4
18
/
1014154
Nông thôn mới - Sức sống mới!
longform
Nông thôn mới - Sức sống mới!

 

Quảng Ninh đang được nhìn nhận là điểm sáng với bước nhảy vọt về kinh tế, những công trình hạ tầng giao thông đột phá, miền đất hứa cho các nhà đầu tư, cùng những đổi thay đến ngỡ ngàng ở các vùng nông thôn. Sự đổi thay đó không chỉ ở diện mạo bên ngoài, mà cả trong nội tại với người dân khu vực nông thôn. 

Quảng Sơn là xã vùng cao của huyện Hải Hà. Khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã phải đối mặt với nhiều khó khăn, như: Tỷ lệ hộ nghèo cao, địa bàn đồi rừng chia cách, một bộ phận không nhỏ người dân mang tư tưởng lạc hậu... Thế nhưng, câu chuyện đó giờ đã là quá khứ.

Được sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương, cùng sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã, Quảng Sơn đã và đang thay đổi từng ngày. Xã có 100% tuyến đường liên xã, thôn, bản, ngõ, xóm được cứng hoá, 100% người dân được sử dụng điện thường xuyên, 90% người dân có việc làm. Đặc biệt, năm 2019, Trường Tiểu học Quảng Sơn II và Trường PTDTBT THCS Quảng Sơn trên địa bàn đã được đầu tư xây dựng đạt chuẩn. Qua đó, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia lên 75%. Xã cũng đã hoàn thành Chương trình 135 vào cuối năm 2019. 

Bà Bùi Thị Mỹ, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn 3, xã Quảng Sơn, chia sẻ: Quảng Sơn là xã có phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Để xây dựng NTM thì quan trọng nhất là thay đổi nhận thức của người dân về ý nghĩa của chương trình. Do đó, công tác tuyên truyền, vận động luôn được thực hiện bằng nhiều hình thức. Tranh thủ mọi nguồn lực để phát triển, chúng tôi xác định xây dựng NTM phải gắn liền với triển khai Đề án 196, lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn để ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ giao thông, sản xuất, đáp ứng nhu cầu vay vốn, xây dựng mô hình, dự án phát triển sản xuất của người dân. Những thành công đã đạt được của thôn 3 và xã Quảng Sơn hôm nay là minh chứng rõ nét nhất cho sự chung sức, đồng lòng, đoàn kết của người dân. 

Thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH năm 2020, ngay từ đầu năm xã đã khẩn trương rà soát các tiêu chí để xây dựng kế hoạch triển khai có lộ trình, giải pháp cụ thể, đảm bảo ổn định chính trị, phù hợp với điều kiện địa phương. Bằng nhiều nguồn lực, năm nay xã sẽ tiếp tục đầu tư các công trình nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, như: Nâng cấp đường giao thông tại bản Mảy Nháu, sửa kênh mương bản Cấu Phùng, cải tạo trạm y tế để đảm bảo phục vụ khám, chữa bệnh... 

Với những giải pháp đồng bộ, quyết tâm cao, hành động quyết liệt, xã tập trung đưa thu nhập của người dân đạt mức 36 triệu đồng/người/năm; phấn đấu có thêm 4 thôn, bản đạt tiêu chuẩn văn hoá; xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn. Một tiêu chí khá khó với các xã khó khăn nói chung và Quảng Sơn nói riêng là đưa tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xuống còn 5% đã nhận được sự thống nhất cao của cấp uỷ đảng, chính quyền và sự đồng thuận của người dân.

Ông Đồng Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, cho biết: Ngay sau khi hoàn thành Chương trình 135, xã đã đặt ra mục tiêu hoàn thành chương trình xây dựng NTM trong năm 2020, cụ thể là tập trung hoàn thành 5/20 tiêu chí và 7/53 nội dung còn lại. Để hoàn thành các tiêu chí này đòi hỏi sự vào cuộc quyết tâm và nỗ lực rất lớn. Thời gian tới, xã tiếp tục huy động mọi nguồn lực xã hội giúp đỡ các hộ dân thoát nghèo bền vững, quy hoạch lại các vườn hộ, bố trí cây trồng, vật nuôi phù hợp để làm tăng giá trị kinh tế, đẩy mạnh thực hiện các mô hình sản xuất nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Không riêng ở Quảng Sơn, chương trình xây dựng NTM đã trở thành một phần cuộc sống đối với người dân vùng khó của Quảng Ninh. Và không ai khác chính những người dân - chủ thể của chương trình đã tạo nên điều diệu kỳ. Diện mạo của các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới thay đổi từng ngày. Cơ sở hạ tầng được hoàn thiện. Một cuộc sống sung túc, ấm no và hạnh phúc đã đến với người dân nơi đây.

Là địa phương đầu tiên của tỉnh hoàn thành chương trình xây dựng NTM, TX Đông Triều đang đổi thay rõ nét, mang dáng dấp của một miền quê đáng sống, cũng đang đi đầu trong triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu. Dẫn chúng tôi đi tham quan dọc các tuyến đường liên xã, liên thôn, ông Nguyễn Trung Dũng, Phó Chánh văn phòng điều phối NTM TX Đông Triều, không giấu niềm tự hào: Mọi thành quả hiện nay có được chính là nhờ sự đồng thuận cao, tham gia tích cực của bà con nhân dân, chủ thể xây dựng NTM. Bắt đầu từ những thứ giản đơn như công tác vệ sinh môi trường, phong trào khuyến học, thể dục thể thao, cho đến những điều lớn hơn như nông thôn phát triển có quy hoạch và theo quy hoạch, có hạ tầng khang trang với điện, đường, trường, trạm đạt chuẩn... Thay đổi được nếp nghĩ lạc hậu của cư dân nông thôn thì chất lượng đời sống sẽ chuyển biến tích cực.

Đúng như lời chia sẻ, đi qua các thôn, xóm của các xã Việt Dân, Bình Khê, An Sinh... chúng tôi đều thấy những tuyến đường bê tông, ngõ xóm trải rộng với những khóm hoa rực rỡ. Dọc tuyến, các thùng rác công cộng, hệ thống điện thắp sáng... được lắp đặt theo đúng mô hình đô thị hóa nông thôn. Nhưng quan trọng nhất chính là người dân đã hưởng ứng mạnh mẽ các phong trào, như: Phân loại rác từ gia đình, tham gia Ngày chủ nhật xanh, xử lý chất thải chăn nuôi đúng quy định, tích cực trồng cây tại các đường thôn, nhà văn hóa, trụ sở hành chính, trường học... Đặc biệt, những tuyến đường xanh - sạch - đẹp đều có bàn tay, sức lực và tinh thần của người dân nơi đây. Giai đoạn 2010-2020, tổng nguồn lực huy động, đầu tư xây dựng NTM của TX Đông Triều là 31.500 tỷ đồng, trong đó 71% là huy động từ nhân dân và doanh nghiệp.

Ấn tượng hơn nữa là màu xanh mướt mắt của những nhà vườn nối liền nhau. Được biết, những năm qua, lợi thế về đất nông nghiệp đã được người dân sử dụng rất hiệu quả để phát triển 22 vùng sản xuất tập trung, như: Vùng trồng lúa chất lượng cao, vùng trồng cây ăn quả (na, cam Canh, bưởi Diễn...), vùng chăn nuôi tập trung... Từ chính đồng đất quê hương trù phú, điều kiện thiên nhiên ưu đãi, hoa trái bốn mùa xanh tươi đã giúp cho bà con có mức thu nhập rất ổn định, đạt khoảng 60 triệu đồng/người/năm.

Đến nay, TX Đông Triều đã được công nhận 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó xã Việt Dân trở thành xã đầu tiên của tỉnh và cả nước đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng NTM. Đông Triều trở thành địa phương đi đầu trong toàn tỉnh về xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, được các cấp, các ngành biểu dương, ghi nhận đánh giá cao. Trong năm 2020, thị xã tiếp tục hành trình để xây dựng 4 xã (Bình Khê, An Sinh, Tân Việt, Yên Đức) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 3 xã còn lại (Tràng Lương, Hồng Thái Tây, Hồng Thái Đông) đạt chuẩn NTM nâng cao.

Ông Nguyễn Hùng Vỹ (thôn Đồng Ý, xã Việt Dân) phấn khởi cho biết: Những năm qua, tỉnh và TX Đông Triều đã có nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp phù hợp, tạo khí thế thi đua xây dựng NTM trong nhân dân. Qua đó, tạo sự thay đổi rõ nét ở khắp các nẻo đường vùng nông thôn trên địa bàn thị xã. Và Việt Dân đang thực sự trở thành miền quê đáng sống. Toàn xã không còn hộ nghèo, số hộ có nhà biệt thự chiếm 66%, thu nhập bình quân đạt 55,8 triệu đồng/người/năm, 9/9 nhà văn hóa thôn được đầu tư xây mới, 100% đường trục chính của xã đã được đổ bê tông đạt tiêu chuẩn, được lắp đặt hệ thống đèn cao áp, có biển chỉ dẫn đường, đánh số nhà và trồng cây xanh, cây cảnh hai bên đường...

Đã có nhiều “trái ngọt” trong chương trình xây dựng NTM ở Quảng Ninh. Song chắc chắn rằng “trái ngọt” to lớn nhất mà tỉnh đã đạt được là sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của người dân. Sâu xa hơn, đó là người dân ở vùng nông thôn đã thay đổi nhận thức, loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại để vươn lên trong cuộc sống. Họ đã và đang nỗ lực cống hiến xây dựng quê hương.

Phải khẳng định, thành quả đạt được hôm nay chính là kết quả của những bước đi tiên phong, sáng tạo, hiệu quả trong chương trình xây dựng NTM của Quảng Ninh thời gian qua. Điển hình trong đó là chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP). Quảng Ninh là một trong những địa phương đầu tiên đặt nền móng cho chương trình OCOP, đến nay mô hình đã được Trung ương đánh giá cao và nhân rộng trong cả nước.

Chương trình được thực hiện với mục tiêu: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh những sản phẩm truyền thống, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị; thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM; hạn chế việc dân số nông thôn di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường, ổn định xã hội nông thôn.

 

Chương trình OCOP Quảng Ninh cũng được thực hiện dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản, là: Hành động địa phương, hướng đến toàn cầu; tự lực, tự tin và sáng tạo; đào tạo nguồn nhân lực. Cùng với đó, chương trình đã xác định 2 đối tượng quan trọng là sản phẩm và tổ chức kinh tế (tập trung vào HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ). Do vậy, chương trình OCOP được thiết kế để các chủ thể sản xuất (từ cá thể, hộ sản xuất, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp) có sự chủ động về ý tưởng sản phẩm, xác định thị trường, chủ động sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Nhà nước đóng vai trò tạo sân chơi, hỗ trợ chính sách, xúc tiến thương mại.

Thông qua các chính sách hỗ trợ sản xuất được triển khai sâu rộng, kịp thời, người dân đã có thêm động lực để phát triển kinh tế. Đặc biệt, sự ra đời và triển khai mạnh mẽ của chương trình OCOP là cơ hội để người dân phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định thương hiệu. Nhờ vậy, đời sống nhân dân ổn định, thu nhập khu vực nông thôn tăng cao, từ 10,98 triệu đồng/người/năm (năm 2010) lên 41,5 triệu đồng/người/năm (năm 2019). Tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt qua các năm, từ 7,68% (năm 2010) xuống còn dưới 1% (năm 2019).

Để giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân các xã vùng sâu, thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển, tỉnh xác định phải tập trung nguồn lực và trao thế chủ động cho người dân cùng đội ngũ cán bộ cơ sở trong tham gia công tác giảm nghèo. Trên tinh thần này, ngày 7/12/2016, tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XIII, đã thông qua Nghị quyết số 50/2016/NQ-HĐND về phân bổ nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020. Ngay sau đó, tháng 1/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 196/QĐ-UBND phê duyệt Đề án nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn (Đề án 196). Tổng nguồn lực huy động thực hiện đề án là trên 1.770 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hơn 1.500 tỷ đồng, nguồn vốn xã hội hóa là gần 270 tỷ đồng.

Dù vậy, đề án vẫn được triển khai với phương châm nhất quán là Nhà nước không làm thay, làm hộ. Để thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn một cách bền vững, các xã, thôn, người dân phải trực tiếp tham gia và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Ngân sách chỉ hỗ trợ khi các địa phương có đề án, giải pháp cụ thể, sát thực tiễn, xuất phát từ nhu cầu thực tế của nhân dân.

Đến hết năm 2019, 100% xã, thôn thuộc Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; hoàn thành mục tiêu Đề án 196 (về đích trước 1 năm); 8/8 nhóm mục tiêu cụ thể của đề án đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức.

Tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành mục tiêu đưa 17 xã, 54 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, trong đó, 100% xã có đường ô tô được cứng hóa đến trung tâm xã; 100% xã có trạm y tế đạt chuẩn; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; trên 97,82% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh. Bên cạnh đó, Đề án 196 đã thực hiện hỗ trợ 9.431 lượt hộ nghèo, cận nghèo, với 283 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 61,99% (năm 2015) xuống còn 13,38% (cuối năm 2019).

Với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, riêng có, Quảng Ninh không chỉ dần phá vỡ những rào cản trong công tác giảm nghèo, thay đổi diện mạo vùng nông thôn, góp phần xây dựng NTM, mà hơn hết đó là khơi dậy, thôi thúc, nhân lên sức mạnh to lớn từ chính nhân dân. Đây là nền tảng quan trọng xây dựng quê hương Quảng Ninh ngày càng phát triển vượt bậc.

Thực hiện: Cao Quỳnh - Thu Trang

Trình bày: Đỗ Quang

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu