Được biết, năm 2018 là năm đầu tiên chương trình hiến máu tình nguyện tổ chức tại các xã đảo nhưng đã nhận được sự ủng hộ, tham gia của thanh niên, công chức, lực lượng vũ trang, người dân địa phương và khách du lịch. Điều này góp phần cho hành trình “vượt biển” của những giọt máu hồng thêm ý nghĩa; đồng thời, còn là động lực và niềm hi vọng cho những bệnh nhân thiếu máu.


Hạnh phúc được nhân lên

Từ huyện đảo Cô Tô, trở về với những bệnh nhân tại BVĐK tỉnh, chúng tôi càng hiểu thêm ý nghĩa của những giọt máu được cho đi. Bác sỹ Lương Tố Uyên, Trưởng khoa Huyết học, truyền máu, BVĐK tỉnh, chia sẻ: “Máu là dược phẩm vô cùng quý giá, chưa chế phẩm nào thay thế được. Không có máu để cấp cứu và điều trị, người bệnh sẽ chết. Máu được truyền cho người bệnh phải có sẵn và được xét nghiệm đầy đủ, đảm bảo tốt và khi cần sử dụng được ngay. Vì vậy, máu có thể chờ người bệnh, nhưng người bệnh không thể chờ máu. Đối với các bệnh nhân, máu chính là nguồn sống, là niềm hi vọng của họ”.

Tình nguyện viên hiến máu tại huyện Hoành Bồ (Ảnh: Hội chữ thập đỏ tỉnh)
Tình nguyện viên hiến máu tại huyện Hoành Bồ (Ảnh: Hội Chữ thập đỏ tỉnh cung cấp)

Tuy nhiên, hiện nay, các đợt hiến máu chủ yếu tập trung vào tháng 3,4,5 trong năm hoặc nhân các ngày lễ lớn, còn các tháng cuối năm, dịp hè, dịp Tết, rất ít địa phương tổ chức hiến máu, dẫn đến kho máu dự trữ không đủ, ảnh hưởng việc cung cấp máu điều trị cho người bệnh. Trong khi đó, máu chỉ có hạn sử dụng ngắn, trong vòng 42 ngày. Không những thế, nhiều bệnh nhân ở khu vực miền núi xa xôi, địa hình phức tạp, đi lại gặp khó khăn, lực lượng truyền máu lại mỏng, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả điều trị.

Khắc phục khó khăn này, tháng 4/2014, BVĐK tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên xây dựng đơn vị lưu trữ máu và các chế phẩm máu tại địa phương để cung cấp máu và chế phẩm kịp thời cấp cứu bệnh nhân, góp phần giảm chi phí, thời gian cho các trung tâm y tế khu vực miền Đông. Từ đó đến nay, Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên đã sử dụng và cung cấp kịp thời 1.667 đơn vị máu và chế phẩm máu cho các trung tâm y tế tuyến miền Đông; có máu truyền kịp thời, nhiều bệnh nhân đã được cứu sống.Bên cạnh đó, rất nhiều câu lạc bộ (CLB), ngân hàng máu sống cũng đã được thành lập, như: “CLB hiến máu Quảng Ninh”, “CLB Thiện nguyện hiến máu hồng tâm”, “CLB Ngân hàng máu sống Quảng Ninh”... đã góp phần mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho không ít gia đình. Với phương châm hành động “Người bệnh cần máu, đã có chúng tôi - mọi lúc, mọi nơi”, Ban chủ nhiệm các CLB đã lập danh sách tên, nhóm máu, số điện thoại, địa chỉ cụ thể của mỗi thành viên để dễ dàng liên lạc lúc cần huy động máu. Thông qua facebook, email, zalo, các CLB đã kêu gọi được hàng nghìn lượt đoàn viên, thanh niên tình nguyện đến hiến máu trong các tình huống khẩn cấp. Trong đó, nhiều đoàn viên thanh niên đã trở nên “quen mặt” với hàng chục lần hiến máu.

Chị Hoàng Thu Thủy, Bí thư ĐTN phường Hà Phong, TP Hạ Long đã 26 lần hiến máu, vận động trên 300 người tham gia hiến máu, trở thành một trong những đại diện tiêu biểu của tỉnh tham dự Hội nghị tôn vinh Người hiến máu tình nguyện tiêu biểu Việt Nam năm 2018, nhưng vẫn rất khiêm tốn khi nhắc đến thành tích của mình. Chị nói: “Chỉ cần còn sức khỏe, tôi sẽ tiếp tục hiến máu. Tôi nghĩ, đó không chỉ là niềm vui mà còn là trách nhiệm của những người trẻ với cộng đồng”.


10 năm - hành trình tiếp thêm những sự sống mới

Có thể nói, phong trào hiến máu tại các xã đảo, từ các CLB, chương trình, chiến dịch đã mang đến niềm hi vọng cho những bệnh nhân thiếu máu. Đây là dấu son đỏ, tô màu vào ô trống còn lại trên bản đồ hiến máu của tỉnh Quảng Ninh, đánh dấu phong trào hiến máu đã được lan tỏa khắp 14/14 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Để có được trọn vẹn những dấu son ấy là hành trình 10 năm Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện các cấp lăn lộn, lặng thầm đứng ra vận động, tuyên truyền, tổ chức các chương trình, kế hoạch, xây dựng lực lượng hiến máu tình nguyện. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 26 đội hiến máu dự bị với 887 thành viên. Chỉ riêng năm 2017, toàn tỉnh đã có 39 cuộc tuyên truyền vận động cho gần 13.000 người tham gia, phát 42.000 tờ rơi, tài liệu về hiến máu tình  nguyện.

Các đợt ra quân vận động hiến máu tình nguyện đã thu hút được đông đảo các thành phần, lực lượng tích cực tham gia hiến máu. Đặc biệt, các địa phương vùng sâu, vùng xa đã duy trì được ngân hàng máu sống để sẵn sàng phục vụ bệnh nhân khi cần. Lượng máu thu được đã góp phần đáp ứng nhu cầu cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân.

Có thể thấy, phong trào hiến máu tình nguyện đã thực sự trở thành hoạt động ý nghĩa, lan tỏa rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân. Hi vọng, với Chương trình Hành trình đỏ “Giọt hồng đất Mỏ - kết nối dòng máu Việt” và chiến dịch “Những giọt máu hồng hè” năm2018, sẽ có thêm nhiều dòng máu quý, cứu giúp và truyền thêm hi vọng cho các bệnh nhân.

Hoàng Quỳnh

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu