4
18
/
1056016
Bài 1: Tạo những giá trị Quảng Ninh
longform
Bài 1: Tạo những giá trị Quảng Ninh

 

 

Thực hiện đường lối đổi mới toàn diện của Đảng được khởi xướng tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, 35 năm qua, Quảng Ninh luôn bám sát sự chỉ đạo của Trung ương; chủ động, sáng tạo đề ra các chủ trương, chính sách và biện pháp phù hợp trong từng thời kỳ nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng, thế mạnh, từng bước vượt qua những khó khăn, thách thức, đưa nền kinh tế của tỉnh thoát ra khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Quảng Ninh thành một tỉnh giàu mạnh, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Đặc biệt trong 10 năm trở lại đây, với việc định vị rõ hơn những tiềm năng, lợi thế, đặt trong tương quan quốc tế và quốc gia, cùng tư duy đổi mới, Quảng Ninh đã có những bước phát triển nhanh chóng, đạt được nhiều thành tựu lớn.

Nói về tiềm năng, lợi thế trong phát triển, Quảng Ninh phải được xếp hàng là một trong những địa phương dẫn trong tốp đầu của cả nước. Nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, tỉnh có vị trí trọng yếu về chính trị, kinh tế, quốc phòng an ninh và đối ngoại; là địa phương duy nhất trong cả nước vừa có đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc – quốc gia đông dân nhất thế giới.

Quảng Ninh sở hữu những nguồn lực về tài nguyên, thiên nhiên phong phú, riêng có. Trong đó, nổi bật nhất là Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và những đặc sắc của Vịnh Bái Tử Long cùng với hơn 500 di tích danh lam thắng cảnh đã được công nhận; trữ lượng than đá lớn nhất Đông Nam Á; xã hội con người là nơi hội tụ, giao thoa, thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng. Là nơi hình thành ngành công nghiệp đầu tiên và cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam với di sản tinh thần quý báu là kỷ luật và đồng tâm; nơi duy nhất có nhà vua từ bỏ ngai vàng lên núi hóa Phật, để lại thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang bản sắc riêng của Phật giáo Việt Nam với tư tưởng hòa nhập đạo pháp với dân tộc và đoàn kết các tôn giáo.

 

Mặc dù vậy, trước sự biến đổi không ngừng của thời đại, từ thực tiễn trong đời sống kinh tế - chính trị trong nước và quốc tế, cũng như những yếu tố phi truyền thống đã, đang xuất hiện ngày càng nhiều, đòi hỏi việc sử dụng để phát huy hiệu quả những tiềm năng lợi thế của địa phương, biến đó thành động lực để phát triển cũng cần có những thay đổi. Quảng Ninh đã nhìn ra những mâu thuẫn mang tính “sống còn” quá trình phát triển của mình, đó là: Giữa giải phóng tiềm năng thế mạnh và không gian phát triển rộng lớn với cơ chế chính sách còn hạn hẹp; Giữa khai thác than, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển công nghiệp nặng với phát triển du lịch, dịch vụ trên cùng một địa bàn; Giữa đổi mới hệ thống chính trị chưa tương xứng phù hợp với đổi mới kinh tế và tình hình thực tiễn đang diễn ra.

Tháng 9/2012, Quảng Ninh đã báo cáo Bộ Chính trị Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh”. Mục tiêu quan trọng được xác định trong Đề án là tạo bước phát triển đột phá, đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, giữ vai trò là một trong những đầu tàu kinh tế của miền Bắc, là địa phương đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, tạo nền tảng vững chắc để phát triển nhảy vọt sau năm 2020.

 

Đề án được Bộ Chính trị đánh giá, đã quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tổng kết lý luận của Đảng sau 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Đồng thời tiếp thu và cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, nhất là Nghị quyết và Kết luận tại các Hội nghị Trung ương 3, 4, 5 (khóa XI) về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, tập trung vào 3 khâu đột phá để phát triển nhanh, bền vững qua việc khai thác tối đa tiềm năng đặc biệt, cơ hội nổi trội của tỉnh Quảng Ninh. Quan điểm này tiếp tục được khẳng định mạnh mẽ qua các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh  Quảng Ninh lần thứ XIII (2010-2015), XIV (2015-2020), XV (2020-2025).

Trên nền tảng là nhận diện và định vị lại chính mình, Quảng Ninh đã xác định rõ hơn về mục tiêu và định hướng phát triển. Gần 1 thập kỷ qua, Quảng Ninh kiên định với thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ nâu sang xanh, biến tăng trưởng “nóng” thành tăng trưởng “xanh” và từng bước xây dựng thương hiệu tỉnh Quảng Ninh.

Đặc biệt, kế thừa, phát triển thành công của giai đoạn 2010-2015, tỉnh tiếp tục đi đầu thực hiện thành công phương thức huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”; huy động được nguồn lực lớn từ các thành phần kinh tế, trở thành giải pháp đột phá để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Là địa phương duy nhất trong cả nước huy động tư nhân đầu tư cao tốc, cảng biển, sân bay. Kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là TP Hạ Long, Cẩm Phả được chỉnh trang đồng bộ, văn minh, hiện đại, sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn, hướng tới mô hình đô thị thông minh.

 

Quảng Ninh cũng ghi dấu ấn mạnh mẽ trong cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa, công khai, minh bạch, giảm 40-50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định. Hệ thống Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện hoạt động theo nguyên tắc 5 tại chỗ “tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả” và nâng cao hiệu quả của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã. Tỉnh đã tập trung xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử giai đoạn 2016-2019, đề án chính quyền số và Trung tâm điều hành thành phố thông minh; tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và kết nối liên ngành, liên thông dịch vụ công trực tuyến 4 cấp, tạo thuận lợi lớn cho người dân, doanh nghiệp.

 

Để cải thiện môi trường đầu tư, ngoài cải cách hành chính và xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, cạnh tranh bình đẳng, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư thuộc UBND tỉnh theo mô hình chuẩn quốc tế (năm 2012); đổi mới, tạo chuyển biến về tư duy, hành động của cả hệ thống chính trị cùng tham gia hoạt động xúc tiến đầu tư.  Điều này đã lý giải vì sao Quảng Ninh luôn nằm trong tốp đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, 3 năm trở lại đây, tỉnh liên tiếp giữ ngôi vương, dẫn đầu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số cải cách hành chính (PAR Index);  năm 2019, đứng đầu Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) và vươn lên từ vị trí 62 lên vị trí thứ 3 đối với Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).

 

Trong 5 năm, ngân sách bố trí 2.674 tỷ đồng thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, toàn tỉnh có 89/98 xã (91%) đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao), vượt mục tiêu đặt ra; hết năm 2020 bình quân các xã đạt 19,5 tiêu chí và 52 chỉ tiêu, không còn xã dưới 15 tiêu chí; có 07/13 địa phương cấp huyện (vượt chỉ tiêu đề ra) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Quảng Ninh cũng là một trong những địa phương đi đầu trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, có xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên trong cả nước; thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 45 triệu đồng/người/năm (bình quân cả nước đạt khoảng 40 triệu đồng), tăng 1,5 lần so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống còn khoảng 1%.

 

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh giai đoạn 2015-2020 duy trì ở mức cao so với bình quân chung của cả nước, tăng 10,7%. Đến năm 2020, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, đạt 211.476 tỷ đồng, tăng gấp 1,86 lần so với năm 2015; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững. Tổng thu NSNN 5 năm ước đạt 212.492 tỷ đồng, tăng 29,56% so với giai đoạn 2011-2015, trong đó: Thu nội địa ước đạt 154.936 tỷ đồng, tăng 94,02%, chiếm 72,9% tổng thu NSNN giai đoạn 2011-2015 (chiếm 48,7%), bình quân tăng 13,1%/năm; thu xuất nhập khẩu đạt 57.111 tỷ đồng, vượt 43,1% so với chỉ tiêu Trung ương giao. Cơ cấu thu ngân sách chuyển dịch tích cực; thu ngân sách nội địa luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có số thu cao nhất cả nước có đóng góp về Trung ương; kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách được tăng cường; bảo đảm cân đối vững chắc thu, chi ngân sách địa phương. Năng suất lao động xã hội bình quân tăng 12,1%/năm, năm 2020 đạt 292,9 triệu đồng/người, tăng gấp 1,77 lần so với năm 2015. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm ước đạt 341.644 tỷ đồng, tăng 1,56 lần so với giai đoạn 2011-2015, bình quân tăng 10,3%/năm. Hiệu quả đầu tư không ngừng được cải thiện. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt trên 6.700 USD/người/năm, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước.

 

Những giá trị mà Quảng Ninh đã có, đang tiếp tục và xây dựng, đó chính là hình ảnh mảnh đất phên giậu nơi địa đầu của Tổ quốc với những bước phát triển mới, nhanh, mạnh, bền vững, là nơi tạo dựng hạnh phúc cho nhân dân và điểm đến hấp dẫn cho du khách, nhà đầu tư.

Bài 2: Từ quy hoạch chiến lược đến không gian phát triển "một tâm hai tuyến"

Bài: Hồng Nhung

Trình bày: Đỗ Quang

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu