4
18
/
1018772
Hành trình 10 năm làm mới vùng nông thôn - Bài 2: "Xóa trắng" những thôn, xã nghèo – Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
longform
Hành trình 10 năm làm mới vùng nông thôn - Bài 2: "Xóa trắng" những thôn, xã nghèo – Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

 

 

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, thực hiện giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh vẫn luôn đặc biệt trăn trở nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Nhìn nhận rõ các hạn chế, bất cập trong vị trí địa lý cũng như sự tương quan trình độ dân trí, trong suốt những năm qua, tỉnh đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm rút gần khoảng cách vùng miền; nâng đời sống vật chất và mức tiếp cận, hưởng thụ các dịch vụ xã hội của người dân vùng khó khăn để tiệm cận gần hơn với người dân vùng thành thị. Quyết tâm chính trị này đã được Quảng Ninh từng bước giải quyết trong nhiệm kỳ vừa qua, khi các thôn, xã nghèo đã được “xóa trắng”.

 

 

Bình Liêu - một trong những địa phương miền núi, vùng sâu vùng xa nhất của tỉnh Quảng Ninh với tỷ lệ người dân là đồng bào DTTS chiếm đa số. Cũng chính vì vậy mà nhiều năm qua, câu chuyện về giảm nghèo luôn là trăn trở của cấp ủy, chính quyền địa phương này khi bài toán thoát nghèo vẫn chưa thực sự bền vững. Năm 2011, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn của huyện mới 11,4 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 60% dân số toàn huyện. Sau 5 năm thực hiện các chính sách giảm nghèo, đến năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện vẫn còn gần 35%.

Cái khó của Bình Liêu trong công tác giảm nghèo cũng chính là cái khó chung của nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa khác của tỉnh như Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà… Ngoài hạn chế về vị trí địa lý thì nguồn lực đầu tư thấp, dàn trải; người dân mang nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; một số cán bộ không muốn xã, thôn thoát khỏi diện 135 để được hưởng trợ cấp… cũng chính là những nguyên nhân chính khiến một số xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của Quảng Ninh vẫn nằm trong diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK), thoát nghèo rồi lại tái nghèo.

 

Nếu như năm 2005, tỉnh Quảng Ninh có 27 xã thuộc diện ĐBKK, sau 10 năm thực hiện các chính sách phát triển KT-XH cho đồng bào khu vực này, đến năm 2015, tỉnh vẫn còn 22 xã và 11 thôn nằm trong diện ĐBKK với 9.658 hộ nghèo, cận nghèo; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã ĐBKK cao gấp 14 lần so với ở xã khu vực I. Đây là một bài toán khó đối với cả hệ thống chính trị, khi “vòng luẩn quẩn” thoát nghèo – tái nghèo vẫn chưa được cắt đứt triệt để.

Nhận diện rõ thách thức, tỉnh Quảng Ninh xác định để giải quyết gốc rễ của bài toán này, thì ngoài việc thay đổi tư duy, trao thế chủ động cho người dân và cán bộ cơ sở thì phải có nguồn lực đủ mạnh để tạo “đòn bẩy” cho các xã, thôn vùng khó khăn. Đây cũng chính là yếu tố cốt lõi để công cuộc giảm nghèo của tỉnh được bền vững. Trên tinh thần đó, ngày 7/12/2016, tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIII đã bàn bạc, quyết định thông qua Nghị quyết số 50/2016/NQ-HĐND về phân bổ nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020.

 

 

Ngay sau đó, tháng 1/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 196/QĐ-UBND phê duyệt Đề án nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 (gọi tắt là Đề án 196). Đây được xem như một đề án đặc biệt, thể hiện cách làm sáng tạo, riêng có của Quảng Ninh với kỳ vọng sẽ phá vỡ những rào cản trong công tác giảm nghèo, hiện thực hóa mục tiêu xóa thôn, bản ĐBKK.

 

 

Nghị quyết 50/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và Quyết định 196/QĐ-UBND của UBND tỉnh đều xác định rõ nhiệm vụ “xóa trắng” thôn, bản khó, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

Quan điểm này được thể hiện xuyên suốt trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 196. Theo đó, cấp tỉnh chỉ tập trung hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện; cấp huyện trực tiếp chỉ đạo; cấp xã trực tiếp thực hiện; thôn, bản đoàn kết, đồng lòng; người dân là chủ thể, tích cực sản xuất, chủ động vươn lên, không trông chờ, ỷ lại. Cả hệ thống chính trị vào cuộc với mục tiêu nhất quán đưa toàn bộ các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK về trước 1 năm so với lộ trình đề ra. Cùng với đó là nâng cao đời sống mọi mặt của người dân vùng dân tộc miền núi, đồng bào DTTS; từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống và trình độ phát triển  KT-XH giữa đồng bằng đô thị và miền núi. Nhiệm vụ này hoàn thành cũng chính là nền tảng cho xây dựng thành công chương trình NTM, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

 

 

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã cụ thể hóa thông qua kế hoạch hàng năm để chỉ đạo, đảm bảo khoa học và có hệ thống; định kỳ hàng tháng, tổ chức kiểm điểm, đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án 196; định kỳ hàng quý, đồng chí Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị đánh giá tiến độ và kết quả thực hiện Đề án 196 và ban hành các Thông báo kết luận, các văn bản chỉ đạo thực hiện cụ thể và báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo quy định.

Các sở, ban, ngành của tỉnh xây dựng kế hoạch, chương trình, giải pháp cụ thể và tổ chức các phong trào thi đua; hàng năm lồng ghép trong các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành như: Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, y tế, thông tin, tín dụng ưu đãi, đào tạo việc làm… 

Cùng với đó, sự tham gia của doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng cũng đã góp phần tích cực trong việc đưa mục tiêu giảm nghèo ở thôn bản khó về đích đúng thời hạn. Tính trong giai đoạn 2014 - 2019, từ kênh của Ngân hàng CSXH, đã có trên 55.200 lượt khách hàng tại các xã, thôn vùng khó khăn được hỗ trợ vay vốn với tổng dư nợ đạt trên 2.100 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp trên 4.800 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo; thu hút và tạo việc làm cho trên 30.100 lao động. Nhiều doanh nghiệp như ngành Than, Tổng Công ty Đông Bắc, Tập đoàn VinGroup... cũng tích cực ủng hộ kinh phí để hỗ trợ các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK.

 

 

Đặc biệt, trong thực hiện nhiệm vụ này, vai trò của người dân và chính quyền cơ sở được thể hiện rõ nét nhất thông qua sự vào cuộc trách nhiệm, sâu sát, tự giác, chủ động. Với phương châm “Nhà nước không làm thay, làm hộ”, để thoát khỏi diện ĐBKK một cách bền vững, các xã, thôn, người dân phải trực tiếp tham gia và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Ngân sách chỉ hỗ trợ khi các địa phương có đề án, giải pháp cụ thể, sát thực tiễn, xuất phát từ nhu cầu thực tế của nhân dân. Trên tinh thần đó, các địa phương có thôn, xã trong diện ĐBKK xây dựng, phê duyệt đề án, ban hành kế hoạch cụ thể, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để triển khai thực hiện mục tiêu. 

Đầu năm 2018, 44 hộ dân đồng bào dân tộc Dao xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ) - xã khó khăn nhất của tỉnh, đã chủ động xin ra khỏi diện hộ nghèo. Những lá đơn từ lòng tự trọng như tấm gương sáng, khơi dậy và nhân lên ý chí thoát nghèo trong toàn tỉnh. Từ đây, hàng trăm hộ nghèo ở các huyện Bình Liêu, Đầm Hà, Tiên Yên cũng viết đơn tự nguyện thoát nghèo, nhường hỗ trợ lại cho những hoàn cảnh khó khăn hơn. Đây cũng là thành công lớn nhất là chương trình 135, Đề án 196 đạt được.

 

 

“Bây giờ gia đình tôi đã thoát nghèo. Kinh tế gia đình đã dần dần ổn định hơn nhờ sự hỗ trợ con giống, hướng dẫn kỹ thuật và vốn vay từ Nhà nước. Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục vay vốn mở rộng chăn nuôi bò, gà và trồng cây ăn quả để phấn đấu trở thành hộ khá giả” - Bà Chíu Tài Múi, xã Quảng Lâm, huyện Hải Hà phấn khởi cho biết.

Niềm vui và tinh thần lạc quan của bà Múi cũng là niềm vui chung của hàng nghìn hộ dân thoát nghèo trên địa bàn tỉnh. Tính đến hết năm 2019, toàn bộ các xã, thôn nằm trong diện ĐBKK của tỉnh đã hoàn thành chương trình 135 như đúng kỳ vọng. Câu chuyện giảm nghèo, thoát khó của Quảng Ninh không chỉ là việc lựa chọn hướng đi, giải pháp đúng đắn trong giải bài toán giảm nghèo mà còn là câu chuyện của sự quyết tâm, đồng lòng, nhất trí của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, an sinh xã hội, quốc phòng an ninh.

Từ kết quả này, nhiều hộ nghèo đã vươn lên thành hộ khá giả; thôn, bản nghèo đã được khoác lên mình diện mạo mới, tươi sáng hơn. Quan trọng nhất, gốc rễ của “vòng luẩn quẩn” thoát nghèo – tái nghèo đã được giải quyết dứt điểm khi ý thức, nhận thức của người dân và một bộ phận cán bộ cơ sở đã được thay đổi. Đây cũng chính là niềm tin, động lực cho những chương trình, quyết sách khác của tỉnh được triển khai một cách thuận lợi hơn.

Đánh giá về hướng đi này của tỉnh Quảng Ninh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cũng nhận định rằng: Quảng Ninh đã thể hiện rõ sự quan tâm của cả hệ thống chính trị với mục tiêu giảm nghèo thông qua những cách làm hay, sáng tạo. Tiêu biểu như Đề án 196 nhiệm vụ, giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK. Với cơ chế đầu tư vượt trội, nguồn lực dồi dào, Đề án đã làm thay đổi đáng kể diện mạo địa bàn vùng khó; thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững; đồng thời, kéo giảm sự chênh lệch về kinh tế, cũng như điều kiện thụ hưởng văn hóa, xã hội giữa khu vực này với thành thị. Tiền đề này sẽ góp phần đưa Quảng Ninh tiếp tục có những bước phát triển xa hơn nữa trong tương lai.

Thực hiện: Nguyên Ngọc

Trình bày: Đỗ Quang

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu