4
18
/
1023463
Bài 4: Phát huy bản chất năng động, sáng tạo, hào sảng của người Quảng Ninh
longform
Bài 4: Phát huy bản chất năng động, sáng tạo, hào sảng của người Quảng Ninh

 

Trong quá trình phát triển, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của tỉnh và đất nước. Tỉnh đặt mục tiêu xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng: Năng động, sáng tạo, hào sảng, lành mạnh, thân thiện, văn minh. Đặc biệt là phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển Quảng Ninh với các đặc trưng: Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Nhân dân hạnh phúc.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã từng bước nghiên cứu, xác định và định vị rõ bản sắc riêng, đặc sắc của văn hóa vùng miền Quảng Ninh khác với văn hóa của các địa phương khác trong cả nước. Văn hóa Quảng Ninh bước đầu được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa thống nhất xác định gồm văn hóa biển và văn hóa công nhân mỏ.

Văn hóa biển gồm văn hóa thời tiền sử, trải qua thời kỳ Văn hóa Đông Sơn và Văn hóa Hạ Long. Đặc biệt, Văn hóa Hạ Long phát triển tới những đỉnh cao, được phát hiện trên các đảo đá của Vịnh Hạ Long cũng như dọc bờ biển từ Móng Cái đến Vân Đồn. Văn hóa Hạ Long về bản chất là văn hóa biển, tồn tại và phát triển rất năng động trong các mối giao lưu, hội nhập và thích ứng văn hóa. Văn hóa truyền thống trải qua thời gian lịch sử trở thành tài sản văn hóa vật thể, phi vật thể vô cùng quý giá. Đó là những đình, chùa, đền, miếu, danh lam thắng cảnh; là những phong tục, tập quán, trò chơi dân gian, câu hát, điệu múa; là những lễ hội truyền thống độc đáo trải dài từ vùng đất Đông Triều đến địa đầu Móng Cái.

Văn hoá Quảng Ninh còn có nét đặc sắc riêng với nền “văn hoá công nhân mỏ” được hình thành và phát triển từ năm 1840 khi người Việt Nam bắt đầu bổ nhát cuốc đầu tiên khai thác mỏ than đá ở núi Yên Lãng (Đông Triều) theo chỉ dụ của vua Minh Mạng đến ngày nay, gắn liền với quá trình lao động, đấu tranh cách mạng. Tinh thần văn hóa từ khẩu hiệu đấu tranh cách mạng “Kỷ luật và Đồng tâm” tại cuộc Tổng đình công ngày 12/11/1936 được phát huy qua các thời kỳ và tiếp tục trở thành hành trang tinh thần vô giá của người Quảng Ninh ngày nay cho tới tương lai sau này.

Những vốn văn hóa quý giá, khác biệt, riêng có ấy luôn được tỉnh Quảng Ninh trân trọng bảo tồn và phát huy. Đặc biệt, thiên nhiên, con người và văn hóa được xác định là 3 trụ cột để Quảng Ninh chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững.

Mối quan hệ khăng khít giữa xây dựng văn hóa với xây dựng con người được Đảng ta nhận thức sâu sắc, phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người, xây dựng con người để thúc đẩy phát triển văn hóa. Xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp là trọng tâm, cốt lõi của phát triển văn hóa.

Thấm nhuần và cụ thể hóa những chủ trương lớn của Đảng ta về phát triển văn hóa ở một vùng đất có bề dày trầm tích văn hóa hàng nghìn năm, với nhiều nét riêng, đặc thù, tỉnh Quảng Ninh xác định phát triển văn hóa đồng bộ với phát triển kinh tế, coi văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng tinh thần, là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện rõ bản sắc văn hóa truyền thống đa dạng trong thống nhất của các dân tộc anh em trên vùng đất địa đầu Đông Bắc.

Những tiêu chí xây dựng con người Quảng Ninh cũng được đặt ra ngay từ những năm đầu thời kỳ đổi  mới và tiếp tục được bổ sung, điều chỉnh trong suốt chặng đường đổi mới, từ đó không ngừng nuôi dưỡng, bồi đắp từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đặc biệt, ngày 9/3/2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban  hành Nghị quyết số 11-NQ/TU “Về xây dựng, phát triển văn hoá, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” với mục tiêu là xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng: Năng động - sáng tạo - hào sảng - lành mạnh - văn minh - thân thiện.

Trong Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, một trong những quan điểm, định hướng phát triển giai đoạn 2020 - 2025 của tỉnh Quảng Ninh là: Lấy phát triển con người, đảm bảo và cải thiện dân sinh làm mục đích; lấy phát triển văn hóa, xây dựng văn minh sinh thái, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường làm trọng điểm. Từ đó đề ra nhiệm vụ thường xuyên và các giải pháp lớn để thực hiện, là phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của tỉnh và đất nước. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh việc phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của người Vùng mỏ và xây dựng con người Quảng Ninh “năng động, sáng tạo, hào sảng, lành mạnh, thân thiện, văn minh”.

 

Kế thừa, phát huy các giá trị tốt đẹp, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của công nhân Vùng mỏ, văn hóa các dân tộc trong tỉnh, văn hóa Hạ Long, làm phong phú văn hóa chung của cả nước và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới… được tỉnh chú trọng thực hiện trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh.

Quảng Ninh đã triển khai sâu rộng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tăng cường đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần thiết thực nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa cho nhân dân. Tiếp tục đầu tư ngân sách Trung ương, tỉnh và xã hội hóa để thực hiện tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa của hơn 600 di tích lịch sử và danh thắng. Hằng năm, các di tích văn hóa ở Quảng Ninh thu hút khoảng 4 – 5 triệu lượt khách du lịch, danh lam thắng cảnh thu hút 7 – 8 triệu lượt, doanh thu từ thu phí tham quan đạt xấp xỉ 1.500 tỷ đồng/năm. Nguồn lực dành cho văn hóa, con người tỉnh Quảng Ninh được bố trí thỏa đáng, tương xứng với mức thu ngân sách của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh đã thu hút được nguồn lực rất lớn từ người dân, doanh nghiệp trong tu bổ, tôn tạo, đầu tư cho văn hóa, con người…

Từ năm 2014, Quảng Ninh triển khai chương trình “Nụ cười Hạ Long”. Hưởng ứng chương trình, Quảng Ninh đã thay đổi nhận thức, hành vi, ứng xử từ chính mỗi con người, bắt đầu từ các đồng chí lãnh đạo tỉnh rồi lan tỏa đến bộ máy chính quyền, đến các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, đến từng khu phố, ngõ xóm, đến từng hộ gia đình và đến từng người dân để xây dựng chuẩn mực về một vùng đất du lịch và đầu tư lý tưởng. Mỗi người dân Quảng Ninh giờ đây luôn chân thành, cởi mở, thân thiện… chào đón du khách. “Nụ cười Hạ Long” đã lan tỏa mạnh mẽ, trở thành thương hiệu của Quảng Ninh, biến thành những hành động cụ thể, thiết thực. Đó là thái độ ân cần, cởi mở của cán bộ, công chức khi tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp; là sự đầu tư đồng bộ từ cơ sở vật chất đến con người của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, tạo nên sự chuyên nghiệp, đẳng cấp; là môi trường du lịch lành mạnh, nói không với các hành vi vi phạm trong kinh doanh du lịch; môi trường du lịch ngày một nâng cao theo hướng minh bạch, hiện đại…

Cùng với “Nụ cười Hạ Long”, nhiều ngành, địa phương đã xây dựng nhiều bộ quy tắc ứng xử nhằm từng bước hình thành bản sắc, phẩm chất con người Quảng Ninh. Mới đây nhất, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh với mục đích xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; xây dựng tỉnh Quảng Ninh văn minh, thân thiện, hiện đại và đáng sống; góp phần giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Quảng Ninh cho hôm nay và mai sau.

Hoàng Nhi

Trình bày: Tất Đạt


 

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu