4
18
/
1011301
Phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển: Động lực mới
longform
Phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển: Động lực mới

 

Ngày 23/4/2019, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU (gọi tắt là Nghị quyết số 15) về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết được xây dựng với mục tiêu rất rõ là định vị tiềm năng, phát huy lợi thế từ biển; góp phần quan trọng để sớm đưa tỉnh trở thành một trong những trung tâm dịch vụ - du lịch - thương mại hiện đại của cả nước. 

Quảng Ninh có vị trí chiến lược quan trọng trong Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, thuộc tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, có đường biên giới trên bộ và trên biển, chiều dài bờ biển hơn 250km, có 6 khu vực hàng hải (Vạn Gia, Hải Hà, Cô Tô, Cẩm Phả - Cửa Đối, Hòn Gai và Quảng Yên). Đồng thời, có di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng khác, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế; hệ thống cảng biển với nhiều cảng nước sâu có thể tiếp nhận tàu trọng tải lớn; có tiềm năng quỹ đất để phát triển các dịch vụ logistics hỗ trợ cảng và các dịch vụ du lịch biển đảo, chuyển tải hàng hóa.

Với tiềm năng, lợi thế đó, Quảng Ninh rất thuận lợi trong phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển. Giai đoạn 2014-2018, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Quảng Ninh đạt trên 360 triệu tấn, hành khách đạt trên 490.000 lượt khách. Hiện có 11 loại thuộc 3 nhóm dịch vụ cảng biển đang được triển khai tại tỉnh, tổng doanh thu dịch vụ cảng biển đạt khoảng 6.500 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt gần 15%năm; tỷ trọng đóng góp giá trị tăng thêm của dịch vụ cảng biển trong GRDP là 0,42%.

Tuy nhiên, hoạt động cảng biển và dịch vụ cảng biển tại Quảng Ninh còn nhiều hạn chế, yếu kém, dẫn đến sức cạnh tranh không cao. Một trong những hạn chế phải kể đến đầu tiên là tầm nhìn và định hướng chiến lược để phát triển cảng biển và nâng cao chất lượng dịch vụ chưa được xác định rõ ràng. Tiếp đó là hệ thống cảng biển, hạ tầng giao thông kết nối chưa được đầu tư đồng bộ; chưa có chính sách đủ mạnh để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển và dịch vụ logistics; thương hiệu cảng biển Quảng Ninh chưa được khách hàng trong nước và trên thế giới biết đến.

Các dịch vụ đòi hỏi công nghệ cao như sửa chữa, bảo dưỡng tàu, lặn ngầm khảo sát thân vỏ và siêu âm kiểm tra hàng hóa thay vì phải mở khóa niêm phong container đều phải nhờ vào dịch vụ từ Hải Phòng. Chính vì những hạn chế này, nên tuy có lợi thế cảng nước sâu, song các tàu đến cảng Quảng Ninh chủ yếu là chuyển tải để quay đầu về cảng Hải Phòng. Điều này dẫn đến chi phí vận chuyển tăng cao, các hãng tàu và chủ hàng khá e ngại khi chọn cảng Quảng Ninh để ghé qua. 

Năm 2016, câu chuyện các chủ tàu quyết định dừng vận chuyển ô tô về cảng Cái Lân và chuyển sang cảng Hải Phòng, khiến Quảng Ninh thất thu khoảng 3.000 tỷ đồng/năm cũng được cho là xuất phát từ những hạn chế, yếu kém trên.

Quảng Ninh ban hành Nghị quyết 15 với quyết tâm, định hướng rõ nét lại các kế hoạch phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển. Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch yêu cầu các sở, ngành, địa phương cụ thể hóa Nghị quyết bằng các giải pháp khả thi, phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với tình hình thực tế của tỉnh; xác định rõ mục tiêu, lộ trình, tiến độ thực hiện; đảm bảo phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm công việc cho các đơn vị.

Theo đó, trong tổng số 77 nhiệm vụ giao cho 23 nhóm cơ quan, địa phương và doanh nghiệp có 7 nhiệm vụ triển khai năm 2019; 29 nhiệm vụ triển khai từ năm 2019-2020; 25 nhiệm vụ có lộ trình thực hiện trong giai đoạn 2019-2025; 8 nhiệm vụ có lộ trình thực hiện trong giai đoạn 2020-2025; 8 nhiệm vụ có lộ trình thực hiện trong giai đoạn 2019-2030.

Mục tiêu cụ thể đặt ra là giai đoạn 2019-2025, cảng biển phấn đấu doanh thu đạt khoảng 25.000 tỷ đồng (tăng trưởng bình quân 17,5%, đóng góp khoảng 1,2-1,5% trong GRDP của tỉnh), sản lượng hàng hóa đạt 114,5-122,5 triệu tấn, lưu lượng hành khách vận tải biển đạt 250.000-300.000 lượt; phát triển dịch vụ cảng hành khách có giá trị tăng cao; phát triển thêm từ 2-3 dịch vụ cảng hàng hóa; ưu tiên hoàn thiện hạ tầng cảng biển. Giai đoạn 2026-2030, cảng biển phấn đấu doanh thu đạt khoảng 47.500 tỷ đồng (tăng trưởng bình quân 18,5%, đóng góp khoảng 3-3,5% trong GRDP của tỉnh)…

Đến năm 2045, định hướng phát triển cảng biển và kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật vào quản lý, khai thác, phát triển 20/20 dịch vụ, phát triển hậu cần sau cảng và logistics theo quy hoạch. Trong đó, tập trung khai thác tối đa quy hoạch khu bến Yên Hưng (Đầm Nhà Mạc, TX Quảng Yên), biến nơi đây thành trung tâm dịch vụ cảng biển của khu vực miền Bắc, mang đặc thù là nơi cung cấp các dịch vụ logistics cho hệ thống các cảng của TP Hải Phòng.

Với tiềm năng, lợi thế đó, Quảng Ninh rất thuận lợi trong phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển. Giai đoạn 2014-2018, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Quảng Ninh đạt trên 360 triệu tấn, hành khách đạt trên 490.000 lượt khách. Hiện có 11 loại thuộc 3 nhóm dịch vụ cảng biển đang được triển khai tại tỉnh, tổng doanh thu dịch vụ cảng biển đạt khoảng 6.500 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt gần 15%năm; tỷ trọng đóng góp giá trị tăng thêm của dịch vụ cảng biển trong GRDP là 0,42%.

Bám sát vào những mục tiêu và nhiệm vụ được giao, 30/42 sở, ngành, địa phương đã lên kế hoạch, xác định rõ lộ trình, giải pháp và phân công nhiệm vụ chi tiết sát với thực tế. Nhiều đơn vị đã có cách làm sáng tạo, đột phá, nhất là trong nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác  quản lý nhà nước đối với phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển.

Điển hình như Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh đã đưa vào sử dụng phần mềm nghiệp vụ thủ tục tàu biển từ ngày 1/4/2020. Theo đó, việc làm thủ tục cho tàu thuyền vào, rời cảng biển Quảng Ninh đã được kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia và được thực hiện ở cấp độ 4, hiện đơn vị đang triển khai thực hiện việc cấp biên lai thu phí, lệ phí hàng hải điện tử. Cục Hải quan tỉnh cũng đã triển khai hiệu quả kết nối một cửa quốc gia tại 6/6 Chi cục Hải quan, với 68 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành được kết nối; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho 100% thủ tục hải quan; đảm bảo duy trì 100% tờ khai hải quan qua các cảng biển được thực hiện trên hệ thống thông quan tự động VNACC/VCISS. Qua đó, thời gian thông quan hàng hoá được rút ngắn hơn so với năm 2018 và 2019.

Bằng cách làm cụ thể và hiệu quả, ngay trong năm đầu triển khai Nghị quyết, tháng 6/2019 cảng biển Quảng Ninh đã đón nhận nhiều tín hiệu vui khi lần đầu tiên đón tàu ANNOU MAX, quốc tịch Marshall Islands có trọng tải lên đến gần 177.000 tấn, chở theo hơn 105.000 tấn than nhập khẩu từ Australlia, đã cập cảng Hòn Nét (thuộc cụm cảng Cẩm Phả) an toàn.

Đây là con tàu có trọng tải lớn nhất từ trước đến nay chở hàng rời, làm hàng tại Quảng Ninh. Chuyến tàu không chỉ mang ý nghĩa đánh dấu trọng tải kỷ lục lần đầu đến Quảng Ninh, mà đã góp phần quảng bá năng lực, điều kiện có thể đón được các chuyến tàu lớn. Điều này cũng là lý do vì sao liên tiếp sau đó, cảng Hòn Nét, cảng Cái Lân của Quảng Ninh trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020 có khá nhiều chuyến tàu trọng tải nhỏ hơn, hoặc tương đương chọn về làm hàng.

Điều này đã đánh dấu sự tăng trưởng mới trong lĩnh vực hàng hải khi 2019 là năm có sản lượng hàng hóa cao nhất từ trước đến nay với tổng số gần 100 triệu tấn hàng thông qua, tăng hơn 20% so với năm 2018. Hành khách bằng tàu biển quốc tế năm 2019 đạt 87.000 người, trong đó tàu biển nước ngoài 60.000 người. Trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển lại tăng trưởng khá, đạt 54,3 triệu tấn, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2019. Dự kiến năm 2020, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển đạt 100 triệu tấn. Như vậy, mục tiêu giai đoạn 2019-2025, hàng hoá thông qua cảng biển Quảng Ninh đạt 114,5-122,5 triệu tấn chắc chắn sẽ hoàn thành. 

Công tác rà soát, điều chỉnh, cập nhật quy hoạch để dành quỹ đất đầu tư thực hiện các dự án phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển đã được các ngành vào cuộc quyết liệt, cơ bản đã xác định được quỹ đất từ 3.000-5.000ha theo đúng tinh thần Nghị quyết 15, để giải quyết nút thắt về phát triển dịch vụ kho bãi, khu hậu cần logistics. Một số dự án trọng điểm kết nối hạ tầng cảng biển và các KCN, KKT đã được tập trung đầu tư để tạo đà thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư; công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin tại các khu vực cảng biển đã được triển khai đồng bộ, mang lại hiệu quả, giảm bớt thời gian cho doanh nghiệp, chủ tàu; các dịch vụ cảng khách quốc tế phát triển theo hướng chất lượng cao, tầm cỡ quốc tế thông qua việc đưa Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long vào khai thác…

Với những thành công ban đầu và sự quyết tâm chính trị cao, Nghị quyết 15 đang từng bước mang đến những chuyển động tích cực cho cảng biển và dịch vụ cảng biển. Góp phần để Quảng Ninh chinh phục những mục tiêu, chỉ tiêu trong phát triển KT-XH.

 

Thực hiện: Hoàng Nga

Trình bày: Đỗ Quang

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu