4
18
/
1041704
Tự hào những "bông hồng thép"
longform
Tự hào những "bông hồng thép"

 

 


Những ngày lễ, Tết hay Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 sắp tới cũng vậy, với Trung tá Phạm Thị Tuyết Thanh (SN 1980), Đội phó Đội CSGT số 1, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh, thì công việc vẫn như thường lệ. Bắt đầu từ 7h30, là Tổ trưởng tổ công tác, chị cùng các CBCS bắt đầu tuần tra, kiểm soát cơ động toàn tuyến do Đội quản lý. Không son phấn cầu kỳ, chỉ có quân phục và chiếc gậy chỉ huy giao thông quen thuộc, “bóng hồng” của Đội CSGT số 1 đã trở nên quen thuộc với người dân dọc QL18A thuộc địa phận Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên trong gần 1 năm nay.

Thông thường, nữ chiến sĩ CSGT được phân công làm các nhiệm vụ tại văn phòng, như đăng ký xe hoặc tiếp xúc giải quyết các trường hợp vi phạm... Trung tá Phạm Thị Tuyết Thanh hiện là nữ CSGT đầu tiên của tỉnh thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo tuần tra, kiểm soát cơ động trên những tuyến đường. Đây cũng là chuyên ngành mà chị được đào tạo tại Học viện Cảnh sát nhân dân, nên khi được điều động làm nhiệm vụ, chị đã phát huy năng lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Không ít người cho rằng, phụ nữ theo nghề này đồng nghĩa với việc bị tước đi quyền được làm đẹp của phụ nữ. Nhưng người trong cuộc lại không nghĩ như vậy. “Mỗi ngành nghề đều có những nét đẹp riêng. Được khoác chiếc áo màu vàng của lực lượng CSGT là niềm tự hào của tôi. Vì vậy, bất cứ khi nào, ở đâu được khoác chiếc áo của ngành, tôi đều cảm thấy vô cùng yêu quý, trân trọng. Nhiều bạn bè, người thân nói, khi nhìn thấy tôi mặc quân phục rất đẹp” - chị Thanh vui vẻ nói.

Phải sống và làm việc theo khuôn khổ, kỷ thuật thép của ngành. Việc đi sớm về muộn đã trở thành điều hết sức bình thường. Nhưng không vì thế mà chị Thanh kém đi phần dịu dàng, nữ tính. Chỉ khác, sự dịu dàng, nữ tính ấy nằm ở suy nghĩ, hành động đầy tình cảm, yêu thương của chị. Đầu tháng 8/2020, Đội CSGT số 1 đã kịp thời cứu giúp chị Ngô Thị Vân (tạm trú phường Quang Trung, TP Uông Bí) đang mang thai bị TNGT qua cơn nguy kịch. Hoàn cảnh chị Vân rất khó khăn khi nuôi con gái 3 tuổi, đang mang thai 6 tháng; chồng mất do tai nạn lao động. Trung tá Thanh đã đứng ra vận động CBCS đóng góp được hơn 5 triệu đồng để ủng hộ chị Vân có thêm tiền để điều trị.

Làm việc trong LLVT là công việc vất vả ngay cả với nam giới bởi thường xuyên phải đi làm sớm tối, nắng mưa thất thường, tiếp xúc với nhiều đối tượng, nhưng Trung tá Thanh luôn làm việc với tinh thần nghiêm túc, không nề hà việc khó. Đó cũng nhờ những kinh nghiệm mà chị đã được rèn rũa trong 4 năm làm Trưởng Công an phường Kim Sơn (TX Đông Triều) trước đó. Thời điểm đó, chị cũng là nữ Trưởng Công an phường đầu tiên của tỉnh.

Khi nói về những vất vả của nghề, chị Thanh chia sẻ: “Là CSGT vốn đã vất vả, với phụ nữ lại càng vất vả hơn. Phơi mình dưới nắng nóng 38-40 độ, dầm mình những cơn mưa, bão để kiểm tra, kiểm soát tình hình ATGT, xử lý nồng độ cồn, tội phạm ma túy, buôn lậu... là chuyện bình thường. Trong những dịp lễ, Tết, sự kiện trọng đại của đất nước, cường độ làm việc của chúng tôi càng cao hơn để đảm bảo giao thông luôn được thông suốt, an toàn”.

Một khó khăn khác đối với phụ nữ làm CSGT như chị Thanh là làm việc lúc sáng sớm hay đêm khuya, đó cũng là quãng thời gian người phụ nữ phải chăm sóc, lo toan cho cuộc sống gia đình. Khó khăn nhất khi có con nhỏ, chồng chị là bộ đội biên phòng thường xuyên đi công tác xa nhà. Vừa chăm sóc gia đình vừa công việc cơ quan, chị phải thu xếp mọi việc một cách khoa học, cộng thêm sự giúp đỡ của hai bên gia đình, chị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là một người vợ hiền, người mẹ đảm, người chiến sĩ nhiệt tình với công việc.

Đại uý Đào Phương Huyền (SN 1982), Đội trưởng Đội Tuyên truyền văn hoá, Chủ tịch Hội Phụ nữ, Phòng Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh, đã có 17 năm công tác trong lực lượng BĐBP. Chị vừa được Bộ Tư lệnh BĐBP tặng Bằng khen điển hình tiên tiến giai đoạn 2015-2020.

Chị Huyền cho biết, năm 2003 khi là sinh viên năm cuối của Trường CĐ Nghệ thuật Quảng Ninh (nay là Đại học Hạ Long), chị được tuyển vào Đội Tuyên truyền văn hóa của BĐBP tỉnh.

Được giao nhiệm vụ đúng sở trường, chị càng say mê với công việc. Với trách nhiệm là Đội trưởng Đội Tuyên truyền văn hóa, chị đã chủ động xây dựng nhiều chương trình, tác phẩm nghệ thuật hay, có tính định hướng về tư tưởng, khơi gợi lòng yêu nước, tình yêu quê hương biên giới, biển, đảo để tuyên truyền cho quần chúng nhân dân. Không quản nắng, mưa, chị luôn có mặt ở những nơi biên giới, hải đảo, trực tiếp biểu diễn phục vụ đồng bào, chiến sĩ, góp phần động viên nhân dân chung tay bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Trong 5 năm qua, chị đã tham mưu cho Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tổ chức 250 buổi tuyên truyền phổ biển giáo dục pháp luật cho trên 20.000 lượt CBCS và nhân dân biên giới, biển đảo.

Trong vai trò là Chủ tịch Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh, chị tích cực chỉ đạo thực hiện hiệu quả các phong trào do các cấp hội phụ nữ phát động. Đặc biệt, Hội Phụ nữ đã phối hợp với Đoàn Thanh niên BĐBP tỉnh tham mưu cho Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đỡ đầu, hỗ trợ cho trên 70 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong chương trình “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi đồn biên phòng”. Trong chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, chị Huyền đã tham mưu cho Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và Hội LHPN tỉnh vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ gia đình phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại xã Vô Ngại và thị trấn Bình Liêu (huyện Bình Liêu), trị giá trên 700 triệu đồng.

Chị tham mưu cho CLB “Phụ nữ hướng về biên giới, biển đảo tỉnh Quảng Ninh” thăm 13 đồn biên phòng, 6 đơn vị bộ đội; 61 gia đình hội viên phụ nữ nghèo; 42 gia đình CBCS có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp tổ chức khám, chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho người dân sinh sống trên các đảo Cái Chiên (huyện Hải Hà), đảo Trần (huyện Cô Tô); hỗ trợ xây 1 "Mái ấm tình thương" cho phụ nữ nghèo (trên 500 triệu đồng).

Chồng chị cũng là một quân nhân, đang công tác tại Đồn Biên phòng Quan Lạn (huyện Vân Đồn). Chị phải sắp xếp công việc thật khéo léo để làm tròn bổn phận của người vợ, người mẹ, chu toàn mọi việc trong gia đình. “May mắn có bố mẹ ở gần nên những đợt công tác xa nhà tôi đều có ông bà giúp chăm sóc các con. Môi trường quân đội cũng cho tôi đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó để hoàn thành trách nhiệm cả hai vai” - chị Huyền bộc bạch.

Chúng tôi gặp chị Phan Thị Hà (SN 1980), nữ dân quân phường Giếng Đáy (TP Hạ Long), tại Hội thao Thể dục thể thao LLVT tỉnh cuối năm 2019. Tưởng chừng như “phụ nữ chân yếu tay mềm”, nhưng trông chị nhanh nhẹn, rắn rỏi, mạnh mẽ với những động tác võ thuật cứng rắn, dứt khoát.

Chị Hà cho biết: "Từ nhỏ, tôi rất thích võ thuật nên đã được gia đình cho đi học. Đến nay, tôi là võ sư, thành viên của Hội Võ thuật Cổ truyền tỉnh. Để góp phần giữ gìn ANTT tại địa phương, tôi đã tình nguyện tham gia lực lượng dân quân phường Giếng Đáy từ năm 2015".

Những ngày đầu tham gia lực lượng dân quân phường, chị Hà gặp không ít khó khăn, thử thách. Để hoàn thành các nội dung huấn luyện, nhất là các môn quân sự, chị kiên trì học hỏi, tìm tòi thuật ngữ quân sự, nắm chắc các nội dung và kỹ thuật động tác. Nhờ hăng say học tập, rèn luyện, qua các đợt kiểm tra, hội thi, hội thao, chị đều đạt loại khá, giỏi. Chị còn là nữ dân quân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ. Chị đã đoạt HCV môn quyền thuật toàn tỉnh, HCV môn võ thuật dân quân tự vệ toàn tỉnh năm 2019.

“Tham gia huấn luyện các nội dung quân sự chủ yếu trên thao trường, bãi tập, cường độ huấn luyện cao, thường xuyên phơi mình dưới nắng gắt. Đối với nam giới đã rất vất vả, đối với phụ nữ còn vất vả hơn, nhưng do luyện võ từ nhỏ, nên tôi gặp khá nhiều thuận lợi. Tôi tham gia đầy đủ và đạt kết quả cao trong chương trình huấn luyện”- Chị Hà tâm sự.

Là một chiến sĩ dân quân phường Giếng Đáy, chị Hà đã tích cực phối hợp với các cán bộ ban, ngành, đoàn thể địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, chị đã chủ động tham mưu cho Ban CHQS phường thực hiện các biện pháp cụ thể, hiệu quả; đồng thời đến các gia đình tuyên truyền, vận động. Nhờ đó, nhiều năm nay, phường Giếng Đáy luôn là địa phương hoàn thành tốt công tác giao quân.

Nhằm góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, chị Hà đã thành lập CLB Võ thuật Cổ truyền đào tạo cho các cháu từ 5-16 tuổi. CLB hiện duy trì từ 50-100 môn sinh, hoạt động tại Nhà Văn hóa khu phố 1, phường Giếng Đáy. Toàn bộ chi phí mua sắm quần áo đồng phục, thiết bị dạy và học võ… đều do chị Hà đầu tư. Chị còn phối hợp với Ban Giám hiệu Trường Mầm non Hoa Mai (phường Hà Khẩu), Trường Mầm non Cao Thắng (phường Cao Thắng) mở lớp đào tạo cho hàng trăm cháu mẫu giáo với giáo trình, giáo án, thời gian theo quy định của Hội Võ Cổ truyền tỉnh Quảng Ninh và Liên hiệp Võ Cổ truyền Việt Nam.

Không chỉ là một chiến sĩ dân quân gương mẫu, trách nhiệm với công việc, chị Hà còn tích cực tình nguyện hiến máu nhân đạo, với hơn 10 lần. Chị cũng là người đăng ký cung cấp tiểu cầu cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bãi Cháy khi có nhu cầu.

Thực hiện: Thái Cảnh - Nguyễn Hoa

Trình bày: Đỗ Quang

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu