4
18
/
1020081
Sức bật thời 4.0 - Bài 3: Đổi mới giáo dục toàn diện, hiện đại
longform
Sức bật thời 4.0 - Bài 3: Đổi mới giáo dục toàn diện, hiện đại

 

 

Nhờ quán triệt, thực hiện nghiêm túc quan điểm, tinh thần, yếu tố cốt lõi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIV và Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của BCH T.Ư Đảng khóa XI là “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) và hội nhập quốc tế”, nhiệm kỳ vừa qua, ngành GD&ĐT cũng như các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực. Từ đó, đưa công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đi đúng lộ trình, từng bước tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng, góp phần xây dựng, bảo vệ, phát triển của tỉnh và đất nước.

Nhiệm kỳ vừa qua, tỉnh đã triển khai thực hiện rất nghiêm túc, sáng tạo Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành T.Ư khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Cụ thể, tỉnh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục vùng dân tộc thiểu số. Như: Hỗ trợ tiền ăn cho học viên bán trú; hỗ trợ học sinh năng khiếu, vận động viên thể dục thể thao; hỗ trợ học phí cho học sinh đang học tại cơ sở giáo dục tư thục; hỗ trợ kinh phí tổ chức dạy hè cho trẻ em mầm non; hỗ trợ học sinh bán trú, chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số; chính sách đối với trường có học sinh ở bán trú...

Tỉnh còn đặc biệt ưu tiên nguồn lực từ ngân sách đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất hệ thống các cơ sở GD&ĐT theo hướng đạt chuẩn, đồng bộ, hiện đại, từng bước phát triển mô hình giáo dục thông minh. Tổng kinh phí giai đoạn 2015-2020 là 21.923 tỷ đồng, tăng 61% so với giai đoạn 2011-2015. Cùng với đó là vận dụng hình thức đối tác công - tư để huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư một số cơ sở giáo dục ở những nơi có điều kiện thuận lợi. Điển hình: Trường Mầm non Ka Long (TP Móng Cái); Trường Song ngữ quốc tế học viện Anh Quốc – UK Academy tại Hạ Long; Trường Quốc tế Singapore tại Hạ Long…

Bà Phạm Thị Hồng Hà, Hiệu trưởng Trường Song ngữ quốc tế học viện Anh Quốc – UK Academy tại Hạ Long cho biết: Từ khi được thành lập cho tới nay, nhà trường luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo tỉnh, Sở GD&ĐT. Nhờ đó, nhà trường đã có thể hiện thực hóa sứ mệnh, khát vọng phát triển của Trường. Đó là mang đến mô hình giáo dục khai phóng, chú trọng chương trình Tiếng Anh chuẩn Cambridge với đội ngũ giáo viên nước ngoài giàu kinh nghiệm.

Trên cơ sở thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIV cũng như Nghị quyết số 29-NQ/TW, nhiệm kỳ vừa qua, giáo dục, đào tạo của Quảng Ninh có nhiều đổi mới, phát triển. Giáo dục mũi nhọn chuyển biến tích cực, nhiều học sinh đạt huy chương tại các cuộc thi cấp khu vực và quốc tế. Công tác đẩy mạnh phân luồng học sinh sau THCS gắn với đào tạo nghề và giải quyết việc làm cũng được tỉnh chú trọng thực hiện.

Từ sự quan tâm của tỉnh, cơ sở vật chất hệ thống các cơ sở giáo dục - đào tạo, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục không ngừng được nâng lên cả về số lượng, chất lượng. Số trường đạt chuẩn quốc gia tính đến tháng 6/2020 là 545 trường (đạt tỷ lệ 85%), tăng 161 trường so với năm 2015. Tỷ lệ cán bộ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo là 99,58%, tăng 19% so với năm 2015.

Nhiều trường học đã không ngừng vươn lên, khẳng định được chất lượng, uy tín, tạo niềm tin với nhân dân phải kể tới là: Trường Chuyên Hạ Long, Trường THPT Trần Phú, TP Móng Cái, Trường THPT Hòn Gai, TP Hạ Long; Trường THCS Trọng Điểm, TP Hạ Long…

Cô giáo Đặng Thị Thu Minh, Hiệu phó Trường THPT Chuyên Hạ Long chia sẻ: Từ mái trường THPT Chuyên Hạ Long, đã có hơn 16 nghìn học sinh tốt nghiệp THPT, hầu hết đều trúng tuyển vào các trường đại học. Trong 30 năm qua, toàn trường đã có trên 4.200 học sinh giỏi cấp tỉnh, trên 800 học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia và 5 học sinh đạt giải quốc tế.

Nhìn nhận chung, 5 năm qua, giáo dục Quảng Ninh đã đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Ở hầu hết các cơ sở giáo dục đều đã chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học.

Điển hình phải kể tới Trường Tiểu học Hạ Long, TP Hạ Long, những năm qua, ngôi trường này đã khai thác triệt để tính năng của thiết bị dạy học tiên tiến được trang cấp để nâng cao hiệu quả giờ dạy. Hướng tới xây dựng trường học thông minh dựa trên 3 trụ cột chính: con người, trang thiết bị thông minh và cơ chế quản lý nhằm góp phần xây dựng thành phố thông minh. Em Nguyễn Khánh Chi, học sinh Trường Tiểu học Hạ Long chia sẻ: Trường chúng em có nhiều phòng học thông minh, với nhiều thiết bị dạy học hiện đại. Nhờ được tiếp cận với các thiết bị thông minh, mỗi tiết học của chúng em trở nên bổ ích, hấp dẫn hơn, học sinh chúng em chủ động hơn trong lĩnh hội tri thức.

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, việc ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy học đã và đang được ngành Giáo dục tỉnh triển khai rất linh hoạt, hiệu quả ở các cấp học. Tính đến tháng 7/2020, toàn ngành đã đầu tư xây dựng 1.432 phòng học tương tác, phòng học thông minh tại 89 trường học.

Bên cạnh những thành tựu, kết quả đạt được, nhiệm kỳ qua, ngành GD&ĐT vẫn còn tồn tại hạn chế, khuyết điểm và cả những khó khăn, thách thức đang đặt ra đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ để khắc phục và thực hiện tốt hơn trong nhiệm kỳ mới. Cụ thể: Công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ở các thành phố, thị xã chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Chất lượng giáo dục còn chênh lệch giữa các vùng miền trong tỉnh. Khả năng học ngoại ngữ của học sinh vùng khó khăn còn yếu. Tình trạng thừa, thiếu cục bộ giữa các trường, các địa phương vẫn chưa được khắc phục triệt để…

Bà Nguyễn Thị Thúy, GĐ Sở GD&ĐT cho biết: Nhiệm kỳ 2020-2025, ngành đã tham mưu cho tỉnh xây dựng nhiều nhóm giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới hiệu quả GD&ĐT. Đó là tiếp tục sắp xếp lại hệ thống trường học; phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng miền; ưu tiên các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách. Bên cạnh đó là tập trung cải cách toàn diện, nâng cao chất lượng GD&ĐT, chất lượng dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, có lộ trình xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giáo dục ở các cấp học đạt chuẩn quốc gia, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Ngành cũng đã tham mưu cho tỉnh thực hiện lộ trình hỗ trợ học phí cho học sinh từ bậc học mầm non đến THPT; tăng đầu tư hợp lý từ ngân sách cho giáo dục, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa GD&ĐT, phát triển mạnh mẽ mô hình giáo dục thông minh. Có chính sách phù hợp khuyến khích phát triển các mô hình giáo dục chất lượng cao ngoài công lập; thực hiện cơ chế tự chủ đối với một số trường phổ thông tại các đô thị lớn nơi có điều kiện; thí điểm cơ chế cho thuê một số cơ sở giáo dục sẵn có theo nguyên tắc bảo đảm tất cả học sinh được đến trường...

Tin rằng, với những kết quả đã đạt được cũng như việc nhìn nhận thẳng thắn những hạn chế, bất cập sẽ giúp Quảng Ninh tiếp tục thực hiện tiêu cốt lõi, cơ bản mà Nghị quyết 29 đề ra là tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả GD&ĐT. Cùng với đó là xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập.

Thực hiện: Nguyên Ngọc- Nguyễn Hoa - Lan Anh

Trình bày: Đỗ Quang

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu