4
18
/
1100345
Trồi lên ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
longform
Trồi lên ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Ninh năm 2021 khẳng định, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 31,94%, đóng góp 3,3 điểm % trong tốc độ tăng GRDP năm và là ngành đóng góp tăng trưởng lớn nhất trong GRDP của tỉnh. Như vậy kết thúc năm 2021 ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng 11,9% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh (đứng thứ 3 sau ngành khai khoáng và ngành điện). Đây là thành quả của cả quá trình chuẩn bị rất kỹ lưỡng của tỉnh Quảng Ninh trong suốt giai đoạn 10 năm qua khi thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ "nâu" sang "xanh" đặc biệt từ Đại hội XV, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành nghị quyết đầu tiên là phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trồi lên.

Năm 2019, Quảng Ninh là địa phương thứ 2 tại Việt Nam (sau Bắc Ninh) được Foxconn lựa chọn đặt dự án S-Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 137,1 triệu USD tại KCN Đông Mai, TX Quảng Yên. Một năm sau dự án S – Việt Nam có lô hàng xuất khẩu đầu tiên. Đến nay, dây chuyền sản xuất tivi của Công ty TNHH Competition Team Technology (Việt Nam), thuộc Tập đoàn Foxconn tại KCN Đông Mai đã vận hành được trên 60% công suất thiết kế, dây chuyền sản xuất module màn hình tinh thể lỏng và bảng mạch điện tử đang thực hiện nhập khẩu thiết bị sản xuất lắp ráp để đưa vào sử dụng trong thời gian tới. Với tiến độ thực hiện rất thuận lợi trong thời gian qua, Foxconn rất tự tin năm 2022 sẽ là một năm đầy triển vọng cho doanh nghiệp và dự kiến sản lượng sản xuất của nhà máy có thể sẽ tăng từ 2 đến 3 lần so với năm 2021, từ năm 2026 doanh thu đạt khoảng 24.643 tỷ đồng/năm. Lợi nhuận trước thuế dự kiến phát sinh từ năm 2022 và ổn định từ năm 2026 trở đi, trung bình sẽ đạt khoảng 1.088 tỷ đồng/năm.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, thăm dây chuyền sản xuất của Tập đoàn Foxconn.
Dây chuyền sản xuất ti vi thuộc dự án S-Việt Nam của Tập đoàn Foxconn tại KCN Đông Mai, TX Quảng Yên.

Ông Alan Lin, Quản lý Tài chính Công ty TNHH Competition Team Technology (Việt Nam), thuộc Tập đoàn Foxconn, cho biết: "Sau 2 năm đầu tư tại Quảng Ninh, dự án “S-Việt Nam” đã có được hiệu quả hoạt động ổn định, tạo những giá trị đóng góp cho địa phương, cho chính doanh nghiệp, tạo việc làm ổn định cho trên 1.000 lao động trên địa bàn tỉnh, với mức thu nhập bình quân đạt 6,5 triệu đồng/người/tháng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhập khẩu dây chuyền lắp ráp và mở rộng nhà xưởng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Với sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, lãnh đạo các sở, ban, ngành và các biện pháp kiểm soát chặt chẽ dịch Covid-19, chúng tôi tin tưởng rằng dự án “S-Việt Nam” sẽ tiếp tục hoạt động hiệu quả và đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển kinh tế của tỉnh”.

Dự án “S-Việt Nam” đã có được hiệu quả hoạt động ổn định, tạo những giá trị đóng góp cho địa phương, doanh nghiệp, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.

Tốc độ trồi lên của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Quảng Ninh trong 2 năm (2020, 2021) được thúc đẩy nhanh hơn với sự bổ sung ngày càng nhiều các sản phẩm mới của các doanh nghiệp như tivi, loa, vải dệt thoi từ sợi tổng hợp, thân mũ,... thuộc Dự án S-Việt Nam của Tập đoàn Foxconn, Công ty Kỹ thuật điện tử Tonly Việt Nam, Công ty Bumjin Electronics Co.Ltd, Công ty TNHH Dệt may Weitai Hạ Long… Từ đó làm tăng giá trị tăng thêm của ngành này, trở thành ngành đóng góp nhiều nhất trong tăng trưởng của khu vực công nghiệp - xây dựng.

Ông Tao Hui, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Texhong Ngân Hà KCN Cảng biển Hải Hà, cho biết: Các dự án đã đầu tư vào KCN Cảng biển Hải Hà đến nay đều thuộc chuỗi dây chuyền công nghiệp dệt may và phụ trợ dệt may hiện đại, trở thành khu vực sản xuất sợi lớn nhất Việt Nam, chiếm khoảng 25% tổng sản lượng của toàn ngành dệt may trong nước. Nhờ vậy, hình thành nên chuỗi nhà xưởng sản xuất sợi cotton chuyên biệt, với nguồn nguyên liệu bông được nhập khẩu từ các nước Mỹ, Australia, Ấn Độ. Sợi cotton của đơn vị được xuất khẩu đến các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mexico, Băng la đét, Campuchia... Sản lượng sợi cotton đơn vị sản xuất hàng năm đạt trên 140.000 tấn.

Sản xuất sợi tại Công ty TNHH KHKT Texhong Ngân Hà (KCN cảng biển Hải Hà).

Qua 9 năm thực hiện đầu tư tại Quảng Ninh, giá trị nhập khẩu của Công ty đạt trên 820 triệu USD; giá trị xuất khẩu đạt trên 2,5 tỷ USD; thu nộp cho ngân sách nhà nước trên 250 tỷ đồng. Đặc biệt, Công ty đã tạo công ăn việc làm ổn định, tạo sinh kế bền vững cho trên 3.500 lao động, với mức lương từ 7-12 triệu đồng/người/tháng.

Thời gian tới đây, Texhong Ngân Hà sẽ gia tăng sản lượng sản xuất sợi cotton lên từ 450-500 tấn/ngày. Dự kiến đến tháng 6/2022, KCN Cảng biển Hải Hà sẽ thu hút được khoảng 600 triệu USD từ các nhà đầu tư thứ cấp, để từng bước hoàn thiện chuỗi sản xuất, cung ứng các sản phẩm dệt may, hình thành nên khu công nghiệp chuyên sâu dệt may tại Quảng Ninh.

Một góc KCN cảng biển Hải Hà.

Nhìn toàn cảnh trên thế giới, trong 20 năm qua, công nghiệp chế biến, chế tạo luôn đóng góp khoảng 20% GDP của các nước công nghiệp dù đã phát triển hay mới nổi. Tại Việt Nam, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đã tăng từ 13% năm 2010 lên gần 20% năm 2020. Đối với Quảng Ninh năm 2010 ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 3.697 tỷ đồng thì năm 2020 tăng lên 20.269 tỷ đồng. Những dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo vào Quảng Ninh trong thời gian gần đây có quy mô lớn hơn và hướng mạnh vào đầu tư chất lượng cao.

Giá trị ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2010-2020 (tỷ đồng)
Tỷ trọng trong GRDP ngành công nghiệp chế biến, chế tạo toàn tỉnh 2010-2020 (%)

Trong cuộc họp kiểm điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu: Qua 2 năm bị tác động ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cho thấy quá trình ấp ủ, nuôi dưỡng trong suốt 10 năm qua khi thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, đã tạo một mảnh đất đủ dinh dưỡng để ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trồi lên, khẳng định tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh. Tiếp nối chiến lược phát triển ngay sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành ngay nghị quyết đầu tiên về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 16/11/2020).

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký trao đổi trực tiếp với đại diện nhà đầu tư tại KCN Bắc Tiền Phong (TX Quảng Yên)

Được tiếp sức để là trụ cột tăng trưởng bền vững, tỉnh Quảng Ninh không ngừng xúc tiến, thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật KCN, KKT. Từ một tỉnh có hạ tầng KCN, KKT vào nhóm thấp kém trong cả nước, đến nay đã từng bước hình thành nên 6 KCN có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, thu hút hàng trăm nhà đầu tư thứ cấp có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài. Hầu hết các doanh nghiệp đăng ký đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với giá trị gia tăng lớn.

Lãnh đạo BQL Khu kinh tế tỉnh trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho đại diện Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar Việt Nam.

Năm 2021 cũng là năm đầu tiên Quảng Ninh ghi nhận “làn sóng” đầu tư FDI vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Điển hình chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng, Tập đoàn Jinko Solar đã quyết định đầu tư 2 dự án, gồm: Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam và Dự án công nghệ tấm Silic Jinko Solar PV Việt Nam. Tổng mức đầu tư 2 dự án lên tới con số gần 900 triệu USD. Đây là 2 dự án có nguồn vốn đầu tư FDI lớn nhất được đầu tư trên địa bàn tỉnh từ trước đến nay.

Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar (Việt Nam) huy động phương tiện máy móc triển khai thi công dự án công nghệ tấm Silic Jinko Solar Việt Nam, tại KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên).

Ngoài 2 dự án FDI cấp mới tiêu biểu nói trên, tỉnh Quảng Ninh cũng ghi nhận thêm nhiều dự án FDI tăng vốn đầu tư, như: Dự án Nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng, xe đạp điện của Công ty TNHH Multi-Sunny Việt Nam (10 triệu USD); Nhà máy Lioncore Việt Nam của Công ty TNHH Công nghiệp Lioncore Việt Nam (30 triệu USD); Dự án Haiyun Việt Nam của Công ty TNHH Hải Vận (10 triệu USD); Dự án Nhà máy may tại khu nhà xưởng tiêu chuẩn số 2 của Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Việt Nam (8 triệu USD); Dự án Jingsung Hitec Vina Co.,Ltd của Công ty TNHH Jinsung Vina (trên 13 triệu USD).

Trong bối cảnh sự biến động không ngừng của tình hình thế giới, sự xuất hiện của nhiều yếu tố an ninh phi truyền thống bất ngờ như dịch bệnh, thiên tai tác động ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực dịch vụ, du lịch của các nền kinh tế thì sự chuyển dịch tập trung sang lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh Quảng Ninh là quyết định phù hợp với thực tiễn và tầm nhìn chiến lược.

Dây chuyền sản xuất các sản phẩm dệt may tại Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Việt Nam tại KCN Cảng biển Hải Hà hoạt động ổn định, an toàn.

Bà Zhao Wei Jing, Tổng Giám đốc Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Việt Nam một trong những đơn vị có hoạt động sản xuất hàng may mặc hiện đại tích hợp nghiên cứu phát triển, gia công và thương mại nằm trong dây chuyền sản xuất hàng may mặc khép kín tại KCN Cảng biển Hải Hà cho biết: "Dịch bệnh Covid-19 đã làm gián đoạn sản xuất nhiều dự án ở các địa phương, quốc gia nhưng đối với dự án của chúng tôi tại Quảng Ninh vẫn hoạt động rất tốt. Chúng tôi đã tranh thủ địa bàn Quảng Ninh an toàn, thúc đẩy hoạt động sản xuất. Do vậy, không những có đủ sản phẩm cho những đơn hàng đã được ký kết trước đó mà còn mở rộng thị trường tiêu thụ, khi có thêm nhiều đối tác mới ký hợp đồng”.

Lễ trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án của nhà đầu tư Jinko Solar tại Khu kinh tế ven biển Quảng Yên.

Đặt niềm tin, kỳ vọng ở mảnh đất được dung dưỡng cho sự phát triển bền vững, bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Amata Việt Nam, cho biết: Amata đặt kỳ vọng trong vòng 5 năm tới có thể lấp đầy hơn 70% diện tích KCN tại TX Quảng Yên với vốn đầu tư thu hút hơn 3 tỷ USD, tạo ra hơn 60.000 việc làm cho KCN, góp phần gia tăng chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh, nâng cao giá trị xuất nhập khẩu, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung. Đồng thời, song song với phát triển về kinh tế, sự gia tăng về nhu cầu việc làm, giáo dục đào tạo của KCN sẽ góp phần cải thiện hơn nữa chất lượng cuộc sống của dân cư địa phương.

Nghị quyết 08 của BCH Đảng bộ tỉnh về phương hướng nhiệm vụ năm 2022, xác định, tiếp tục cơ cấu lại khu vực công nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo vào GRDP và thu ngân sách. Theo đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 của Tỉnh ủy về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Thực hiện tương tác trao đổi trực tiếp kết hợp trực tuyến tại đầu cầu IPA Quảng Ninh với đầu cầu của một số chủ đầu tư hạ tầng KCN trong tỉnh.

Phát triển theo chiều sâu các khu kinh tế, khu công nghiệp có năng lực cạnh tranh quốc gia và quốc tế; hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả sử dụng đất tiết kiệm; trở thành động lực tăng trưởng, đổi mới sáng tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số. Chú trọng phát triển các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp chuyên sâu, giảm bớt khu công nghiệp tổng hợp; tăng tính liên kết giữa các khu công nghiệp, khu kinh tế của Quảng Ninh - Hải Phòng, hình thành các cụm sản xuất có quy mô lớn, tập hợp các ngành liên kết, tương hỗ, phụ thuộc nhau để tạo nên những sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh. Rà soát, bổ sung quy hoạch một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới, có lợi thế cạnh tranh, phát huy hiệu quả hạ tầng giao thông chiến lược của hai tuyến phía Đông và phía Tây.

Hệ thống cao tốc xuyên suốt kết nối các khu vực là lợi thế thu hút nhà đầu tư tại Quảng Ninh.

Tạo sức vươn cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, Quảng Ninh sẽ dung dưỡng để từ những chồi non hôm nay phát triển thành rừng cây trong thời gian sớm nhất.


Thực hiện: Ngọc Lan - Mạnh Trường

Kỹ thuật đồ họa: Mạnh Hà