4
18
/
1100343
Đông về, hành hương lên Thánh địa Ngọa Vân
longform
Đông về, hành hương lên Thánh địa Ngọa Vân

Trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt thì am chùa Ngọa Vân có vị trí đặc biệt quan trọng bởi nơi đây chính là điểm dừng chân cuối cùng trong cuộc đời tu hành của Đức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông. Hành hương về Ngọa Vân vào mùa đông có những thú vị và hấp dẫn riêng. Bước chân trên những bậc đá để lên tới đỉnh chúng ta cảm thấy như đang lạc vào cõi phật bồng lai, dưới lớp sương phủ mây mờ nơi đỉnh núi và xen lẫn là những giọt nắng vàng hanh hao, mỗi du khách đều cảm thấy cái lạnh của mùa đông và trong sâu thẳm chính là sự an lạc trong tâm, sự thanh tịnh tuyệt đối khi đứng trên đỉnh thiêng nhìn về bốn phía. Và đây có thể coi là thời điểm đẹp nhất trong năm để du khách hành hương về miền đất Phật.

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.

Đây là những câu thơ thể hiện tư tưởng “cư trần lạc đạo” của đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông. Người là sơ Tổ, người sáng lập Thiền phái Trúc lâm Yên Tử. Một dòng Thiền đã thống nhất các dòng Tì-ni-đa-lưu-chi, vô Ngôn Thông, thảo Đường cũ dưới quyền lãnh đạo của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Một dòng thiền thể hiện tinh thần đạo pháp nhập thế, mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Với tinh thần đạo pháp nhập thế, người con của Phật cùng phải dấn thân vào cuộc sống, vui với niềm vui của đất nước, đau với nỗi đau của dân tộc, nhưng khi thanh bình vẫn trở về với cuộc sống tu hành thoát tục.

Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông là vị vua thứ 3 của Nhà Trần, tên húy là Trần Khâm. Ông sinh ngày 11/11 năm Nguyên Phong thứ 8 đời vua Trần Thánh Tông (1258).

Ông làm vua 14 năm, đến 1293, ông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, lui về Thiên Trường làm Thái Thượng Hoàng để dìu dắt, giúp vua làm quen với việc quản lý và điều hành đất nước.

Vì kính mộ các bậc cao tăng của Thiền môn Yên Tử, tháng 9 năm 1299, khi đức vua Trần Anh Tông đã đủ trưởng thành, Thượng hoàng Trần Nhân Tông chính thức xuất gia tu hành khổ hạnh tại đỉnh Tử Tiêu, núi Yên Tử, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, và tự xưng là Trúc Lâm Đại sĩ, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - 1 dòng thiền Phật giáo mang đậm màu sắc Việt Nam với chủ trương, tư tưởng: Cư Trần Lạc Đạo – Gắn đạo với đời (vui đạo giữa đời).

Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Sau hơn 1 năm, 1295 Ngài rời phủ Thiên Trường về thực tập xuất gia tại hành cung Vũ Lâm, Gia Khánh, Ninh Bình.

Sau thời gian tu hành khổ hạnh tại Yên Tử, Ngài xuống núi, đi khắp xóm làng, dậy dân chúng phá bỏ dâm từ, thực hành thập thiện và ban thuốc chữa bệnh cho dân nghèo.

Tháng 5 năm 1307, Trúc Lâm Đại sĩ lên tu tại một am nhỏ trên ngọn Ngọa Vân.

Ngày 1 tháng 11 năm 1308, Ngài an nhiên Nhập Niết Bàn tại am Ngọa Vân. Am - Chùa Ngọa Vân là nơi đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành và hóa Phật – là Thánh địa của Thiền phái Trúc Lâm.

Quần thể di tích Am - Chùa Ngọa Vân nằm trên núi cao “Bảo Đài sơn” ở phía Tây dãy núi Yên Tử - cánh cung Đông Triều, ngày nay thuộc thôn Tây Sơn, xã Bình Khê, thị xã Đông Triều. Am, chùa Ngọa Vân là Thánh địa linh thiêng của Phật giáo Trúc Lâm - Nơi Đức vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành, hóa Phật. Ngọa vân là một trong 14 điểm di tích quan trọng thuộc Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013).

Ngọa Vân ban đầu chỉ là 1 am nhỏ nơi Phật hoàng tu hành và hóa Phật. Sau khi Phật hoàng Trần Nhân Tông hóa Phật, triều đình và tổ thứ 2 của Thiền phái Trúc Lâm là Pháp Loa đã cho mở mang Ngọa Vân thành một quần thể di tích chùa tháp lớn trên núi Bảo Đài, đây là một quần thể kiến trúc chùa tháp lớn của Thiền phái Trúc Lâm thuộc phía Tây dãy núi Yên Tử.

Tên gọi Ngọa Vân vốn là tên một đỉnh núi trên núi Bảo Đài quanh năm mây phủ. Ngọa Vân nghĩa là mây nằm. Đỉnh Ngọa Vân nằm trên núi Bảo Đài thuộc dãy núi Yên Tử tức vòng cung Đông Triều. Do nằm trên vòng cung Đông Triều, phía Bắc được che chắn bởi dãy núi cao (Vây Rồng) nên khi hơi ẩm từ biển thổi vào bị núi Vây Rồng chặn lại ngưng tụ thành mây, khiến cho sườn núi phía Nam của núi Vây Rồng, trong đó có đỉnh Ngọa Vân quanh năm mây phủ, tạo nên khung cảnh mờ ảo, pha chút huyền bí. Vì vậy, nơi đây được gọi là Ngọa Vân. Am Ngọa Vân có nghĩa là am nằm trên mây. Đỉnh Ngọa Vân được đọc và viết theo âm Hán Việt là Vân Phong nên chùa Ngọa Vân, am Ngọa Vân còn được gọi là chùa Vân Phong, am Vân Phong.

NGỌA VÂN ĐƯỢC BỐ TRÍ THÀNH 3 LỚP:
Lớp cao nhất: Bàn Cờ tiên, am – chùa Ngọa Vân thượng và khu am tháp Phật hoàng.
Lớp thứ hai: Chùa Ngọa Vân trung nằm cách chùa thượng về phía Tây Nam 200m.
Lớp thứ ba: Những di tích còn lại phía dưới chân núi bao gồm: 4 cụm và 15 điểm di tích khác nhau như: Thông Đàn, Đô Kiệu, Đá Chồng, Ba Bậc, Tàn Lọng, Cửa Phủ.

LỚP CAO NHẤT

Lớp cao nhất là khu vực có am - chùa thượng, khu am tháp Phật hoàng và Bàn Cờ tiên.

Kiến trúc am - chùa Ngọa Vân từ thời Trần có quy mô nhỏ, quay hướng Tây Nam. Đến thế kỷ 15, vào thời Lê sơ khi Nho Giáo là quốc giáo, nên khu vực này không được quan tâm và xuống cấp nghiêm trọng. Phải đến thời Lê Trung Hưng, Phật giáo hưng thịnh trở lại, chùa chiền, am tháp được các tầng lớp quý tộc quan tâm và tạo dựng khang trang. Nổi bật là năm Đinh Hợi (1707) niên hiệu Vĩnh Thịnh, Ngọa Vân được trùng tu lớn nhất. Thời kỳ chống Pháp, khu vực này bị giặc đánh phá hư hỏng nặng và đổ nát. Cho tới năm 2002 am - chùa Ngọa Vân thượng mới được khôi phục lại như ngày nay. Kiến trúc còn lại hiện nay tập trung tại 2 cấp nền:

Cấp nền số 1:

Là sân chùa thượng, thấp hơn nền chùa 3m. Có 2 tháp Phật giáo dạng hoa sen bằng đá khá lớn là Phật hoàng tháp và Đoan Nghiêm tháp. Hai tháp được kết cấu bằng đá, chất liệu đá gạo, đá bán laterit (đá ong). Mặt bằng hình vuông gồm 1 tầng bệ, 2 tầng thân và phần chóp tháp hình quả hồ lô.

Phật Hoàng tháp và Đoan Nghiêm tháp.

PHẬT HOÀNG THÁP nằm ở phía Tây cấp nền, được Pháp Loa cho xây dựng từ thời Trần, là nơi giữ xá lỵ của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Đến thời Lê Trung Hưng (TK 18) tòa bảo tháp do Pháp Loa xây dựng đã bị đổ nát, năm 1707 thiền sư Đức Hưng (hiệu là Viên Minh) đã cho trùng tu xây mới. Phía trước tháp có tượng voi đá và bia đá lập từ năm Minh Mệnh 21 (1840). Trong lòng tháp đặt 1 bài vị bằng đá xanh, chạm nổi mười bảy chữ Hán “Nam mô đệ nhất tổ Trúc Lâm Đầu Đà Tĩnh Tuệ Giác Hoàng Trần triều đệ tam Nhân Tông Hoàng đế Điều Ngự vương Phật”- (Nam mô a di đà phật. Bài vị thờ Điều Ngự Vương Phật Đầu Đà Tĩnh Tuệ Giác Hoàng, tổ thứ nhất phái Trúc Lâm, vua thứ 3 triều Trần, Hoàng đế Nhân Tông).

ĐOAN NGHIÊM THÁP nằm ở phía Đông cấp nền là tháp mộ của Thiền sư Đức Hưng người đã có công cùng với Triều đình từ TK18 cho trùng tu, xây dựng lại Ngọa Vân. Trong lòng tháp đặt 1 bài vị bằng đá xanh, bài vị chạm nổi mười bảy chữ Hán “Nam mô Thiền Lâm thích tử ma ha tì kheo Đức Hưng Thiền sư an tọa hạ” (Nam mô a di đà phật. bài vị thờ ma ha tì kheo đệ tử phái Thiền Lâm, Thiền sư Đức Hưng).

Cấp nền số 2:

AM SƠN THẦN: Nằm ở phía đông cấp nền số 2, cách nhà Tổ khoảng 10m về phía đông. Am Sơn Thần có kiến trúc mặt bằng hình chữ nhật, diện tích 9m2, mái cuốn vòm bằng gạch, hồi phía nam mở 1 cửa, trên cửa đắp nổi 1 cuốn thư trong đắp nổi 3 chữ Hán “Thiên Sơn Từ” tức là nơi thờ các vị Thần Núi. Hai cột bên có đôi câu đối bằng chữ Hán ca ngợi vùng đất nơi cảnh Phật cõi tiên bốn mùa cảnh sắc tươi tốt:

Phiên âm:
Vạn cổ anh linh tự
Tứ thời cảnh sắc tân

Dịch thơ:
Muôn thuở chùa linh ứng
Bốn mùa cảnh sắc tươi

CHÙA NGỌA VÂN THƯỢNG (còn gọi là chính điện):

Chùa có kiến trúc chữ Nhất được khôi phục lại trên nền kiến trúc cũ vào năm 2000, có diện tích 50m2. Ba gian lợp ngói, tường xây bằng đá. Hai bên cửa chùa có đôi câu đối: “Vạn vật vô tội - Họa tại nhân tâm” để nhắc nhở con người và thể hiện một phần tư tưởng nhân văn “lấy chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thàn Phật” của Phật hoàng Trần Nhân Tông trong phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Nằm ở phía Tây cấp nền số 2 và cao hơn cấp nền này 2,5m là am Ngọa Vân - nơi đặt tượng đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông với dáng nằm mô phỏng Phật nhập Niết Bàn.

Am Ngọa Vân.

AM NGỌA VÂN được xây bằng gạch, mái cuốn vòm bằng gạch. Hồi phía Nam mở một cửa ra vào, trên đề 3 chữ Hán “Ngọa Vân Am” tức là Am Ngọa Vân. Theo truyền thuyết khi Phật hoàng nhập Niết Bàn ngài nằm ở tư thế sư tử trên một tảng đá lớn, tảng đá nơi Phật hoàng nhập Niết Bàn được gọi là Đá Niết Bàn. Theo tài liệu Trần triều Thánh tổ các xứ địa đồ thì mặt bằng chùa Ngọa Vân trước kia không có Am Ngọa Vân, chỉ có tảng Đá Niết Bàn, chùa Ngọa Vân, hai tòa tháp, bia đá. Do vậy, Am Ngoạ Vân hiện nay có thể đã xây tại nơi vốn là vị trí của Đá Niết Bàn nơi Phật Hoàng nhập Niết Bàn.

Nơi cao nhất khu vực này là Bàn Cờ Tiên - là dấu vết của tịnh thất khi xưa. Chùa trung, Tịnh thất và ngọn Tháp bút (nằm ở Thông Đàn 1) nằm trên 1 trục đường thẳng, đó là trục thần đạo của chùa Ngọa Vân.

Toàn cảnh khu vực Ngọa Vân Thượng.

Tháng 12-2020, chùa Thượng - Am Ngọa Vân được khởi công tu bổ. Công trình được quy hoạch lại toàn bộ không gian, cảnh quan với 3 phân khu: Bàn cờ tiên, am tháp và khu phụ trợ hành lễ. Việc tu bổ dựa trên cơ sở thực tế với quỹ đất hiện có, tôn trọng hiện trạng địa hình và cảnh quan di tích.

Cụ thể, bảo tồn, tôn tạo mặt bằng, cải tạo và hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối khu bàn thờ tiên với khu am tháp. Bảo tồn, tôn tạo am Ngọa Vân, đền Thiên Sơn, hai tháp Phật Hoàng và Đoan Nghiêm; tôn tạo nhà Tổ; cải tạo không gian hành lễ và hệ thống giao thông theo hướng phân tuyến và cải tạo cảnh quan khu vực. Đến nay, sau gần 01 năm khởi công, Dự án đã cơ bản hoàn thiện và sẽ Khánh thành vào dịp tưởng niệm 713 năm Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn.

LỚP THỨ HAI

Lớp thứ 2 của khu di tích Ngọa Vân - chùa Ngọa Vân trung. Chùa nằm ở vị trí trung tâm sườn núi phía Nam của núi Bảo Đài (Vây Rồng). Ở độ cao trung bình 588m - 644m so với mặt nước biển.

Năm 2014, được sự quan tâm của các cấp, ngành và sự phát tâm công đức của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Dự án trùng tu xây dựng lại chùa Ngọa Vân trên nền chùa cũ đã được khởi công và khánh thành vào ngày 09 tháng giêng năm 2016.

Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc kiểu chữ Nhị (mô phỏng theo lối kiến trúc chùa Ngọa Vân được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng năm 1707). Chùa gồm 02 tòa, phía trước là tòa Tiền đường nơi đặt tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được chế tác bằng đá ngọc bích đỏ. Phía sau là Hậu đường có kiến trúc ba gian hai chái. Trung tâm là Ban Tam Bảo, hai bên là 2 thị giả của Nhà Phật: Phổ Hiền Bồ tát và Văn Thù Bồ tát. Ngoài cùng bên trái là Ban Đức Thánh Hiền và ngoài cùng bên phải là Ban Đức Ông.

Năm 2014, được sự quan tâm của các cấp, ngành và sự phát tâm công đức của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Dự án trùng tu xây dựng lại chùa Ngọa Vân trên nền chùa cũ đã được khởi công và khánh thành vào ngày 09 tháng giêng năm 2016.

LỚP THỨ BA

Những di sản còn lại ở dưới chân núi Bảo Đài - Ngọa Vân. Các di tích này được kể tên theo con đường đi bộ từ chân núi: Tàn Lọng, Cửa Phủ Am Trà, Đô Kiệu, Thông Đàn 1, Thông Đàn 2, Thông Đàn 3, Đá Chồng, Ngọa Vân 1, Ngọa vân 2, Ngọa Vân 6, Ba Bậc.

Nhà ga cáp treo đặt tại khu vực của di tích Tàn Lọng.

TÀN LỌNG: Theo dân gian kể lại về việc tu hành và đắc đạo của Phật hoàng tại một số làng trong khu vực An Sinh, Tràng An thì trước khi đến Cửa Phủ phải qua khu vực gọi là Tàn Lọng. Tàn lọng nghĩa là “thu lọng lại”. Tàn Lọng là vị trí nằm trên đường lên Am Ngọa Vân, đến đây bắt đầu đi vào khu rừng già, đường hẹp bởi thế không cần và không thể che lọng.

Rừng già che bóng mát,
Lọng vua không cần che

Phủ Am Trà ngày nay.

PHỦ AM TRÀ: Phủ Am Trà hay còn gọi Cửa Phủ nằm cách Đô Kiệu khoảng 1.000m về phía hạ nguồn của suối Phủ Am Trà, cách Tàn Lọng khoảng 250m - 300m. Đó là khu vực đất đẹp tương đối bằng phẳng, nằm cao hơn suối khoảng 5m. Dấu vết còn lại ở khu vực Cửa Phủ là nền móng của 1 kiến trúc nhỏ được xây dựng vào đầu thế kỷ XX. Cửa Phủ hiện là nơi thờ Thần Rừng, Thần Núi với tư cách như người cai quản khu rừng này, do vậy trước khi vào rừng mọi người phải qua đây thắp hương với ý xin phép hay trình báo và cầu mong được các vị thần rừng, thần núi che chở và bảo vệ.

Điểm di tích Đô Kiệu.

ĐÔ KIỆU: Nằm cách Cửa Phủ khoảng 1000m về phía thượng nguồn suối Phủ Am Trà. Đô Kiệu nằm ở vị trí ngã ba của hai dòng suối dồn nước về suối phủ Am Trà, cũng là nơi kết thúc đoạn đường tương đối bằng phẳng. Từ đây lên am Ngọa Vân phải leo dốc cao và dài, hai bên là vực sâu nên chỉ có thể leo bộ. Đây là vị trí đỗ kiệu của Phật hoàng nên gọi là Đô Kiệu, tức là đến đây buộc phải xuống kiệu để leo bộ, Đô Kiệu là cách gọi chệch của Đỗ Kiệu.

Đô Kiệu gồm 2 khu vực: Khu bạt bòng, bạt vải và khu dốc Đô Kiệu.

Khu bạt bòng, bạt vải: là khu vực bằng phẳng, khu sinh hoạt với những kiến trúc, vườn cây. Khu dốc Đô Kiệu: là khu vực thờ tự.

Thông Đàn: Đây là cụm gồm 3 điểm di tích được các nhà khảo cổ gọi Thông Đàn 1, Thông Đàn 2 và Thông Đàn 3 phân bố trên 3 sườn núi kéo dài về phía Tây Nam của núi Vây Rồng, trên độ cao trung bình 430m - 480m so với mặt nước biển.

Khu Thông Đàn là điểm dừng chân của du khách trên đường hành hương lên am Ngọa Vân.

Về tên gọi Thông Đàn có thể lý giải bằng những cách sau: Thứ nhất là nơi có nhiều cây thông cổ; Thứ hai do có nhiều cây thông cổ, thân và tán cây lớn ngồi dưới tán cây mỗi khi gió thổi các âm thanh nhiều cung bậc giống như một dàn nhạc mà mỗi cây thông là một nhạc công vì thế nên gọi là Thông Đàn.

Cả ba điểm di tích Thông Đàn đều tìm thấy các dấu vết kiến trúc từ thời Trần cho đến thời Lê, Nguyễn. Trong đó Thông Đàn 1 nằm ở giữa và nằm trên con đường chính lên Am Ngọa Vân. Đóng vai trò là trục chính của cả khu Thông Đàn.

Dưới thời Lê Trung Hưng, Thông Đàn 1 được cải tạo thành 2 cấp nền và xây mới 2 tháp đá. Tháp thứ nhất được xây dựng ở cấp nền trên là tháp thờ Phật (Phụng Phật tháp), tháp thứ 2 được xây dựng ở cấp nền dưới là tháp mộ của Thiền sư có tên chữ: Viên Mãn Chân Giác, vì thế tháp còn được gọi là Tháp Viên Mãn Chân Giác Thiền sư. Hai tòa tháp này tồn tại cho đến khoảng những năm 80 thế kỷ XX thì bị sập đổ. Đến 2012, đồng thời với việc xây dựng lại toàn bộ khuôn viên di tích Thông Đàn 1, tháp cũng được phục dựng lại. Từ đây đã mở đầu cho công tác trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của khu di tích Ngọa Vân.

NHỮNG DI TÍCH KHU VỰC NGỌA VÂN

NGỌA VÂN 1: Nằm ở mỏm phía đông của núi Vây Rồng. Đây là điểm Tay Ngai phía đông (Tả Thanh Long). Khu vực này còn dấu vết kè xếp nền đá cát kết (đá gạo), cuội cùng 1 số di vật. Ngọa Vân 1 là khu chùa - am quan trọng trong quần thể di tích Ngọa Vân, có kiến trúc kiên cố, nền kè xếp đá, khung cột bằng gỗ, mái lợp ngói mũi sen.

NGỌA VÂN 2: Cách Ngọa Vân 1 khoảng 20m về phía Tây Bắc. Dấu vết còn khu vực này chủ yếu là tảng kê chân cột, gạch, ngói các loại. Đây là khu vực quan trọng trong di tích Ngọa Vân, nằm liền kề với khu trung tâm Ngọa Vân.

NGỌA VÂN 6: Cách khu Ngọa Vân khoảng 500m về phía Đông, trên đường từ khu Đá Chồng vào chùa và cao hơn đường khoảng 20m về phía Bắc. Tại đây có dấu vết nền móng kiến trúc và hệ thống đá xếp bậc dẫn lên từ chân núi. Đây là khu vực bằng phẳng hình chữ nhật chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam có diện tích khoảng 42m2, mặt trước và hai bên được kè xếp bằng đá, mặt sau tựa vào sườn núi. Các di vật được tìm thấy như một số đồ gốm men, đồ sành có niên đại thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVII - XVIII, có thể suy đoán, Ngọa Vân 6 được xây dựng lần đầu vào thời Lê Trung Hưng, tức là thời kỳ Ngọa Vân được trùng tu và mở rộng vào đầu thế kỷ XVIII.

Khu Đá Chồng dưới chân Bảo Đài.

KHU ĐÁ CHỒNG: Là cụm công trình nằm trong quần thể di tích nằm trên núi Bảo Đài, trong quần thể di tích Ngọa Vân, cách chùa Ngọa Vân khoảng 3km đi theo con đường mòn và nằm ở sườn Đông Nam của khu vực Đèo Voi.

Gọi là Đá Chồng bởi khu vực này trên đỉnh núi có các tảng đá nằm chồng lên nhau, cảm giác chênh vênh.

Tại khu vực này, năm 2007 các nhà Khảo cổ học phát hiện hàng loạt dấu vết nền móng kiến trúc và khu sản xuất nguyên liệu phục vụ việc xây dựng các công trình kiến trúc trong quần thể Ngọa Vân. Phân bố ở 2 khu: Khu Đá Chồng 1, Khu Đá Chồng 2.

Khu Đá Chồng 1:

Được bao bọc bởi các ngọn núi thuộc khu vực Đèo Voi ở phía Đông Bắc và phía Tây Nam; phía Tây Bắc là dãy núi cao, ngọn Đá Chồng ở phía Đông Nam và xa xa là hồ Bến Châu. Những dấu tích khu này gồm:

Khu Chuồng Bò (phía Tây Bắc núi Đá Chồng) phân bố dọc từ chân núi lên đỉnh núi gồm: hồ nước, khu vườn tháp, khu trung tâm và tịnh thất hướng Đông Nam.

Hồ nước là nơi nhiều dòng suối đổ vào từ các triền núi cao Khu vườn tháp: Có dấu vết tháp bằng đá khá lớn, cấu trúc giống tháp Phật hoàng, tháp thờ Phật, tháp Đoan Nghiêm.

Khu trung tâm: Nằm kề sau khu vườn tháp, cách khu vườn tháp một con suối nhỏ, rộng khoảng 5m. Khu trung tâm có mặt bằng tổng thể hình chữ nhật chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam với bố cục chi tiết: sân trước, kiến trúc thứ nhất, sân giữa và cụm kiến trúc thứ hai.

Khu tịnh thất: gồm 2 mặt bằng kiến trúc hình gần vuông có diện tích 25m2, một nằm ở lưng chừng sườn núi và một ở trên đỉnh núi. Khu vườn chùa: nằm ở phía Đông Bắc của khu vực trung tâm. Khu này nay đã bị các cây rừng mọc kín song vẫn có thể nhận thấy dấu vết đường đi xếp cuội và một số cây cối được trồng ở đây.

Khu Đá Chồng 2:

Khu vực này khá bằng phẳng, ở phía sườn Tây Nam của núi Đá Chồng, có dấu vết 2 mặt bằng kiến trúc và dấu vết lò nung ngói thời Lê Trung Hưng.

Khu Đá Chồng là xưởng sản xuất các loại vật liệu gạch ngói phục vụ cho việc xây dựng công trình tại Ngọa Vân. Đây là một cụm di tích nằm trong quần thể di tích Ngọa Vân được xây dựng TK XVIII. Trong đó Đá Chồng 1 là khu trung tâm, được xây dựng trên địa hình bằng phẳng đẹp về địa thế tự nhiên lẫn tâm linh (phong thủy), minh đường tụ thủy, hậu chẩm có núi cao. Đá Chồng 2 là khu công trình kiến trúc nhỏ, nơi sản xuất các loại vật liệu, kiến trúc.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Đá Chồng là căn cứ cách mạng, che chở cho Thành ủy Hải Phòng trong những năm bị quân Pháp càn quét, là hậu cứ của chiến khu Đông Triều. Do vậy, có thể gọi Đá Chồng là khu di tích lịch sử, văn hóa và cách mạng.

Hiện nay, trên đỉnh “Bảo Đài sơn” có một Ngọa Vân quanh năm mây phủ bóng mờ, vẫn còn đó “Ngọa Vân am” - Nơi thờ Phật hoàng, “Phật hoàng tháp” - Nơi đặt xá lị của Ngài… Lễ hội xuân Ngọa Vân được mở từ ngày 09 tháng Giêng đến hết tháng ba âm lịch hàng năm, lễ hội kéo dài suốt 03 tháng đầu năm để nhân dân, du khách trong nước và quốc tế có dịp hành hương về vùng đất Phật Trúc Lâm.

Lễ tưởng niệm 712 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn tại chùa Ngọa Vân.

Hàng trăm năm nay, Am Ngoạ Vân - nơi Phật hoàng tu hành và hoá Phật được coi là chốn linh thiêng nhất - Thánh địa của Phật giáo Trúc Lâm. Đây là một phần quan trọng trong tổng thể khu di tích nhà Trần thị xã Đông Triều. Khu di tích đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt theo quyết định 2383/QĐ-TTg ngày 9 tháng 12 năm 2013.

Về với đất Phật, khách hành hương thêm hiểu về quá trình tu của Phật hoàng Trần Nhân Tông, du khách cảm nhận cảnh đẹp đất trời, cho tâm hồn thấy bình tâm. Dù hành hương vất vả, cảm xúc được nhớ tới trong tâm, tình cảm của du khách không chỉ là cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ của một vùng núi non mà còn là nơi khởi nguồn cho những câu chuyện mang đậm màu sắc Phật giáo, chiêm nghiệm về cuộc sống, cảm nhận trọn vẹn về đạo, về đời.

Ngọa Vân vùng đất thiêng và hùng vĩ, đông về, hãy hành hương lên Ngọa Vân để có những trải nghiệm đẹp, thú vị và đón chào một năm mới, năm 2022 bình an, hạnh phúc!


Thực hiện: Thu Trang- Lê Đại (Trung tâm TTVH Đông Triều)

Đồ họa: Đỗ Quang