4
18
/
1007080
"Miền đất đáng sống" của người lao động
longform
"Miền đất đáng sống" của người lao động

 

Quảng Ninh từ lâu được ví như "miền đất đáng sống", có sức hấp dẫn đặc biệt đối với nhiều người lao động tứ xứ, nhất là các tỉnh phía Bắc. Sự phát triển ngày một năng động cùng với những cơ hội việc làm đã thôi thúc họ tìm đến và bám trụ tại đây. Để người lao động có cơ hội an cư lạc nghiệp, đẩy mạnh thu hút đầu tư, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã tập trung quan tâm, xây dựng các thiết chế cho người lao động, đặc biệt quan tâm xây dựng nhà ở.

Với tổng số trên 400.000 CNVCLĐ, Quảng Ninh được biết đến là một điển hình trong cả nước về xây nhà ở cho người lao động ở các đơn vị ngành Than. Đến nay, ở nhiều mỏ, công nhân được ở những chung cư cao tầng, có thang máy, có đầy đủ tiện nghi cùng những thiết kế thể thao đi kèm. Đây được đánh giá là một nỗ lực rất lớn của ngành Than và tỉnh Quảng Ninh nhằm đem lại điều kiện sống tốt nhất cho người lao động.

Còn tại các KCN - nơi tâp trung rất đông CNLĐ hiện đang được các cấp ngành, đơn vị của tỉnh nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở cho công nhân. Theo thống kê của Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh, hiện trên địa bàn tỉnh có tổng số 25.751 lao động làm việc tại các KCN. Trong số 25.200 lao động ngoại tỉnh tại các KCN thì khoảng 8.500 công nhân đang phải thuê nhà trọ (chiếm 33,7%); khoảng hơn 1.000 công nhân đang ở khu nhà ở công nhân tập trung của Công ty TNHH Texhong Ngân Long- KCN Hải Yên. Các dự án xây nhà cho công nhân trong KCN hiện đang được đẩy nhanh phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng và chuẩn bị thủ tục đầu tư.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh chia sẻ: Theo phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở công nhân trong các KCN tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017- 2020 của UBND tỉnh, phấn đấu đến năm 2020 đáp ứng cho khoảng 70% CNLĐ trong các KCN trên địa bàn có nhu cầu được giải quyết chỗ ở, cụ thể là phấn đấu đáp ứng chỗ ở cho 48.845 người có nhà ở (tương ứng 6.113 căn hộ, 244,473 m2 sàn).

Để những kế hoạch được hiện thực hóa, việc xây nhà ở các KCN cũng đang được triển khai gấp rút. Tại KCN Hải Yên Móng Cái, Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera- Chi nhánh Tổng công ty Viglacera, đang nghiên cứu đầu tư dự án Khu nhà ở công nhân và chuyên gia phục vụ KCN Hải Yên với quy mô sử dụng đất khoảng 10ha; quy mô dân số khoảng 6.900 người với tổng số 1.326 căn căn hộ. Tại KCN Texhong Hải Hà với 10.500 lao động UBND tỉnh đã giao Texhong làm chủ đầu tư với quy mô khoảng 23ha, tổng số căn hộ khoảng 196 căn liền kề và 1.600 căn chung cư. UBND huyện Hải Hà đã thực hiện xong công tác GPMB. Công ty TNHH KCN Texhong Việt Nam đang điều chỉnh thiết kế để làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng các công trình nhà ở cho công nhân tại dự án.

Đáng mừng, tại một số KCN mới như Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong, Sông Khoai đã có quy hoạch nhà ở cho công nhân ngay từ đầu. Riêng KCN Đông Mai đang được Tổng công ty Viglacera-CTCP đề nghị UBND tỉnh xem xét, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư để hoàn chỉnh thủ tục giao Chủ đầu tư làm căn cứ hoàn thiện các thủ tục pháp lý đầu tư theo quy định.

“Những nỗ lực đó sẽ giúp người lao động yên tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp”, chị Nguyễn Minh Hồng, Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt phấn khởi.  

Còn tại KCN Cái Lân, TP Hạ Long với trên 4.800 lao động, nhu cầu nhà ở của công nhân khá lớn (khoảng 1.400 người) thì chưa có doanh nghiệp nào đầu tư xây dựng nhà ở công nhân. UBND tỉnh Quảng Ninh đã đồng ý chủ trương cho Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai Dự án nhà ở cho công nhân tại lô đất N0 thuộc dự án khu biệt thự đồi Thủy Sản, TP Hạ Long. Dự án phục vụ nhu cầu nhà ở cho khoảng 1.200- 1.500 công nhân. Tuy nhiên, dự án hiện đang bị chậm do vướng mắc một số vấn đề liên quan đến chính sách.

Thực tế tình trạng về nhà ở của KCN Cái Lân là do thiếu quỹ đất, vì trong quá trình phát triển xây dựng KCN, chủ đầu tư và cơ quan thẩm định không tính đến quy hoạch đất để làm nhà ở.

Qua khảo sát thực tế nhiều năm ở các KCN cho thấy, do thiếu thốn về nhà ở, hàng nghìn công nhân đã phải thuê nhà trọ bên ngoài với điều kiện sinh hoạt đa phần là thiếu thốn, chật chội và tạm bợ, đó là chưa kể đến vấn đề an ninh ở các khu trọ còn khá phức tạp. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho nguồn lao động của các KCN luôn rơi vào tình trạng mất ổn định.

Trong căn nhà trọ 15m2 ở tổ 3, khu 1, phường Giếng Đáy, chị Ngô Thị Thương (quê Bắc Giang), công nhân Công ty TNHH Vinanewtarp Việt Nam đang chuẩn bị cho bữa cơm tối. Hôm nay chị phải làm ca 3 bắt đầu từ lúc 18h chiều cho tới sáng hôm sau. Loay hoay trong bếp, lưng áo chị vã mồ hôi.

Căn nhà trọ đã xuống cấp. Cuộc sống không ti vi, không điều hòa và mọi tiện nghi tối tiểu, không giải trí, vui chơi. Đó là cuộc sống của chị Thương và nhiều công nhân ở đây. Họ không có lựa chọn khác. Lương 6 triệu đồng/tháng, những tháng có nhiều việc, làm thêm giờ chị được thêm khoảng 2,8 triệu nữa. Nếu không có việc để làm thêm, thu nhập của chị cũng eo hẹp. Mỗi tháng, riêng tiền thuê nhà, điện nước hết 1 triệu, tiền ăn hết 2 triệu, gửi về cho con 2 triệu. Tất cả cũng hết 4-5 triệu đồng/tháng rồi. Nếu tháng nào phải chi đám cưới, đám ma thì coi như hết lương…

“Làm mẹ đơn thân từ năm 24 tuổi nên em phải cố gắng gấp đôi. Do mải làm, ít có thời gian về quê thăm con nên hồi nhỏ, con bé không theo mẹ và chỉ gọi bà ngoại là mẹ”, Thương rơm rớm nước mắt.

Tuy nhiên, may mắn hơn nhiều công nhân ở các doanh nghiệp trong KCN, mỗi tháng Thương còn được thêm chế độ thâm niên, phụ cấp tiền xăng xe, điện thoại, chuyên cần, ăn ca, hỗ trợ thuê nhà tổng cộng hơn 3 triệu. Hàng năm cứ từ tháng 5-9, Công ty đều hỗ trợ thêm 200 nghìn uống nước mùa hè cho công nhân. Đây là khoản mà Thương có thể tiết kiệm được mỗi tháng.

13 năm lăn lộn ở Hạ Long, nhưng khi nói về tương lai, chị chỉ cười: Chắc sau này tích lũy được ít vốn liếng, em về quê tìm việc làm, chứ không thể thuê nhà mãi.

Để giảm thiểu tối đa chi phí sinh hoạt và tập trung cho công việc nơi thành phố, nhiều cặp vợ chồng đành chấp nhận gửi con cái về quê cho ông bà chăm sóc, nuôi dưỡng. Vợ chồng chị Lý Thị Đình, anh Ma Văn Săn, trọ đối diện phòng chị Thương đang bận rộn thu dọn đồ đạc chuyển phòng trọ. Đình bảo: Em mới tìm được phòng rẻ hơn, chỉ 500 nghìn/tháng. Ở đây đắt quá 700 nghìn/tháng, cộng tiền điện nước vào mất 1 triệu rồi. Vợ chồng Đình xác định ra Hạ Long sinh sống, làm việc và định cư hẳn. “Để sớm thực hiện mục tiêu này, chúng em buộc phải tiết kiệm và gửi con về quê ở Bắc Cạn nhờ ông bà nội chăm sóc để tập trung làm ăn”.

Đình mới vào làm việc cùng Công ty với Thương, nên mức thu nhập của chị thấp hơn. Cộng cả tiền làm thêm 4 tiếng 1 ngày, chị được 8 triệu đồng/tháng. Còn anh Săn, mới làm ở mỏ than Hà Lầm được một năm, mức thu nhập cũng được khoảng 14 triệu đồng. Tổng thu nhập của hai vợ chồng cũng được ngoài 20 triệu đồng/tháng. Song tiền gửi về cho bố mẹ nuôi hai con ăn học, tiền nhà trọ, điện nước, ăn uống sinh hoạt của hai vợ chồng cũng đã chiếm quá nửa. Vì thế, “nếu ở KCN xây nhà ở cho lao động có thu nhập thấp thì vợ chồng em dễ xoay sở hơn”, Đình nói.

Rời xóm trọ của Thương, vợ chồng Đình, Săn, tôi sang xóm trọ của chị Nguyễn Thị Thương (quê Đông Triều), Công ty TNHH MTV nến nghệ thuật AIDI Việt Nam gần đó. Thương kể rằng: Hôm nọ vợ chồng em chở con đi chơi, con bé chỉ mấy tòa nhà chung cư cao tầng rồi bảo: "Mẹ ơi! Hay mình dọn sang kia ở đi. Con không ở phòng trọ nữa đâu, nóng và chật lắm! Ước mơ của con cũng là ước mơ của vợ chồng em từ lâu, thế nhưng với thu nhập cả hai vợ chồng mỗi tháng chỉ hơn chục triệu thì….”, Thương bỏ dở câu nói. Cũng như Đình nếu trong KCN có nhà ở thu nhập thấp, hẳn gia đình chị sẽ thực hiện được giấc mơ an cư.

Trên thực tế, rất nhiều người lao động ngoại tỉnh làm việc tại KCN Cái Lân sau một thời gian dài bươn trải nơi thành phố đã quyết định trở về quê bởi họ quá mệt mỏi với vòng quay kiếm tiền, trả tiền nhà trọ, trang trải sinh hoạt, để rồi mỗi khi nghĩ đến chuyện "an cư lạc nghiệp" họ lại thấy nản lòng.

“Để giữ chân công nhân, không ít các doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà hàng tháng. Tuy nhiên, giải pháp này vẫn chưa thực sự giải quyết tận gốc của vấn đề và nhiều doanh nghiệp trong quá trình tuyển dụng lao động vẫn gặp không ít khó khăn. Trong dài hạn, nếu vấn đề điều kiện sinh sống của công nhân trong các KCN không được cải thiện thì nó có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển chung của các KCN”. Chị Đỗ Thị Tuyết, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Vinanewtarp bày tỏ.

Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, để triển khai hiệu quả chương trình nhà ở cho công nhân trong các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh, Chính phủ cần cho phép địa phương linh hoạt trong việc bố trí quỹ đất 20%. Các Bộ ngành Trung ương, có hướng dẫn cụ thể cho việc quản lý, sử dụng số tiền chủ đầu tư nộp vào ngân sách địa phương (tương đương giá trị quỹ đất 20%) dành để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng cần nghiên cứu, ban hành cơ chế chính sách khuyến khích ưu đãi hỗ trợ để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội trên theo Nghị quyết số 35/NQ-CP làm cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích ưu đãi hỗ trợ phát triển nhà ở công nhân trong KCN, KKT trên địa bàn tỉnh.

Đối với từng dự án cụ thể, đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án Thiết chế công đoàn Quảng Ninh tại lô đất N0 thuộc dự án khu biệt thự đồi Thủy Sản, thành phố Hạ Long; yêu cầu Công ty TNHH KCN Texhong Hải Hà đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án khu nhà ở công nhân và khu phụ trợ Texhong tại huyện Hải Hà.

Còn nhớ, tại chuyến thăm và làm việc tại Quảng Ninh vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã rất quan tâm đến đời sống, nhà ở cho người lao động. Thủ tướng nói rằng: Để đảm bảo đời sống cho nhân dân, cần có cơ chế thuận lợi hơn với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, tiếp tục xây dựng nhà ở cho công nhân. Tôi mong rằng Quảng Ninh tập trung giải pháp này, để an cư lập nghiệp cho công nhân”. Về phía Quảng Ninh, địa phương luôn tiên phong, đi đầu trong mọi công tác cũng đã và đang nỗ lực tốt nhất để giải bài toán an cư cho công nhân, để xây dựng Quảng Ninh trở thành miền đất đáng sống của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đội ngũ CNLĐ.

Tin rằng, với sự quan tâm của Chính phủ, của tỉnh, sự vào cuộc của các doanh nghiệp phân khúc nhà ở xã hội sẽ được quan tâm đúng mức để giấc mơ an cư của chị Thương, chị Đình và nhiều lao động khác không còn quá xa vời.

Thực hiện: Thanh Hằng

Trình bày: Đỗ Quang

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu