4
18
/
1059033
Bài 6: Trung tâm phục vụ hành chính công - Giải pháp liên thông minh bạch
longform
Bài 6: Trung tâm phục vụ hành chính công - Giải pháp liên thông minh bạch

 

 

Với tinh thần "dám nhìn thẳng sự thật", quyết tâm cải cách hành chính toàn diện với nhiều mô hình, cách làm mới, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu phát triển KT-XH bền vững, Quảng Ninh đã xây dựng và triển khai thành công mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công (HCC) từ cấp tỉnh đến cơ sở. Sự tiên phong, đổi mới này đã góp phần xây dựng một nền hành chính hiện đại, công khai, minh bạch, thuận tiện, hiệu quả phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.

Qua thực tiễn triển khai mô hình “một cửa liên thông” trước đây, tỉnh Quảng Ninh đã thẳng thắn nhận định những tồn tại, hạn chế, như: Cán bộ tiếp dân chỉ thực hiện tiếp nhận và trả kết quả, không có chuyên môn chuyên sâu để có thể hướng dẫn người dân, khiến người dân phải đi lại nhiều lần; hồ sơ phải luân chuyển qua nhiều cơ quan, thiếu quy trình thống nhất, thời gian giải quyết kéo dài; thiếu sự giám sát dẫn đến thiếu minh bạch, tạo kẽ hở cho tiêu cực, nhũng nhiễu…

Để khắc phục những tồn tại đó, từ năm 2012, Quảng Ninh mạnh dạn triển khai thực hiện Đề án Chính quyền điện tử Quảng Ninh giai đoạn 2012-2014 nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng tách các hoạt động cung ứng dịch vụ công với các hoạt động công quyền; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng vào phục vụ nhân dân, doanh nghiệp. Trong Đề án có xây dựng Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh. Đây là mô hình mới, chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam, đã được Quảng Ninh học tập kinh nghiệm, tiếp thu có chọn lọc từ các mô hình trung tâm dịch vụ hành chính công đã thành công tại các nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore…

Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh nằm trong cụm công trình khối các cơ quan hành chính của tỉnh, tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức giải quyết thủ tục hành chính
Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh nằm trong cụm công trình khối các cơ quan hành chính của tỉnh,
tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức giải quyết TTHC

Theo đó, tháng 3/2014, Quảng Ninh chính thức đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh. Trung tâm này là đầu mối chịu trách nhiệm tổ chức, thực hiện việc tiếp nhận, hướng dẫn và giải quyết thủ tục hành chính của các tổ chức, công dân theo quy định. Tất cả các sở, ban, ngành sẽ cử cán bộ có thẩm quyền tới Trung tâm và hồ sơ sẽ được tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả tại chỗ. Các TTHC trước khi đưa vào trung tâm đều được rà soát, cắt giảm, đơn giản về thành phần hồ sơ, trình tự thủ tục và cắt giảm về thời gian giải quyết so với thời gian quy định của pháp luật nên đã tạo thuận lợi tối đa cho các tổ chức, công dân. Cụ thể như: giảm trung bình trên 70% thời gian so với quy định, trong đó, lĩnh vực chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư, thời gian giải quyết đã giảm từ 40 ngày xuống còn 9 ngày; lĩnh vực cấp mới, thay đổi cấp giấy chứng nhận đầu tư đã được rút ngắn từ 25 ngày xuống còn 7-10 ngày…Tỉnh cũng đã rà soát và công bố TTHC của ba cấp chính quyền, chuẩn hóa và đưa vào thực hiện.

Đoàn công tác USAID khảo sát việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tại bộ phận giải quyết TTHC Sở Tài chính
Đoàn công tác USAID khảo sát việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến
mức độ 4 tại bộ phận giải quyết TTHC Sở Tài chính

Trên cơ sở hiệu quả hoạt động của mô hình, tính đến nay, Quảng Ninh thành lập và đưa vào hoạt động 13 trung tâm hành chính công cấp huyện và 177 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã. Cùng với đó, từ năm 2019, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành triển khai con dấu thứ 2 tại Trung tâm, quy trình 4 bước tại chỗ được nâng lên thành 5 bước tại chỗ: “Tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả ngay tại Trung tâm”, tạo sự thuận lợi, nhanh chóng cho doanh nghiệp và người dân đến giao dịch. 

Đến nay đã có 1.365 TTHC (tương đương 91%) các TTHC cấp tỉnh đã được đưa vào giải quyết tại Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh và cấp huyện là 100%. Ngoài ra một số thủ tục hành chính thuộc các cơ quan ngàng dọc trung ương, như: thuế, bảo hiểm xã hội, công an, điện, nước cũng được đưa vào giải quyết tại trung tâm hành chính công cấp huyện. Trên cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Quảng Ninh đã cung ứng 1.552 TTHC mức độ 3, 4 đạt tỷ lệ 92,99%. Đáng chú ý, Quảng Ninh là một trong 3 địa phương được Chính phủ lựa chọn để triển khai tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Để công tác CCHC được thực hiện hiệu quả, Quảng Ninh đã đầu tư hạ tầng công nghệ đồng bộ, tạo điều kiện để các cấp chính quyền trong tỉnh thực hiện thuận lợi công việc cũng như đáp ứng cao nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Bắt đầu từ tháng 6/2017, hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến tập trung của tỉnh đã được xây dựng và cung cấp cho người dân, doanh nghiệp. Với phương thức trực tuyến này người dân, doanh nghiệp không cần trực tiếp đến các gặp cán bộ công chức mà vẫn có thể giải quyết TTHC một cách công khai minh bạch. Tỉnh cũng đầu tư xây dựng hệ thống camera giám sát hoạt động của các cán bộ, công chức tại các trung tâm hành chính công trên địa bàn và có đại diện ủy ban kiểm tra, thanh tra các cấp giám sát hoạt động của các trung tâm.

Với cách làm đột phá cùng sự nghiêm túc và trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, mô hình Trung tâm HCC đã thể hiện được tính hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng giải quyết TTHC.  Hiện nay đã có 22 sở, ngành, đơn vị thực hiện "5 tại chỗ" tại Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh; ở cấp huyện có 90-100% TTHC thực hiện nguyên tắc “5 tại chỗ”. Bộ TTHC của 3 cấp chính quyền (tỉnh, huyện, xã) của tỉnh cũng đã được hoàn thiện, chuẩn hóa tại 13 trung tâm HCC cấp huyện, 177 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã với hạ tầng CNTT đồng bộ.

Theo thống kê, từ khi thành lập đến nay, tỷ lệ hồ sơ trả kết đúng hạn và trước hạn của Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh và 13 trung tâm hành chính công địa phương đều ở mức trên 99%. Qua khảo sát, tỷ lệ mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính luôn ở mức cao. Đặc biệt thời gian giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh được rà soát, cắt giảm từ 40 đến 50% thời gian giải quyết so với quy định của Trung ương.

Cán bộ Trung tâm Hành chính công TP Uông Bí hướng dẫn người dân kê khai hồ sơ qua hệ thống website
Cán bộ Trung tâm Hành chính công TP Uông Bí hướng dẫn người dân kê khai hồ sơ qua hệ thống website

Bà Nguyễn Thị Vân (phường Nam Khê, TP Uông Bí), cho biết: Qua tiếp xúc và làm việc với các nhân viên tại Trung tâm Hành chính công TP Uông Bí, tôi thấy cách xử lý công việc của cán bộ, nhân viên ở đây rất nhiệt tình và chuyên nghiệp. Họ hướng dẫn chúng tôi các khâu làm hồ sơ, giấy tờ nhanh gọn, không rườm rà mất nhiều thời gian như trước. Chúng tôi còn được cán bộ Trung tâm hướng dẫn, cài đặt cách sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Chắc chắn tôi sẽ áp dụng dịch vụ này để giải quyết các TTHC cho gia đình để tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.

Song song với đó, hiện Quảng Ninh đã sử dụng chứng thư số trong giải quyết công việc và luân chuyển tài liệu giữa các đơn vị. Đến nay, trên 90% văn bản hành chính trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị được thực hiện qua môi trường mạng, trong đó trên 95% văn bản có sử dụng chữ ký số. Tỉnh cũng đang áp dụng việc sử dụng chữ ký số trong trả kết quả giải quyết TTHC tại các trung tâm hành chính công...

Ông Phạm Minh Hùng, Vụ Trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội Vụ, khẳng định: Quảng Ninh đã tìm ra những sáng kiến, giải pháp mới để đưa công tác cải cách hành chính vào thực tiễn cuộc sống. Bộ Nội vụ đánh giá chỉ số CCHC và chỉ số Sipas của Quảng Ninh dẫn đầu trong 63 tỉnh thành. Đây là niềm tự hào của Quảng Ninh và lợi ích đem lại đó chính là người dân và doanh nghiệp.

Để tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và chỉ đến một lần cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp hoàn thành việc giải quyết TTHC, Trung tâm HCC tỉnh và 5 trung tâm thí điểm đã phối hợp với Bưu điện tỉnh ký Quy chế phối hợp chuyển phát nhanh kết quả giải quyết hồ sơ TTHC theo địa chỉ yêu cầu. Các trung tâm đã chuyển phát nhanh 857 hồ sơ theo yêu cầu của tổ chức, công dân và doanh nghiệp. Với phương châm “3 hơn” (nhanh hơn, hợp lý hơn, thân thiện hơn), cách làm này đã góp phần vào việc đơn giản hóa, hợp lý hóa, tiện lợi, giảm chi phí thực hiện các TTHC cho cả đơn vị giải quyết và công dân, tổ chức tham gia giao dịch…

Những kết quả về cải cách hành chính đã đưa Quảng Ninh vào nhóm tỉnh, thành phố dẫn đầu về xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Nhờ đó tỉnh đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn với những dự án công nghiệp, dịch vụ, du lịch, cảng biển, đường cao tốc, cảng hàng không. Riêng năm 2020, trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Quảng Ninh vẫn đạt mức tăng trưởng 10,05% cao thứ 3 trong cả nước. Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV nhiệm kỳ 2020 – 2025 tiếp tục xác định nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh trang cấp tỉnh, chất lượng thực thi chính sách pháp luật; giữ vững vị trí nhóm đầu về các chỉ số PCI, Par Index, Sipas và PAPI.

Hiệu quả đem lại trong cải cách TTHC tại các trung tâm phục vụ hành chính công những năm qua đã khẳng định hướng đi đúng của Quảng Ninh, thể hiện ý chí quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh hướng tới một nền hành chính hiệu quả, thống nhất, tập trung, hiện đại. Đây còn là động lực thúc đẩy nhanh sự phát triển của Quảng Ninh không chỉ trước mắt mà còn về lâu dài trong xu thế hội nhập và phát triển.

Bài 7: Truyền thông chủ động, truyền thông định hướng từ hợp nhất cơ quan báo chí

Thực hiện:Trúc Linh

Trình bày: Đỗ Quang

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu