4
18
/
1020593
Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường - Bài 4: Tăng trưởng xanh - kinh tế xanh
longform
Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường - Bài 4: Tăng trưởng xanh - kinh tế xanh

 

Có thể thấy, trong hành trình gần 1 thập kỷ qua tỉnh Quảng Ninh đã nhìn nhận một cách cụ thể, đánh giá rõ những thách thức từ phương thức phát triển trước đây, nhất là từ những yếu tố sử dụng các nguồn tài nguyên được coi là thế mạnh, cùng những nguy cơ, tác động xấu đến môi trường, cảnh quan, thiên nhiên. Từ đó, xác định triết lý phát triển mới là chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”.

Đặt trong tương quan với cả nước, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” của Quảng Ninh được thực hiện rất sớm, ngay trong giai đoạn đầu đất nước định hình mô hình này. Cụ thể, thực hiện “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012, tỉnh Quảng Ninh đã quán triệt mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện; gắn nhiệm vụ thực hiện Chiến lược với quá trình xây dựng và phát triển KT-XH của tỉnh, cụ thể hóa thành các mục tiêu, chỉ tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để các cấp, ngành và toàn thể nhân dân tập trung thực hiện.

Tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 với mục tiêu: Phát triển kinh tế nhanh, bền vững; chuyển dịch và tăng tốc độ phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp “xanh”; kiểm soát ô nhiễm môi trường; nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu; hướng đến một nền kinh tế các-bon thấp, giảm phát thải và tăng lượng hấp thụ khí nhà kính. Đồng thời, trong các quy hoạch quan trọng của tỉnh, đặc biệt là Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh; Quy hoạch tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh (bao gồm cả quy hoạch môi trường Vịnh Hạ Long và Đề án cải thiện môi trường tỉnh), nội dung tăng trưởng xanh coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, tầm nhìn dài hạn.

Từ định hướng căn cơ, bài bản, cách thực hiện có lộ trình, giải pháp rõ, toàn diện, không nóng vội, chủ quan, đến nay Quảng Ninh đã ngày càng sử dụng “vàng đen” một cách tiết kiệm, hiệu quả hơn. Tỉnh được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá đã phát huy vai trò của “vàng xanh”, đó là khai thác các giá trị từ tài nguyên, thiên nhiên một cách hợp lý để phục vụ phát triển dịch vụ, du lịch theo hướng nhanh, bền vững. Tỉnh đã có sự đầu tư mạnh mẽ cho ngành công nghiệp "xanh" này bằng nhiều giải pháp, như phát triển hạ tầng, kêu gọi nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào du lịch, chính sách đầu tư cởi mở… đã tạo đà cho du lịch phát triển mạnh mẽ. Không gian phát triển du lịch được mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan, bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản. Hạ tầng du lịch có bước phát triển đột phá, ngày càng đồng bộ, hiện đại, tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Những quyết tâm của tỉnh trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh thời gian qua đã đem lại những kết quả khích lệ. Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh duy trì ở mức cao so với bình quân chung của cả nước, bình quân giai đoạn 2015-2020 tăng 10,7%. Đến năm 2020, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, đạt 211.476 tỷ đồng, tăng gấp 1,86 lần so với năm 2015; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững so với năm 2015, tỷ trọng khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm tăng từ 43,1% lên 44,6%; công nghiệp - xây dựng duy trì ổn định ở mức 49%; nông, lâm, thủy sản giảm từ 7,7% xuống 5,9%. Cơ cấu thu ngân sách nhà nước chuyển dịch tích cực, số thu ngân sách nội địa luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có số thu cao nhất cả nước có đóng góp về Trung ương. Chất lượng cuộc sống của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn dần được thu hẹp; GRDP bình quân ước đạt trên 6.700 USD/người/năm, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước.

Mặc dù năm 2020 chịu ảnh hưởng sâu rộng của đại dịch Covid-19, song tổng số khách du lịch 5 năm (2015-2020) ước đạt 53 triệu lượt (trong đó khách quốc tế đạt 19,3 triệu lượt), tăng bình quân 1,7%/năm; khách nội địa tăng bình quân 9,5%/năm; doanh thu du lịch tăng bình quân 11,9%/năm; du lịch đóng góp khoảng 7,1% tổng thu ngân sách nội địa (giai đoạn 2011-2015 chiếm 5,1%).

Những ngày đầu của năm 2020, Quảng Ninh tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới (lần thứ 2); công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh.

Phát biểu tại sự kiện quan trọng này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng đã khẳng định: Thiên nhiên ưu ái ban tặng cho tỉnh Quảng Ninh, cho Việt Nam một tài sản vô giá của nhân loại là Vịnh Hạ Long. Chặng đường 20 năm không phải là thời gian quá dài, nhưng cũng đủ để nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan, toàn diện về công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Vịnh Hạ Long. Bên cạnh những giá trị tự nhiên của di sản được bảo tồn tuyệt đối, những điểm tham quan du lịch đã có diện mạo mới, nhiều sản phẩm du lịch độc đáo được hình thành, hấp dẫn và thu hút du khách; hoạt động du lịch mang tính chuyên nghiệp hơn. Để bảo tồn, phát huy giá trị của Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh xác định phải có một tầm nhìn mới, có một không gian phát triển rộng hơn, có tính chiến lược lâu dài. Do vậy, việc mở rộng địa giới hành chính không gian phát triển cho TP Hạ Long bằng việc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long là quyết định có tính lịch sử và đột phá. Việc mở rộng này chính là tỉnh Quảng Ninh đã tìm thấy chìa khóa cho phương pháp quản lý có tính tổng thể, nhằm tăng cường khả năng liên kết vùng, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bảo vệ được môi trường và các giá trị ngoại hạng của Vịnh Hạ Long một cách bài bản, tổng thể. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị Vịnh Hạ Long sẽ được tính toán hiệu quả hơn khi đặt trong sự phát triển với các ngành, lĩnh vực liên quan.

Tăng trưởng xanh, bền vững đã giúp Quảng Ninh xây dựng hình ảnh mới, hấp dẫn cả du khách và nhà đầu tư. Bày tỏ ngạc nhiên khi tới Quảng Ninh vào tháng 5/2019, tỷ phú Joe Lewis (ông chủ đội bóng Tottenham Hotspur) hào hứng chia sẻ: Trong chuyến đi tới Việt Nam lần này, tôi chỉ chọn Đà Nẵng và Quảng Ninh là 2 điểm dừng chân. Vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long quả thật rất tuyệt vời mà tôi không thể diễn tả hết được. Tôi cũng khá bất ngờ cả về hạ tầng, cảnh đẹp và con người của Quảng Ninh. Tất cả hạ tầng và dịch vụ đều phát triển hơn tôi nghĩ rất nhiều, còn con người thì nồng hậu, mến khách. Chính vì vậy tôi đã lưu du thuyền ở lại Quảng Ninh lâu hơn dự kiến để tham quan, trải nghiệm. Nhìn vào hạ tầng cùng những dịch vụ ở đây, tôi tin, tỉnh sẽ còn phát triển hơn nữa. Tôi rất mong có nhiều dịp sẽ quay lại Quảng Ninh và nếu thích hợp có thể nghiên cứu đầu tư ở đây.

Còn trong chuyến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Quảng Ninh vào tháng 8/2020, các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng đánh giá, Quảng Ninh là địa bàn phát triển năng động, định hình nền kinh tế xanh rõ nét, có chính sách ưu tiên phát triển các ngành nghề công nghệ tại các KCN, KKT, để tăng trưởng nền kinh tế và đảm bảo tốt hơn về các yếu tố môi trường.

Khẳng định quan điểm xuyên suốt và quyết tâm thực hiện thành công mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh", dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV cũng xác định rõ quan điểm, định hướng phát triển giai đoạn 2020-2025 của Quảng Ninh. Cụ thể, trong giai đoạn mới, định hướng phát triển của tỉnh: Lấy phát triển dựa vào nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản lâu dài và nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; lấy phát triển con người, đảm bảo và cải thiện dân sinh làm mục đích; lấy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, nhu cầu thị trường, các ngành mới nổi và tăng năng suất lao động làm định hướng; lấy phát triển hạ tầng, cải cách hành chính đồng bộ, hiện đại làm nền tảng; lấy giáo dục đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ làm động lực; lấy phát triển văn hóa, xây dựng văn minh sinh thái, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường làm trọng điểm. Đồng thời, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào 3 trụ cột: Thiên nhiên, con người, văn hóa kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập và cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4...

Những kết quả của chặng đường phát triển đã đi qua, cùng định hướng rõ nét, xuyên suốt từ quá khứ, trong hiện tại và cho cả tương lai của Quảng Ninh, tiếp tục tạo dựng niềm tin, khí thế cho cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trong tỉnh sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển mới, với những thành tựu mới, để đồng lòng, đóng góp tâm sức, trí tuệ, cống hiến nhiều hơn, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc.

Thực hiện: Hồng Nhung - Hoàng Nga

Trình bày: Đỗ Quang

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu