4
18
/
1070044
Tầm nhìn từ định hình không gian phát triển tâm - tuyến Quảng Ninh: Bài 1: Phá hạn định địa giới hành chính
longform
Tầm nhìn từ định hình không gian phát triển tâm - tuyến Quảng Ninh: Bài 1: Phá hạn định địa giới hành chính

 

 

Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: Quảng Ninh kiên trì thực hiện tổ chức không gian phát triển “Một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá” nhằm đảm bảo mục tiêu liên kết, đồng bộ để phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh cũng như thế mạnh của tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Điều đó khẳng định chắc chắn rằng, không gian phát triển của tỉnh trong thập kỷ vừa qua và thập kỷ tiếp theo sẽ vẫn là hướng đi tâm - tuyến như "sợi chỉ đỏ" kết nối mạch nguồn để Quảng Ninh ngăn nắp và quy củ hơn nữa.

 

“Thời điểm đầu năm 2012, khi làm việc với các đơn vị tư vấn về lập 7 quy hoạch chiến lược của tỉnh, khái niệm định hình lại không gian phát triển “Một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá” khiến nhiều người đặt câu hỏi với đặc thù về mặt địa lý của tỉnh Quảng Ninh thì không gian phát triển đa chiều phải cắt nghĩa như thế nào? Có lẽ chính vì suy nghĩ như này nên chúng ta đã bị bó buộc, bị hạn định trong không gian phát triển ở địa giới hành chính tầm địa phương nhiều năm. Chính vì vậy mà việc xác định “hai tuyến đa chiều” với quan điểm phát triển không bị giới hạn bởi địa giới hành chính, có tính chất động và mở đã thực sự mở ra không gian phát triển đa cực cho Quảng Ninh.”- ông Nguyễn Mạnh Tuấn, nguyên Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, cho biết.

“Trong hơn 50 cuộc làm việc với các bộ, ngành Trung ương thuyết minh đề án “Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và thí điểm xây dựng hai đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn - Móng Cái” trong đó việc Quảng Ninh xác định rất rõ ràng về không gian phát triển của tỉnh theo hướng “một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá” được lãnh đạo các bộ, các chuyên gia cho rằng đây là “khát vọng có lửa”, một cách nhìn nhận, hoạch định lại mang tính đột phá, thể hiện nhiệt huyết và mong muốn của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Sau 10 năm chúng ta được trải nghiệm không gian phát triển hoàn toàn mới từ cuộc lột xác ngoạn mục của “tâm” Hạ Long văn minh, hiện đại dưới mọi góc nhìn. Đặc biệt sau khi được mở rộng địa giới, không gian phát triển sau khi nhập huyện Hoành Bồ tạo ra cho tâm Hạ Long dư địa mới và nguồn lực mới với tầm nhìn dài hạn, đồng thời tạo cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã còn nhiều khó khăn. "Thỏi nam châm" Vân Đồn với các dự án đầu tư của các tỷ phú USD đang thực sự khơi nguồn đam mê mà chúng ta đã nhóm lửa xây dựng khu kinh tế đặc biệt. Hai tuyến hành lang phía Tây và phía Đông đã thành động lực tăng trưởng mới trong mối liên kết vùng, khu vực, quốc gia, quốc tế.” - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc khẳng định.

10 năm trước Quảng Ninh định hình không gian phát triển kinh tế - xã hội “Một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá”, trong đó tâm là TP Hạ Long, phát triển đô thị theo mô hình đa cực lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối; tuyến phía Tây từ Hạ Long đến Đông Triều hướng tới Đồng bằng sông Hồng và thủ đô Hà Nội với định hướng phát triển chuỗi đô thị - công nghiệp xanh và du lịch văn hóa lịch sử, trong đó khu kinh tế Quảng Yên là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới; tuyến phía Đông từ Hạ Long đến Móng Cái và hướng tới khu vực Đông Bắc Á, Trung Quốc, với định hướng hình thành chuỗi đô thị vệ tinh sinh thái - dịch vụ tổng hợp cao cấp và kinh tế biển; hai mũi đột phá là Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và Khu kinh tế đặc biệt Vân Đồn.

 

10 năm sau với không gian phát triển tâm, tuyến rõ ràng đã tạo ra một Quảng Ninh khác biệt phát triển vượt trội về đẳng cấp và bứt phá về thời gian. Hệ thống đô thị của tỉnh được tập trung phát triển, nâng cấp theo quy hoạch, trong đó TP Hạ Long được công nhận là đô thị loại I; TP Móng Cái, TP Cẩm Phả, TP Uông Bí là đô thị loại II; TX Đông Triều, TX Quảng Yên là đô thị loại III; thị trấn Cái Rồng, thị trấn Tiên Yên mở rộng là đô thị loại IV. Với tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 65,5%, Quảng Ninh là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước. Các dự án đầu tư, nhà đầu tư vào Quảng Ninh đều là những tập đoàn hàng đầu trong nước, có tiếng trên thế giới như Vingroup, Sun Group, FLC, BIM Group, Him Lam, My Way, Texhong, Rent A Port... Kinh tế liên tục tăng trưởng cao, tốc độ bình quân 5 năm (2015-2020) đạt 10,7%. Xã hội ổn định, GRDP bình quân đầu người đạt trên 6.700 USD/người/năm, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước.

Năm 2020 tỉnh Quảng Ninh cấp phép đầu tư Tổ hợp Công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công - Việt Hưng tại KCN Việt Hưng, TP Hạ Long có quy mô hơn 300ha, trong khoảng thời gian chưa đầy 24h kể từ khi tiếp nhận hồ sơ đầu tư đầy đủ của 2 dự án thành phần, một thời gian rất ngắn sau đó, chủ đầu tư là Tập đoàn Thành Công đã được bàn giao 340ha mặt bằng sạch để đẩy nhanh tiến độ thi công hạ tầng dự án. Cũng trong năm 2020 Tập đoàn Foxconn đã xuất xưởng lô sản phẩm đầu tiên sau đúng 1 năm thực hiện đầu tư nhà máy tại Quảng Ninh. Cuối tháng 3/2021 tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam được đầu tư tại KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên) có quy mô vốn đầu tư gần 500 triệu USD. Dự án sẽ khởi công trong tháng 4 và đi vào hoạt động trong tháng 10/2021…   

 

“Đó là sự khởi đầu hạnh phúc để tỉnh Quảng Ninh tiếp tục kiên trì đẩy nhanh đô thị hóa với sự định hình rõ nét chức năng đô thị biển và hình thái tổ chức không gian lãnh thổ “Một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá” hướng tới xây dựng thành thành phố trực thuộc Trung ương. Thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, bảo đảm các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh từng địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ được phát huy tối đa, bổ sung cho nhau mà ở đó Quảng Ninh có một vị trí, vai trò ngày càng quan trọng" - Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết.

Không gian phát triển tâm - tuyến của Quảng Ninh trong giai đoạn 2020-2025 tiếp tục xác định lấy tâm là TP Hạ Long, trung tâm chính trị - hành chính - kinh tế - văn hóa của tỉnh, phát triển theo mô hình đa cực, lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối. Tuyến hành lang phía Tây xuất phát từ Hạ Long đến Đông Triều hướng tới Đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội, phát triển chuỗi đô thị - công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao và du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh; trong đó Khu kinh tế ven biển Quảng Yên là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới của tuyến phía Tây và của tỉnh, phát triển theo mô hình thành phố thông minh với các khu đô thị - công nghiệp - dịch vụ - cảng biển thông minh, hiện đại. Tuyến phía Đông xuất phát từ Hạ Long đến Móng Cái và hướng tới Đông Bắc Á, phát triển chuỗi đô thị sinh thái - dịch vụ - thương mại, dịch vụ tổng hợp cao cấp, nông nghiệp sạch, công nghệ cao và kinh tế biển, lấy phát triển công nghiệp để dẫn dắt nông nghiệp. Phát triển Khu kinh tế Vân Đồn, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái là hai mũi đột phá.


“Kiên trì thực hiện tổ chức không gian phát triển “Một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá”, tỉnh Quảng Ninh đang tập trung, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình dự án có tính liên kết vùng, tính động lực cao, các khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng cảng biển để tạo ra các trung tâm kết nối hạ tầng dịch vụ, giao thông quốc tế. Trong đó, năm 2021, phấn đấu hoàn thành đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1, 3; nút giao Đầm Nhà Mạc, nút giao Hạ Long Xanh và đường nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (Km6+700) đến đường tỉnh 338 (giai đoạn 1)...; khởi công khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh, khu du lịch, dịch vụ phức hợp cao cấp Vân Đồn; sớm triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường tốc độ cao ven sông tuyến miền Tây, nghiên cứu quy hoạch tuyến đường kết nối từ cầu Cửa Lục 2 lên Đồng Sơn, Kỳ Thượng (Hạ Long)… Xúc tiến, kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển, trong đó tập trung thu hút đầu tư một số cảng biển quan trọng, như: Nam Tiền Phong, Con Ong - Hòn Nét, Ao Tiên, Hải Hà, Mũi Chùa, Vạn Ninh...”- Giám đốc Sở Giao thông và Vận tải Hoàng Quang Hải cho biết.

“Thuận thiên trong phát triển, không gian tâm - tuyến mà tỉnh ta đang thực hiện chắc chắn sẽ hoàn thành mục tiêu, đó là vị trí, vai trò ngày càng quan trọng của Quảng Ninh trong mối liên kết quốc gia, quốc tế.”- Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc khẳng định.

Ngọc Lan

Trình bày: Tất Đạt

 

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu