4
18
/
1011658
Hạ Long vươn tầm cao mới
longform
Hạ Long vươn tầm cao mới

Nhiệm kỳ qua đã ghi nhiều dấu ấn đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển của TP Hạ Long -  địa bàn phát triển năng động bậc nhất của tỉnh. Đi cùng với những thuận lợi, thành phố cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với sự đoàn kết, thống nhất một lòng của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, với những hướng đi đổi mới, quyết liệt, táo bạo, đã giúp cho Hạ Long lớn mạnh không ngừng, xứng danh thành phố thủ phủ.

Nhìn lại nhiệm kỳ 2015-2020, có thể thấy những đổi thay mang tính đột phá, là động lực để TP Hạ Long phát triển trên mọi phương diện. Đáng chú ý, với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, thành phố đã huy động nguồn lực tập trung đầu tư các dự án dịch vụ, du lịch đẳng cấp, thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn.

Trong 5 năm qua, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố ước đạt 194.328 tỷ đồng, tăng bình quân 20,5%/năm, gấp hơn 3 lần giai đoạn 2011-2015, trong đó vốn đầu tư phát triển từ ngân sách đạt trên 10.940 tỷ đồng. Nhiều công trình giao thông trọng điểm được đầu tư, hoàn thành đưa vào sử dụng, rút ngắn thời gian di chuyển từ các trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước đến địa bàn, tạo ra động lực mới trong thu hút đầu tư, phát triển dịch vụ, du lịch… Trong đó phải kể đến các dự án về hạ tầng giao thông, như: Nâng cấp, mở rộng đường Trần Quốc Nghiễn, đường Nguyễn Văn Cừ, QL18 đoạn từ nút giao nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng về cầu Bãi Cháy, cầu Bài Thơ...; các dự án phát triển hạ tầng y tế, văn hóa, giáo dục quy mô, như: Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Bãi Cháy, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Nhà thi đấu đa năng 5.000 chỗ, Cung Văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh, Trung tâm Văn hóa, thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc, Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ...

Với cách làm bài bản, chủ trương đúng đắn, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác GPMB phục vụ  các dự án trọng điểm, dù ảnh hưởng tới hàng trăm hộ dân, ở nhiều vị trí đắc địa, có giá trị rất lớn về kinh tế, nhưng đã được triển khai nhanh chóng, hiệu quả. Mỗi người dân đã hiểu, đồng thuận cao với chính quyền địa phương, sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển chung của thành phố.

Xứng danh là thành phố thủ phủ của tỉnh, giai đoạn 2016-2020, Hạ Long đã ghi dấu nhiều “cái nhất” trong phát triển KT-XH. Đó là, địa phương có số thu NSNN cao nhất trong tỉnh: Các chỉ tiêu trực tiếp thu của khu vực Hạ Long ước đạt 22.407 tỷ đồng, tăng bình quân 42%/năm, gấp hơn 4 lần giai đoạn 2011-2015; các chỉ tiêu trực tiếp thu khu vực Hoành Bồ ước đạt 1.197 tỷ đồng, tăng bình quân 17,7%/năm, bằng 2,7 lần giai đoạn 2011-2015. Địa phương có tới trên 10.600 doanh nghiệp hoạt động, chiếm tới 48,2% doanh nghiệp toàn tỉnh; tốc độ doanh nghiệp thành lập mới tăng 14,3%/năm; nằm trong tốp các địa phương dẫn đầu toàn tỉnh trong cải cách hành chính. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của thành phố (sau sáp nhập) đạt 12,1%/năm, cao hơn so với bình quân chung của tỉnh (11%). Tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người năm 2020 ước đạt trên 8.900 USD, bằng 1,4 lần bình quân chung của tỉnh. 

Theo định hướng của tỉnh, Hạ Long tập trung phát triển du lịch, dịch vụ từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tổng lượng khách du lịch đến Hạ Long 5 năm ước đạt 38,3 triệu lượt, bằng 1,6 lần giai đoạn 2011-2015, trong đó khách quốc tế 16,8 triệu lượt, bằng 1,4 lần giai đoạn 2011-2015; tổng doanh thu du lịch ước đạt 75.404 tỷ đồng, bằng 5,3 lần giai đoạn 2011-2015. Công nghiệp - xây dựng phát triển theo hướng bền vững. Tỷ trọng ngành khai khoáng trong GRDP giảm từ 12,2% năm 2015 còn 8% năm 2020, phù hợp định hướng phát triển từ “nâu” sang “xanh”.

Khu vực nông nghiệp, nông thôn của thành phố khoác lên mình diện mạo mới. Trong 5 năm qua, ngân sách địa phương đã hỗ trợ 354 tỷ đồng, bằng 4,4 lần giai đoạn 2010-2015; đã có 904 hộ thoát nghèo, đến nay tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí quốc gia còn 0,19% (102 hộ), 0,4% theo tiêu chí nâng cao của tỉnh (325 hộ); thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2020 ước đạt 49,6 triệu đồng/người/năm, cao hơn 4,6 triệu đồng so với bình quân của tỉnh, tăng gấp 2 lần so với năm 2015. Dự kiến hết năm 2020, Hạ Long có 10/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới; hoàn thành Chương trình 135, Đề án 196 sớm 1 năm so với lộ trình.

Một trong những dấu ấn rất đặc biệt, mang tính lịch sử của thành phố trong nhiệm kỳ qua là thực hiện sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long. Không đơn thuần là việc sáp nhập cơ học về diện tích, đưa Hạ Long sau sáp nhập trở thành thành phố trực thuộc tỉnh lớn nhất cả nước với diện tích tự nhiên trên 1.119km2, quy mô dân số trên 300.200 người, có 33 đơn vị cấp xã, mà đây là câu chuyện “ý Đảng, lòng dân”, là những hân hoan và kỳ vọng cho bước phát triển mang tính đột phá của thành phố nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung.

Những con số “biết nói” đã khẳng định rõ chủ trương đúng đắn này: Trên 90% cử tri và 100% đại biểu dân cử tham gia kỳ họp HĐND 2 địa phương thực hiện sáp nhập đã đồng thuận, nhất trí biểu quyết thông qua.

Việc nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long đã góp phần đổi mới tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Cùng với việc mở rộng địa giới hành chính với quy mô diện tích tự nhiên và số đơn vị hành chính trực thuộc lớn nhất cả nước, Hạ Long còn sở hữu những nguồn tài nguyên thiên nhiên có một không hai; tỷ lệ mặt nước, cây xanh và giá trị của sự khác biệt, gắn với thương hiệu nổi tiếng Vịnh Hạ Long, đa dạng sinh học, bản sắc văn hóa đặc sắc; mang trong mình một tầm vóc mới, mở ra vận hội, thời cơ mới để thu hút tối đa mọi nguồn lực, phát triển đột phá, nhanh chóng, bền vững và nâng tầm vị thế trong giai đoạn mới. Qua đó, tạo được không gian cho sự phát triển của thành phố xứng tầm của một đô thị du lịch biển đẳng cấp của cả nước và là mũi nhọn, cực tăng trưởng về kinh tế, bước đột phá mới của tỉnh Quảng Ninh.

Những thành tựu quan trọng trong nhiệm kỳ qua đã khẳng định sự đoàn kết, thống nhất và đổi mới trong hệ thống chính trị của TP Hạ Long, tiếp tục nâng cao niềm tin của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đối với những quyết sách, chủ trương của thành phố. Đây là nền tảng, động lực quan trọng để thành phố vững tin bước sang nhiệm kỳ 2020-2025, được kỳ vọng tiếp tục có nhiều đổi mới hơn, thực hiện những mục tiêu lớn lao hơn, không chỉ vì sự phát triển riêng của thành phố, mà còn là động lực quan trọng cho sự phát triển của tỉnh.

Mục tiêu tổng quát của thành phố trong nhiệm kỳ 2020-2025 là: Kế thừa, phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, đoàn kết, dân chủ, đổi mới, sáng tạo, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả; huy động nguồn lực thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh, bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng Hạ Long trở thành trung tâm du lịch quốc gia mang tầm quốc tế, con người văn minh, thân thiện.

Trên cơ sở đó, thành phố đặt một số chỉ tiêu cơ bản về phát triển KT-XH: Dịch vụ và thuế sản phẩm 59,5%, công nghiệp và xây dựng 39,5%, nông, lâm, ngư nghiệp 1%; thu nội địa (không tính tiền sử dụng đất, tiền thuê mặt đất, mặt nước, phí tham quan Vịnh Hạ Long) tăng bình quân từ 15%/năm; tỷ trọng chi đầu tư phát triển bình quân trên 55%/năm trong tổng chi ngân sách; tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả giai đoạn 2020-2025 đạt từ 300.000 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2022, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; đến năm 2025: Có 80% số phường đạt chuẩn văn minh đô thị; 75% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 25% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 91,5%/tổng số lao động xã hội; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 78% trở lên; tỷ lệ lao động chất lượng cao đạt 25% trở lên; thành phố cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025.

Thực hiện: Hồng Nhung

Trình bày: Đỗ Quang

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu