4
18
/
1052383
Vàng son trở lại chốn tùng lâm xưa
longform
Vàng son trở lại chốn tùng lâm xưa

 

 

Nức tiếng Quỳnh Lâm cõi xứ Đông 

Ai qua đứng lại mà trông 

Tháp cao chín đợt màu mây ám 

Chùa rộng trăm gian gác ngựa hồng 

Trước điện thông reo cùng trúc hóa 

Trong am khánh đá với chuông đồng...

Ca dao xưa ca ngợi về Quỳnh Lâm - ngôi cổ tự có lịch sử hàng nghìn năm. Không chỉ là một ngôi chùa hiếm có trải bao phong sương suốt các triều đại phong kiến từ thời nhà Lý, còn là một trung tâm Phật giáo lớn, một thắng cảnh nổi tiếng của vùng đất xứ Đông…

Các nghiên cứu chép như thế, nhưng với lớp trung niên như chúng tôi, trong ký ức về ngôi chùa cách đây hơn hai chục năm thật buồn, với hình ảnh những ngôi tháp nằm giữa rêu phong vườn chùa cỏ dại, tiêu điều, bậc thềm sấu đá, bia ký, minh văn, chuông đồng, tượng Phật, rồi gạch, ngói trang trí, chân tảng ngổn ngang hoang phế… Vài công trình mới cũng không cho thấy vóc dáng lộng lẫy của Quỳnh Lâm tự năm nào.

Thực ra ngôi chùa đã trải qua nhiều binh hỏa tang thương, bom đạn chiến tranh đã thiêu rụi chùa hoàn toàn cách đây hơn 70 năm. Hoàng kim lộng lẫy một thời giờ tan hoang, xơ xác, ai cũng xót xa… Chùa Quỳnh Lâm nổi danh ngay khi khởi dựng với những nhân vật xuất chúng thời Lý, nơi đây còn là trường đào tạo Phật giáo lớn thời Trần, dẫu rằng bao lần suy vong rồi lại trùng hưng, số phận của ngôi chùa vẫn nằm trong số phận chung của lịch sử Phật giáo, của lịch sử dân tộc ta.

Ngay khi khởi dựng vào thời Lý - thời kỳ huy hoàng của Phật giáo, giữa hàng trăm, hàng nghìn ngôi chùa được xây dựng ở khắp nơi, Quỳnh Lâm tự là một trong những ngôi chùa nổi tiếng cả nước với tượng Phật Di Lặc rất lớn, được xếp là một trong “An Nam tứ đại khí" (4 kỳ quan, 4 quốc bảo, 4 công trình nghệ thuật thời Lý, Trần, gồm tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, tượng chùa Quỳnh Lâm, vạc Phổ Minh). Qua nghiên cứu, chúng tôi cho rằng người khởi dựng chùa là Dương Không Lộ, gia đình mấy đời theo nghề đánh cá, sau bỏ nghề, xuất gia tìm đường tu hành theo đạo Phật. Ông có nhiều phép thiêng, sức ảnh hưởng trong xã hội rất lớn, nhất là ở vùng duyên hải châu thổ sông Hồng và lưu vực sông Bạch Đằng đến sông Đuống, với hàng loạt các chùa lớn, nằm trên các lộ giao thông quan trọng, dân cư trù mật và có vị trí địa quân sự quan trọng do ông cai quản. Ông rất được vua Lý Nhân Tông tôn kính.

Quỳnh Lâm với tư cách là một đại danh lam thuộc hàng quốc tự của nhà Lý, vào giai đoạn mà Phật giáo được xem là quốc giáo, lại ở nơi quê gốc của nhà Trần trên đất Đông Triều, nên sang thời Trần càng được mở mang, phát triển. Giai đoạn này, Quỳnh Lâm đã trở thành Tự - Viện, một trung tâm đào tạo tăng tài của Thiền phái Trúc Lâm, đồng thời là một trung tâm Phật giáo lớn đương thời, nơi tổ chức các sự kiện Phật giáo lớn của nước Đại Việt đầu thế kỷ XIV. Ngày nay, nhiều người gọi đây là “Trường đào tạo Phật giáo” đầu tiên của nước ta. Sự mở mang của Tự - Viện này gắn liền với tên tuổi của Pháp Loa, Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Việc mở mang Tự - Viện này đã nhận được sự phát tâm công đức của rất nhiều quan lại, quý tộc nhà Trần. Theo ghi chép của sách Tam tổ thực lục, đến năm 1324 các vương hầu, quý tộc nhà Trần đã cúng  hơn 1.000 mẫu ruộng cùng hơn nghìn gia nô làm của tam bảo chùa Quỳnh Lâm. Gọi là của tam bảo nghĩa là sẽ còn lại mãi về sau. Quỳnh Lâm có đất tam bảo ở khắp nơi, bởi vậy mới có câu “Sân chùa Muống, ruộng chùa Quỳnh”.

Trong suốt thời gian từ năm 1317-1330, tức là từ khi Pháp Loa khai mở Quỳnh Lâm viện cho đến khi Ngài mất, bên cạnh là một trung tâm đào tạo tăng sinh lớn của Thiền phái Trúc Lâm, là chốn “tùng lâm” (nơi có đông đảo thầy tu chung sống) khang trang, nhộn nhịp, Quỳnh Lâm còn là nơi các vương hầu, quý tộc nhà Trần thường xuyên lui tới. Liền giáp với Quỳnh Lâm, Trần Quang Triều - con trai trưởng Trần Quốc Tảng, cháu nội Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và có tổ 4 đời là An Sinh Vương Trần Liễu, chủ nhân của vùng đất An Sinh, đã cho mở Bích Động thi xã, là hội thơ sớm nhất của nền thi ca phong kiến Việt Nam. Ông cũng là người đã cúng rất nhiều tiền, đất đai và gia nô vào chùa Quỳnh. Bích Động thi xã do ông sáng lập và làm chủ soái, là nơi hội tụ những nhà tri thức lớn đương thời, như Nguyễn Ức, Nguyễn Sưởng, Nguyễn Trung Ngạn…

Với quy mô lớn, Quỳnh Lâm dưới sức ảnh hưởng của Thiền sư Pháp Loa, là nơi đã tổ chức các sự kiện Phật giáo lớn mà con cháu hôm nay khó có thể hình dung, dù những sự kiện này được chép trong chính sử. Cụ thể: Năm 1319, Pháp Loa kêu gọi tăng nhân, phật tử chích máu để in 5.000 cuốn kinh Đại tạng, lưu giữ tại Quỳnh Lâm tự; Thượng hoàng Trần Anh Tông tự chích máu mình viết Đại tạng kinh cỡ nhỏ, gồm 20 hộp, cũng được lưu giữ tại đây. Năm 1325, Pháp Loa tổ chức lễ hội nghìn tượng Phật, diễn ra trong 7 ngày 7 đêm, đồng thời cho xây dựng 2 tòa tháp để rước xá lị của vua Trần Nhân Tông về lưu giữ tại Quỳnh Lâm. Năm 1327, Pháp Loa cho đúc pho tượng Di Lặc cao 1 trượng 6 thước (5,28m), đến năm 1329 mới hoàn thành. Tháng 3/1328, Bảo từ Hoàng thái hậu, Bảo Huệ Quốc mẫu và sư Pháp Loa đã tập hợp chư tăng mười phương về Quỳnh Lâm, thiết lễ Đại trai đàn chuyển Tạng 10 ngày đêm. Quỳnh Lâm cũng là nơi đệ nhị Tổ Pháp Loa giảng hội thứ năm và hội thứ chín kinh Hoa Nghiêm, mỗi buổi giảng thu hút hàng nghìn người nghe…

Hưng thịnh rồi suy yếu, Quỳnh Lâm cũng không tránh khỏi quy luật ấy, đã chịu nhiều thăng trầm gắn với thời cuộc. Chúng tôi đồ rằng, vào năm 1516 khi Trần Cao dấy binh khởi nghĩa, chiếm Quỳnh Lâm làm trụ sở, thì khi cuộc khởi nghĩa thất bại cũng đồng nghĩa với việc cơ sở thờ tự này bị phá huỷ.

Khi Nho giáo khủng hoảng, Phật giáo phục hưng, chùa Quỳnh Lâm được phục hồi, gắn liền với công lao của Chân Nguyên thiền sư và các đệ tử của ông vào nửa cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII. Trong giai đoạn này, nhiều đợt trùng tu, xây dựng mới được tiến hành, cùng với đó là việc biên soạn, ấn tống kinh sách được thực hiện rất mạnh mẽ, dần đưa Quỳnh Lâm trở lại là Tự - Viện, một chốn “tùng lâm” của Phật giáo Đại Việt.

Các vua Lê, chúa Trịnh, tầng lớp quý tộc khi đó đều phát tâm xây chùa, đúc chuông. Bài minh bia Trùng tu, tái tạo Tiên Du sơn, đệ nhất Quỳnh Lâm tự (bia trùng tu chùa Quỳnh Lâm) khắc lại năm 1629, cho biết, năm Vĩnh Tộ thứ 9 (1627), Thanh Đô vương Trịnh Tráng cho trùng tu chùa, sau gần 2 năm đã hoàn thành các công trình: Điện Phật, nhà thiêu hương, tiền đường, giải vũ, nhà hậu phật, hành lang tả hữu, nhà tăng, nhà kho, tam quan và gác chuông, tổng cộng 103 gian.

Tiếp nối đó, Thiền sư Như Hiện tiếp tục xây dựng Phật điện, đúc tượng... tại Quỳnh Lâm. Năm 1730, được sự hỗ trợ của triều đình, trực tiếp là của chúa Trịnh Giang, toàn bộ chùa Quỳnh Lâm được xây dựng lại. Để cung ứng nguồn nhân lực cho việc xây dựng chùa, triều đình đã huy động tráng đinh của các địa phương Đông Triều, Chí Linh, Thuỷ Đường trong nhiều năm. Chúa Trịnh còn cho dỡ hành cung Cổ Bi (Gia Lâm) để lấy gỗ, cho đào sông làm đường để chở vật liệu xây dựng chùa...

Mặc dù đã huy động sức người, sức của trong một thời gian dài, nhưng công việc xây dựng chùa Quỳnh Lâm mới chỉ hoàn thành một phần. Sau này, các nhà khảo cổ học đã khai quật và phát hiện nền móng kiến trúc chùa do chúa Trịnh Giang cho xây dựng trong vòng 10 năm (1730-1740) trên một mặt bằng rộng gần 6.000m2 (rộng Đông - Tây 57m; dài Bắc - Nam 102m), gồm 3 tòa Tiền Đường, Hậu Đường, Trung Đường, hành lang hai bên và các khoảng sân lớn, nhỏ…

Dưới thời Nguyễn, Nho giáo phục hưng, nhưng không vì thế mà Phật giáo kém phát triển. Tuy nhiên, việc kinh đô được chuyển vào Huế, Phật giáo Bắc Kỳ vì thế cũng ít được quan tâm hơn, song với vai trò và vị trí của mình, chùa Quỳnh Lâm vẫn là chốn tùng lâm. Năm 1820, triều đình nhà Nguyễn lại tiếp tục cho trùng tu và tôn tạo lại chùa theo mô hình của thời Lê Trung hưng thế kỷ XVIII, đúc một quả chuông lớn (đại hồng chung), quả chuông này hiện vẫn còn tại chùa.

Thời Thiệu Trị (1840-1847), chùa bị cháy Chính Điện và Tiền Đường, sau đó lại được xây lại, về cơ bản chùa vẫn giữ cấu trúc thời Lê Trung hưng, tường được xây lại theo kỹ thuật trình tường, phần Hậu Đường được chia nhỏ thành nhiều không gian khác nhau. Mặc dù quy mô có thể bị thu hẹp lại so với trước, nhưng Quỳnh Lâm vẫn là chùa lớn với hàng trăm gian. Năm 1910, hỏa hoạn tiếp tục thiêu trụi toàn bộ nhà cửa, gác chuông, gác trống... nhân dân góp công, góp sức xây dựng lại chùa; cho đến năm 1947 thì thực dân Pháp ném bom phá huỷ hoàn toàn công trình.

Năm 1997, Đông Triều đã huy động các nguồn lực, tổ chức trùng tu, tôn tạo lại một số công trình như: Cung Trúc Lâm, gác chuông, nhà bia. Nhưng để khôi phục lại trung tâm Phật giáo Quỳnh Lâm xứng tầm với lịch sử, trong nhiều năm, chùa Quỳnh Lâm đã được khai quật khảo cổ, nghiên cứu tổng thể, kết quả đã làm rõ dấu vết kiến trúc của nhiều thời kỳ, từ thời Trần cho đến thời Nguyễn.

Ngày 9/4/2016 (3/3 năm Bính Thân), đúng ngày kỵ của Đệ nhị Tổ Pháp Loa, việc trùng tu, tôn tạo đã được khởi công. Sau gần 5 năm, ngày 12/12/2020, chùa đã khánh thành, trở thành Di sản Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều, có quy mô lớn nhất được phục hồi cho đến nay. Quần thể kiến trúc chùa Quỳnh Lâm mới sau tôn tạo gồm 3 tòa chính: Thích Ca Phật điện, Di Lặc Phật điện, Lưu Ly Phật điện. Bên cạnh đó, các công trình nhà bia, tam quan - gác chuông cũng được xây mới; vườn tháp phía trước, trong đó có tòa tháp chứa xá lị Phật hoàng Trần Nhân Tông được trùng tu.

Quỳnh Lâm hôm nay là ngôi chùa gỗ rất lớn ở Việt Nam, với hơn 1.500m3 gỗ lim dùng để xây chùa, được lấy từ nhiều nguồn, chủ yếu nhập khẩu từ Lào, Campuchia, châu Phi. Theo lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Quảng Ninh, ngoài gỗ lim tròn với nhiều cột gỗ lớn, chùa còn có cột gỗ ngọc am rất quý với đường kính  hơn 100cm. Quá trình trùng tu, nhiều hiện vật cũ của Quỳnh Lâm như ngói, bờ đao, được dùng làm mẫu cho các nghệ nhân phục chế lại. Mỗi viên ngói lợp mái chùa Quỳnh nặng 7kg, giống như ngói thời Trần, hiện chỉ còn tại hậu cung chùa Dâu, chùa Thầy… Công trình có tổng mức đầu tư khoảng 70 tỷ đồng, trong đó có nguồn công đức rất lớn của các doanh nghiệp, cá nhân, tập thể, lớn nhất là Quỹ Thiện tâm Tập đoàn Vingroup gần 59 tỷ đồng, chưa kể pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng ngọc nguyên khối, tại toà Lưu Ly Phật điện trị giá 20 tỷ đồng.

Quỳnh Lâm tự đã "hồi sinh” với rất nhiều giá trị đặc biệt, có cái mới, cũng có cái phục hồi từ nguyên gốc. Cổ nhất có lẽ là tấm bia Trùng tu tái tạo Tiên Du sơn đệ nhất Quỳnh Lâm tự được dựng từ thời Lý (cao 2,46m, rộng 1,53m, dầy 0,25m) - một trong những tấm bia lớn nhất của thời Lý hiện còn, được làm mái che, vẫn ngự trong khuôn viên chùa, như nhắc nhớ về lịch sử nghìn năm của Di sản. Ba tòa điện chính được dựng lại trên nền móng kiến trúc chùa thời Lê Trung hưng, với những vật liệu truyền thống, có sự nối tiếp, chọn lọc. Sự bề thế, nguy nga của kiến trúc Phật giáo hoàng gia năm xưa nơi Quỳnh Lâm tự vẫn thể hiện trên các thiết kế hôm nay. Dù vậy vẫn có một sự tiếc nuối, đó là xuyên suốt chiều dài lịch sử, Phật Di Lặc luôn là “Phật chủ” ở Quỳnh Lâm, tất cả những lần trùng tu, tôn tạo chùa đều đúc tượng Di Lặc với các điện thờ Ngài là điểm nhấn trong kiến trúc chùa, nhưng ở thiết kế Quỳnh Lâm tự hôm nay chưa thể hiện rõ điều đó…

Quỳnh Lâm xưa, dù ở thời nào vẫn là một danh thắng xứ Đông, một trung tâm Phật giáo quan trọng, có sức ảnh hưởng lớn và tác động sâu rộng đến xã hội đương thời. Như lời tiền nhân “gian nan rồi lại hanh thông, cạn kiệt rồi lại khôi phục”, một diện mạo mới của Quỳnh Lâm tự nay đã bắt đầu…

Phan Hằng - TS Nguyễn Văn Anh (CTV)
Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu