4
18
/
1100063
Xác lập những giá trị niềm tin của Nhân dân: Chủ động giám sát từ cơ sở đến tối cao
longform
Xác lập những giá trị niềm tin của Nhân dân: Chủ động giám sát từ cơ sở đến tối cao

Cover

Nhiệm kỳ qua, hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), HĐND tỉnh Quảng Ninh đã liên tục đổi mới và ngày càng có hiệu quả, xứng đáng với sự tin cậy của cử tri và nhân dân. Các đại biểu dân cử Quảng Ninh đã thực sự chủ động, đổi mới, quyết liệt trong các hoạt động giám sát từ cơ sở đến tối cao.

Ảnh trong văn bản

Hoạt động giám sát là một chức năng cơ bản, quan trọng của Quốc hội và HĐND các cấp được quy định cụ thể tại Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015. Thông qua giám sát, các cơ quan dân cử phát hiện những bất cập, hạn chế trong việc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của nhà nước để đưa ra kiến nghị nhằm bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách đã ban hành. Nhận thức rõ điều đó, trong những năm qua, Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Quảng Ninh đã không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức hoạt động, nhất là hoạt động giám sát để ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, từng bước đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri.

Từ thực tế cho thấy, Đoàn ĐBQH tỉnh nhiệm kỳ qua đã có nhiều đổi mới, tích cực trong hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực. Công tác giám sát được chú trọng ở cả nghị trường thông qua các phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội và các cuộc giám sát do Đoàn tổ chức cũng như tham gia cùng Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội.

Ảnh với chú thích

14 cuộc giám sát do Đoàn tổ chức đều tập trung vào những vấn đề lớn, nội dung nhạy cảm, giai đoạn thực hiện dài, được nhiều cử tri quan tâm. Qua giám sát, đã phát hiện những hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện; bất cập trong cơ chế chính sách của Nhà nước, của tỉnh. Trên cơ sở đó, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền nhằm phát huy hiệu quả việc thực hiện chính sách pháp luật trên địa bàn.

Một trong những nội dung giám sát phát huy hiệu quả tích cực là cuộc giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2012-2018”. Thông qua giám sát, Đoàn đã chỉ rõ những kết quả, hạn chế, bất cập trong thực hiện chính sách pháp luật và các quy định của pháp luật hiện hành.

Đoàn ĐBQH đã kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ các Bộ ngành trung ương và tỉnh nhiều kiến nghị sát thực như: Kiến nghị với Chính phủ cho đánh giá thực trạng việc ban hành các chính sách giảm nghèo, chính sách của vùng đồng bằng dân tộc thiểu số, tích hợp chính sách và sửa đổi phù hợp; Kiến nghị bổ sung nguồn lực và giải pháp về thể chế, chính sách thực hiện Đề án 196 “Nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135” - đề án riêng có của Quảng Ninh trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Ảnh với chú thích

Những kiến nghị của Đoàn đã đóng góp vào nội dung Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8. Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo và UBND tỉnh thực hiện nhiều giải pháp tích cực do vậy mà tỉnh Quảng Ninh đến hết năm 2019 có 100% các xã thôn đặc biệt khó khăn đã được công nhận hoàn thành Chương trình 135, vượt kế hoạch trước 1 năm.

Là tỉnh có hoạt động công nghiệp sôi động, đang chuyển dịch mạnh mẽ với phương thức phát triển từ “nâu sang xanh”, vì vậy, công tác bảo vệ môi trường đã được Quảng Ninh hết sức chú trọng thực hiện. Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ động tổ chức giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp và bảo vệ môi trường đô thị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2018”.

Thông qua giám sát, Đoàn đã phát hiện nhiều vấn đề còn tồn tại trong việc thực hiện quy định trong bảo vệ môi trường của các đơn vị, doanh nghiệp. Những kiến nghị của đoàn được các cơ quan chức năng trong tỉnh tiếp thu, xử lý kịp thời vi phạm, góp phần nâng cao hiệu quả QLNN về bảo vệ môi trường tại các khu Kinh tế, khu Công nghiệp, giải quyết cơ bản các vấn đề môi trường trọng điểm cấp bách, từng bước cải thiện chất lượng môi trường.

Ảnh với chú thích

Cùng với đó, Đoàn tích cực tham gia nhiều đoàn giám sát, khảo sát do Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội tổ chức triển khai tại tỉnh, và các hoạt động giám sát tối cao tại kỳ họp Quốc hội. Qua đó, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, kiến nghị điều chỉnh để các chính sách, pháp luật của Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Đối với các đại biểu HĐND, Thường trực và các ban HĐND tỉnh đã tập trung nhiều hình thức giám sát, trong đó, thực hiện 28 cuộc giám sát chuyên đề, 10 cuộc giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri và 97 cuộc giám sát, khảo sát thường xuyên, không báo trước với nhiều đổi mới về cách thức triển khai thực hiện. Đây cũng đều là những vấn đề mang tính cấp thiết.

Ảnh với chú thích

Điển hình, HĐND tỉnh và Thường trực HĐND tỉnh đã tiến hành 9 cuộc giám sát chuyên đề và 38 cuộc giám sát, khảo sát thường xuyên, không báo trước về quản lý thu - chi ngân sách nhà nước, đầu tư công, quản lý tài sản công; các kiến nghị sau giám sát đã tác động tích cực đến công tác điều hành ngân sách.

Hay thông qua các cuộc giám sát, khảo sát về công tác quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường, Thường trực HĐND tỉnh đã phát hiện và kiến nghị khắc phục một số tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; khắc phục sự thiếu đồng bộ giữa quy hoạch ngành, lĩnh vực với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xử lý các dự án chậm thực hiện, vi phạm Luật Đất đai; đẩy mạnh công tác thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư đối với các dự án đã hết thời hạn; rà soát các dự án đã được gia hạn, được điều chỉnh quy hoạch để tính toán nghĩa vụ tài chính; đôn đốc thu hồi nợ tiền sử dụng đất; chấn chỉnh các trường hợp giao, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất không đúng hạn mức, thẩm quyền. Siết chặt hơn công tác quản lý, khai thác, tiêu thụ than, sét, đá, sỏi; nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường, tài nguyên nước.

Ảnh với chú thích

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân, Thường trực HĐND tỉnh đã bám sát chủ trương, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo tiến hành 4 cuộc giám sát thường xuyên về thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh, phát triển kinh tế của doanh nghiệp. Qua đó, Thường trực HĐND tỉnh kịp thời báo cáo, cung cấp thêm thông tin, góp phần vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo chung của tỉnh và là cơ sở quan trọng để HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết về giải pháp phòng chống dịch và kích cầu du lịch ngay sau khi xác lập trạng thái bình thường mới... nhận được sự đồng thuận cao của cử tri, nhân dân, doanh nghiệp, tạo thuận lợi trong ổn định tình hình xã hội và sớm khôi phục ngành du lịch, dịch vụ...

Có thể thấy, các ĐBQH, HĐND tỉnh đã tập trung giám sát chuyên đề có trọng tâm, trọng điểm; lựa chọn đúng và trúng nhiều vấn đề cử tri quan tâm, không né tránh, kể cả những vấn đề nhạy cảm, phức tạp về đầu tư công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường... tăng cường giám sát, khảo sát thường xuyên, không báo trước, đáp ứng kịp thời cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành chung của tỉnh và đảm bảo quyền lợi cho nhân dân.

Ảnh trong văn bản

Để công tác giám sát hiệu quả, Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh đã xây dựng kế hoạch, đề cương cụ thể, phù hợp và huy động sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân liên quan. Hầu hết các đại biểu đã bố trí thời gian tham gia các cuộc giám sát. Các biện pháp giám sát được thực hiện linh hoạt, kết hợp giám sát thực tế với trao đổi, nắm bắt thông tin, phân tích báo cáo của các cơ quan liên quan và nghiên cứu sâu sắc các quy định pháp luật.

Theo đồng chí Đỗ Thị Lan, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIV, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, qua giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chỉ rõ kết quả đạt được và tổng hợp 208 nhóm ý kiến, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành xem xét, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật không phù hợp thực tiễn. Đồng thời kiến nghị với tỉnh 127 nhóm kiến nghị về các giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, góp phần thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội, pháp luật Nhà nước tại địa phương.

Những nội dung kiến nghị của Đoàn ĐBQH tỉnh sau giám sát đã được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm tiếp thu, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đồng thời chỉ đạo các giải pháp thực hiện tốt hơn các quy định của pháp luật.

Ảnh với chú thích

Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH đã tham gia 19 cuộc giám sát, khảo sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội triển khai tại tỉnh. Các đại biểu đã đóng góp nhiều nội dung, ý kiến trong các cuộc giám sát.

Không chỉ giám sát từ cơ sở, Đoàn cũng tích cực tham gia hoạt động giám sát tối cao tại các kỳ họp Quốc hội như: giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và hoạt động của các cơ quan tư pháp; cải cách tổ chức bộ máy; công tác tư pháp; công tác giải quyết khiếu nại tố cáo…

Thông qua giám sát bằng hình thức chất vất, Đoàn thực hiện 25 lượt chất vất trực tiếp tại kỳ họp và 19 lượt gửi phiếu chất vấn bằng văn bản với Thủ tướng, Phó Thủ tướng, một số Bộ trưởng, trưởng ngành.

Tại nghị trường, Đoàn ĐBQH tỉnh đặc biệt chú trọng và tham gia hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội. Nhiều ĐBQH đã trực tiếp chất vấn và trả lời chất vấn, tập trung vào những vấn đề bất cập, vướng mắc, được cử tri và nhân dân quan tâm như: khó khăn vướng mắc của ngành Than trong sản xuất và tiêu thụ; về giải pháp xử lý các dự án thua lỗ kéo dài; giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường; chính sách thuế, phí và phát triển doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách; bội chi và nợ công, xử lý nợ xấu; giải pháp lộ trình thực hiện hoàn thiện thể chế đầu tư theo hình thức BOT đối với các dự án giao thông và đầu tư theo hình thức BT và PPP...

Ảnh với chú thích

Đặc biệt, ĐBQH tỉnh đã thẳng thắn chất vấn thành viên Chính phủ về vấn đề đầu tư kè biên giới. UBND tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị Trung ương có cơ chế để bố trí 50% trên tổng vốn đầu tư từ ngân sách địa phương để giải quyết vấn đề trên. Nhờ chất vấn, giám sát theo dõi đến cùng nội dung này nên Quảng Ninh đã được Chính phủ bố trí 100 tỷ đồng xây kè biên giới.

Các nội dung chất vấn của các vị ĐBQH trong Đoàn đã được Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng, trưởng ngành tiếp thu, trả lời trực tiếp và trả lời bằng văn bản, được cử tri nhân dân đánh giá cao.

Với HĐND tỉnh cũng đã phát huy hiệu quả chức năng giám sát, góp phần chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương. Công tác giám sát đã đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch thông tin trong giám sát quyền lực, giám sát nhân sự.

Thông qua giám sát bằng hình thức chất vấn và trả lời chất vấn được HĐND tỉnh định hướng đổi mới rõ nét theo hướng "hỏi nhanh - đáp gọn", "hỏi một phút - trả lời 3 phút", "rõ nội dung - rõ trách nhiệm" và được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri, nhân dân theo dõi, đánh giá trách nhiệm của HĐND tỉnh trước những kiến nghị của cử tri.

Ảnh với chú thích

Qua 10 kỳ họp thường lệ đã có 132 lượt đại biểu HĐND tỉnh chất vấn 164 nội dung liên quan đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nội dung chất vấn trọng tâm vào những vấn đề mà dư luận cử tri và nhân dân quan tâm như quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đô thị, chống thất thu ngân sách, phòng chống buôn lậu, chấp hành pháp luật trong công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, công tác thi hành án hình sự, dân sự... đã được đưa ra chất vấn, giải trình công khai, thỏa đáng.

Các cơ quan chức năng hạn chế tối đa tình trạng báo cáo thành tích, trả lời nghiêm túc, thẳng thắn, trách nhiệm, thái độ cầu thị, tạo nên không khí dân chủ, mang tính xây dựng cao hướng tới đề xuất được các giải pháp khắc phục những bất cập đang đặt ra trong công tác quản lý nhà nước và đời sống thực tiễn ở địa phương, cơ sở.

HĐND tỉnh đã ban hành 10 nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, để đôn đốc, giám sát việc thực hiện lời hứa của các cơ quan chức năng với cử tri, nhân dân. Qua đó, nhiều nội dung đã được khẩn trương giải quyết, khắc phục tồn tại, hạn chế, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri.

Ảnh với chú thích

Giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh là một hình thức giám sát mới đã được Thường trực HĐND tỉnh vận dụng linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn ở tỉnh như: trao đổi các vấn đề bất cập, hạn chế, tồn tại trong quản lý nhà nước được phát hiện qua giám sát, khảo sát tại các phiên họp thường kỳ để UBND tỉnh chỉ đạo khắc phục. Để đưa nghị quyết HĐND tỉnh sớm đi vào cuộc sống, ngay sau các kỳ họp, Thường trực đã yêu cầu các sở, ngành báo cáo, giải trình việc triển khai thực hiện nghị quyết HĐND tỉnh, nhất là việc triển khai dự toán thu - chi ngân sách nhà nước, chi đầu tư phát triển, các cơ chế, chính sách có tác động diện rộng đến sản xuất, an sinh xã hội. Đồng thời, tổ chức hội nghị giải trình chuyên đề đối với các nội dung chưa tích cực hoặc triển khai chưa hiệu quả để làm rõ những nguyên nhân và thống nhất giải pháp yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung quyết liệt. Thống nhất với UBND tỉnh định kỳ hàng tháng rà soát, nghe các sở, ngành, địa phương báo cáo tiến độ việc giải quyết các kiến nghị của cử tri... Qua đó, nâng cao ý thức chấp hành, thực thi pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Cử tri Trần Xuân Như, phường Cẩm Thủy, TP Cẩm Phả, Quảng Ninh nhận định: “Vừa có tâm, vừa có tầm, tài, tín và tinh thần trách nhiệm cao, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã thực sự dám đi thẳng vào những vấn đề bức xúc và sâu sát những vấn đề cử tri quan tâm, không né tránh những vấn đề phức tạp, những điểm nóng trong xã hội”.

Cover

Nỗ lực, đổi mới, sáng tạo, sâu sát, dám không ngại va chạm, hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh Quảng Ninh trong nhiệm kỳ vừa qua đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Từng cá nhân đại biểu đã phát huy vai trò, trách nhiệm để thúc đẩy nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh với nhiều đổi mới, tiến bộ. Qua đó, góp phần tác động tích cực tới đời sống kinh tế-chính trị của đất nước nói chung và đối với tỉnh Quảng Ninh nói riêng.

Thanh Hằng

Trình bày: Đỗ Quang

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu