4
18
/
1058698
Bài 10: Thổi bùng khát vọng, niềm tin và hành động xây dựng Quảng Ninh
longform
Bài 10: Thổi bùng khát vọng, niềm tin và hành động xây dựng Quảng Ninh

 

 

Từ thực tiễn sinh động của Quảng Ninh có thể thấy, tỉnh đã cụ thể hoá các chủ trương của Đảng thực hiện thành công công tác xây dựng Đảng về chính trị gắn với đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảngTừ đó, tạo nên động lực thúc đẩy, thổi bùng khát vọng, niềm tin và hành động xây dựng Quảng Ninh ngày càng phát triển.

Những năm qua, Tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng và toàn hệ thống chính trị trong tỉnh tập trung đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng với với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt. Thực tế đã khẳng định Đề án 25 và Nghị quyết 19-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh là một giải pháp đột phá, phù hợp với xu thế tất yếu khách quan nhằm giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới hệ thống chính trị với đổi mới kinh tế, phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới đặt ra tại Quảng Ninh.  Các mô hình đề xuất đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, đề xuất phù hợp với thực tiễn khách quan, triển khai đồng bộ, bài bản với lộ trình hợp lý nên đã tạo được đồng thuận cao, sớm tạo chuyển biến thực chất, đóng góp quan trọng cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW; tạo đà vững chắc để tiếp tục thực hiện Chương trình hành động số 21-CTr/TU đồng bộ với việc triển khai các nghị quyết, kết luận của Trung ương, đảm bảo thực chất, hiệu quả, được Trung ương và cả nước ghi nhận, đánh giá cao. Việc sắp xếp tổ chức, bộ máy đã cơ bản khắc phục được những hạn chế, tồn tại đã được nhận diện; giảm đầu mối, giảm khâu trung gian, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Việc thực hiện tinh giản biên chế theo các Nghị định của Chính phủ và các chính sách đặc thù của tỉnh được quan tâm thực hiện, đảm bảo lộ trình theo quy định của Trung ương; góp phần tích cực giảm tỷ lệ chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách từ 47,4% năm 2015 xuống 39% năm 2019.

Từ năm 2012 tới nay, Quảng Ninh liên tục báo cáo Trung ương, xin ý kiến các bộ, ngành, các chuyên gia về những đề án phát triển của tỉnh. Trong đó, có những đề án lớn với những ý tưởng táo bạo, không chỉ là chưa có tiền lệ, mà thậm chí phải có chỉ đạo riêng, cụ thể từ trên Trung ương... Nhưng thực tế đã chứng minh Quảng Ninh đã chọn đúng điểm chốt để đột phá. Điển hình như việc thành lập cơ quan Khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; thành lập trung tâm hành chính công; hợp nhất các cơ quan đảng và chính quyền có nhiệm vụ tương đồng; thực hiện mô hình bí thư kiêm trưởng thôn, khu, bản ở 100% thôn, khu, bản trên địa bàn tỉnh; hợp nhất các cơ quan truyền thông... Những mô hình này đã được các chuyên gia nghiên cứu khẳng định, đây là sự đổi mới mạnh mẽ, cởi mở về mặt thể chế và một số mô hình đã được lựa chọn, đưa vào Nghị quyết số 18, Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Từ mô hình tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được sắp xếp tinh gọn, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đã có nhiều đổi mới; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và năng lực điều hành, quản lý của chính quyền được nâng lên rõ rệt. Theo đó, đã nhận diện, đánh giá đúng thực tiễn hơn; lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm và tập trung nguồn lực thực hiện những chủ trương mới, khó, phức tạp, chưa có tiền lệ. Trong khâu ban hành chủ trương, chính sách, Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nắm chắc, bám sát các chỉ đạo của Trung ương, cụ thể hóa sáng tạo và sát thực tiễn của tỉnh để ban hành nghị quyết theo hướng rõ nhiệm vụ, giải pháp, rõ trách nhiệm, dễ kiểm điểm. Ngay sau khi ban hành nghị quyết, tỉnh đã tăng cường chỉ đạo kiểm tra, giám sát để đưa nghị quyết vào cuộc sống, không triển khai mang tính hình thức. Quảng Ninh cũng duy trì thực hiện hiệu quả việc giao ban, đối thoại của bí thư cấp ủy, người đứng đầu đối với bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản, khu phố, trưởng ban công tác mặt trận định kỳ hằng quý hoặc chuyên đề để trao đổi thông tin hai chiều, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân về thực trạng ở địa phương, những vấn đề nhân dân quan tâm; các vấn đề nổi cộm, bức xúc, các đề xuất, kiến nghị từ cơ sở để có phương án giải quyết kịp thời.

Thay đổi tư duy lãnh đạo, đồng bộ với tinh gọn bộ máy, Quảng Ninh không thực hiện rập khuôn, máy móc trong phân bổ về số lượng phòng ban, cán bộ trong bộ máy theo quy định của Trung ương, mà tập trung rà soát đội ngũ cán bộ, làm gọn bộ máy theo hướng 1 phòng nhiều chức năng, 1 cán bộ làm nhiều công việc, đảm bảo sử dụng hết năng lực, hiệu suất làm việc của cán bộ… Đối với nội dung nhất thể hóa chức danh, Quảng Ninh xác định không nóng vội, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, thông qua quá trình lựa chọn về Đảng bộ, con người chặt chẽ và cụ thể thì mới áp dụng thí điểm. Trong quá trình thực hiện thí điểm đã hướng dẫn, kiểm tra, rút kinh nghiệm việc triển khai; thống nhất hành động các tổ chức cấp tỉnh để giảm thiểu sự chồng chéo trong thông tin, chỉ đạo… Tỉnh đã mạnh dạn lựa chọn và đưa những cán bộ được đào tạo bài bản, có lập trường tư tưởng vững vàng, có năng lực đang công tác để đưa vào các chức danh thực hiện nhất thể hoá, nhất là ở cơ sở. Qua cách làm này, người có năng lực thực sự, có khát vọng cống hiến có dịp được tiếp cận cơ sở, hiểu hơn đời sống từ cơ sở và qua đó thử thách phẩm chất và năng lực điều hành của người lãnh đạo. Từ đó học tập, tích luỹ vốn sống, có nhiều kinh nghiệm lãnh đạo để trưởng thành hơn. Và Đảng cũng từ đó có nguồn cán bộ tốt, dồi dào để kế cận...

Từ đó, dân chủ trong Đảng, trong xã hội được mở rộng, góp phần phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân trong góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, hương ước, quy ước, xây dựng Đảng, chính quyền; trong tham gia giám sát hoạt động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; trong tham gia những công việc của địa phương với nhiều nhiệm vụ khó khăn, phức tạp đạt hiệu quả cao, điển hình như sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, vận động giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm (Chiến dịch cao điểm “30 ngày đêm” hoàn thành giải phóng mặt bằng  tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sau điều chỉnh...), ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống (đại dịch COVID-19)… 

Làm việc với Tỉnh ủy Quảng Ninh vào tháng 6/2020, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã khẳng định: Những kết quả phát triển về mọi mặt thời gian qua của tỉnh Quảng Ninh là bước đi đúng hướng với tầm nhìn chiến lược và tư duy đột phá. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”. Nhiều cách làm của Quảng Ninh rất đáng biểu dương, thể hiện được nguyên tắc Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Quan trọng hơn là tạo được sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong cả hệ thống chính trị để phát huy sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Qua mười năm thực thi Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nhất là tiếp tục kế thừa, phát triển tư duy, tầm nhìn, lộ trình, phương thức phát triển của nhiệm kỳ thứ XIII (2010 - 2015), suốt 5 năm của nhiệm kỳ XIV (2015 - 2020), tỉnh Quảng Ninh không ngừng phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh, bền vững, nội lực của tỉnh được củng cố, tăng cường, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh toàn diện, liên tục, đồng bộ, quyết liệt gắn với xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, thực thi có hiệu quả nhiệm vụ được giao. Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng có nhiều đổi mới; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và năng lực điều hành, quản lý của chính quyền được nâng lên; nhiều mô hình mới, cách làm đột phá, sáng tạo đạt hiệu quả rõ nét được thực tiễn chứng minh. Khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường; niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền được củng cố, nâng lên rõ rệt.

Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 10,7%, cơ bản đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra trong điều kiện bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, cao hơn so với bình quân chung cả nước. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện đáng kể; quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tăng lên rõ rệt; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững; dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Thực hiện ba đột phá chiến lược có trọng tâm, trọng điểm, đạt nhiều kết quả quan trọng; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ được đầu tư đồng bộ, hiện đại và có bước đột phá. Môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện nằm trong nhóm đứng đầu cả nước; cải cách hành chính có bước đột phá, tạo chuyển biến căn bản, thúc đẩy có hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, thu hút được nguồn lực ngoài ngân sách lớn - nguồn động lực đột phá mạnh mẽ cho đầu tư phát triển. Chủ động phát triển nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động theo định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội; diện mạo thành thị và nông thôn thay đổi rõ rệt; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao, nhất là tại các khu vực đặc biệt khó khăn, nông thôn, miền núi, biên giới, biển đảo. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt trên 6.700 USD, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều chỉ còn 0,36%. Công tác quản lý nhà nước được tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, nhất là quản lý đất đai, quy hoạch, tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường, quản lý di sản, danh thắng.

Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được bảo đảm, chủ quyền biên giới, biển đảo quốc gia được giữ vững, không để xảy ra các tình huống bị động, bất ngờ; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được mở rộng và đi vào chiều sâu. Vị thế và uy tín của Quảng Ninh được nâng cao.

Điều này cũng được ghi nhận qua những nhận định tích cực, sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cũng như cả nước dành cho Quảng Ninh thời gian qua. Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Ninh, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, bày tỏ sự ấn tượng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của tỉnh. Đặc biệt là việc cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, từ đó lan tỏa tới toàn bộ hệ thống chính trị của địa phương. Đồng chí khẳng định: Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh là tổ chức Đảng mạnh, luôn đoàn kết, thống nhất cao, tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ. Năng lực lãnh đạo, nhất là các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tỉnh cũng là nguồn cảm hứng, là bài học kinh nghiệm cho nhiều địa phương trong cả nước về tinh thần tiên phong, đổi mới trong hành trình phát triển. Quảng Ninh chính là địa bàn phát triển năng động nhất của Việt Nam.

Bài: Hà Chi 
Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu