4
18
/
1059683
Bài 8: Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư – nền tảng để tạo đột phá về hạ tầng
longform
Bài 8: Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư – nền tảng để tạo đột phá về hạ tầng

 

 

 

5 năm trở lại đây, Quảng Ninh được biết đến như một hiện tượng về phát triển ở phía Bắc. Từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp, Quảng Ninh đã có tỷ lệ đô thị hóa đạt 66,56%, là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa tốp đầu cả nước. Tỉnh sở hữu kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại với chuỗi cao tốc dài gần 200km, sân bay tư nhân đầu tiên, cảng tàu chuyên biệt đầu tiên ở Việt Nam có vai trò đặc biệt trong thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế. Điều ấn tượng, nguồn vốn để đầu tư cho các công trình lại chủ yếu từ tư nhân, là kinh nghiệm, nền tảng để Quốc hội ban hành Luật đầu tư theo phương thức đối tác công – tư vào năm 2020.

Quảng Ninh đến nay đã tạo nên một “bức tranh” khá hoàn chỉnh về phát triển hạ tầng giao thông. Cụ thể, tỉnh đã hoàn thành gần 100 km đường cao tốc và đang triển khai cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (dự kiến hoàn thành năm 2021); nâng cấp, cải tạo 130,3 km quốc lộ; làm mới và nâng cấp 65,7 km đường tỉnh; cải tạo, làm mới 743,6 km đường huyện, đường đô thị và hệ thống đường giao thông nông thôn, miền núi. Tỉnh cũng đã sở hữu Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn – sân bay tư nhân đầu tiên ở Việt Nam và là sân bay quốc tế đầu tiên khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc; sở hữu cảng tàu chuyên biệt Hạ Long, là nơi hội ngộ của những siêu du thuyền đẳng cấp nhất thế giới…

Đây là những công trình quy mô lớn, hiện đại, mang ý nghĩa đột phá cho diện mạo mới của giao thông Quảng Ninh, góp phần tạo ra nhiều phương thức giao thông trên địa bàn, giảm thời gian di chuyển, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu sự lãng phí nguồn lực doanh nghiệp, xã hội; khẳng định tầm vóc mới, diện mạo mới, vị thế mới, là địa phương đi đầu trong thúc đẩy liên kết vùng cũng như liên kết quốc tế.

Phát biểu tại Lễ Khai trương Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Không phải địa phương nào cũng làm được việc mà Quảng Ninh đã vận dụng, phát triển với những công trình quan trọng, có ý nghĩa, thậm chí những công trình lần đầu tiên như sân bay. Cho nên, tôi rất hoan nghênh các đồng chí lãnh đạo nhiều địa phương không phải tới đây để thăm, để dự khánh thành, mà tôi hàm ý các đồng chí muốn nghiên cứu mô hình phát triển để nhân lên ở địa phương mình, từ nhận thức đến hành động là một quá trình. Quảng Ninh đã làm được việc này, trong bối cảnh nguồn vốn, nguồn lực Nhà nước còn nhiều khó khăn”.

Thực tế cho thấy, vào những năm đầu thập niên 2010, điểm nhấn về giao thông duy nhất của Quảng Ninh chỉ có cây cầu Bãi Cháy được thực hiện bằng vốn ODA của Nhật Bản. Các tuyến quốc lộ hầu hết xuống cấp, thiếu tính kết nối vùng, đường tỉnh chỉ đạt cấp IV miền núi, đường liên xã bê tông hóa chỉ đạt trên 30% và xuống cấp. Từ thành phố Hạ Long đến các địa phương khu vực miền Đông, miền Tây của tỉnh, nếu đi bằng ô tô cũng mất từ 2h – 5h. Còn từ Hà Nội về đến thành phố Hạ Long cũng phải đi 4h – 5h.

Nhưng những năm gần đây, Quảng Ninh đã có sự phát triển thần tốc. Cơ sở hạ tầng trên địa bàn Quảng Ninh thời gian qua diễn ra nhanh chóng, đặc biệt là ở các đô thị lớn như Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí, Quảng Yên, Đông Triều. Hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông được đầu tư nâng cấp, mở rộng, trở thành các tuyến đường mẫu, đáp ứng yêu cầu phát triển và phù hợp quy hoạch đô thị. Các dự án này vừa đóng vai trò giảm tải giao thông và tạo điểm nhấn đô thị, vừa phục vụ nhu cầu du lịch của tỉnh, góp phần thúc đẩy liên kết vùng, kết nối Quảng Ninh với các trung tâm kinh tế trong và ngoài nước.

Sự chuyển biến mạnh mẽ về hạ tầng giao thông đã từng bước giải quyết điểm nghẽn trong phát triển KT - XH của tỉnh
Sự chuyển biến mạnh mẽ về hạ tầng giao thông đã từng bước giải quyết điểm nghẽn trong phát triển KT - XH của tỉnh

Với sự đa dạng các loại hình giao thông, Quảng Ninh hiện đang có điều kiện tốt kết nối và mở rộng giao thương với thế giới so với các tỉnh trong khu vực miền bắc. Tiếp tục phát huy cách làm, thành tựu đã có, hiện tỉnh đang tập trung đầu tư nhiều công trình giao thông trọng điểm như các cầu Cửa Lục 1 và 2, đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả, đường ven sông Quảng Yên – Đông Triều… Khi các công trình này hoàn thành sẽ bổ sung, hoàn thiện hơn cho hạ tầng giao thông Quảng Ninh.

Từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về hạ tầng giao thông, từng bước giải quyết điểm nghẽn trong phát triển KT - XH, mở ra không gian, quỹ đất phát triển mới. Đồng thời, thu hút các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đến đầu tư. Ðiều này sẽ tạo thêm sức lan tỏa, kích thích phát triển, tăng quy mô kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, làm thay đổi rõ nét diện mạo không chỉ của tỉnh, mà còn của các địa phương trong vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ, hướng tới mục tiêu đưa Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.

Để có được hạ tầng đầu tư bài bản, đồng bộ như hiện nay là do Quảng Ninh đã đánh giá đúng thực tiễn, lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, mạnh dạn triển khai. Trong đó điểm nhấn là tiên phong và thành công trong việc áp dụng hình thức hợp tác công - tư (PPP) đối với nhiều dự án, đặc biệt là những dự án động lực có ý nghĩa lớn.

Chia sẻ những kinh nghiệm của tỉnh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký khẳng định: Tỉnh luôn nêu cao tinh thần chủ động, tích cực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; bám sát các định hướng của Trung ương để mạnh dạn đề xuất, xây dựng và triển khai các mô hình mới, cách làm mới; phát huy và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo đột phá trong phát triển KT-XH. Trong thực hiện các mô hình mới, tỉnh nghiên cứu kỹ lưỡng, trên cơ sở lựa chọn thí điểm, vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm và giải quyết dần những khó khăn, mâu thuẫn trong quá trình triển khai, từ đó mới triển khai trên diện rộng. Về đầu tư, tỉnh đẩy mạnh phân cấp đầu tư xây dựng cơ bản cho các địa phương; nâng cao hiệu quả đầu tư công với phương châm “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, nguyên tắc Nhà nước không trực tiếp làm những gì nhân dân, doanh nghiệp làm được và làm tốt hơn...

Với quan điểm đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực để phát triển trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, từ năm 2013, trong điều kiện khung pháp lý về đầu tư công - tư chưa đầy đủ, Quảng Ninh đã mạnh dạn nghiên cứu một số mô hình đầu tư mới, nhằm kết hợp và huy động nguồn lực từ khối tư nhân. Để có căn cứ triển khai, tỉnh đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm, trên cơ sở đó ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU (ngày 5/12/2013) chỉ đạo các địa phương áp dụng mô hình đầu tư mới; thành lập Ban chỉ đạo thực hiện… Đồng thời, ban hành danh sách công trình để áp dụng thí điểm. Trong quá trình triển khai, tỉnh chủ động ưu tiên bố trí vốn ngân sách cho chuẩn bị đầu tư, cụ thể là các phần việc tham gia của Nhà nước, đền bù GPMB, cam kết đảm bảo tiến độ.

Nhằm xây dựng niềm tin, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, Quảng Ninh đã phát thông điệp: "Nhà nước sẽ không trực tiếp làm những gì nhân dân, doanh nghiệp làm được và làm tốt hơn". Tỉnh nỗ lực, quyết liệt trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, thay cho bị động chờ nhà đầu tư đến với mình như trước. Tỉnh định kỳ tổ chức các buổi gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp, cafe doanh nhân; chỉ đạo sở, ngành chuyên môn vận dụng các cơ chế chính sách hướng dẫn. Qua đó, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng từ doanh nghiệp, nhà đầu tư để đồng hành, tìm giải pháp hỗ trợ, nhất là về các khung pháp lý, huy động nguồn vốn, đảm bảo tính khả thi đối với các dự án thu hút đầu tư. Với cách làm bài bản, giải pháp căn cơ, cụ thể tại từng dự án, chỉ sau thời gian ngắn, đầu tư theo hình thức PPP đã như một luồng gió mới nhanh chóng lan rộng ra toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Hàng loạt các dự án trọng điểm, lần đầu có trên địa bàn, như sân bay, đường cao tốc…được các nhà đầu tư đăng ký và triển khai thực hiện.

Diện mạo TP Hạ Long ngày thay đổi từng ngày với những công trình hạ tầng giao thông đẳng cấp
Diện mạo TP Hạ Long thay đổi từng ngày với những công trình hạ tầng giao thông đẳng cấp

Với 1 đồng ngân sách bỏ ra làm vốn mồi, Quảng Ninh đã huy động được 8-9 đồng từ khối tư nhân đầu tư vào tỉnh. Giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư PPP tại Quảng Ninh đạt 47.000 tỷ đồng với 44 dự án ở các lĩnh vực giao thông, hạ tầng kỹ thuật, dân dụng, văn hóa... Trong đó, vốn Nhà nước tham gia vào các dự án PPP khoảng trên 4.000 tỷ đồng, chủ yếu tập trung cho công tác GPMB. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 345.000 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với giai đoạn 2011-2015.

Cách làm này đã cho ra đời các công trình hạ tầng động lực, hiện đại, tầm cỡ quốc tế như hệ thống đường cao tốc, sân bay Vân Đồn, cảng tàu khách chuyên biệt, dịch vụ vui chơi giải trí hiện đại, đẳng cấp thế giới đã được đưa vào khai thác tạo nên hiệu ứng lan tỏa rất lớn. “Làn gió” PPP trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ… đã và đang được Quảng Ninh triển khai đã lan tỏa, mở ra cơ hội phát triển mới không chỉ cho Quảng Ninh mà còn cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long - cảng tàu chuyên biệt đầu tiên tại Việt Nam. Đây cũng là tuyến giao thông kết nối độc đáo kéo gần Quảng Ninh với thế giới.
Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long - cảng tàu chuyên biệt đầu tiên tại Việt Nam.
Đây cũng là tuyến giao thông kết nối độc đáo kéo gần Quảng Ninh với thế giới.

Đầu tư hạ tầng mới bằng PPP, Quảng Ninh không chỉ gia tăng cơ hội thu hút thêm các nhà đầu tư, mà còn để ra một khoản không nhỏ dành đầu tư cho các hạ tầng khác để thúc đẩy tăng trưởng toàn diện, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hợp lý, hiện đại có hiệu quả và gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. PPP ở Quảng Ninh đã giải quyết được vấn đề vốn, quản lý công trình sau đầu tư, nâng cao hiệu quả vốn ngân sách, tránh được những khoản nợ công, giải tỏa được “cơn khát” về hạ tầng, giải tỏa những e ngại của nhà đầu tư khi đến với địa bàn có nhiều tiềm năng để khai thác trên lĩnh vực du lịch, dịch vụ, kinh tế cảng biển, biên mậu…

Bài học kinh nghiệm mà Quảng Ninh có được trong lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư cũng như nhiều thành công khác, chính là được bắt nguồn từ tư duy đổi mới, kiến tạo và hành động của cấp ủy, chính quyền địa phương. Nguồn lực được Quảng Ninh tập trung khơi thông đó không phải là tiền, là ngân sách trung ương đầu tư, hỗ trợ, mà đó là đổi mới từ khâu ban hành nghị quyết, hướng dẫn, kế hoạch cụ thể, gắn với kiểm tra, giám sát, định kỳ đánh giá hiệu quả, nguyên nhân hạn chế, hướng giải quyết, phát huy mô hình sản xuất hiệu quả. Chủ động đề xuất chính sách cơ chế tính đặc thù, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện nhiều giải pháp tăng thu ngân sách, đẩy mạnh xúc tiến, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ giải quyết các thủ tục đầu tư nhanh gọn…

Đỗ Phương

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu