4
18
/
1058221
Bài 7: Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ
longform
Bài 7: Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ

 

 

Trong những năm vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã đề ra những quan điểm, chủ trương và giải pháp quan trọng, phù hợp với từng thời kỳ, trực tiếp lãnh đạo, quản lý cán bộ, thể chế hóa, cụ thể hóa bằng nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn. Đồng thời, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới. Đặc biệt, nội dung, phương pháp, cách làm có nhiều đột phá theo hướng dân chủ hóa, công khai hóa, tiên phong cả nước, tạo dựng được cơ chế thi tuyển cạnh tranh lành mạnh trong tuyển lựa cán bộ. Đồng thời, tỉnh cũng đã xây dựng đề án, thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, trong đó đặc biệt chú trọng đội ngũ cán bộ cơ sở; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ cơ sở toàn tỉnh ngay sau mỗi kỳ đại hội cấp ủy, bầu cử HĐND các cấp; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ, trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, các trường dân tộc nội trú và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng khác trên địa bàn.

Điển hình là Quảng Ninh đã tiên phong đổi mới quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm thông qua thi tuyển đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch. Từ năm 2016, Quảng Ninh thực hiện đổi mới công tác tuyển dụng công chức cấp xã theo hướng thi tuyển tập trung tại tỉnh, đảm bảo đúng quy trình theo quy định của pháp luật hiện hành. Theo đó, các tiêu chuẩn, điều kiện tuyển dụng được tỉnh nâng lên so với quy định của Trung ương; dành 15-20% nhu cầu để tuyển nguồn nhân lực chất lượng cao (trình độ thạc sỹ, đại học loại giỏi trở lên). Kỳ tuyển dụng thu hút rộng rãi đối tượng tham gia dự tuyển, không giới hạn về phạm vi và đối tượng dự tuyển (có cả thí sinh tỉnh ngoài, hợp đồng lao động tại đơn vị, sinh viên trẻ mới tốt nghiệp đại học), tính cạnh tranh cao, do đó chất lượng công chức cấp xã được tuyển dụng cao hơn rất nhiều so với trước.

Việc tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ cũng được tỉnh đổi mới thông qua trình bày đề án và thi tuyển lãnh đạo, quản lý. Từ năm 2013 đến trước khi Trung ương có chủ trương tạm dừng thực hiện để hướng dẫn thống nhất, mở rộng thực hiện trong cả nước (năm 2015), Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành quy chế, tổ chức thi tuyển 14 chức danh lãnh đạo quản lý với 67 ứng viên dự thi. Qua thi tuyển đã bổ nhiệm được 29 đồng chí vào các chức danh lãnh đạo quản lý. Nhiều địa phương, đơn vị đã tích cực mở rộng mô hình, tổ chức thí điểm thi tuyển các chức danh lãnh đạo quản lý cấp phòng, đã bổ nhiệm 55 cán bộ lãnh đạo cấp phòng và tương đương thuộc huyện, sở, ngành.  Phần lớn là cán bộ được bổ nhiệm thông qua thi tuyển đều trẻ dưới 40 tuổi, đang phát huy hiệu quả công tác tốt, góp phần cân đối cơ cấu cán bộ. Từ năm 2017 đến nay, Quảng Ninh tiếp tục được Trung ương lựa chọn là địa phương thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng. Đến nay, tỉnh đã tổ chức thi tuyển được 8 vị trí diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý (tổng số 33 ứng cử viên dự thi), 155 cán bộ cấp phòng.

Cùng với đó, Quảng Ninh cũng đổi mới công tác đánh giá cán bộ, chủ động chỉ đạo xây dựng và ban hành các văn bản cụ thể hóa công tác đánh giá cán bộ bảo đảm sát tình hình thực tiễn của địa phương. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành, thực hiện nghiêm Quy chế số 02-QC/TU ngày 12/11/2014 về đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý bảo đảm quy trình dân chủ, chú trọng tính khách quan, công tâm, với những tiêu chí cụ thể, lấy chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, sự đóng góp thực tế đối với địa phương, đơn vị làm thước đo đánh giá, kết hợp phản hồi từ các kênh thông tin khác nhau. Đồng thời, đã xây dựng, cụ thể hóa các tiêu chuẩn, trách nhiệm, chuẩn mực đạo đức ở mỗi chức danh lãnh đạo, quản lý làm cơ sở để nhận xét, đánh giá cán bộ. Quá trình đánh giá cán bộ, các cấp ủy đảng đã kiểm điểm nhiệm vụ, công tác hằng năm gắn với kiểm điểm theo Nghị quyết TW4 khóa XI, XII.  

Công tác quy hoạch cán bộ được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy trình, chất lượng ở tất cả các bước thực hiện, từ khâu rà soát, nhận xét, đánh giá cán bộ, xây dựng các tiêu chuẩn chức danh cán bộ làm căn cứ quy hoạch; đảm bảo số lượng, chất lượng, cơ cấu nữ, dân tộc, cơ cấu 3 độ tuổi, phương châm “động”, “mở”, đồng bộ ở cả 3 cấp (cấp cơ sở, huyện, tỉnh), quy hoạch cấp dưới trước, lấy quy hoạch cấp dưới để xây dựng quy hoạch cấp trên; mở rộng dân chủ trong phát hiện, giới thiệu nguồn đưa vào quy hoạch; 100% cán bộ được quy hoạch bảo đảm tiêu chí, tiêu chuẩn Trung ương quy định.

Công tác luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý thực hiện có nền nếp, bảo đảm thực hiện nghiêm Quy chế điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý (Quyết định số 1276-QĐ/TU ngày 20/11/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong đó yêu cầu cán bộ đảm nhiệm cấp trưởng không quá 7 năm liên tục ở một chức vụ tại 1 địa phương, đơn vị), thực hiện kế hoạch bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan; thực hiện, luân chuyển cán bộ trẻ, có triển vọng, nơi có nhu cầu về cán bộ và giải quyết nhiệm vụ trọng yếu của tỉnh, của địa phương; không luân chuyển đối với cán bộ có khuyết điểm, hạn chế về năng lực, uy tín. Giai đoạn 2015 - 2019, toàn tỉnh luân chuyển, điều động 3.349 lượt cán bộ (Cấp tỉnh: 117 trường hợp; cán bộ diện BTV các huyện, thị, thành uỷ và sở ban ngành quản lý: 3.232 trường hợp). Đến nay, 100% các trường hợp đều phát huy tốt vai trò nhiệm vụ. Cán bộ được luân chuyển, nhất là cán bộ trẻ có triển vọng tiếp cận nhanh công việc mới, trách nhiệm, tâm huyết, được bồi dưỡng, thử thách, rèn luyện, am hiểu nhiều lĩnh vực, đóng góp công sức, trí tuệ cho các địa phương. 95% số cán bộ được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt mục đích luân chuyển; hầu hết sau luân chuyển được bố trí đảm nhiệm công việc phù hợp, chức vụ cao hơn.

Cùng với đó, xác định đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược để thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững, ngay từ năm 2014, tỉnh đã ban hành và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 09/6/2014 về đẩy mạnh cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh; và Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 2704/QĐ-UBND ngày 17/11/2014). Từ năm 2015, tập trung thực hiện Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2020” với phạm vi, quy mô toàn tỉnh, bao phủ toàn diện về đối tượng đào tạo, bồi dưỡng (Quyết định số 293/QĐ-UBND ngày 30/01/2015 gọi tắt là Đề án 293). Thành lập Hội đồng điều hành công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực của tỉnh; phân công một đồng chí Thường trực Tỉnh ủy phụ trách trực tiếp Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ; hằng năm, dành nguồn lực thỏa đáng cho phát triển nguồn nhân lực; quan tâm đội ngũ cán bộ ở cơ sở; tập trung cho kỹ năng nghiệp vụ, chuyên môn, về ngoại ngữ, tiếng dân tộc, quốc phòng - an ninh; thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, viên chức ở nước ngoài (tương tự hình thức Đề án 165 của Trung ương). 

PGS.TS Nguyễn Minh Hồng, Trưởng khoa Lãnh đạo học và chính sách công, Học viện Chính trị khu vực I, cho biết: Qua theo dõi những năm gần đây, tôi đánh giá cao cách làm của Quảng Ninh trong công tác cán bộ, nhất là việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” gắn thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị” của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Tiêu biểu như: Thi tuyển cán bộ, luân chuyển cán bộ, bầu trực tiếp bí thư tại Đại hội… so với các địa phương khác Quảng Ninh đã mạnh dạn, có nhiều đổi mới.

Nhờ quan tâm đổi mới, triển khai đồng bộ các giải pháp, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh ngày càng được nâng cao, nhiều cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược của tỉnh đã mạnh dạn đổi mới tư duy, nâng cao tầm nhìn, không né tránh các vấn đề mới, khó, phức tạp; mạnh dạn đề xuất những vấn đề chưa có tiền lệ để tập trung nghiên cứu, thực hiện; kiên trì, bền bỉ, quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đến nay, số lượng cán bộ, công chức có trình độ đào tạo sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) tăng hơn 2,3 lần so với năm 2010, 100% uỷ viên ban chấp hành các đảng bộ trực thuộc tỉnh có trình độ cao cấp lý luận chính trị, chuyên môn đại học trở lên, gần 63% số uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có trình độ chuyên môn thạc sĩ, tiến sĩ (nhiệm kỳ trước là 23,43%)...

Tỉnh cũng đã mạnh dạn trong việc sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị theo đúng quy định của Trung ương. Đến nay, các địa phương, đơn vị đã sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, giảm đầu mối, tránh trùng chéo bằng việc sáp nhập các cơ quan, đơn vị có cùng chức năng, nhiệm vụ hoặc chức năng, nhiệm vụ tương đồng theo hướng “một chức năng, một nhiệm vụ chỉ có một người hoặc một đơn vị chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm”. Tăng cường  thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân hoặc chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã; 100% bí thư cấp ủy cấp huyện không phải là người địa phương; 100% bí thư cấp ủy đồng thời là thủ trưởng cơ quan, đơn vị; bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố theo mô hình "Dân tin - Đảng cử". Đến nay có 150/177 (84,75%) bí thư cấp xã, 13/13 bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương.

Đặc biệt, cụ thể hóa Quy định 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống "chạy chức, chạy quyền", Tỉnh ủy đã bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chế về công tác cán bộ; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Quy trình công tác cán bộ tiếp tục được đổi mới, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng, chặt chẽ hơn; đã làm rõ được trách nhiệm của cán bộ, tập thể lãnh đạo của cơ quan tham mưu, đề xuất; trách nhiệm của cán bộ, cơ quan thẩm định, thành viên cấp ủy, cán bộ lãnh đạo và người đứng đầu trong công tác cán bộ. Trong đó, đã sửa đổi, bổ sung, xây dựng các quy chế, quy định về công tác cán bộ (về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; quy định về điều động, luân chuyển cán bộ; quy định về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ…) nhằm cụ thể hóa các chỉ đạo của Trung ương theo hướng đồng bộ, kế thừa, kết nối giữa các khâu, tăng cường công khai, minh bạch trong công tác cán bộ. Các quy định, quy chế đã ban hành đảm bảo được vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp uỷ đảng về công tác cán bộ, đồng thời từng bước tăng cường phân cấp, uỷ quyền, mở rộng dân chủ, đề cao trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân người đứng đầu trong công tác cán bộ.

Đồng chí Vũ Quyết Tiến, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ninh, cho biết:  Quảng Ninh xác định đổi mới toàn diện đồng bộ công tác cán bộ là khâu đột phá, then chốt để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Do đó, tỉnh đã chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ quản lý và người đứng đầu các cấp “thực đức, thực tài”, có tính chuyên nghiệp, có khả năng làm việc trong những môi trường quốc tế, tận tụy phục vụ nhân dân, nâng cao năng lực, trình độ đạo đức công vụ, trách nhiệm giải trình. Cùng với đó, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, đồng thời tạo môi trường, điều kiện khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo vệ cán bộ dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động.

Thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt về công tác tổ chức, cán bộ, đến nay đội ngũ cán bộ các cấp của tỉnh được tăng cường cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Tỉnh đã chuẩn bị nguồn cán bộ đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia vị trí lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương khi có yêu cầu. Đội ngũ cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến nay 100% có trình độ chuyên môn đại học trở lên và trình độ lý luận chính trị cao cấp trở lên. Cán bộ chủ chốt, ban thường vụ cấp huyện gồm 188 đồng chí (tiến sỹ: 3 đồng chí, 1,59%; thạc sỹ: 71 đồng chí, 37,76%. Lý luận chính trị: Cử nhân 34 đồng chí, 18,08%. Tỷ lệ cán bộ nữ: 23 đồng chí, 12,23%). Cán bộ, công chức toàn tỉnh là 3.805 (thuộc khối Đảng, đoàn thể là 1.265; khối quản lý nhà nước 2.540) với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đại học trở lên 3.600 người (trong đó trên đại học là 1.279), bằng 94,61%; trình độ lý luận chính trị: Cao cấp, cử nhân có 1.304 người, bằng 34,27%; Trung cấp có 1.267 người, bằng 33,29%.

Ở cấp xã, các đơn vị đều bố trí từ 19 đến 23 cán bộ (thực hiện Đề án 25, tỉnh chủ động giảm 10% so với định mức của Trung ương tại Nghị định 92, phù hợp với Nghị định 34 mới). Đến nay, toàn tỉnh đã bố trí 3.751 cán bộ, công chức đảm nhiệm 4.053 chức vụ, chức danh, trong đó cán bộ: 1.842 người; công chức 1.909 người và 302 chức danh thực hiện kiêm nhiệm. Về trình độ, chuyên môn: Trên đại học 174 người, chiếm 4,64%; đại học 2.673 người, chiếm 71,26%; cao đẳng 157 người, chiếm 4,18%; trung cấp 678 người, chiếm 18,07%; lý luận chính trị: Cao cấp, cử nhân 199 người, chiếm 5,3%; trung cấp 2.757 người, chiếm 73,5%; sơ cấp bồi dưỡng 412 người, chiếm 10,98%.  Đối với đội ngũ cán bộ ở thôn, bản, khu phố, toàn tỉnh có 100% trưởng thôn, bản, khu phố là đảng viên; 1.562/1.565 (99,8%) bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố. Thực tế cho thấy, đội ngũ cán bộ thôn,  khu đã phát huy được vai trò lãnh đạo toàn diện của bí thư chi bộ, quản lý điều hành của trưởng thôn trên tất cả các lĩnh vực một cách đồng bộ, hiệu quả; phát huy được năng lực cá nhân, tính năng động, sáng tạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, hạn chế tình trạng trông chờ, ỷ lại, né tránh, nể nang trong công việc; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ tạo sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân…

Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ninh Vũ Quyết Tiến nhấn mạnh, thời gian tới, Quảng Ninh xác định công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai toàn diện, đồng bộ, thường xuyên và thống nhất cả về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ; xây dựng chính quyền liêm chính, phục vụ thực sự “của dân, do dân, vì dân”, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Để thực hiện được nhiệm vụ trên, Quảng Ninh sẽ mở rộng tầm nhìn, nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ, trình độ, tính chiến đấu của toàn Đảng bộ và của mỗi cán bộ, đảng viên, lãnh đạo, quản lý các cấp. Tỉnh tập trung hoàn thiện tổ chức bộ máy khoa học, tinh gọn, hợp lý, hiệu quả và đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là một trong những nhân tố cơ bản quyết định thành công của Quảng Ninh.

Bài 8: Kiểm soát quyền lực trong cơ chế minh bạch

Thực hiện: Thuỳ Linh

Trình bày: Đỗ Quang

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu