4
18
/
1100518
"Dân tin - Đảng cử": Mô hình được cuộc sống đặt tên
longform
"Dân tin - Đảng cử": Mô hình được cuộc sống đặt tên

Cùng với nhân dân cả nước cứ 5 năm một lần vui ngày hội lớn bầu cử Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, từ năm 2017, người dân Quảng Ninh có thêm 1 ngày hội náo nức lòng người nữa đó là ngày toàn tỉnh cùng thực hiện bầu trưởng thôn, bản, khu phố. Ngày hội lớn đó bắt đầu cho hành trình niềm tin “Dân tin – Đảng cử” từ sự thống nhất, đồng bộ về nhiệm kỳ trưởng thôn, bản, khu phố với nhiệm kỳ của bí thư chi bộ thôn, khu. Đạt được sự thống nhất về thời gian tổ chức bầu trưởng thôn trong 1 ngày và đại hội chi bộ ngay trong thời điểm sau đó, tỉnh Quảng Ninh cũng thực hiện luôn mô hình Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố. Ngày 5/6/2022 là lần thứ 3 nhân dân Quảng Ninh vui ngày hội lớn riêng có vùng đất địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc – bầu trưởng thôn, bản, khu phố, tiền đề thành công cho mô hình “Dân tin – Đảng cử” – mô hình đổi mới công tác xây dựng Đảng từ cơ sở đã được cuộc sống đặt tên!

“Mọi hoạt động và cuộc sống hằng ngày của nhân dân chủ yếu trực tiếp diễn ra tại cơ sở; vì thế, chính quyền cơ sở là cấp gần dân nhất. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có được thực hiện tốt hay không, một phần rất quan trọng phụ thuộc vào chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, trực tiếp là phẩm chất, năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên trong các tổ chức đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở có ảnh hưởng rất lớn đến tình cảm, thái độ, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền” - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký khẳng định.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký trò chuyện với nhân dân khu Chang Nà, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu.

“Qua thực tiễn ở địa phương thấy rằng các chi bộ mạnh, thôn mạnh, nhân dân đoàn kết – đều có sự khởi nguồn từ đồng chí bí thư chi bộ, trưởng thôn. Họ chính là trung tâm đoàn kết, sáng tạo, hạt nhân quy tụ sức mạnh lòng dân ở địa bàn khu dân cư. Như ở Tiên Yên việc triển khai thực hiện Nghị quyết 08, Nghị quyết 06 của BCH Đảng bộ tỉnh ở các thôn, bản, khu phố đều rất nhanh, hiệu quả đến được với từng người dân chính là nhờ có đội ngũ cán bộ ở các thôn, bản, khu phố. Không còn là chuyện vai bên này gánh việc thôn, vai bên kia gánh việc chi bộ nữa, mà họ đã gắn kết, định hình được tình cảm rất tự nhiên từ bản thân họ lan tỏa ra cộng đồng về ý thức tình cảm rằng việc của chi bộ là việc của thôn, việc của thôn là trách nhiệm của chi bộ, điều đó có nghĩa rằng việc của Đảng là việc của Nhân dân, xây dựng Đảng là trách nhiệm của Nhân dân” - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên Hà Hải Dương cho biết.

Anh Sằn Chi Nàm, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Khe Lẹ, xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên (ngoài cùng, bên trái) vận động nhân dân trong thôn chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Còn nhớ trước năm 2016, trước khi Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU, về “Thống nhất nhiệm kỳ đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với bầu trưởng thôn, bản, khu phố, nhiệm kỳ 2017 - 2020”, trên toàn tỉnh nhiệm kỳ bầu trưởng thôn không đồng bộ, thống nhất trong tỉnh cũng như trong cùng địa bàn cấp huyện, không đồng bộ với nhiệm kỳ đại hội chi bộ (đều là 2,5 năm); khó khăn cho việc lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ chính trị và chuẩn bị công tác nhân sự bầu trưởng thôn và nhân sự chi ủy; tỷ lệ trưởng thôn chưa là đảng viên và tỷ lệ bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn đạt thấp. Theo thống kê, đến năm 2016, với 177 xã, phường, thị trấn; 1.542 thôn, bản, khu phố, toàn tỉnh chỉ có 32,8% số trưởng thôn, bản, khu phố là đảng viên; tỷ lệ chưa qua đào tạo chiếm trên 80%. Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố chỉ có 336 đồng chí, chiếm 21,8%. Chính vì vậy, vai trò, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng ở cấp thôn, bản, khu phố nhiều nơi còn hạn chế. Trình độ, năng lực hoạt động thực tiễn của một số bí thư chi bộ, chi ủy viên chưa đáp ứng yêu cầu. Đối với những nơi trưởng thôn, bản, khu phố chưa là đảng viên thì đôi khi vai trò lãnh đạo của chi bộ chưa thực sự rõ nét, thiếu hiệu quả.

Với quan điểm “nhìn thẳng vào sự thật”, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã sớm xây dựng Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” (Đề án 25); đồng thời, ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 3-3-2015, của Tỉnh ủy. Nghị quyết đã chỉ rõ những yếu kém, bất cập của đội ngũ cán bộ cơ sở, đồng thời đề ra những biện pháp cụ thể để khắc phục.

Cử tri khu 7A (phường Hồng Hải, TP Hạ Long) bỏ phiếu bầu chức danh trưởng khu phố, nhiệm kỳ 2017-2020. Ảnh: Minh Thu.

Ngày 28/12/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU, về “Thống nhất nhiệm kỳ đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với bầu trưởng thôn, bản, khu phố, nhiệm kỳ 2017 - 2020”. Trong đó, đặt ra mục tiêu thực hiện 100% số bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố, với phương châm lựa chọn nhân sự theo phương thức “Dân có tin rồi Đảng mới cử”. Cụ thể là, chọn những đảng viên vừa được nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, bản, khu phố để giới thiệu cho chi bộ bầu làm bí thư chi bộ.

Với cách làm "Dân bầu, Đảng cử" đáp ứng mong mỏi, nguyện vọng của nhân dân, nên việc thực hiện mô hình nhất thể hóa bí thư đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố đã đạt cả 2 yêu cầu về tiến độ và chất lượng.

Ông Vũ Ngọc Nhiều, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu 4, phường Hồng Hà (TP Hạ Long) chia sẻ: Tôi được nhân dân tín nhiệm bầu 2 khóa làm Bí thư Chi bộ, trưởng khu phố. Đó là niềm tin nhân đôi đối với tôi, tôi được tăng thêm cơ hội gắn bó mật thiết với nhân dân, có điều kiện kịp thời lắng nghe, nắm bắt, giải quyết tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân trong khu dân cư. Từ đây, tôi có được thực tiễn hơn trong việc tổ chức hoạt động của Chi bộ, nhất là trong xây dựng Nghị quyết của Chi bộ đúng vào những vấn đề mà thực tiễn ở khu phố đang đặt ra. Gần 5 năm qua, nội dung sinh hoạt chủ yếu của chi bộ khu 4 là lựa chọn các vấn đề bức thiết tại khu dân cư, các đảng viên nắm bắt sâu sắc hơn, trách nhiệm hơn với các công việc ở khu dân cư. Nhờ vậy, mà chi bộ gần với nhân dân hơn, được nhân dân quan tâm, ủng hộ và tin tưởng hơn rất nhiều.

“Việc nhất thể hóa này đã làm sâu sắc hơn việc thực hành dân chủ ở cộng đồng dân cư gắn với thực hành dân chủ trong Đảng, cụ thể hóa quan điểm dựa vào dân để xây dựng Đảng. Cách làm này cũng cho phép tăng thêm trách nhiệm người đứng đầu chi bộ tại khu dân cư, gắn bó mật thiết với nhân dân, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng tại địa bàn dân cư; kịp thời lắng nghe, nắm bắt, giải quyết tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, góp phần làm cho Nghị quyết của Chi bộ giàu sức sống, có tính khả thi cao, lựa chọn vào những vấn đề mà thực tiễn ở địa bàn dân cư, thôn, bản, khu phố đang đặt ra để sinh hoạt chi bộ theo hướng triển khai thực hiện chủ trương trên xuống bằng lựa chọn các vấn đề bức thiết tại khu dân cư mang tính cộng đồng sâu sắc mà người dân đang trông chờ” – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký khẳng định.

Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Khê Thượng (xã Việt Dân, TX Đông Triều) Nguyễn Thanh Tùng tuyên truyền người dân xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh ở khu dân cư. Ảnh: Nguyễn Thanh.

Nhìn lại kết quả thực hiện mô hình nhất thể hóa Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu theo phương châm “Dân tin - Đảng cử”, trong thời gian qua, tại Quảng Ninh đã góp phần rất lớn trong thực hiện tinh gọn bộ máy. Nếu như năm 2015, số người hoạt động không chuyên trách ở cấp thôn trong toàn tỉnh có 12.549, đến hết năm 2017, số người giảm chỉ còn 11.688; đến 3/2022, con số này chỉ còn 3.086 người hoạt động không chuyên trách ở thôn bản. Đặc biệt, mô hình đã khắc phục tính khô cứng, khiên cưỡng trong sinh hoạt chi bộ của mô hình phân tách bí thư và trưởng thôn; làm cho sinh hoạt chi bộ mang hơi thở cuộc sống hơn, tính cộng đồng hơn.

Đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Việc nhất thể hoá hai chức danh này cũng góp phần đưa Nghị quyết của chi bộ sát thực hơn, hiệu quả hơn và đi vào đời sống xã hội ở cộng đồng dân cư; phát huy được cao nhất sức mạnh lãnh đạo của chi bộ và trách nhiệm của đảng viên nhất là người đứng đầu (bí thư chi bộ - trưởng thôn, khu) đối với việc thực hiện nhiệm vụ ở khu dân cư. Chi ủy, chi bộ và nhất là đồng chí bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu phố sâu sát thực tế, nắm chắc tình hình chính trị tư tưởng, việc chấp hành chính sách pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân hơn... Từ đó, có những chỉ đạo, điều hành phù hợp, sát thực tiễn, đảm bảo tính khả thi cao.

Đồng chí Phạm Bích Ngọc, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đoàn Xá 2, xã Hồng Phong, TX Đông Triều (thứ 2, trái sang), tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các quy định về đảm bảo ANTT tại địa phương.

Đặc biệt, bằng sự hoạt động, điều hành hiệu quả của mình, các bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố của tỉnh Quảng Ninh đã nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng ở cơ sở, góp phần củng cố và xây dựng các tổ chức đảng thực sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân. Qua đó, góp phần tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, từ 73,3% năm 2016 lên 79% năm 2017, 85,1% năm 2018, trên 96% năm 2019 và đặc biệt trong 2 năm 2020 và 2021 vẫn đạt tỷ lệ 95% với số phiếu đánh giá của cán bộ, công chức, viên chức chỉ chiếm 30% thay vì 70% như năm 2020. Trong 5 năm liên tiếp (2017 - 2021), tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu toàn quốc về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Các chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index); Chỉ số Hài lòng của người dân và tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) luôn đứng đầu cả nước trong nhiều năm liên tiếp.

Công tác phát triển đảng viên được đặc biệt quan tâm, nhất là ở thôn, bản, khu phố có ít đảng viên. Đời sống văn hóa, xã hội địa phương được nâng lên rõ rệt. Qua mô hình này, đời sống văn hóa tinh thần ở mỗi thôn, bản dân cư đều được củng cố hơn, nhất là các bản hương ước càng có sức sống mãnh liệt hơn... bởi tình làng nghĩa xóm, tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận trong cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất cộng đồng dân cư được nâng lên. Công tác vận động nhân dân có chuyển biến rõ nét, nhân dân đồng thuận, ủng hộ giải phóng mặt bằng các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước.

Bí thư chi bộ, Trưởng khu 6, phường Hồng Hà (TP Hạ Long) tuyên truyền đến người dân về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đặc biệt trong 2 năm 2020 và 2021, trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh COVID-19, với mô hình “bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố” và sáng tạo xây dựng mô hình “tổ công tác tự quản tại thôn, bản, tổ dân cư, khu phố” theo phương châm "3 trước, 4 tại chỗ" thực sự hiệu quả, góp phần quan trọng vào thành tích chung đưa Quảng Ninh trở thành điểm sáng, điển hình trong cả nước về thực hiện “mục tiêu kép”, giữ vững đà tăng trưởng 2 con số.

An sinh xã hội trên địa bàn được bảo đảm; tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được duy trì ổn định; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết kiến nghị của cử tri được tăng cường, giải quyết dứt điểm được nhiều vụ, việc phức tạp, kéo dài; các sự kiện lớn của tỉnh đều được tổ chức thành công như Đại hội Đảng các cấp; bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp; SEA Games...

Bí thư Đoàn xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu Chìu Văn Phúc (nguyên Bí thư chi bộ, trưởng thôn Phai Lầu, xã Đồng Văn): Đó là bước khởi đầu hạnh phúc nhất của tôi!

Phai Lầu là địa bàn biên giới của xã Đồng Văn, Bình Liêu. Nơi đây có 100% bà con là người đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn thời điểm trước năm 2015 còn trên 30%. Nhận thức của bà con còn nhiều hạn chế, đa phần người dân vẫn trồng trọt, chăn nuôi theo hướng tự cung, tự cấp, không dám xây dựng hay phát triển mô hình vì sợ rủi ro. Không những vậy, nhiều người vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Lớn lên ở vùng đất này nên tôi luôn thấu hiểu sự khó khăn, vất vả của người dân nơi đây.

Bí thư Đoàn xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu Chìu Văn Phúc (nguyên Bí thư chi bộ, trưởng thôn Phai Lầu, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu) tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh tới nhân dân trong thôn. Ảnh: Hùng Sơn.

Năm 2015, khi được người dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn và đến năm 2017, tiếp tục được bầu làm bí thư chi bộ đồng thời làm trưởng thôn, tôi luôn trăn trở đã tìm cách gì giúp nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đóng góp xây dựng nông thôn mới. Chính việc giữ vai trò “2 vai” đã mang lại nhiều thuận lợi để tôi giải quyết được trăn trở đó.

Với phương châm “đảng viên đi trước” trong bất kỳ công việc gì, tôi luôn tâm niệm phải nghĩ trước, làm trước, khi mình thành công, bà con sẽ mạnh dạn làm theo. Với kiến thức được học ở trường đại học, tôi thường xuyên tích cực đi học tập các mô hình phát triển kinh tế ở trong và ngoài tỉnh, xem mô hình nào hay, phù hợp với thế mạnh của thôn thì nghiên cứu cùng với các đồng chí trong chi ủy bàn bạc đưa ra thảo luận ở chi bộ, rồi đưa ra họp dân để tuyên truyền cho người dân học theo như: mô hình chăn nuôi lợn, nuôi dê, trồng rau sạch…

Cùng với việc tìm tòi các giải pháp để nhân dân thoát nghèo, tôi cũng tích cực tuyên truyền, vận động người dân đóng góp làm đường bê tông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa, chỉnh trang khuôn viên nhà ở… góp phần hoàn thành xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Với tôi, vui nhất là được cống hiến và được thấy làng xóm quê hương đổi thay, đời sống của nhân dân được nâng lên từng ngày. Xây dựng NTM chỉ có điểm đầu, không có điểm cuối. Trách nhiệm của người đứng đầu là dù khó khăn đến mấy cũng không thể dừng bước, dù chỉ một ngày, bởi vậy, tôi luôn xác định được cùng bà con làm nông thôn mới để không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân chính là niềm vui của người đứng đầu thôn.

Hiện nay, tôi được Đảng tín nhiệm giao phó trọng trách, nhiệm vụ mới. Dù không còn giữ vai trò người đứng đầu thôn nhưng tôi vẫn luôn đồng hành cùng với nhân dân trong thôn mục tiêu cao nhất là để nhân dân được thụ hưởng thành quả, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.


Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 1, xã Dân Chủ Vi Văn Đạo (TP Hạ Long): Được nhân dân tin tưởng là động lực để khát vọng hơn.

Việc gánh vác đồng thời hai chức danh đã tạo thuận lợi cho tôi trong xử lý các công việc của thôn khi vừa là người tiếp thu chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, vừa trực tiếp lãnh đạo nhân dân thực hiện, nên triển khai công việc nhanh hơn, tạo sự thống nhất cao trong chi ủy, chi bộ, đặc biệt là sự đồng thuận, ủng hộ của quần chúng nhân dân.

Với vai trò là người đứng đầu trong chi bộ, tôi luôn xác định yếu tố quan trọng quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ là thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt Đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Trong đó, chú trọng thảo luận những nội dung của Chỉ thị 05 về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; không ngừng tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Vì vậy, ở thôn 1, tinh thần đoàn kết đã ngấm sâu vào mỗi cán bộ, đảng viên, trong mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi tổ liên gia và cả cộng đồng dân cư.

CCB Vi Văn Đạo, Bí thư Chi bộ, trưởng thôn 1, xã Dân Chủ, TP Hạ Long, tuyên truyền, vận động nhân dân trong thôn tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường.

Trong mỗi kỳ sinh hoạt chi bộ, tôi luôn gợi mở những vấn đề cốt lõi để đảng viên tích cực tham gia đóng góp ý kiến. Mọi công việc quan trọng của thôn đều được tôi đưa ra bàn bạc, thống nhất trong Chi bộ, tiếp đọ đưa ra họp dân. Vì vậy, trong nhiệm kỳ qua, hầu hết mọi chủ trương triển khai thực hiện đều tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.

Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong thôn ngày càng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 63,5 triệu đồng/năm, thôn không còn hộ nghèo. Nhiều hộ đã xây được nhà tầng kiên cố, khang trang, sắm được ô tô để vận chuyển nông sản. Các tuyến đường chính của thôn được mở rộng và bê tông hóa, giúp cho việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân trong vùng được thuận lợi hơn. Trong 2 năm dịch bệnh, tổ phòng, chống Covid-19 ở thôn hoạt động rất hiệu quả đã góp phần kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn.


Bí thư Đoàn, Văn phòng Đảng ủy xã Tiền Phong, TX Quảng Yên Lê Văn Nhất (nguyên Bí thư chi bộ, trưởng thôn 2 xã Tiền Phong): Được làm công việc gần với Nhân dân tôi được tôi rèn tình yêu quê hương, niềm tin cống hiến.

Năm 2014, tôi được nhân dân tín nhiệm bầu làm làm trưởng thôn 2, xã Tiền Phong. Đến năm 2017, thực hiện Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi tiếp tục được bầu là Bí thư Chi bộ đồng thời trưởng thôn 2. Khi ấy, tôi mới 29 tuổi. Hiện nay, tôi đang đảm nhiệm chức vụ Bí thư Đoàn Thanh niên xã; chuyên viên Văn phòng Đảng ủy xã.

Thời điểm đảm nhận vai trò bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tôi luôn xác định làm cán bộ thôn không gần dân, không sát dân thì không làm được. Với vai trò của người đứng đầu Chi bộ, khu phố, phần lớn thời gian tôi đều về các xóm, đến nhà các hộ dân, gặp gỡ các đoàn viên, thanh niên... làm công tác vận động, tuyên truyền... Tôi thường xuyên lồng ghép các Nghị quyết, chương trình hành động vào tất cả các hoạt động của thôn. Việc nào khó tôi đều đứng ra nhận làm và chịu trách nhiệm.

Anh Lê Văn Nhất (hàng trước, đứng giữa) cùng các đoàn viên thanh niên thăm, tặng quà gia đình khó khăn trên địa bàn.

Tôi luôn cho rằng mình còn con trẻ, cứ nhiệt tình, lăn xả làm thì chắc chắn bà con sẽ tin tưởng và làm theo. Đến nay, hoạt động nào thôn đề ra đều được bà con hưởng ứng, thực hiện. Điển hình như: hiến đất làm đường nội đồng; tự giác đóng các loại thuế, phí; tích cực đầu tư cho con cái học hành; đám cưới, đám ma đã giản tiện, văn minh; vệ sinh môi trường, đường làng ngõ xóm đã sạch hơn xưa rất nhiều. Đặc biệt, năm 2019, thôn 2 không còn hộ nghèo, thôn cũng hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.


Giảng viên chính Bùi Thị Tươi, Trưởng khoa xây dựng Đảng, Trường Đào tạo Cán bộ Nguyễn Văn Cừ, tỉnh Quảng Ninh: Thực tiễn đã chứng minh hiệu quả của “Dân tin – Đảng cử”

Trải qua các thời kỳ phát triển dưới sự lãnh đạo của sáng suốt của Đảng, việc xây dựng mối liên hệ, sự gắn bó mật thiết với nhân dân luôn được Đảng ta coi trọng. Đây là cội nguồn sức mạnh, nhân tố làm nên mọi thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Từ góc độ lý luận, thực hiện quy trình nhân sự “Dân tin – Đảng cử” đòi hỏi sự thể hiện và thực hiện trên thực tế một cách có hiệu quả cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”; tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cấp xã và cánh tay nối dài của chính quyền cơ sở là các thôn, khu; do vậy đòi hỏi sự “hóa thân” của Đảng trong chính quyền; yêu cầu cao với sự kiêm nhiệm, lồng ghép nhiều vị trí công tác, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, luôn xác định “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiên trì thực hiện đúng nguyên tắc: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của nhân dân; xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng.

Giảng viên chính Bùi Thị Tươi, Trưởng khoa xây dựng Đảng, Trường Đào tạo Cán bộ Nguyễn Văn Cừ, tỉnh Quảng Ninh.

Thời gian qua, việc tỉnh Quảng Ninh mạnh dạn, tiên phong thực hiện mô hình nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu theo trình nhân sự “Dân tin – Đảng cử” đã giúp cơ sở lựa chọn được đội ngũ đứng đầu thôn có chính trị và phẩm chất đạo đức tốt, có trách nhiệm, có tâm huyết, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân điều hành thực hiện nhiệm vụ trong cộng đồng dân cư và nhận nhiệm vụ Đảng giao phó. Từ thực tiễn càng khẳng định quy trình nhân sự “Dân tin - Đảng cử” trong thực hiện mô hình “bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố” ở Quảng Ninh là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn.


Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Dực Nguyễn Thế Anh: Luồng gió mới từ “Dân tin – Đảng cử” ở thôn, bản.

Qua thực tiễn triển khai mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn trên địa bàn xã cho thấy những hiệu quả rõ nét. Đội ngũ bí thư chi bộ đồng thời trưởng thôn đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm của người đứng đầu chi bộ. Việc kiêm nhiệm đồng thời hai chức danh khá vất vả nhưng công việc thuận lợi hơn do việc tiếp nhận, cụ thể hóa chủ trương của cấp ủy đồng bộ, kịp thời và nhất quán. Trong quá trình thực hiện nhất thể hóa các chức danh bí thư chi bộ và trưởng thôn đã bầu chọn được những người trẻ, tâm huyết, nhiệt tình gánh vác công việc của thôn đặc biệt là trong phát triển kinh tế.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Dực, huyện Tiên Yên Nguyễn Thế Anh (trái) trò chuyện với người dân thôn Khe Quang.

Quan trọng hơn, mô hình luôn nhận được sự đồng thuận của cấp ủy, đảng viên và nhân dân trong xã. Các chủ trương, nghị quyết của Đảng đã được triển khai kịp thời, có sự thống nhất, được người dân đồng thuận thực hiện, tạo khí thế mới trong mọi hoạt động ở các thôn. Minh chứng cho thấy rõ nhất là trong cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 với tỷ lệ cử tri đi bầu đạt cao nhất. Đặc biệt, trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 suốt 2 năm qua, đội ngũ bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn đã thực hiện tốt việc quản lý dân cư trên địa bàn, giám sát chặt chẽ người đến, đi tại địa phương.

Việc thực hiện mô hình này cũng giúp cơ cấu bộ máy gọn nhẹ, không chỉ giảm số lượng chức danh thôn mà còn là điều kiện để tăng chế độ cho đội ngũ cán bộ thôn.

Đến thời điểm này, tỉnh Quảng Ninh hoàn thành mục tiêu thực hiện 100% số bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố, với phương châm lựa chọn nhân sự theo phương thức “Dân có tin rồi Đảng mới cử”. Cụ thể là, chọn những đảng viên vừa được nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, bản, khu phố để giới thiệu cho chi bộ bầu làm bí thư chi bộ. Việc triển khai thực hiện thành công Chỉ thị 12 – CT/TU của Tỉnh ủy Quảng Ninh đã được cuộc sống đặt tên là mô hình “Dân tin – Đảng cử”.

Mô hình thành công không chỉ bởi đã đi, đi trúng vào vấn đề xây dựng Đảng từ cơ sở mà điều quan trọng hơn tạo nên thành công đó chính là từ cách làm rất bài bản, khoa học của tỉnh. Đó là, cấp ủy các cấp chủ động kết nạp vào Đảng những quần chúng có năng lực, uy tín với nhân dân, có khả năng làm trưởng thôn, bản, khu phố; đồng thời, rà soát, đánh giá thực trạng trình độ, năng lực, uy tín của đội ngũ cán bộ đang đảm nhiệm các chức danh ở thôn, bản, khu phố và đội ngũ đảng viên trong chi bộ để lựa chọn nhân sự phù hợp, nhất là với các thôn, bản ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Thực hiện quy trình Đảng giới thiệu nhân sự để nhân dân lựa chọn, bầu vào các chức danh trưởng thôn, bản, khu phố; sau đó, cấp ủy mới giới thiệu để bầu các chức danh trong chi bộ; các bước giới thiệu nhân sự trưởng thôn, bản, khu phố đều được thông qua ban công tác mặt trận để đàm thoại, lấy ý kiến rộng rãi của người dân, đảng viên.

Khu phố 5, phường Việt Hưng, TP Hạ Long, được trang hoàng để sẵn sàng cho ngày bầu cử trưởng khu vào ngày 5/6/2022.

Sau khi hoàn thành việc bầu chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố, tỉnh quan tâm mạnh mẽ, cụ thể công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ này để bảo đảm hiệu quả công việc. Các đảng ủy xã, phường, thị trấn phân công cấp ủy viên trực tiếp phụ trách các chi bộ; thường xuyên tổ chức giao ban với các bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố. Yêu cầu các chi bộ xây dựng quy chế làm việc, trong đó quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu. Các địa phương cũng tăng cường việc giám sát và phản biện xã hội của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các tổ chức chính trị - xã hội, nhằm tránh sự độc đoán, chuyên quyền, khắc phục tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Tỉnh đã ban hành các quy định nhằm tạo cơ chế hỗ trợ, động lực triển khai thực hiện mô hình này, như: 1- Phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách thôn, bản, khu phố ở mức cao nhất trong quy định của Chính phủ (Nghị quyết số 55, ngày 7-12-2016, của Hội đồng nhân dân tỉnh); thực hiện chính sách trợ cấp 1 lần (mỗi năm 1/2 tháng lương cơ sở) đối với các đồng chí bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản, khu phố, trưởng ban công tác mặt trận thôn, bản, khu phố có tổng thời gian 10 năm giữ các chức danh trên mà không vi phạm kỷ luật; 2- Quy định về khen thưởng tổ chức đảng và đảng viên, theo đó hằng năm Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tổ chức hội nghị biểu dương, khen thưởng những đồng chí bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu biểu; 3- Ban hành Quy định số 07-QĐi/TU, ngày 20-2-2019, “Về việc Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; ủy viên ban thường vụ các huyện, thị, thành ủy và đảng ủy xã, phường, thị trấn dự sinh hoạt chi bộ thôn, bản, khu phố”.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký dự sinh hoạt chi bộ Khu 3B, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả.

Một là, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ tỉnh; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Cấp ủy, nhất là người đứng đầu, phải có quyết tâm chính trị cao, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, bài bản, khoa học; xác định “Việc gì có lợi cho dân thì làm”, mọi chủ trương, chính sách phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; phải huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Hai là, nhận diện đúng tình hình ở từng nơi, sâu sát cơ sở, gần dân, sát dân; chú trọng công tác tuyên truyền, vận động; nói đi đôi với làm và làm đến cùng, có hiệu quả rõ rệt, nhằm nâng cao niềm tin của nhân dân với cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, tạo sự đồng thuận, ủng hộ, khơi dậy các giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa, con người tỉnh Quảng Ninh.

Ba là, trong lãnh đạo, chỉ đạo phải thống nhất, rõ ràng, dứt khoát và có lộ trình thực hiện cụ thể. Phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp; phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả; chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo về nhân sự, phương pháp, cách thức tiến hành, nhất là công tác phát triển đảng viên mới trên địa bàn dân cư, củng cố tổ chức cơ sở đảng. Thường xuyên đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nhiệm vụ; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rút ra được bài học kinh nghiệm, đề ra giải pháp và tổ chức thực hiện có hiệu quả.



Thực hiện: Lan Hương - Thu Chung
Trình bày: Đỗ Quang