4
18
/
789847
Xây dựng Đặc khu Vân Đồn: Khát vọng đổi mới
longform
Xây dựng Đặc khu Vân Đồn: Khát vọng đổi mới

 


Những ngày này khi Quốc hội đang tập trung thảo luận trước khi nhấn nút ban hành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu) thì 3 cái tên: Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, trở thành từ khóa “hot” nhất trên các trang báo hiện nay. Sự quan tâm của dư luận, nhân dân về quyết sách rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với việc xây dựng thể chế phát triển mới cho 3 cực tăng trưởng kinh tế ở 3 miền Bắc – Trung - Nam của đất nước đã và đang lên đến kịch điểm.


Cùng với Bắc Vân Phong, Phú Quốc, Vân Đồn được lựa chọn là một trong 3 địa bàn xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Với ưu thế là quần đảo lớn nhất khu vực miền Bắc, diện tích 2.171,33 km2 (đất liền 581,83 km2) và mặt biển 1.589,5 km2, tập hợp hơn 600 hòn đảo lớn nhỏ, Vân Đồn được đánh giá là có những tiềm năng nổi trội để xây dựng một Đặc khu của miền Bắc.

Lịch sử đã chứng minh qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Vân Đồn được xác định là thương cảng đầu tiên của Việt Nam, mở ra thời kỳ giao thương bằng đường biển cực kỳ thịnh vượng, kết nối với nhiều quốc gia trên thế giới như: Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia...
 

Ngày nay trong xu thế phát triển toàn cầu hóa, Vân Đồn được đặt trong quy hoạch phát triển liên hoàn quốc gia và kết nối với quốc tế. Đây là KKT duy nhất nằm trong khu vực hợp tác “Hai hành lang- một vành đai” kinh tế Việt- Trung, hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, cầu nối ASEAN - Trung Quốc, Hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore, trong Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.



Vân Đồn nằm trên tuyến đường hàng hải quốc tế sôi động của khu vực, nằm ở điểm giữa của tuyến đường biển Hạ Long - Móng Cái thông thương với các địa phương trong nước qua Quốc lộ 18A, 4B và thông qua đường biển đến với thế giới.

Nếu đi theo đường biển từ cảng vạn Hoa hoặc cảng biển phía Bắc đảo Cái Bầu sẽ đến các cảng của đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 200 hải lý, Hồng Kông 580 hải lý và Singapore 1.300 hải lý, đây là khoảng cách mà các doanh nghiệp lữ hành coi là lý tưởng để mở các tour du lịch đường biển quốc tế.

Nếu tính theo khoảng cách hiện đại của đường hàng không thì từ Vân Đồn chỉ cần 1-2 giờ bay là đến các trung tâm kinh tế, tài chính, du lịch của Trung Quốc và thủ đô của các nước trong khu vực Đông Nam Á và cũng chỉ từ 3-4 giờ bay là có thể đến Bắc Kinh (Trung Quốc), Seuol (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Dubai (UAE).

Khát vọng xây dựng một đặc khu phát triển nhanh, bền vững, với nền sản xuất trình độ cao, hệ thống dịch vụ phát triển cao cấp, bộ máy quản lý tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, an sinh xã hội ngày càng tốt hơn cho Vân Đồn đã được tỉnh Quảng Ninh nung nấu trong hơn 10 năm qua. Từ những ý tưởng ban đầu đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho xây dựng là Khu kinh tế tổng hợp năm 2006 đến Khu kinh tế đặc biệt, rồi đặc khu kinh tế và giờ là đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, Quảng Ninh đã tổ chức trên 50 cuộc hội thảo chuyên đề về xây dựng Đặc khu Vân Đồn với sự tham góp của các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế, chính trị, lý luận, các doanh nhân trong và ngoài nước.

Còn nhớ tại Hội thảo phát triển đặc khu kinh tế - Kinh nghiệm và cơ hội do tỉnh Quảng Ninh tổ chức năm 2014, các chuyên gia, diễn giả, các nhà khoa học cả trong và ngoài nước đều khẳng định, thời gian qua Chính phủ đã tạo nhiều điều kiện về cơ chế, chính sách, nguồn lực hỗ trợ phát triển Vân Đồn trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp quốc tế, tuy nhiên việc áp dụng các cơ chế, chính sách cho khu vực có vị trí địa lý và địa kinh tế rất đặc biệt này còn gặp nhiều khó khăn nên Vân Đồn chưa có đột phá.

Khi tham gia với các diễn giả bàn về vấn đề này tại Hội thảo, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm cho rằng, Việt Nam đã bước vào thời kỳ tăng trưởng kinh tế chững và chậm lại, thời điểm buộc phải tìm ra những mô hình phát triển mới, tạo đột phá mới cho nền kinh tế, cho đất nước.

Trong xu thế toàn cầu hóa, Việt Nam tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, các đối tác chiến lược đều là những nền kinh tế hiện đại, hàng đầu thế giới và đây chính là cơ hội đối ngoại tốt nhất mà đất nước cũng như mỗi địa phương cần tận dụng, chớp thời cơ tìm mô hình mới cho sự phát triển. Với Vân Đồn nếu muốn thành công với ĐKKT thì phải biến “ngoại lệ trở thành thông thường”, tức phải có cơ chế mà trong thể chế thông thường không có. Và những cái “ngoại lệ” phải trở thành “thông thường”.  Điều này đòi hỏi một sự thay đổi về tư duy rất lớn.


5 năm trở lại đây cả nước nhìn nhận, đánh giá về Quảng Ninh như một hiện tượng của sự đổi mới đầy sáng tạo và đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội và xây dựng Đảng, hệ thống chính trị. Bằng tinh thần thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sáng tạo có hiệu quả, đầy khát vọng đổi mới, biết phát huy bài học dựa vào sức dân để phát triển Quảng Ninh đã đứng vững trong top 5 địa phương có tốc độ tăng trưởng, thu ngân sách cao nhất cả nước.

Khát vọng phát triển được tỉnh chuyển hóa một cách thông minh, không bị mâu thuẫn, không bị xung đột vào hành động thực hiện. Lợi thế, tiềm năng của hình ảnh một đất nước Việt Nam thu nhỏ đã được Quảng Ninh nâng tầm phát triển từ những bước đi rất bài bản, khoa học, chiến lược. Đó là hoạch định lại tầm nhìn thông qua 7 quy hoạch chiến lược được lập lên bởi những nhà tư vấn hàng đầu thế giới, xây dựng đề án nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của bộ máy, vận dụng sáng tạo hình thức hợp tác công - tư để huy động nguồn lực và cũng là giải phóng nguồn lực, nhà nước - doanh nghiệp và người dân cùng làm những công trình mang tính động lực lan tỏa kết nối vùng như đường cao tốc, sân bay, cảng biển…

Sự chuyển động của cả bộ máy sang chính quyền phục vụ, kiến tạo đã được Quảng Ninh triển khai thực hiện rất quyết liệt và hiệu quả từ tách dịch vụ công ra khỏi quản lý nhà nước qua mô hình Trung tâm hành chính công (tỉnh duy nhất đến thời điểm này được Chính phủ cho thí điểm thành lập trung tâm hành chính công trực thuộc UBND tỉnh), thành lập cơ quan xúc tiến và hỗ trợ đầu tư chuyên biệt trực thuộc trực tiếp UBND tỉnh, kết nối cơ chế một cửa hiện đại từ trung tâm hành chính công các huyện đến các xã, xây dựng nông thôn mới một cách toàn diện về đích trước cả nước 5 năm…

 

Lựa chọn Vân Đồn là điểm đột phá cho phát triển, trong hơn 10 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã tham khảo, xây dựng, kiên trì vận động, thuyết phục bằng những căn cứ khoa học, bằng minh chứng cả từ lý luận và thực tiễn để xây dựng Đặc khu Vân Đồn. Với mong muốn bằng thể chế đặc biệt, bằng đột phá về hạ tầng “cứng”, hạ tầng “mềm” tốt nhất thu hút các nhà đầu tư, để tạo môi trường thuận lợi nhất cho nhà đầu tư làm ra vàng lại đầu tư bằng vàng trên đặc khu này.

Cuối năm 2016  khi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, ít nhất Vân Đồn phải có được các cơ chế, thể chế phát triển như Hồng Kông, Thượng Hải, khu Tài chính London, Singapore. Một quần đảo lớn nhất miền Bắc hội tụ đủ các điều kiện lý tưởng cho phát triển công nghệ cao, công nghiệp giải trí, du lịch chất lượng cao, đi bằng 3 mũi này Vân Đồn sẽ phải khác, phải hơn các đặc khu kinh tế khác.


Xây dựng đặc khu kinh tế không phải là mô hình mới trên thế giới, vậy nên đã đi sau thì phải có thể chế thế nào để đạt được mục tiêu cạnh tranh toàn cầu ở mức cao nhất? Đây là vấn đề các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ ngành trung ương, tỉnh Quảng Ninh đã rất trăn trở và tìm lời giải đối với việc xây dựng Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt Vân Đồn. Bởi đó không chỉ đơn thuần là xây dựng cơ chế chính sách khác đất liền hay các địa phương trong nước, mà là mô hình quản lý của chính quyền Đặc khu phải tự chủ và xây dựng hệ thống chính sách đặc thù. Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn phải giải quyết tốt nhất 3 điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, coi đây là “phòng thí nghiệm thể chế của Việt Nam” để thu hút phát triển. Mục tiêu là cải thiện môi trường kinh doanh, với câu hỏi đặt ra là làm sao các tỷ phú thế giới phải đến Vân Đồn và Chính phủ sẽ coi Vân Đồn là một điểm ưu tiên trong việc cải thiện 12 trụ cột của năng lực cạnh tranh quốc gia.

Xây dựng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn là khát vọng mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã dồn tâm huyết chuẩn bị trong nhiều năm qua. Hơn 50 cuộc làm việc với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước là điều kiện chín muồi để hôm nay Quảng Ninh khẳng định tâm thế đã sẵn sàng đón đặc khu.

Chỉ tính riêng về chuẩn bị cho hạ tầng “cứng” trong giai đoạn 2012-2017, tỉnh Quảng Ninh đã huy động và thu hút trên 57.600 tỷ đồng (tương đương 2,62 tỷ USD) để cải thiện kết cấu hạ tầng và đầu tư các công trình động lực. Đáng chú ý, vốn đầu tư ngoài ngân sách chiếm tới 70%, chủ yếu bằng hình thức đầu tư PPP. Trong đó lộ trình “cao tốc nối cao tốc” đang được tỉnh thực hiện một cách thần tốc. Dự kiến, đến hết năm 2018, tỉnh sẽ hoàn thành toàn bộ tuyến cao tốc nối Hải Phòng qua thành phố Hạ Long và đến Vân Đồn, qua đó rút ngắn thời gian lưu thông từ Hà Nội đến Vân Đồn chỉ còn 2 tiếng đồng hồ thay vì 5 tiếng như hiện nay.

Quảng Ninh cũng là địa phương có cảng hàng không tư nhân đầu tiên do Việt Nam thiết kế, thi công và cũng là cảng hàng không đầu tiên trong cả nước do cấp tỉnh thực hiện bằng hình thức đầu tư BOT. Dự kiến cuối năm 2018, dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn sẽ được vận hành, khai thác. Cảng hàng không này có công suất 2,5 triệu lượt khách/năm, quy mô cấp 4E, đường cất hạ cánh dài 3,6km, tổng vốn đầu tư gần 7.500 tỷ đồng.

Cùng với đó, Cảng nước sâu Hòn Nét - Con Ong (cảng du lịch và hàng hóa tổng hợp) đang được các nhà đầu tư nghiên cứu chuẩn bị đầu tư từ năm 2018.

Lộ trình đến hết năm 2020, Quảng Ninh sẽ hoàn thành kết nối cao tốc từ Vân Đồn đến thành phố Móng Cái và đưa vào sử dụng đồng bộ các loại hình giao thông đường cao tốc, đường biển và đường hàng không kết nối Vân Đồn với các trung tâm kinh tế lớn trong nước và quốc tế.

“Các đồng chí đã nhìn thấy thời cơ trong xu thế toàn cầu hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển khi mạnh dạn làm sân bay bằng hình thức BOT. Đây là sự lựa chọn rất thông minh bởi nếu bỏ ra khoảng 12.000 tỷ đồng làm đường cao tốc nối đến Vân Đồn thì cũng chỉ loanh quanh trong tỉnh và ra xa hơn là Hà Nội, Hải Phòng nhưng chỉ mất khoảng 7.000 tỷ đồng để làm sân bay sẽ đưa Quảng Ninh đi khắp thế giới”.- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Dù mô hình đặc khu chưa được thiết lập, nhưng Vân Đồn đã và đang được các nhà đầu tư tìm hiểu, mong muốn phát triển các dự án mang tầm… đặc khu. Trong đó, phải kể đến Dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp có kinh doanh casino tại Vân Đồn, diện tích hơn 2,5 nghìn ha, tổng mức đầu tư 2 tỷ USD, trong đó vốn góp của nhà đầu tư Sun Group khoảng 312,5 triệu USD; Tổ hợp du lịch Sonasea Dragon Bay của Tập đoàn CEO Group với số vốn đầu tư là 4.950 tỷ đồng, quy mô 94ha; Dự án Furama Hạ Long Việt Nam Resort & Villas do Tổng công ty CP Viglacera đầu tư với quy mô khách sạn đẳng cấp 5 sao, tổng vốn đầu tư trên 1.120 tỷ đồng; Khu phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp tại đảo Ngọc Vừng do Tập đoàn FLC đầu tư, quy mô vốn 46.000 tỷ đồng;…

Các nhà đầu tư khi đến với Vân Đồn đều bày tỏ sự tin tưởng và kỳ vọng, trong tương lai không xa Vân Đồn sẽ là khu vực thịnh vượng trên tiêu chí xanh và bền vững, nơi hội tụ trí tuệ, lan tỏa lợi ích… Và Quảng Ninh không giấu diếm khát vọng, xây dựng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn nhằm khai thác tối đa tiềm năng, giá trị khác biệt và các giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời của Vân Đồn và khai thác, phát huy tốt nhất Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long. Đưa Vân Đồn trở thành cực tăng trưởng trong khu vực, tạo sức lan tỏa lôi kéo sự phát triển của vùng và cả nước.

 Bài: Lan Hương, Hồng Nhung

Ảnh: Đỗ Phương

Trình bày: Hùng Sơn

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu