4
18
/
1031183
QUẢNG NINH – HỘI TỤ VÀ LAN TOẢ - Bài 8: Xây dựng Quảng Ninh - Khu vực phòng thủ vững chắc
longform
QUẢNG NINH – HỘI TỤ VÀ LAN TOẢ - Bài 8: Xây dựng Quảng Ninh - Khu vực phòng thủ vững chắc

 

 

Nằm ở địa đầu Đông Bắc Tổ quốc, có vị trí địa - kinh tế, địa -chính trị quan trọng, mang tầm chiến lược, Quảng Ninh luôn xác định rõ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là hai nhiệm vụ chiến lược trọng yếu. Đặc biệt, phát huy truyền thống của vùng mỏ bất khuất, kiên cường, tỉnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng - an ninh, đồng thời là phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế. Từ đó, xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, đảm bảo phát triển đi đôi với bảo vệ vững chắc những thành quả kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh…

Tỉnh Quảng Ninh luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao nhiệm vụ củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là khu vực cửa khẩu, vành đai, biên giới, biển đảo. Tỉnh đã xây dựng tiềm lực quân sự, an ninh gắn với phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh ở địa phương. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nắm chắc tình hình địa bàn, tình hình nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc xây dựng, củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Việc quán triệt, triển khai thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương trên địa bàn luôn gắn với triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, gắn kết chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, không ngừng củng cố tiềm lực quốc phòng.

Trong những năm qua, Quảng Ninh đã thực hiện hiệu quả nhiều cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới, biển đảo, vùng đồng bào dân tộc như là xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình; dành nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho vùng dân tộc, miền núi của tỉnh về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, nhà ở hộ nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, y tế, giáo dục, việc làm. Tỉnh cũng triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Xây dựng các điểm dân cư tập trung, bố trí việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới, bảo vệ và phát triển rừng vành đai đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh”; đưa dân ra sinh sống ổn định tại đảo Trần thuộc huyện Cô Tô...

Song song với đó, hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, hệ thống cảng biển (Cảng Quốc tế Tuần Châu, cảng Cái Lân, cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, cảng Cửa Ông, cảng biển Hải Hà, cảng Dân Tiến, cảng Mũi Chùa, cảng Vạn Gia...) và cảng lưỡng dụng trên các tuyến đảo được đầu tư xây dựng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và phục vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh. Hoàn thành và đưa vào sử dụng 9 khu neo đậu; đã có 304 tàu cá đánh bắt xa bờ; hình thành 20 mô hình liên kết sản xuất tại các địa phương Vân Đồn, Hải Hà, Quảng Yên, Cẩm Phả.

Tỉnh cũng ưu tiên, hỗ trợ nguồn lực dành cho nhiệm vụ quốc phòng - an ninh từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Thế trận khu vực phòng thủ tỉnh, huyện được quy hoạch, đầu tư xây dựng đồng bộ, thống nhất; tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện, diễn tập chiến đấu phòng thủ các doanh nghiệp và cấp xã sát thực tế, bảo đảm an toàn. Hệ thống các công trình quốc phòng trong khu vực phòng thủ từng bước được đầu tư xây dựng vững chắc, kiên cố ở những khu vực trọng điểm. Từng bước triển khai xây dựng các thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện. Nhiều công trình lưỡng dụng vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm quốc phòng - an ninh được triển khai và phát huy hiệu quả thiết thực, như: Dự án đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô và các xã biên giới; Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 và ngoài 2050; đường cơ động Mũi Tràng Vỹ, thành phố Móng Cái; đường tuần tra biên giới; các bến neo đậu tàu thuyền quân sự kết hợp tham gia tìm kiếm cứu nạn; Trạm y tế quân - dân y đảo Trần; Trung tâm nghề cá vịnh Bắc Bộ đảo Cô Tô; dự án trồng rừng cụm đảo Đông Bắc; Đề án Xây dựng các điểm dân cư tập trung, bố trí việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới; bảo vệ và phát triển rừng vành đai đến năm 2020.

 Đặc biệt, từ 2010 đến nay, tỉnh chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, đề tài về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, như: Đề án “Bảo đảm quốc phòng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; Đề án “Xây dựng, bảo vệ vững chắc khu vực phòng thủ, phục vụ đề án phát triển kinh tế -  xã hội nhanh, bền vững”;. Với sự tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo gắn chặt giữa kinh tế với quốc phòng, các dự án phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các dự án có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh đều thực hiện đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, không xâm hại đến các công trình quốc phòng, không làm ảnh hưởng hoặc phá vỡ các thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của các cấp ủy đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của chính quyền, Quảng Ninh đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, công tác bảo vệ an ninh văn hóa - tư tưởng đã được triển khai sâu rộng. Trước những tác động của toàn cầu hóa, mặt trái của cơ chế thị trường, sự chống phá của các thế lực thù địch, đặc biệt là tác động của những thông tin xấu, độc trên mạng In-tơ-nét, các cấp ủy đảng đã thường xuyên chỉ đạo, nắm tình hình, kịp thời cung cấp thông tin có định hướng của Đảng trong cán bộ, đảng viên, nhân dân. Nghiêm túc quán triệt, triển khai các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; thúc đẩy giao lưu và hợp tác hóa trên cơ sở tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Tỉnh cũng chủ động đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, ứng phó kịp thời với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống; nắm chắc tình hình, đấu tranh phản bác hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng; kịp thời phát hiện, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, không để hình thành, công khai hóa các hội, nhóm, tổ chức chính trị đối lập, không để xảy ra "điểm nóng" về an ninh, trật tự. Nhờ đó, đã bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị, văn hóa, các mục tiêu, công trình trọng điểm của tỉnh; an ninh, chính trị được giữ vững, an ninh trên tuyến biên giới, biển đảo được tăng cường, bảo đảm.

Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm được tăng cường, nhất là tội phạm có hình thức băng nhóm, tội phạm về ma túy, tội phạm công nghệ cao, buôn lậu, mua bán người... Kiểm soát và đẩy lùi các vi phạm về quản lý, khai thác, vận chuyển, kinh doanh than và các loại khoáng sản khác. Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng, chống cháy nổ, kiểm soát vũ khí và công cụ hỗ trợ. Tăng cường triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm thiểu tai nạn giao thông, tai nạn lao động. Xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống về trật tự trị an. Tăng cường công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo; phối hợp tốt trong xử lý khiếu kiện đông người, phức tạp.

Nhờ đó, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm được triển khai quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, tạo chuyển biến tích cực, rõ nét. Các lực lượng chức năng trên địa bàn đã kịp thời đấu tranh trấn áp hiệu quả các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, kinh tế, môi trường, tham nhũng, chức vụ, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm liên quan người nước ngoài; xử lý nghiêm các vi phạm về than, khoáng sản, đấu tranh mạnh với tệ nạn xã hội. 5 năm qua, kết quả điều tra, khám phá các vụ án đạt tỷ lệ cao; tội phạm về hình sự được kiềm chế. Tỉnh đã khởi tố hình sự 6.540 vụ/9.890 bị can (giảm 1.550 vụ/2887 bị can); truy tố 5.682 vụ/9519 bị can (giảm 1.704 vụ/3.177 bị can);  xét xử 6.147 vụ/10.355 bị cáo (giảm 2.893 vụ/5.616 bị cáo).

Tỉnh và các địa phương cũng triển khai đồng bộ các chương trình, kế hoạch nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, kịp thời giải quyết các vấn đề nổi cộm. Đặc biệt chú trọng các công tác lớn mang tính chuyên đề, như cải cách hành chính, quản lý cư trú, quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo, đèn trời, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông... Kết quả công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn xã hội góp phần quan trọng trong bảo đảm an ninh, trật tự, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Một số kết quả nổi bật: Đưa 17 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Công an tỉnh, 2 thủ tục hành chính thuộc thầm quyền của công an cấp huyện sang giải quyết tại Trung tâm Hành chính công; làm tốt công tác đăng ký, quản lý cư trú theo Luật Cư trú, bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân; phục vụ quản lý con người, quản lý xã hội, góp phần quan trọng trong phòng ngừa, điều tra xử lý tội phạm; tăng cường công tác quản lý, sử dụng pháo, nhất là trong dịp giáp tết Nguyên đán; tổ chức các đợt cao điểm tổng kiểm tra và vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo, đèn trời trên địa bàn tỉnh; đổi mới toàn diện các mặt công tác nghiệp vụ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên cả 3 tuyến đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa; đẩy mạnh công tác tuyền truyền, vận động nhân dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tai nạn và ùn tắc giao thông được kiềm chế, kéo giảm qua từng năm; ý thức chấp hành pháp luật của người dân dần được nâng cao.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Quảng Ninh đã xây dựng lực lượng vũ trang của tỉnh ngày càng vững mạnh. Tỉnh đã thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức, biên chế, nâng cao chất lượng các đơn vị thường trực, ưu tiên các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, đơn vị tuyến biên giới, biển đảo. Thực hiện tốt nhiệm vụ tuyển quân hằng năm; chú trọng giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh. Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, chất lượng cao; lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, duy trì hoạt động các trung đội dân quân cơ động, dân quân tự vệ biển, tiểu đội dân quân thường trực biên giới. Chăm lo xây dựng lực lượng công an trong sạch, vững mạnh, toàn diện, gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ; triển khai đúng lộ trình bố trí công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã. Đi đầu thực hiện tốt chủ trương tăng cường cán bộ biên phòng tham gia cấp ủy địa phương, cơ sở. Hiện có 23 đồng chí cán bộ biên phòng tăng cường cấp ủy (phó bí thư) của 23 xã, phường; 5 đồng chí (đồn trưởng hoặc chính trị viên) tham gia cấp ủy 5 huyện, thành phố biên giới, biển đảo (Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu, Vân Đồn, Cô Tô)..

Các lực lượng vũ trang tỉnh đẩy mạnh công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ trong công tác quân sự, quốc phòng địa phương; tích cực rà phá, xử lý bom, mìn, vật liệu nổ phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phối hợp triển khai nghiêm túc các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng tới vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo. Các đơn vị LLVT đã thực hiện hiệu quả các chương trình phối hợp công tác dân vận; triển khai nhiều mô hình “Dân vận khéo”, chương trình “Tết thắm tình quân dân”, “Tuổi trẻ với mùa xuân biên giới”… Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh là đơn vị tiêu biểu trong Quân khu và toàn quân về thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”; phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”; chương trình giúp các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn... Huy động 145.754 ngày công và trên 24 tỷ đồng giúp địa phương xây dựng nhiều công trình có ý nghĩa thiết thực góp phần toàn tỉnh hoàn thành Chương trình 135, Đề án 196 đưa 17 xã, 54 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn sớm hơn 01 năm so với lộ trình mục tiêu đặt ra.

Bộ đội Biên phòng tỉnh tích cực triển khai đề án xây dựng các điểm dân cư tập trung, bố trí việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới, bảo vệ và phát triển rừng vành đai đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh; di dân ra Đảo Trần ... Đồng thời, chủ động, tích cực phối hợp tham mưu cho địa phương trong tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các hiệp định, quy chế biên giới; tiếp tục đẩy mạnh phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc (ngư trường, bến bãi), giữ gìn an ninh, trật tự xóm, bản khu vực biên giới, củng cố lòng tin của nhân dân với Ðảng, Nhà nước, Quân đội.

Các đơn vị LLVT tỉnh luôn duy trì nghiêm các chế độ sẵn sàng chiến đấu, tăng cường các biện pháp nắm địch, nắm tình hình địa bàn, không để bị động, bất ngờ. Chấp hành nghiêm túc mệnh lệnh, chỉ lệnh huấn luyện của cấp trên, chủ động đổi mới nội dung huấn luyện cho lực lượng vũ trang tỉnh sát với tình hình nhiệm vụ tác chiến trên địa bàn. Kết quả huấn luyện hằng năm đều đạt khá, giỏi.
Tỉnh cũng xây dựng đồng bộ các lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ, công an viên, chú trọng lực lượng tại chỗ ở biên giới, trên biển và ở các khu công nghiệp. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh luôn đoàn kết một lòng, đồng tâm hiệp lực, tận tuỵ công tác, học tập và phục vụ, khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần kỷ luật - đồng tâm của giai cấp công nhân mỏ, hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự xã hội, bảo vệ toàn vẹn biên giới Tổ quốc. 

Hà Chi
Đồ họa/Interactive: Tất Đạt

 

 

 

Từ năm 2013, khi Quảng Ninh bắt tay xây dựng các quy hoạch chiến lược, định hướng không gian phát triển KT-XH “Một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá” đã được các đơn vị tư vấn nước ngoài khẳng định sẽ một trong những nền tảng quan trọng để tỉnh tạo được sự bứt phát lớn, đưa nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững và nhanh hơn. Đến nay, sau gần 1 thập kỷ kiên định theo đuổi mục tiêu, có sự kế thừa trong từng giai đoạn cũng như bổ sung nhận thức mới, đã khẳng định việc xây dựng định hướng không gian phát triển của tỉnh là đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển. Quảng Ninh được Chính phủ, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá tạo được lợi thế cạnh tranh tốt đặt trong tương quan quốc gia và quốc tế.

Trong định hướng không gian phát triển KT-XH của tỉnh, TP Hạ Long đã được lựa chọn là tâm. Bởi đây là trung tâm chính trị - hành chính - kinh tế - văn hóa, là hình ảnh đại diện cho sự phát triển mạnh mẽ, năng động của tỉnh trên nhiều phương diện. Từ tâm là TP Hạ Long, có thể tạo sức lan toả mạnh mẽ đến các địa phương khác trong tỉnh.

TP Hạ Long đã được đầu tư đồng bộ, theo hướng đô thị hiện đại, văn minh, gắn với mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”. Tính riêng giai đoạn 2015-2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố đã đạt trên 194.300 tỷ đồng, tăng bình quân 20,5%/năm, gấp hơn 3 lần giai đoạn 2011-2015, trong đó vốn đầu tư phát triển từ ngân sách đạt trên 10.940 tỷ đồng. Nhiều công trình giao thông trọng điểm được đầu tư, hoàn thành đưa vào sử dụng, rút ngắn thời gian di chuyển từ các trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước đến địa bàn, tạo ra động lực mới trong thu hút đầu tư, phát triển dịch vụ, du lịch, như: Nâng cấp, mở rộng đường Trần Quốc Nghiễn, đường Nguyễn Văn Cừ, QL18 đoạn từ nút giao nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng về cầu Bãi Cháy, cầu Bài Thơ...

Từ  năm 2016, TP Hạ Long bắt tay xây dựng thành phố thông minh. Đến nay, thành phố đã đưa vào vận hành Trung tâm điều khiển hệ thống chiếu sáng công cộng; đầu tư hệ thống wifi miễn phí với 107 điểm phát sóng; 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết được đưa vào giải quyết tại Trung tâm Hành chính công thành phố theo nguyên tắc “Tiếp nhận - thẩm định - phê duyệt tại chỗ"; các ứng dụng về công nghệ số, kios thông tin, thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến cũng được triển khai ở các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ...

Không bó gọn trong không gian nhỏ hẹp, khi dư địa cho sự phát triển không còn nhiều, cuối năm 2019, Quảng Ninh thực hiện sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long, trở thành thành phố trực thuộc tỉnh lớn nhất cả nước với diện tích tự nhiên trên 1.119km2, quy mô dân số trên 300.200 người, có 33 đơn vị cấp xã. Cùng với việc mở rộng địa giới hành chính, TP Hạ Long còn sở hữu những nguồn tài nguyên thiên nhiên có một không hai; tỷ lệ mặt nước, cây xanh và giá trị của sự khác biệt, gắn với thương hiệu nổi tiếng Vịnh Hạ Long, đa dạng sinh học, bản sắc văn hóa đặc sắc.

Khẳng định rõ định hướng phát triển của đô thị hạt nhân Hạ Long là mô hình đa cực, lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, tháng 4/2020 Quảng Ninh khởi công dự án cầu Cửa Lục 1 và tiếp tục nghiên cứu chuẩn bị đầu tư dự án cầu Cửa Lục 3, nhằm khai thác tiềm năng đất đai rộng lớn của vùng ven vịnh Cửa Lục.

TP Hạ Long bây giờ đã mang trong mình một tầm vóc mới, mở ra vận hội, thời cơ mới để thu hút tối đa mọi nguồn lực, phát triển đột phá, nhanh chóng, bền vững và nâng tầm vị thế trong giai đoạn mới. Qua đó, tạo được không gian cho sự phát triển của thành phố xứng tầm của một đô thị du lịch biển đẳng cấp của cả nước và là mũi nhọn, cực tăng trưởng về kinh tế, bước đột phá mới của tỉnh Quảng Ninh.

Cùng với tâm Hạ Long, 2 tuyến Đông – Tây của tỉnh cũng được định hình sự phát triển khá rõ nét. Cụ thể, đi từ tiềm năng, lợi thế sẵn có, tuyến phía Tây được xác định từ TP Hạ Long đến TX Đông Triều, hướng tới đồng bằng sông Hồng và thủ đô Hà Nội, với định hướng phát triển chuỗi đô thị - công nghiệp xanh và du lịch văn hóa lịch sử. Còn tuyến phía Đông được tính từ TP Hạ Long đến TP Móng Cái và hướng tới khu vực Đông Bắc Á, Trung Quốc; với định hướng hình thành chuỗi  đô thị vệ tinh sinh thái- dịch vụ tổng hợp cao cấp và kinh tế biển. Tính đã chiều trong định hướng không gian phát triẻn được xác định là phối hợp liên kết ở cấp quốc gia, hợp tác cạnh tranh ở cấp quốc tế.

Đi theo định hướng phát triển này, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung nguồn lực, thu hút đầu tư ngoài vốn ngân sách nhà nước để hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật các địa phương Đông Triều, Uông Bí, Vân Đồn, Móng Cái. Trong đó, đối với 2 địa phương Đông Triều, Uông Bí đã kêu gọi được các nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng du lịch, dịch vụ khai thác lợi thế phát triển du lịch tâm linh trên tuyến Ngọa Vân-Yên Tử. Đồng thời chuẩn bị triển khai thực hiện tốc độ cao 10 làn xe ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đi qua Quảng Yên - Uông Bí đến Đông Triều kết nối giao thông hiện đại trên tuyến hành lang kinh tế phía Tây của tỉnh. Phối hợp với tỉnh Hải Dương, TP Hải Phòng để thực hiện các cầu nối giữa các tỉnh như cầu Lại Xuân, cầu Triều, cầu Rừng, cầu Văn Đức.

Đặc biệt, đối với động lực tăng trưởng mới của tuyến phía Tây là KKT ven biển Quảng Yên, tháng 5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung KKT này vào Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam đến năm 2020 với quy mô 13.303ha. Đây  là một cơ hội vàng để thúc đẩy và phát triển khu vực ven biển tỉnh Quảng Ninh nói riêng, vùng Đồng bằng sông Hồng nói chung. Trong tương lai không xa, KKT ven biển Quảng Yên được kỳ vọng sẽ là địa bàn phát triển sôi động gắn kết với thị trường hàng hoá, nguyên, nhiên liệu và dịch vụ các nước trong khu vực Đông –Bắc Á thông qua những Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương như Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam – Nhật Bản, Việt Nam – Liên minh kinh tế Á - Âu và ASEAN - Trung Quốc.

Ở tuyến phía Đông, đến nay đã hoàn thành cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, hiện đang đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, dự kiến năm 2021 sẽ hoàn thiện, tạo chuỗi cao tốc xuyên suốt 2 tuyến Đông – Tây của tỉnh; đồng thời, sớm hoàn thành tuyến đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả. Qua đó, nhằm tăng cường toàn diện năng lực kết nối liên tuyến, liên vùng, quốc tế để thu hút đầu tư, đẩy mạnh giao thương tạo động lực thúc đẩy tuyến phía Đông.

Quảng Ninh cũng đã hoàn thành Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH và Quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Đồn theo định hướng Khu hành chính kinh tế đặc biệt, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thời gian qua, tỉnh đã huy động hiệu quả các nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược, đồng bộ, hiện đại, như sân bay, đường cao tốc, tạo động lực thúc đẩy phát triển hạ tầng dịch vụ, du lịch... Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2016-2020 vào KKT Vân Đồn đạt trên 57.700 tỷ đồng, bình quân tăng tới 40,2%/năm. KKT Vân Đồn đang thu hút 54 dự án vốn ngoài ngân sách còn hiệu lực, bao gồm 3 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư 14,39 triệu USD và 51 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 23.726,6 tỷ đồng.

Cùng với KKT Vân Đồn, KKTCK Móng Cái cũng tiếp tục có bước phát triển quan trọng, trong đó hạt nhân là TP Móng Cái đã được công nhận là đô thị loại II (năm 2018), và bước đầu vận hành Trung tâm điều hành đô thị thông minh (năm 2020). Trong 5 năm, vốn đầu tư từ ngân sách cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của TP Móng Cái đạt 3.676,8 tỷ đồng; thu hút vốn đầu tư xã hội đạt 11.206,7 tỷ đồng. Thành phố đã vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách áp dụng cho KKTCK, đa dạng hoá các hình thức huy động vốn, mở ra cơ hội thu hút các nhà đầu tư. Được biết, KKTCK Móng Cái  đang có 110 dự án vốn ngoài ngân sách còn hiệu lực, bao gồm 35 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư 1.666,9 triệu USD và 75 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 11.524 tỷ đồng.

Nhìn từ hành trình 10 năm qua, có thể thấy Quảng Ninh đã đặt mục tiêu, giữ vững định hướng, đồng thời không ngừng bổ sung nhận thức mới về không gian phát triển “Một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai mũi đột phá”. Sự chuẩn bị chắc chắn này sẽ tạo “thế” và “lực” đủ mạnh cho tỉnh để sẵn sàng bước sang giai đoạn phát triển mơi mới, tạo ưu thế cạnh tranh trong nước và quốc tế.

Hồng Nhung
Đồ họa/Interactive: Tất Đạt

 

 


Quảng Ninh – vùng đất quần tụ tinh hoa từ nhiều miền đất nước với 22 dân tộc anh em tạo nên sự giao thoa và kết tinh nền văn hoá đa sắc, thống nhất trong đa dạng. Nghiên cứu của các chuyên gia văn hoá học đều khẳng định người Quảng Ninh năng động, sáng tạo, hào sảng bởi đã phát huy nội lực, đứng vững trên cơ tầng văn hoá biển, phát huy thế mạnh của cư dân sông nước và tranh thủ thành tựu của cư dân đồng bằng, cùng đóng góp xây dựng nên một nền văn minh Việt cổ. Kết hợp với văn hoá bản địa, từ thế kỷ 19 khi lực lượng công nhân mỏ được hình thành và sớm giác ngộ được sứ mệnh lịch sử, kết thành một khối vững chắc, hình thành nên giá trị cốt lõi của tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm” của người Quảng Ninh. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì truyền thống “kỷ luật và đồng tâm” lại càng toả sáng, nâng đỡ vùng đất địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc vượt qua khó khăn, tạo ra những kỳ tích vùng Mỏ.

Những ngày này trên khắp mọi miền của đất mỏ thân yêu, không khí thi đua học tập, lao động, sản xuất chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV diễn ra rất sôi nổi, dưới lò sâu người thợ mỏ hăng hái đưa ra thật nhiều dòng than đen nhánh phục vụ cho nhu cầu sử dụng năng lượng của quốc gia và cũng là bù đắp cho sự giảm sút của các ngành kinh tế khác trước tác động tiêu cực do dịch bệnh Covid-19. Trên công trường thi công dự án cầu Cửa Lục 1, đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, đường bao biển Hạ Long-Cẩm Phả... những người công nhân nỗ lực tăng tốc, đẩy tiến độ, họ hăng say làm việc để lập thành tích chào mừng ngày hội lớn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

Cũng trong thời gian này cán bộ, đảng viên, nhân dân tỉnh Quảng Ninh tự hào với những kết quả tốt đẹp như: hoàn thành “Chiến dịch cao điểm 30 ngày đêm” vận động nhân dân tự nguyện bàn giao sớm mặt bằng sau điều chỉnh vận tốc tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái để thi công, phấn đấu hoàn thành công trình vào cuối năm 2021; 10 công trình tiêu biểu chào mừng Đại hội Đảng hoàn thành đưa vào sử dụng đảm bảo tiến độ và chất lượng, đều là những công trình có nhiều ý nghĩa thiết thực về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, nhất là đối với các địa phương biển đảo, địa bàn vùng khó, đã hoàn thành những công trình tạo động lực cho sản xuất, phát triển dịch vụ. Đó là: dự án cấp điện lưới quốc gia cho đảo Trần (huyện Cô Tô) và đảo Cái Chiên (huyện Hải Hà); hệ thống các công trình đường giao thông kết nối tới 104 thôn, bản đặc biệt khó khăn của huyện Bình Liêu; 15 km tuyến đường từ Cảng hàng không Quảng Ninh đến Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn... Yêu nước, yêu đất mỏ thân thương, các phong trào thi đua lan tỏa sâu rộng niềm vui, niềm tin, không khí phấn khởi tăng cường sự đồng thuận xã hội trên khắp địa bàn tỉnh.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức” để có được những niềm vui ngày hôm nay, Quảng Ninh cũng đã phải trải qua những giai đoạn khó khăn, thách thức trong hành trình thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng. Đó là, những ngày vượt qua bao cấp, trì trệ, bảo thủ đưa nền kinh tế bước vào giai đoạn hoàn toàn mới trong giai đoạn 10 năm đầu đổi mới; tiếp đó là 15 năm khắc phục những bỡ ngỡ, vươn lên khi vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế và 10 năm vừa qua là vừa khắc phục sự phát triển “nóng” của các ngành công nghiệp chủ lực, vừa quyết liệt thực hiện chuyển đổi mô hình phát triển từ “nâu” sang “xanh” để trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch-công nghiệp năm 2020. Và đặc biệt 2 biến cố lịch sử trong 5 năm trở lại đây thực sự là “lửa” thử tinh thần “kỷ luật và đồng tâm” của người Quảng Ninh. Năm 2015 trước Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Quảng Ninh hứng chịu trận “đại hồng thuỷ” lịch sử trong vòng hàng trăm năm chưa từng xảy ra ở vùng Mỏ dù đã cuốn đi, nhấn chìm rất nhiều công sức của nhân dân Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn nhưng rất nhanh sau đó cả nước đã thấy được sự hồi sinh diệu kỳ từ vùng than. Một hình ảnh Quảng Ninh hoàn toàn mới được tái thiết sau những tàn phá của thiên tai, đó là những tuyến cao tốc nối cao tốc, giao thông thuỷ- bộ- hàng không liên hoàn kết nối hoàn chỉnh đồng bộ, hiện đại, đẳng cấp, là một Quảng Ninh liên tục đổi mới bằng những mô hình sáng tạo, hiệu quả. Là các đô thị Hạ Long, Cẩm Phả khoác lên mình chiếc áo mới hoàn toàn của những thành phố xanh, sạch, hiện đại, là một Vân Đồn với những chuyến bay cất cánh nối mọi miền thế giới... Đó là những hạt nhân nòng cốt để Quảng Ninh tự tin trên con đường trở thành thành thành phố trực thuộc trung ương trước năm 2030.

Đặc biệt, năm 2020 trong biến cố lịch sử hoàn toàn mới của yếu tố an ninh phi truyền thống - dịch bệnh toàn cầu Covid-19, người Quảng Ninh một lần nữa chứng minh truyền thống “kỷ luật và đồng tâm” đã được vun bồi như thế nào kể từ sau cuộc tổng bãi công long trời lở đất của hơn 3 vạn thợ mỏ năm 1936. Đó là, trong bối cảnh sản xuất cả thế giới bị đình trệ do dịch bệnh, thì ở Quảng Ninh năm 2020 hàng vạn thợ mỏ vẫn lên mỏ, xuống lò, thi đua lao động sản xuất làm ra thật nhiều than để bù đắp cho sự sụt giảm của các ngành kinh tế khác. Hơn 100.000 thợ mỏ được đảm bảo an toàn tuyệt đối trước dịch bệnh, từ Quảng Ninh sẽ sản xuất 41 triệu tấn than nguyên khai trong năm 2020, đảm bảo cung cấp cho các ngành sản xuất nhiệt điện, phân bón, xi măng trong nước. Rồi những ngày đầu dịch dã, người dân ở thành phố vùng biên Móng Cái, ở các huyện miền núi biên giới Hải Hà, Bình Liêu đã không di cư về sâu trong nội địa để làm khó cho kiểm soát tình hình dịch bệnh. Là chủ các doanh nghiệp đã quyết định dành toàn bộ khách sạn làm nơi cách ly người Việt Nam về nước qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái dù rằng đang là những ngày Tết. Là các cô giáo, các cán bộ văn phòng các xã, phường tình nguyện làm công tác hậu cần phục vụ cho đồng bào ở các khu cách ly. Là những chiến sỹ áo trắng, chiến sỹ quân hàm xanh căng mình nơi tuyến đầu chống dịch. Là hơn 1.000 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh dành hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để không ai bị bỏ lại phía sau. Và đặc biệt đó là một Quảng Ninh sẵn sàng vì cả nước, bảo vệ tuyệt đối an toàn, không để đất nước bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn – Quảng Ninh là cảng hàng không duy nhất ở phía Bắc thực hiện đón các chuyến bay quốc tế không thường lệ trong suốt thời kỳ dịch dã, những chuyến bay nặng nghĩa đồng bào, là thương hiệu, uy tín của quốc gia đối với quốc tế, với các nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài….

Trước sự kiện lịch sử trọng đại, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Ninh tràn đầy niềm tin về khát vọng thịnh vượng sẽ được thổi bùng để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng, phát triển Quảng Ninh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia. Niềm tin được gửi gắm vào 350 đại biểu tham dự Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV diễn ra tại TP Hạ Long từ ngày 25-27/9 đại diện cho trí tuệ, ý chí, khát vọng của hơn 100.000 đảng viên và hơn 1,3 triệu đồng bào các dân tộc tỉnh Quảng Ninh quyết định con đường đi trong thập niên mới của vùng đất địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc.

Con đường đó đã được cán bộ, đảng viên, nhân dân toàn tỉnh bàn thảo trong rất nhiều ngày qua, đó là làm thế nào để đến năm 2030, xây dựng, phát triển Quảng Ninh giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, GRDP bình quân đầu người trên 15.000 USD; khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế. Đến năm 2045, Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, có sức cạnh tranh cao; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển; phát triển kinh tế hài hòa giữa các khu vực đô thị và nông thôn; đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh.

Trên mỗi bước đi, chặng đường tiến tới, những nhiệm vụ thường xuyên và các giải pháp lớn được triển khai thực hiện đồng bộ quyết liệt. Đó là, kết hợp chặt chẽ, đồng bộ, toàn diện, hiệu quả giữa xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh. Trong đó xây dựng Đảng là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài; chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai toàn diện, đồng bộ, thường xuyên và thống nhất cả về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, biên chế tinh giản, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đổi mới toàn diện, đồng bộ công tác cán bộ - khâu đột phá, then chốt để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Tỉnh Quảng Ninh đã rất thành công trong 10 năm qua về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và đây là nền tảng vững chắc để tỉnh quyết tâm hơn nữa không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong điều kiện mới. Lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên.

Kiên trì chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột: Thiên nhiên, con người, văn hóa kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập và cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong giai đoạn mới, tỉnh sẽ đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững, từng bước phát triển kinh tế số. Huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư, thúc đẩy có hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công - tư theo phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; đảm bảo an sinh xã hội, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; nhanh chóng thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa khu vực thành thị và nông thôn; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Có rất nhiều lý giải cho sự thành công của Quảng Ninh ngày hôm nay và tin tưởng Quảng Ninh tiếp tục là một hình mẫu của cả nước trong thập niên 2020-2030 nhưng tựu chung đều cho rằng đó là xuất phát từ nền tảng văn hoá của vùng đất kết tinh giá trị tinh thần cốt lõi của nền văn minh sông Hồng. Đó là truyền thống “kỷ luật và đồng tâm” của người vùng Than được vun bồi qua những biến cố thăng trầm của lịch sử. Tinh thần kỷ luật, sự đoàn kết đã tạo nên vùng đất với con người toả sáng tính năng động, hào sảng.

Ngọc Lan
Đồ hoạ/Interactive: Tất Đạt

 

 

< >

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu