4
18
/
1071561
Bài 3: Hướng tới chính quyền số
longform
Bài 3: Hướng tới chính quyền số

 

 

Đề án xây dựng Chính quyền điện tử, mô hình thành phố thông minh với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã trở thành một bước đột phá mạnh mẽ, quan trọng, có tác động sâu rộng, huy động được sự vào cuộc chủ động, tích cực, sâu sát của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân trên địa bàn tỉnh với mục tiêu xuyên suốt là lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm.

Trung tâm Điều hành thành phố thông minh
Trung tâm Điều hành thành phố thông minh.

Theo đánh giá của Trung ương, Quảng Ninh đã xây dựng được mô hình kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh phù hợp với hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, thuận lợi cho phát triển trong giai đoạn tiếp theo, làm cơ sở triển khai mô hình Thành phố thông minh trong thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu. Tỉnh nằm trong số ít các địa phương đã triển khai sử dụng chứng thư số rộng rãi; liên thông quản lý văn bản tới 100% các cơ quan Đảng, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp các cấp trên địa bàn tỉnh và đứng top đầu Việt Nam trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giải quyết thủ tục hành chính và luân chuyển văn bản điện tử 4 cấp.

Hệ thống chính quyền điện tử được quản trị và hoạt động ổn định, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác chỉ đạo điều hành từ cấp tỉnh đến cấp xã, đồng thời phục vụ, hỗ trợ tốt cho người dân, doanh nghiệp. Từ năm 2019, Quảng Ninh là địa phương tiên phong trong nước áp dụng mô hình phòng họp không giấy tờ, thực hiện gửi nhận tài liệu qua môi trường mạng. Hằng năm có trên 50.000 hồ sơ nộp qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; hơn 1,2 triệu văn bản được trao đổi bằng văn bản điện tử có chữ ký số qua mạng kết nối trên 900 đơn vị trong tỉnh; là một trong 3 địa phương đầu tiên trong toàn quốc tích hợp Cổng Dịch vụ công của tỉnh lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, với 1.500 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, đạt hơn 85% của cả 3 cấp. Ước tính, sau hơn 5 năm áp dụng Chính quyền điện tử, người dân và doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Ninh đã giảm tới hơn 40% thời gian làm thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí xã hội lên tới 70 tỷ đồng/năm.

Ứng dụng CNTT để tham gia biểu quyết thông qua các Nghị quyết HĐND của TP Móng Cái.
Đại biểu ứng dụng CNTT để tham gia biểu quyết thông qua các Nghị quyết HĐND của TP Móng Cái.

Đối với việc xây dựng Thành phố thông minh tỉnh, sau 3 năm triển khai, các hợp phần của Thành phố thông minh bắt đầu được hiện hữu với hệ thống giáo dục thông minh, y tế thông minh, đô thị thông minh, du lịch thông minh… Đặc biệt, tháng 9/2019 đánh dấu bước ngoặt của tỉnh khi đưa vào vận hành “bộ não số” là Trung tâm Điều hành thành phố thông minh. Trung tâm này được tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có của tỉnh, giúp lãnh đạo tỉnh có được một cái nhìn toàn cảnh về thông tin liên quan đến các cơ quan, ban, ngành, địa phương, lĩnh vực... trên phạm vi toàn tỉnh. Đặc biệt việc tương tác của chính quyền và người dân đã được thiết lập trên môi trường mạng một cách nhanh chóng, chi tiết.

Smart Quảng Ninh - Phần mềm tương tác giữa chính quyền và nhân dân.
Smart Quảng Ninh - Phần mềm tương tác giữa chính quyền và nhân dân.

“Chỉ với một vài thao tác trên ứng dụng Smart Quảng Ninh, chúng tôi có thể ngay lập tức gửi các kiến nghị, phản ánh bất cập đến các cấp chính quyền. Đồng thời, cũng qua kênh tương tác này, tôi có thể nắm bắt sớm nhất những chỉ đạo của tỉnh. Thời điểm dịch bệnh Covid-19 vừa qua là một ví dụ điển hình cho thấy nỗ lực của chính quyền để đến gần người dân hơn” - Anh Đào Trọng Hùng, phường Cao Xanh, TP Hạ Long, chia sẻ.

Đánh giá về Trung tâm Điều hành thành phố thông minh của tỉnh, ông Dumitrascu Eduard Calin, Chủ tịch Hiệp hội Thành phố thông minh thế giới, nhận định: “Quảng Ninh đã có một hệ thống tốt nhất để vận hành thành phố thông minh. Đây là hệ thống được tích hợp và bao gồm nhiều lĩnh vực, là công cụ hiệu quả để quản lý nhà nước, phục vụ đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân”.

Một tiết học Toán ứng dụng CNTT của học sinh Trường THCS Cao Thắng, TP Hạ Long.
Một tiết học Toán ứng dụng CNTT của học sinh Trường THCS Cao Thắng, TP Hạ Long.

 

Việc xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh phục vụ CCHC đã góp phần đưa Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT (ICT Index) của tỉnh Quảng Ninh nhiều năm nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu. Đến năm 2019, tỉnh vươn lên vị trí thứ 3 toàn quốc. Cũng trong năm 2019, tỉnh là một trong 3 địa phương của cả nước được Thủ tướng Chính phủ chọn thực hiện thí điểm việc kết nối liên thông với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đặc biệt, tại Giải thưởng ASOCIO do Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - châu Đại Dương trao năm 2018, tỉnh được vinh danh ở hạng mục “Chính phủ số xuất sắc”.

Để chuẩn bị nền tảng cần thiết cho chủ trương xây dựng chính quyền số, từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã tổ chức một số cuộc hội thảo về xây dựng Chính quyền số với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số; chủ động tìm hiểu, nghiên cứu những mô hình chuyển đổi số ở các quốc gia như Estonia,  Brazil, Vương quốc Anh, Thái Lan để học tập kinh nghiệm.

Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai trong toàn tỉnh với 231 điểm cầu, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng điều hành, quản lý của các cơ quan nhà nước.
Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai trong toàn tỉnh với 231 điểm cầu, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng điều hành, quản lý của các cơ quan nhà nước.

Song song với đó, tỉnh đã phân công cụ thể cho từng đơn vị liên quan; nhanh chóng phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện khảo sát, đánh giá thực trạng tổng thể hệ thống chính quyền điện tử, thành phố thông minh và ứng dụng CNTT của tỉnh (hạ tầng, thiết bị, tình hình, hiệu quả triển khai, tồn tại, hạn chế) và thực trạng chất lượng nguồn nhân lực CNTT của tỉnh (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã). Từ đó, đánh giá cụ thể mặt được, mặt chưa được, xác định tồn tại, hạn chế, đề xuất giải pháp, mô hình, nguyên tắc xây dựng chính quyền số tỉnh Quảng Ninh và các nhiệm vụ cụ thể.

Cục Hải quan tỉnh triển khai giám sát hải quan trực tuyến 24/24h đối với Chi cục Hải quan Cửa khẩu Móng Cái.
Cục Hải quan tỉnh triển khai giám sát hải quan trực tuyến 24/24h đối với Chi cục Hải quan Cửa khẩu Móng Cái.

Quyết tâm xây dựng và triển khai thành công Chính quyền số cũng đã được tỉnh nhấn mạnh tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 và Chương trình hành động số 01/CTr-TU ngày 9/10/2020 của Tỉnh ủy. Trong đó, việc chuyển đổi số toàn diện để hướng đến chính quyền số được tỉnh xác định là một trong những đề án trọng điểm cho giai đoạn tới.

Trên tinh thần đó, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Những mục tiêu trọng tâm của đề án như: Xây dựng, hình thành nền tảng chính quyền số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính tỉnh Quảng Ninh và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; tăng cường kết nối, sự tham gia và phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, sức mạnh của nhân dân trong hoạch định chính sách, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh; phát triển kinh tế xã hội trên nền tảng dữ liệu số và dữ liệu mở hướng tới nền Kinh tế số và Xã hội số; đảm bảo an toàn thông tin và an ninh mạng;... Dự kiến trong năm nay, việc xây dựng Đề án sẽ được hoàn thiện và bắt tay vào triển khai.

Ý chí, quyết tâm chính trị của tỉnh trong việc kiến tạo một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, đồng thời tạo sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp chính là cơ sở để lãnh đạo tỉnh thực hiện những bước tiến táo bạo trong hành trình tin học hóa và thực hiện chuyển đổi số để hướng đến chính quyền số.

Hồng Nhung - Nguyên Ngọc

Trình bày: Vũ Đức


>> Bài 2: Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

>> Bài 1: Khi hành chính liên thông từ tỉnh đến xã

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu