4
18
/
1027361
QUẢNG NINH – HỘI TỤ VÀ LAN TOẢ - Bài 1: Nhận diện và định vị lại – Chìa khóa mấu chốt phát triển đột phá
longform
QUẢNG NINH – HỘI TỤ VÀ LAN TOẢ - Bài 1: Nhận diện và định vị lại – Chìa khóa mấu chốt phát triển đột phá

Lời tòa soạn:

 

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2010-2015, xác định mục tiêu phấn đấu “đến năm 2020, Quảng Ninh trở thành tỉnh công nghiệp – dịch vụ”. Nhưng đến cuối năm 2011, đầu năm 2012, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Cương lĩnh xây dựng và phát triển đất nước thời kỳ quá độ đi lên CNXH, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã nghiên cứu và xây dựng Đề án “Phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm vững chắc quốc phòng-an ninh” báo cáo Bộ Chính trị. Trong quá trình này tỉnh đã nghiên cứu một cách khoa học, nhận diện tiềm năng, thế mạnh, mâu thuẫn, thách thức, định vị lại Quảng Ninh trong tương quan quốc gia, quốc tế. Từ đó xác định “phấn đấu đến năm 2020 Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ-công nghiệp”, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Đây là sự đổi mới tư duy mang tầm chiến lược, chìa khoá mấu chốt, tiền đề mở ra thời kỳ phát triển đột phá của tỉnh Quảng Ninh với những mô hình sáng tạo, đi đầu cả nước suốt một thập kỷ qua.

 

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ví “Quảng Ninh giống như một Việt Nam thu nhỏ” với việc hội tụ đủ các lợi thế so sánh đặc biệt. Đó là, có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh và đối ngoại, nằm trong Khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt - Trung”, hợp tác liên vùng vịnh Bắc Bộ, hành lang kinh tế Nam Ninh - Xin-ga-po, cầu nối quan trọng của hợp tác kinh tế ASEAN - Trung Quốc. Cùng với Hà Nội và Hải Phòng, Quảng Ninh được xem là một trong ba đầu tàu thúc đẩy nền kinh tế vùng. Khác với 2 đầu tàu kia, Quảng Ninh với đặc thù của tỉnh vùng biên nên có lợi thế phát triển dịch vụ thương mại và vận tải giữa Việt Nam - Trung Quốc - ASEAN. Đặc biệt đặt trong lợi thế so sánh và cơ hội phát triển, trong số 25 tỉnh biên giới của Việt Nam, Quảng Ninh là tỉnh duy nhất có cả đường biên giới trên biển và trên bộ với Trung Quốc, một vị trí thuận lợi giúp nắm bắt thị trường to lớn này, là một cửa ngõ giao thương Việt Nam - Trung Quốc - ASEAN. Quảng Ninh là nơi đa dạng hóa các nguồn tăng trưởng khác nhau trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh, như cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho Quảng Tây, xây dựng các trung tâm sản xuất chế biến tại Móng Cái, nâng cấp hạ tầng giải trí và du lịch và có thể cung cấp cả dịch vụ giáo dục, đào tạo.

Bên cạnh lợi thế về vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh và đối ngoại, Quảng Ninh là tỉnh duy nhất có nhiều cảnh quan có giá trị toàn cầu, trong đó vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long nằm cận kề nhau là tài sản vô giá mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho Quảng Ninh, với hơn hai nghìn hòn đảo chiếm hơn 2/3 số đảo cả nước (2.077/2.779), trải dài theo đường ven biển hơn 250km chia thành nhiều lớp. Vịnh Hạ Long đã 2 lần dược UNESSCO vinh danh là Di sản – Kỳ quan thiên nhiên thế giới. Trường tồn cùng Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, Quảng Ninh có Yên Tử kỳ vĩ, linh thiêng, huyền bí, cổ kính, chứa đựng trong mình vũ khí tinh thần bất diệt. Nơi duy nhất có nhà vua sau khi thắng giặc ngoại xâm từ bỏ ngai vàng đi tu hoá Phật, xây dựng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang bản sắc riêng của Phật giáo Việt Nam. 

Do điều kiện tự nhiên quy định nên Quảng Ninh cũng là tỉnh có nguồn tài nguyên, khoáng sản phong phú, đa dạng, là vựa than lớn nhất Đông Nam Á... Đặc biệt, Quảng Ninh là cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam trên vùng đất quần tụ tinh hoa từ nhiều miền của đất nước với 22 dân tộc anh em tạo nên sự giao thoa và kết tinh nền văn hóa đa sắc, thống nhất trong đa dạng. Quảng Ninh là một trong những địa phương có kho tàng di sản văn hoá phong phú và đa dạng. Văn hóa Quảng Ninh được hình thành và kết hợp bởi văn hóa biển, văn hóa công nhân mỏ và sự hội tụ, giao thoa giữa nền văn minh sông Hồng với văn hóa vùng Đông Bắc, tạo nên nét giá trị văn hoá trường tồn đó là tinh thần “kỷ luật và đồng tâm” của người vùng Mỏ đã được kiểm chứng qua các giai đoạn lịch sử.

Những đặc điểm trên tạo nên các giá trị tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh Quảng Ninh mà những địa phương khác không có hoặc có nhưng không đủ mạnh, để phát triển những ngành, lĩnh vực mũi nhọn, như trung tâm dịch vụ du lịch, giải trí hàng đầu Việt Nam; kinh tế biên mậu và kinh tế biển trong vai trò là trung tâm giao thương quốc tế lớn và hiện đại của vùng kinh tế Bắc Bộ, đồng thời hội nhập kinh tế với khu vực Đông Bắc Á, cầu nối hiệu quả giữa Trung Quốc và ASEAN; sản xuất than, vật liệu xây dựng và trung tâm nhiệt điện lớn nhất Việt Nam...

Khi bước vào thập niên 2010-2020, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu đều nhận định, việc khai thác lợi thế tĩnh về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, điều kiện tự nhiên bằng mọi giá không còn là lợi thế cạnh tranh tuyệt đối. Vì vậy, thế giới tập trung khai thác những lợi thế động bằng cách xây dựng thể chế, cơ chế chính sách ưu đãi, đặc thù, đột phá đủ sức cạnh tranh và đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng hiện đại.

 

Quảng Ninh ở vào thời điểm đó cũng đã nhanh chóng, kịp thời nhận diện, định vị lại trong mối tương quan quốc gia, quốc tế, chủ động tìm tòi hướng đi, cách làm, quyết tâm đổi mới, tranh thủ thời cơ, điều kiện, cơ hội mở ra từ thực tiễn để phát triển nhanh, bền vững. Đó là, kết thúc năm 2010, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 22.000 tỷ đồng, công nghiệp, xây dựng chiếm 51,7% cơ cấu kinh tế, thu từ than và đất chiếm tới 64% thu nội địa; phát triển kinh tế “nâu” không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn khiến du lịch chỉ chiếm 2,6% trong tổng thu ngân sách tỉnh. Mô hình tăng trưởng tuy có xu hướng chuyển dịch tốt hơn nhưng vẫn dựa nhiều vào tài nguyên hữu hạn và nhân công giá rẻ, nhất là than; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; chỉ số ICOR cao; tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; mặc dù đã có những công trình mang tính chiến lược, động lực song kết cấu hạ tầng nhìn chung chưa thực sự đồng bộ... Công nghiệp và đô thị phát triển “nóng” để lại nhiều hậu quả môi trường; hàm lượng khoa học - công nghệ trong sản xuất chưa cao, xuất khẩu chủ yếu là những sản phẩm thô chưa qua chế biến; tính chủ động trong đề xuất cơ chế, chính sách phát triển theo liên kết vùng còn yếu giữa các địa phương trong tỉnh và giữa tỉnh với các tỉnh, thành phố lân cận; hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp còn khó khăn, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, sức cạnh tranh yếu...

Từ lý luận và thực tiễn tỉnh đã nhận diện ra 3 mâu thuẫn, 4 thách thức lớn. Đó là, mẫu thuẫn giữa giải phóng tiềm năng thế mạnh với cơ chế chính sách còn hạn hẹp; giữa khai thác than, phát triển công nghiệp nặng với phát triển du lịch, dịch vụ; giữa đổi mới hệ thống chính trị chưa tương xứng với đổi mới kinh tế và tình hình thực tiễn đang diễn ra. Thách thức giữa vừa phát triển kinh tế vừa góp phần đảm bảo độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ khu vực biên giới; giữa phát triển bền vững trước những động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao; giữa phát triển công nghiệp hoá, đô thị hoá nhanh với giải quyết vấn đề môi trường sống; giữa tăng trưởng nhanh đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.

Đồng chí Nguyễn Văn Đọc, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ, cho biết: Năm 2012 trong cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh, Bộ Chính trị đã thống nhất mục tiêu phát triển của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 là, xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, một trong những đầu tầu kinh tế miền Bắc và cả nước; tích cực đổi mới phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, trở thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế. Tỉnh cũng đã định hình lại không gian phát triển kinh tế-xã hội theo hướng “Một tâm- Hai tuyến – Đa chiều – Hai mũi đột phá”, trong đó “tâm” là TP Hạ Long, phát triển đô thị theo mô hình đa cực, lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối. Tuyến phía Tây từ Hạ Long đến Đông Triều hướng tới đồng bằng sông Hồng và thủ đô Hà Nội với định hướng phát triển chuỗi đô thị - công nghiệp xanh và du lịch văn hoá lịch sử, trong đó khu kinh tế Quảng Yên là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới. Tuyến phía Đông từ Hạ Long đến Móng Cái và hướng tới khu vực Đông Bắc Á, Trung Quốc, với định hướng hình thành chuỗi đô thị vệ tinh sinh thái – dịch vụ tổng hợp cao cấp và kinh tế biển. Hai điểm đột phá là khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và Vân Đồn.

Trong bối cảnh, tình hình chung thế giới, trong nước bước vào thập kỷ mới với nhiều diễn biến thuận lợi khó khăn, thách thức đan xen nhau, tỉnh đã thống nhất 6 quan điểm phát triển. Đó là, dựa vào nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược cơ bản là lâu dài và nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; lấy phát triển con người, đảm bảo và cải thiện dân sinh làm mục đích; lấy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, nhu cầu thị trường, các ngành mới nổi và tăng năng suất lao động làm định hướng; lấy phát triển hạ tầng, cải cách hành chính đồng bộ, hiện đại làm nền tảng; lấy giáo dục đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ làm động lực; lấy phát triển văn hoá xây dựng văn minh sinh thái, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường làm trọng điểm.

Xương sống của quá trình đổi mới tư duy mang tầm chiến lược, chìa khoá mấu chốt, tiền đề mở ra thời kỳ phát triển đột phá của tỉnh Quảng Ninh với những mô hình sáng tạo, đi đầu cả nước đó là: Tích cực chuyển đổi phương thức phát triển theo hướng bền vững dựa vào 3 trụ cột: Thiên nhiên, con người, văn hoá kết hợp với xu thế hoà bình, hợp tác và hội nhập, trên cơ sở đó đổi mới hệ thống chính trị và xây dựng nền hành chính hiện đại; phát triển công nghiệp dịch vụ, công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí dựa trên nền tảng công nghiệp sáng tạo được tổ chức ở trình độ cao.

Kết thúc 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011), kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng cao và ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm (2015-2020) đạt 10,7%, cao hơn so với bình quân chung cả nước. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện đáng kể; quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tăng lên rõ rệt; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững; dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Xã hội ổn định, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, GRDP bình quân đầu người ước đạt trên 6.700 USD/người/năm, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước. Các lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, bảo vệ tài nguyên môi trường, phát triển văn hóa, xây dựng con người Quảng Ninh có nhiều chuyển biến tích cực.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh toàn diện, liên tục, đồng bộ, quyết liệt gắn với xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, thực thi có hiệu quả nhiệm vụ được giao. Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng có nhiều đổi mới; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và năng lực điều hành, quản lý của chính quyền được nâng lên; nhiều mô hình mới, cách làm đột phá, sáng tạo đạt hiệu quả rõ nét được thực tiễn chứng minh. Khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường; niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền được nâng lên rõ rệt.

Nhận diện và định vị lại một Quảng Ninh khác biệt trong mối tương quan quốc gia và quốc tế, bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên, tinh thần chủ động tìm hướng đi, cách làm, quyết tâm đổi mới, Quảng Ninh đã chứng minh lựa chọn trúng, đúng chiến lược phát triển mới, đạt những thành tựu nổi bật, quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực, tạo tiền đề cơ bản để tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong những giai đoạn tiếp theo. 

 

 

Gần 10 năm trước, Quảng Ninh chủ động nhận diện rõ tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, nhận thức rõ hơn những mâu thuẫn, thách thức để xác định mục tiêu và định hướng phát triển đến năm 2020 trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp, trung tâm du lịch quốc tế, một trong những đầu tàu kinh tế của miền Bắc và cả nước. Những việc mà Quảng Ninh chủ động xây dựng và đề xuất Trung ương cho phép được thực hiện như: Đề án phát triển Khu kinh tế Vân Đồn; Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”; thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, Trung tâm Hành chính công... không chỉ vì sự phát triển của riêng Quảng Ninh mà còn là một cách thể nghiệm mô hình phát triển mới của đất nước, đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn.

3 năm liền (2012-2014) Quảng Ninh liên tục báo cáo Trung ương, xin ý kiến các bộ, ngành, các chuyên gia về những đề án phát triển của tỉnh. Đã có những ý kiến băn khoăn rằng Quảng Ninh có lý thuyết quá không khi dày công xây dựng những đề án lớn với những ý tưởng quá táo bạo, không chỉ là chưa có tiền lệ mà thậm chí phải là thay đổi đến Hiến pháp mới có thể thực hiện được... Nhưng thực tế đã chứng minh Quảng Ninh đã chọn đúng điểm chốt để đột phá. Điển hình như Đề án xây dựng Đặc Khu kinh tế Vân Đồn - năm 2012, nếu Quảng Ninh không quyết tâm xây dựng và chủ động thực hiện từng phần việc theo đề án thử hỏi “chú sư tử ngủ quên” - (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khi đến thăm Vân Đồn năm 2014) cả chục năm (kể từ khi Chính phủ có Quyết định xây dựng Khu Kinh tế năm 2004) đến bao giờ mới thức giấc? Và đến bao giờ Vân Đồn mới có được một cảng hàng không quốc tế để đón các chuyến bay quốc tế, trong nước, thực hiện tốt trọng trách quốc gia, dân tộc, nâng tầm vị thế hình ảnh của đất nước Việt Nam trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh toàn cầu covid -19? Đến bao giờ cái tên Vân Đồn mới là sự lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư khi “ngắm” vào Quảng Ninh cũng như khu vực phía Bắc? Điều quan trọng hơn tất cả là chính từ Đề án Đặc Khu kinh tế Vân Đồn của Quảng Ninh mà khái niệm về Khu hành chính - kinh tế đặc biệt (hay Đặc khu kinh tế) đã được đưa vào Hiến pháp năm 2013 và chương trình xây dựng luật của Quốc hội. Quyết định này đã được các chuyên gia nghiên cứu trong nước và quốc tế khẳng định, đây là sự đổi mới mạnh mẽ, cởi mở của Việt Nam về mặt thể chế và không ai phủ nhận khởi nguồn của sự đổi mới đó là từ những ý tưởng đề xuất rất sáng tạo của Quảng Ninh.

Cùng với xây dựng các Đề án chiến lược, Quảng Ninh tập trung nghiên cứu, vận dụng sáng tạo những chỉ đạo của Trung ương để xây dựng chính quyền kiến tạo và phục vụ. Đó là, thay đổi quy trình giải quyết các thủ tục đầu tư “từ trên xuống thay vì từ dưới lên” thông qua thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) trực thuộc UBND tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban (mô hình đầu tiên trong cả nước). Trước đây khi chưa vận hành mô hình mới này các dự án đầu tư vào Quảng Ninh sẽ phải từ các sở, ngành tham mưu, đề xuất mới đến lãnh đạo tỉnh. Chính vì cán bộ, chuyên viên sở, ngành được trao quyền quyết định ban đầu nên đã có những dự án “vô tình bị bỏ quên” cả năm trời, nguồn gốc của sự nhũng nhiễu doanh nghiệp, nhà đầu tư từ đó mà ra. Chọn cách giải quyết vấn đề là đổi ngược quy trình làm việc, tỉnh Quảng Ninh quyết định dự án đầu tư sẽ được tiếp nhận từ IPA mà trực tiếp đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho ý kiến trước, sau đó mới chuyển cho các sở, ngành giải quyết theo lĩnh vực chuyên môn và thời hạn quy định cụ thể. Với cách làm này Quảng Ninh đã rút ngắn được thời gian cấp phép đầu tư từ 25 ngày xuống còn 7 ngày, thậm chí có dự án được cấp phép trong vòng 24 giờ sau khi hoàn thiện thủ tục. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy cho biết: Cái được trong đổi mới quy trình đầu tư của Quảng Ninh không chỉ là số vốn đầu tư vào địa bàn đạt cao, môi trường đầu tư minh bạch, chỉ số năng lực cạnh tranh luôn đứng trong top đầu cả nước mà điều quan trọng hơn cán bộ, công chức, viên chức đã thực sự đi vào guồng hành động của chính quyền phục vụ.

Chính quyền phục vụ nhân dân, doanh nghiệp không gì tốt hơn là làm những việc có lợi cho dân, từ năm 2014, tỉnh đi đầu thí điểm mô hình trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, huyện trực thuộc UBND cùng cấp, liên kết đến cấp xã gắn với xây dựng chính quyền điện tử, đào tạo công dân điện tử để giải quyết thủ tục hành chính theo phương châm 5 tại chỗ (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả tại chỗ), bảo đảm thuận tiện, công khai, minh bạch. Đây là mô hình duy nhất ở Quảng Ninh đã được Thủ tướng Chính phủ cho thí điểm thành lập theo Quyết định số 1831/QĐ-TTg ngày 28-10-2015. Đồng thời rà soát và công bố thủ tục hành chính của ba cấp chính quyền, chuẩn hoá và đưa vào thực hiện. Thời gian cấp phép doanh nghiệp và giải quyết các thủ tục giảm rõ rệt, cung cấp trên 82% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 - 4. Qua khảo sát bằng nhiều hình thức, trên 98%  người dân và doanh nghiệp có ý kiến hài lòng về hành chính công của Quảng Ninh.

Để có chỉ dẫn trong thu hút các nguồn lực đầu tư, nhất là đầu tư chiến lược cho sự phát triển bền vững, từ năm 2011 tỉnh Quảng Ninh tập trung triển khai lập 7 quy hoạch quan trọng cấp tỉnh gồm: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch vùng tỉnh; quy hoạch phát triển du lịch; quy hoạch phát triển nguồn nhân lực; quy hoạch phát triển khoa học công nghệ; quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch bảo vệ môi trường. Các quy hoạch này được thực hiện dưới sự tư vấn của các Tập đoàn, đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới như McKinsey (Mỹ), Nikken Seikei (Nhật Bản), BCG (Mỹ), Nippon Koie (Nhật Bản)... 7 quy hoạch chiến lược này đã được các đơn vị tư vấn quốc tế kết hợp với đội ngũ chuyên gia các sở, ngành, địa phương của tỉnh xây dựng trên cơ sở kết hợp giữa thực tế với kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm quốc tế và đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt và được triển khai thực hiện.

Tỉnh đã thực hiện công bố công khai, mô hình hóa để giới thiệu các quy hoạch tại Cung quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh. Đến nay, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đô thị đạt 100%, quy hoạch phân khu các địa phương đạt 56,6%, quy hoạch chi tiết xây dựng các địa phương đạt 56,9%, quy hoạch nông thôn mới đạt 100%.

Trong đó, TP Hạ Long trở thành thành phố du lịch biển văn minh, thân thiện; trung tâm dịch vụ, du lịch quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. TP Móng Cái giữ vai trò hạt nhân, nòng cốt của khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, đã triển khai thực hiện có hiệu quả 2 quy hoạch chiến lược khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái. TP Cẩm Phả đang được xây dựng theo hướng phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại, đồng bộ, bền vững, điển hình về chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. TP Uông Bí và TX Đông Triều đang dần trở thành trung tâm du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng, động lực trong chuỗi đô thị - công nghiệp xanh phía Tây của tỉnh. KKT Vân Đồn thực hiện theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch chung xây dựng. Nhờ đó huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội để đầu tư tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại của khu kinh tế như sân bay, đường cao tốc, tạo động lực thúc đẩy phát triển hạ tầng dịch vụ, du lịch…, tạo điều kiện thuận lợi kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư lớn đầu tư các dự án du lịch, dịch vụ đẳng cấp, từng bước xây dựng khu kinh tế Vân Đồn trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh, là một trong những mũi đột phá của tỉnh. Tỉnh đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến về thành lập khu kinh tế ven biển Quảng Yên với các cơ chế, chính sách tương đương khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng). Sau khi hoàn thành tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và cầu Bạch Đằng, cùng với việc đang triển khai tuyến đường ven sông tốc độ cao Quảng Yên - Uông Bí - Đông Triều đã đánh thức tiềm năng, lợi thế to lớn của Quảng Yên, giữ vai trò động lực, hạt nhân mới thúc đẩy tăng trưởng của tuyến phía Tây của tỉnh.

Kết quả phát triển của tỉnh Quảng Ninh sau gần 10 năm thực hiện chiến lược phát triển đất nước 2011 cho thấy 7 quy hoạch chiến lược trở thành chỉ dẫn quan trọng trong thu hút các nguồn lực đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, phân bố không gian phát triển theo hướng “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai điểm đột phá”, làm thay đổi nhanh diện mạo, tạo ra một Quảng Ninh khác biệt phát triển vượt trội về đẳng cấp và bứt phá về thời gian. Hệ thống đô thị của tỉnh được tập trung phát triển, nâng cấp theo quy hoạch, trong đó TP Hạ Long được công nhận là đô thị loại I; TP Móng Cái, TP Cẩm Phả, TP Uông Bí là đô thị loại II; TX Đông Triều, TX Quảng Yên là đô thị loại III; thị trấn Cái Rồng, thị trấn Tiên Yên mở rộng là đô thị loại IV. Đến nay, toàn tỉnh có 13 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 65,5%, là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước. Các dự án đầu tư, nhà đầu tư vào Quảng Ninh đều là những tập đoàn hàng đầu trong nước, có tiếng trên thế giới như Vingroup, Sun Group, FLC, BIM Group, Him Lam, My Way, Texhong, Rent A Port...

Trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, với vị trí, vai trò trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và những tiềm năng, lợi thế riêng có của tỉnh, Quảng Ninh nhận rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế cần có chiến lược khắc phục phù hợp. Đó là, sự đóng góp vào thành quả chung của đất nước chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, tài nguyên thiên nhiên, di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh mà tỉnh đang sở hữu. Du lịch, dịch vụ, kinh tế biển, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng còn chậm so với tiềm năng, lợi thế. Thương mại biên giới phát triển chưa bền vững. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa có nhiều đột phá. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh….

Những hạn chế này đặt ra cho Quảng Ninh nhiệm vụ phải tiếp tục có những đột phá mới vượt qua những giới hạn để có bứt phá trong thập niên tiếp theo sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển đất nước 2011 và 35 năm đổi mới. Trong đó quy hoạch tiếp tục đi trước để có quy hoạch tốt, có dự án tốt. Được sự đồng ý của Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất mời đơn vị tư vấn nước ngoài tham gia triển khai lập quy hoạch chung tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, theo hướng tích hợp được giá trị của các quy hoạch giai đoạn trước còn phù hợp, nâng cao chất lượng và tạo thương hiệu của quy hoạch tỉnh Quảng Ninh.

 

 

Quảng Ninh hôm nay có hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ từ đường bộ, đường hàng không, đường biển, với các tuyến cao tốc nối cao tốc, cảng hàng không quốc tế mở cửa bầu trời cho “một Việt Nam thu nhỏ”, những cảng tàu khách quốc tế chuyên biệt duy nhất trong cả nước. Sức hấp dẫn riêng của Quảng Ninh với du khách, nhà đầu tư không chỉ là dạo chơi trên kỳ quan vịnh Hạ Long huyền ảo 4 mùa xuân, hạ, thu, đông, hay ở những thành phố có hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, có các khu giải trí, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế mà còn là địa bàn rất tiềm năng để đầu tư sinh lời trên lĩnh vực du lịch, dịch vụ, công nghệ cao. Một tỉnh có hệ thống tổ chức bộ máy hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, sẵn sàng cùng đi, cùng đến, cùng hiệu quả với nhà đầu tư.

Gần 10 năm trước khi Quảng Ninh đề xuất được dùng ngân sách tỉnh để giải phóng mặt bằng làm cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cả nước thấy một tư duy hoàn toàn mới trong việc đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng. Bởi từ trước đến nay việc làm đường cao tốc là nằm trong danh mục chi thuộc nhiệm vụ ngân sách trung ương, trong bối cảnh thời điểm đó nguồn thu của tỉnh phần lớn cũng vẫn đang phụ thuộc vào than và đất, mà lúc đó ngành Than đang gặp nhiều khó khăn từ khai thác đến tiêu thụ, thị trường bất động sản vẫn đóng băng… Nhưng nếu trông chờ vào ngân sách trung ương thì biết đến bao giờ dự án đã được ấp ủ qua rất nhiều nhiệm kỳ, thế hệ lãnh đạo của tỉnh mới thực hiện được. Trong khi bên kia dòng sông Bạch Đằng lịch sử, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã được hoàn thành, chỉ còn 25km nữa thôi thì Hạ Long sẽ kết nối vào tuyến cao tốc quan trọng này trong hành lang phát triển kinh tế khu vực phía Bắc. Cũng trong bối cảnh đó, hàng loạt các tuyến cao tốc nối lên các tỉnh Tây Bắc đều đang được rầm rộ đầu tư.

Năm 2013, tỉnh Quảng Ninh báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, cho phép tỉnh được dùng tiền từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vượt thu hàng năm, phần trung ương trả nợ ngân sách tỉnh đã ứng trước thực hiện dự án giao thông khác trước đó, tiết kiệm chi hàng năm, với tổng số khoảng 6.000 tỷ đồng để thực hiện đầu tư tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, nối vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Riêng với hạng mục dự án cầu Bạch Đằng (thuộc tổng thể dự án cao tốc Hạ Long - Hải Phòng) sử dụng vốn theo hình thức BOT.

Ủng hộ Quảng Ninh, ủng hộ tư duy đổi mới, cách làm đột phá, sáng tạo, năm 2014 Chính phủ đồng ý cho Quảng Ninh được khởi công cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, với tổng nguồn vốn cả đường và cầu gần 14.000 tỷ đồng (trong đó ngân sách khoảng 6.000 tỷ đồng). Ngày 1/9/2018, 26km đường cao tốc và cầu Bạch Đằng chính thức khánh thành và thông xe nối với cao tốc Hải Phòng - Hà Nội. Tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng sau khi được đưa vào khai thác không chỉ tạo động lực cho sự phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh mà còn là dự án giao thông góp phần quan trọng thúc đẩy liên kết vùng, đặc biệt là đối với tam giác phát triển kinh tế phía Bắc Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Năm 2019, với hệ thống cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Hải Phòng – Quảng Ninh được kết nối đồng bộ, hiệu quả khai thác của tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đã được nâng lên rõ rệt, đối với các doanh nghiệp, tuyến đường này đã góp phần giảm đáng kể chi phí vận tải, logistic, nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh.

Sau cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, Quảng Ninh tiếp tục phát huy hình thức đối tác công- tư thực hiện các tuyến đường cao tốc nối cao tốc, nối sân bay, cảng biển. Nếu như trước đây, giao thông đường bộ Quảng Ninh chủ yếu dựa vào tuyến đường huyết mạch là quốc lộ 18A vốn đã quá tải, thì đến nay, bức tranh đã hoàn toàn đổi khác. Sau tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, Hạ Long – Vân Đồn, tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái tiếp tục được đầu tư xây dựng và dự kiến hoàn thành vào năm 2021. Với tuyến cao tốc này, các trung tâm kinh tế, du lịch lớn nhất phía Bắc từ thủ đô Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn đến vùng đất biên giới Móng Cái sẽ được kết nối đồng bộ bằng hệ thống đường cao tốc. Giảm thời gian di chuyển từ 6h trước đây xuống chỉ còn 3h. Mở ra những cơ hội phát triển, thu hút đầu tư cho cả khu vực, đặc biệt là với KKT cửa khẩu Móng Cái. Phát huy vai trò của cửa ngõ giao thương giữa ASEAN với Trung Quốc cũng như với thị trường Đông Bắc Á. Điểm nối cuối cùng trên tuyến giao thương đặc biệt quan trọng này đã được khai thông với việc đầu tư xây dựng và thông quan cầu Bắc Luân 2 từ ngày 19/3/2019.

Cùng với hệ thống đường cao tốc, tỉnh Quảng Ninh cũng đã thu hút được các dự án hạ tầng giao thông đường không, đường thủy tầm cỡ quốc tế do tư nhân đầu tư. Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, cảng tàu khách du lịch chuyên biệt duy nhất, hiện đại nhất cả nước, có khả năng đón những con tàu du lịch lớn nhất thế giới hiện nay. Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, - sân bay mới hàng đầu thế giới 2019. Quảng Ninh đã tiến gần hơn với thế giới, từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong chuỗi giao thương khu vực và thế giới. Bằng nguồn lực của mình, năm 2020, Quảng Ninh sẽ khởi công tuyến đường tốc độ cao 10 làn xe ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đi qua Quảng Yên - Uông Bí đến Đông Triều... rút ngắn thời gian di chuyển từ thành phố Hạ Long đến Đông Triều từ 1,5h trước đây xuống còn 30 phút. Tỉnh cũng đã thống nhất với TP Hải Phòng xây dựng cầu Rừng, cầu Lại Xuân để kết nối giữa hai địa phương. Sử dụng vốn ngân sách tỉnh đầu tư xây dựng cầu Triều, cầu Văn Đức nối Quảng Ninh với Hải Dương. Trong đó, cầu Văn Đức đã được khánh thành và đưa vào sử dụng đầu tháng 6. Các hạng mục cuối cùng của cầu Triều cũng đang được hối hả thi công để hoàn thành công trình chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc.

Sáng tạo, bài bản và quyết liệt, Quảng Ninh đã gỡ được nút thắt về hạ tầng giao thông trong suốt quá trình phát triển từ khi thành lập tỉnh đến nay với sự kết nối giữa các địa phương trong tỉnh bằng hệ thống đường cao tốc, đường tốc độ cao đồng bộ nhất cả nước; kết nối khu vực phía tây của tỉnh với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Qua đó khơi thức được các tiềm năng rất lớn về đất đai, tài nguyên du lịch ở khu vực này, tận dụng được các hạ tầng logistic cảng biển của TP Hải Phòng trong tổng thể liên kết vùng để phát triển, xác lập và khẳng định vị thế mới, giá trị mới trong tương quan quốc gia và quốc tế.

Nhìn trong cả nước đến thời điểm này, Quảng Ninh vẫn đang là tỉnh đi đầu, đột phá trong xây dựng cơ chế, đề nghị Chính phủ cho phép tự đầu tư làm đường cao tốc, sân bay, hạ tầng du lịch bằng nguồn vốn tự huy động. Với gần 10.000 tỷ đồng từ ngân sách để thực hiện GPMB và trên 32.500 tỷ đồng huy động đầu tư theo hình thức BOT, Quảng Ninh đã làm được Cảng hàng không, gần 200km đường cao tốc. Đồng thời chủ động xây dựng mô hình và vận dụng sáng tạo hình thức đối tác công - tư (PPP) để huy động nguồn lực phát triển hạ tầng đồng bộ theo nguyên tắc Nhà nước không trực tiếp làm những gì nhân dân, doanh nghiệp làm được và làm tốt hơn, tính từ năm 2012 đến nay, Quảng Ninh đã thu hút được gần 200.000 tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội, bằng cách lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư (1 đồng ngân sách lôi kéo thu hút được 8,3 đồng đầu tư ngoài ngân sách), PPP Quảng Ninh không chỉ giải tỏa cơn khát hạ tầng cho chính Quảng Ninh, mà còn là cơ sở thực tiễn để Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2915 về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.

Không chỉ khẳng định hiệu quả trong thực hiện đột phá chiến lược của Đảng về hạ tầng, Quảng Ninh cũng là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh (theo tinh thần Kết luận Hội nghị T.Ư 3 khoá XI). Nhờ vậy trong giai đoạn 2015-2020, kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng cao và ổn định, cơ cấu chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững (10,7%), là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao so với bình quân chung của cả nước. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh đạt 211.476 tỷ đồng, tăng gấp 1,86 lần so với năm 2015, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững, trong đó, tỷ trọng khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm tăng từ 43,1% lên 44,6%; công nghiệp - xây dựng duy trì ổn định ở mức 49%; nông, lâm, thủy sản giảm từ 7,7% xuống 5,9%. Tổng thu ngân sách nhà nước 5 năm ước đạt hơn 212.492 tỷ đồng, tăng 29,56% so với giai đoạn 2011 – 2015. Cơ cấu thu ngân sách chuyển dịch tích cực, thu ngân sách nội địa luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có số thu cao nhất cả nước có đóng góp về Trung ương. Năng suất lao động xã hội bình quân tăng 12,1%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 1,56 lần so với giai đoạn 2011 - 2015, bình quân tăng 10,3%/năm (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra 10%). GRDP bình quân đầu người ước đạt trên 6.700 USD/người/năm, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước.

Các cơ chế, chính sách và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, yếu thế được sửa đổi và ban hành nhằm từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng miền. Với tổng chi cho an sinh xã hội trong 5 năm (2015-2020) ước đạt gần 9000 tỷ đồng, bình quân tăng 14,9%/năm, gấp 1,8 lần giai đoạn 2011 - 2015. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4,9% năm 2011 xuống còn 0,52% năm 2019. Điều kiện phát triển kinh tế ở những khu vực khó khăn nhất của tỉnh đã được cải thiện căn bản. 3 địa phương cấp huyện là Cô Tô, Cẩm Phả, Uông Bí không còn hộ nghèo. Đến nay, Quảng Ninh không còn xã, thôn nằm trong diện đặc biệt khó khăn. Năm 2019, tỉnh có 81/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó xã Việt Dân - thị xã Đông Triều đạt nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên trong cả nước. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được đặc biệt quan tâm, năng lực hệ thống y tế dự phòng Quảng Ninh được xếp vào nhóm đầu cả nước. Tỷ lệ bác sỹ/vạn dân năm 2019 đạt 14,7 (cả nước là 9 bác sỹ). Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước khởi tạo hồ sơ sức khỏe điện tử cho 97% dân số trên địa bàn. Tỉnh cũng ưu tiên dành nguồn lực từ ngân sách chi cho sự nghiệp y tế; đầu tư cải tạo, nâng cấp hoàn thiện các cơ sở y tế, trong đó có nhiều mô hình chuyên sâu.

Một hình ảnh Quảng Ninh hoàn toàn mới về hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, du lịch, dịch vụ, xã hội đồng bộ, hiện đại được nhân dân, nhà đầu tư tin tưởng, ghi nhận và tìm đến. Với tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 160.000 tỷ đồng từ các nhà đầu tư chiến lược như Vingroup, Sungroup, FLC, CEO, BIM Group, Tuần Châu Group, TH, Amata (Thái Lan), Texhong (Hồng Kông), Yazzaki (Nhật Bản)… đã đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh có số vốn đầu tư trong nước, trực tiếp nước ngoài cao của cả nước. Những động lực phát triển mới trên bức tranh kinh tế của Quảng Ninh ngày càng nổi bật hơn, thế mạnh về du lịch, dịch vụ được khơi thông hoàn toàn để phát triển.

Đặc biệt, năm 2020, trước sự càn quét của cơn bão dịch bệnh toàn cầu Covid-19, tỉnh Quảng Ninh trong vai trò địa bàn tuyến đầu đã thực hiện rất quyết liệt, mạnh mẽ, có nhiều cách làm mới, hiệu quả vừa phòng chống dịch bệnh, vừa giữ được đà tăng trưởng của nền kinh tế. Nhịp sống sôi động của vùng Mỏ được thổi bùng bằng hàng loạt các công trình du lịch, dịch vụ, hạ tầng giao thông trọng điểm được khánh thành và khởi công xây dựng. Đó là, tuyến đường ven biển bên di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long được hoàn thành với nền đường rộng 6 làn xe, vỉa hè hai bên rộng 5m, đường di dạo công viên ven biển rộng 25m – một công trình độc đáo có một không hai bên cạnh kỳ quan thiên nhiên thế giới. Đi kèm với đó là các công trình thiết chế văn hóa mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế đã được đầu tư đưa vào sử dụng rất hiệu quả là Cung quy hoạch, Bảo tàng, Thư viện. Một Onsen Quang Hanh được ví như “tiểu Nhật Bản” bên bờ vịnh Bái Tử Long, với hạ tầng dịch vụ đẳng cấp quốc tế khắc phục được du lịch một mùa ở khu vực phía Bắc. Một lâm viên Đồng Sơn-Kỳ Thượng được tập đoàn Vingroup nghiên cứu xây dựng thành Safari đầu tiên ở miền Bắc; là một Sonasea Vân Đồn Harbor City - tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng cao cấp với các khách sạn quốc tế, phố thương mại, bến du thuyền, khu vui chơi trong nhà và ngoài trời, trung tâm hội nghị quốc tế... được đẩy nhanh tiến độ thực hiện giai đoạn 2. Đó là, cầu Cửa Lục 1, nối vùng đất phía Nam và phía Bắc vịnh Cửa Lục được khởi công xây dựng với tiến độ thần tốc. Đặc biệt chiến dịch 30 ngày đêm giải phóng mặt bằng cao tốc Vân Đồn – Móng Cái về đích trước ½ thời gian đã tạo điều kiện để tiến độ dự án được tăng tốc trong 500 ngày về đích.

“Không khí mới cần thúc đẩy” như phát biểu khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Quảng Ninh tháng 5/2020 sẽ tiếp tục khơi mạch nguồn thành công hơn nữa với những bài học giá trị. Đó là: Bài học về tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng chuẩn mực quốc tế; về thu hút, phát huy vai trò của nhà đầu tư tư nhân như những con sếu đầu đàn; về phát huy vai trò, tính năng động, sáng tạo, quyết đoán của đội ngũ lãnh đạo; bài học về sự chia sẻ thành quả phát triển đến người dân, theo đuổi mục tiêu phát triển bao trùm, bền vững.

Ngọc Lan

Đồ họa/
Interactive: Tất Đạt

< >

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu