4
18
/
1051379
Chuyện về ông chủ công viên hoa trên đỉnh Cao Ly
longform
Chuyện về ông chủ công viên hoa trên đỉnh Cao Ly

 

Đó là kỹ sư Nguyễn Thanh Hải, Chủ nhiệm HTX Hoa Bình Liêu (xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu) và hành trình xây dựng công viên hoa Cao Sơn trên vùng núi Cao Ly, góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo vùng dân tộc thiểu số của miền sơn cước Bình Liêu.

Nguyễn Thanh Hải vốn là sinh viên Trường Đại học Bách khoa. Trái với tưởng tượng của nhiều người, cầm tấm bằng kỹ sư trong tay, chàng thanh niên Hạ Long ấy không phát triển sự nghiệp theo lĩnh vực công nghệ mà lại kết duyên với nghề trồng trọt. Lập nghiệp từ con số không, toàn bộ vốn liếng Hải có được là niềm đam mê với hoa cỏ, nghiên cứu cây giống và mong muốn tìm tòi, khám phá. Vườn hoa Hà Trang của chàng kỹ sư trẻ từ đó mà ra đời ngay chính tại TP Hạ Long. Đây cũng là cơ sở đầu tiên để anh thỏa mãn niềm đam mê của mình, nuôi dưỡng tâm huyết và quyết tâm thành lập một vườn hoa đặc biệt, ở một nơi đặc biệt.

Gặp Nguyễn Thanh Hải giữa núi rừng biên giới Hoành Mô, huyện Bình Liêu, ấn tượng đầu tiên đó là hình ảnh một người đàn ông khoảng 40 tuổi có khuôn mặt chất phác, nước da rám nắng. Mới chưa đầy 2 năm chính thức lập nghiệp ở vùng núi cao biên giới, thế nhưng trong chiếc áo của người dân tộc Tày, nhìn Hải như một anh nông dân xóm núi thực thụ.

“1-2 tuần tôi mới về thành phố một lần, hoặc khi nào có việc cần thiết. Vợ con nhớ quá thì lên thăm” - Nguyễn Thanh Hải không ngần ngại chia sẻ. “Bạn bè nhiều người bảo mình hâm, đang sống giữa thành phố lại bỏ lên Bình Liêu làm bạn với núi rừng, rời xa những tiện nghi hiện đại, ngày ngày xúc đất, trồng cây, bón phân… nhưng sống ở đây lâu dần cũng thành quen. Mỗi sáng ngủ dậy, tôi cứ muốn hít hà mãi không khí trong lành, muốn ngắm mãi những giọt sương đọng lại trên những cánh hoa, chiếc lá, chân dẫm lên thảm cỏ ướt đẫm sương đêm...”. Nói đến đây, trên khuôn mặt Hải toát lên vẻ mộng mơ của người nghệ sĩ. 

Khi được hỏi về lý do chọn vùng đất này, Hải chia sẻ: “Tôi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về thổ nhưỡng, khí hậu các vùng đất khác nhau trên địa bàn tỉnh. Cuối cùng tôi chọn Cao Sơn. Với độ cao 900m so với mực nước biển, chỉ có nơi này mới đáp ứng đủ mọi điều kiện để tôi thỏa sức phát triển đam mê của mình”.

Với sự hậu thuẫn, đồng hành của chính quyền địa phương, của gia đình, Nguyễn Thanh Hải đã cùng cán bộ nông nghiệp địa phương lập kế hoạch, khảo sát vị trí và lên phương án triển khai dự án Vườn hoa Cao Sơn thuộc HTX Hoa Bình Liêu, theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao. 

Nói về những khó khăn thời gian đầu, Hải trầm ngâm: “Khó nhiều chứ, nghĩ thì đơn giản, nhưng lúc bắt tay vào công việc mới thấy mọi thứ không hề dễ dàng. Giống như rất nhiều dự án khác, tôi cũng gặp khó khăn về nhân lực, về vốn. Ngay từ khi thành lập dự án, tôi đã xác định nhân công của mình sau này sẽ dựa hoàn toàn vào nguồn nhân lực của địa phương, người bản địa trong thôn, trong xã. Thế nhưng, cái khó ở đây là bà con vốn chỉ quen với nghề đi rừng, chưa được tiếp cận với kỹ thuật trồng hoa đòi hỏi nhiều yếu tố đặc thù”.

Từ đôi bàn tay của những chàng trai xóm núi tuổi 18, đôi mươi, với sự hướng dẫn tận tình của chàng kỹ sư thành phố, đã kiến tạo vùng đất hoang sơ nơi biên giới, trở thành một khu vườn trăm hoa đua nở. Tháng 5/2019, HTX Hoa Bình Liêu đầu tiên và quy mô nhất của miền biên giới Quảng Ninh chính thức ra đời.

Xây dựng trên tổng diện tích 1,5ha, vườn hoa Cao Sơn được trồng phong phú các loài hoa, với hơn 2 vạn cây hoa trang trí, hoa ban công, hoa thảm, hơn 200 gốc hồng cổ, hồng ngoại… trong nhà kính, hệ thống tưới nước tự động hiện đại. Ước tính đầu tư ban đầu hơn 3 tỷ đồng. Song đó chưa phải là tất cả của HTX Hoa Bình Liêu.

Tại vị trí cao nhất của vườn hoa là khu nhà lưới rộng 2.400m2 trồng lan vũ nữ. Đây chính là điểm nhấn không chỉ của HTX Hoa Bình Liêu, mà đã trở thành một sản phẩm đặc trưng, riêng có của vùng đất biên cương này. Nhà lưới được xây dựng từ tháng 6/2019, 4 tháng sau, 500 giò lan giống và 1.500 chậu lan thành phẩm đầu tiên được Nguyễn Thanh Hải mua trực tiếp từ Đà Lạt về trồng thử nghiệm. Lứa lan đầu thành công, những chậu lan thành phẩm ưa khí hậu nơi này nên phát triển tốt, khỏe mạnh. Tháng 2/2020, Hải lại một lần nữa cất công vào Đà Lạt - cái nôi của các loài hoa, để mua về 6.000 chậu lan thành phẩm. 

Lan vũ nữ thường được thu hoạch theo dạng cắt cành, được trồng tại khá nhiều nơi ở miền Bắc. Thế nhưng, để hoa phát triển đúng tiêu chuẩn (chiều cao ngồng hoa trên 70cm, tối thiểu 5 nhánh hoa phụ, bông hoa to, nở quanh năm) thì lại yêu cầu nhiều yếu tố đặc biệt liên quan đến thổ nhưỡng, khí hậu. Chúng ưa nơi có độ cao trên 900m so với mực nước biển, nhiệt độ ban đêm trung bình 18 độ C. Do đó, theo nghiên cứu của những người trồng lan, khu vực núi Cao Ly (xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu) là một trong 3 địa điểm thích hợp nhất để trồng và phát triển loại lan vũ nữ theo hướng thương mại (2 địa điểm khác là Sapa và Tam Đảo). Tuy nhiên, tại Sapa, khí hậu mùa đông thường quá buốt giá, có nơi, có lúc lại có tuyết, trong khi Tam Đảo không còn nhiều diện tích đất nông nghiệp đủ để mở rộng trang trại, vì thế, tiềm năng để phát triển lan vũ nữ tại khu vực núi Cao Ly là rất lớn, nếu có được những nhà đầu tư xứng tầm.

Áp dụng công nghệ làm vườn của Đài Loan, cộng với sự mày mò tự nghiên cứu, tự thử nghiệm của Nguyễn Thanh Hải, vườn lan ngày càng phát triển. Từ 8.000 giò lan ban đầu, đến nay sau 18 tháng, nhờ được chăm sóc đúng cách, vườn hoa Cao Sơn đã có 17.000 chậu lan thành phẩm và 25.000 chậu lan giống, trong đó có gần 10.000 chậu thành phẩm và 23.000 cây giống được nhân trực tiếp tại vườn. “Tính tôi vốn tò mò, thích khám phá, thích nghiên cứu, không ngại thử nghiệm. Từ ngày trồng hoa, đi đến đâu tôi cũng để ý xem người ta làm thế nào, có áp dụng được ở trang trại của mình hay không, mình phải điều chỉnh thế nào cho phù hợp” - Nguyễn Thanh Hải tâm sự.

Với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa công nghệ được chuyển giao từ các chuyên gia Đài Loan, các chuyên gia trồng hoa của Đà Lạt và kinh nghiệm của bản thân, Nguyễn Thanh đã áp dụng kỹ thuật riêng cho khu vườn của mình. Giá thể trồng lan của anh là sự pha trộn 80% đá dăm, 20% vỏ thông trên mặt; sử dụng phân chậm tan chu kỳ 6 tháng, ngoài ra, dùng phân bản địa như phân dê, kết hợp với phân bón lá 2 tuần/lần để hoa đạt chất lượng tốt hơn, màu sắc tươi hơn. Chu kỳ khai thác của một chậu lan vũ nữ khoảng 6 năm, thường cho hoa nhiều nhất, đẹp nhất ở năm thứ 3, thứ 4. Tại vườn hoa Cao Sơn, lan vũ nữ mới trồng được khoảng 18 tháng, mặc dù chưa đủ độ chín của cây để cho ra hoa đạt đúng chất lượng, tiêu chuẩn cắt cành, nhưng đã bước đầu cho thu hoạch. 

Nguyễn Thanh Hải cho biết, tại Hội chợ OCOP tỉnh Quảng Ninh tổ chức tháng 10/2020, huyện Bình Liêu đặt hàng 100 bó lan vũ nữ để tham gia, nhưng cả vườn mới chỉ cắt được khoảng 40 bó. Hiện tại, cung vẫn không đủ cầu.

Không chỉ thuê đất của người dân, Nguyễn Thanh Hải thuê luôn cả người bản địa để làm công nhân cố định tại trang trại. Từ những người bấp bênh với cuộc sống còn nghèo, giờ đây không chỉ có thu nhập ổn định với mức lương khá từ 6-7 triệu đồng/tháng, họ còn được học hỏi, chuyển giao công nghệ trồng hoa, đặc biệt là các loại hoa yêu cầu kỹ thuật cao như lan vũ nữ. Một điểm khá đặc biệt là ở HTX Hoa Bình Liêu, từ ông chủ cho đến công nhân đều là nam, độ tuổi đều còn rất trẻ, chỉ có 2-3 phụ nữ người Dao làm thuê theo hình thức công nhật, ngày ngày đến trồng và chăm sóc cây. Những chàng trai người Dao chân chất, vui vẻ, nhiệt tình vốn trước kia chỉ lên rừng, hoặc sang Trung Quốc làm thuê, nếu không có việc thì vùi trong giấc ngủ, giờ đây đã có được một công việc ổn định, được tiếp cận và làm nghề dịch vụ, học cách sống ngăn nắp, gọn gàng. 

“Anh Hải đã hướng dẫn chúng tôi rất tận tình. Không chỉ là làm thuê, anh Hải còn muốn chúng tôi học được cách làm để sau này có thể phát triển nghề trồng hoa tại nhà, sau đó HTX thu mua lại, đảm bảo đầu ra ổn định. Ở đây anh em đoàn kết, vui vẻ, không có khoảng cách giữa giám đốc và công nhân, nên chúng tôi cũng coi như đang ở nhà mình vậy” - Chìu Quai Nhì, công nhân HTX Hoa Bình Liêu tâm sự.

Bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bình Liêu, cho biết: HTX Hoa Bình Liêu đã tạo cho địa phương một sản phẩm du lịch mới, có tính bền vững, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách. Đồng thời, đây cũng là mô hình góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. 

Không chỉ xây dựng công viên hoa trên đỉnh núi biên giới, để những người yêu hoa không ngần ngại vượt hàng chục, hàng trăm cây số đường núi ngoằn ngoèo đến thưởng thức, chụp ảnh, HTX Hoa Bình Liêu còn đem đến cho nơi này một làn gió mới, đưa người dân tiếp cận với cách làm dịch vụ, du lịch sinh thái. Nhờ đó, đem đến việc làm ổn định cho nhiều lao động, đồng thời tạo điều kiện cho các hộ xung quanh nâng cao thu nhập khi cung ứng các dịch vụ phụ trợ đi kèm như ăn uống, ngủ nghỉ… góp phần quan trọng giúp giảm nghèo bền vững ở vùng dân tộc thiểu số của địa phương. Hoa nở trên đỉnh Cao Ly không chỉ là những đóa hoa khoe sắc, còn là cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn của người dân vùng cao, mà kỹ sư Nguyễn Thanh Hải là một nhân tố quan trọng góp phần vẽ lên bức tranh tươi đẹp ấy.

Thực hiện: Hằng Ngần
Trình bày: Đỗ Quang

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu