4
18
/
1005384
Khu du lịch làng quê Yên Đức: Biến thách thức thành cơ hội vàng
longform
Khu du lịch làng quê Yên Đức: Biến thách thức thành cơ hội vàng

 

Từ một làng quê đơn thuần, chủ yếu phát triển nông nghiệp, năm 2011, chính quyền xã Yên Đức (TX Đông Triều) cùng doanh nghiệp là Tổng Công ty Du lịch Sen Á Đông đã bắt tay để phát triển loại hình du lịch trải nghiệm, biến làng quê trở thành một điểm du lịch hấp dẫn. Trung bình mỗi năm, Yên Đức đón khoảng 20.000-30.000 lượt khách, chủ yếu là dòng khách châu Âu. Bắt kịp với những thay đổi của ngành Du lịch khi đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát trong nước, khi dòng khách ngoại đang tạm thời hạn chế, hoạt động du lịch ở Yên Đức đã nhanh chóng xoay chuyển tập trung cho dòng khách nội với những cách làm mới.

Giống như bao làng quê Bắc Bộ thanh bình khác, Yên Đức có những cánh đồng lúa vàng thẳng cánh cò bay, những rặng tre xanh ngát, những hàng cau thẳng tắp trong nắng, những mảnh vườn trĩu quả và người dân hết sức dung dị. Ngoài những điểm chung này, vùng đất của Đệ tứ Chiến khu giàu truyền thống cách mạng cũng sở hữu rất nhiều điểm khác biệt, khi nơi đây có những di tích lịch sử văn hóa, những thắng cảnh rất đẹp như: Núi Đống Thóc, núi Con Chuột, núi Con Mèo, núi Canh, hang 7, chùa Cảnh Huống... và cả những ngôi nhà cổ lên tới 200 tuổi.

Nhận thấy ngày càng nhiều du khách nước ngoài có hứng thú với du lịch cộng đồng, trong khi đó tiềm năng rộng lớn này vẫn bị bỏ ngỏ khi các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mới chỉ chú ý đến du lịch biển đảo, du lịch tâm linh, năm 2011, Tổng Công ty Du lịch Sen Á Đông đã mạnh dạn phối hợp cùng với chính quyền xã thành lập Công ty CP Du lịch làng quê Yên Đức để đầu tư thử nghiệm mô hình du lịch làng quê Việt, đưa Quảng Ninh có thêm một sản phẩm du lịch độc đáo hơn, đa dạng hơn.

Để đánh thức tiềm năng của vùng quê này, đưa Yên Đức trở thành điểm đến hấp dẫn, Tổng Công ty Du lịch Sen Á Đông đã chủ động bàn bạc với người dân thôn Yên Khánh và thôn Đồn Sơn chỉnh trang nhà cửa; tham gia đội văn nghệ biểu diễn hát quan họ, dân ca, chèo; học múa rối nước phục vụ du khách; hướng dẫn và cùng với du khách tham gia các trò chơi dân gian như câu cá, úp nơm, quăng chài; cùng du khách trồng rau, xay gạo, bó chổi rơm...

Từ những người nông dân chân lấm tay bùn, quen với việc đồng áng, ruộng vườn ngày nào, khi tham gia vào mô hình du lịch làng quê Yên Đức với những khóa đào tào bài bản, nay đã trở thành những hướng dẫn viên du lịch thực thụ và đa năng. Họ vừa có thể lội ruộng hướng dẫn du khách cấy lúa, vừa có thể hát chèo, biểu diễn múa rối nước, lái xe điện, làm đầu bếp... và hoàn toàn tự tin khi nói chuyện với du khách bằng tiếng Anh.

Chị Dương Thị Mến, Phó Giám đốc Công ty CP Du lịch làng quê Yên Đức cho biết: Trước đây tôi làm nghề nông, lúc rỗi việc thì tham gia đội văn nghệ của xã, chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm du lịch. Từ bỡ ngỡ ban đầu, nhưng được hướng dẫn bài bản về kỹ năng du lịch, giờ công việc này đã trở thành đam mê lớn nhất của tôi. Ngoài công việc quản lý, tôi còn biểu diễn các tiết mục văn nghệ dân gian cho du khách. Cuộc sống của tôi cũng như nhiều người dân trong xã thực sự đã có màu sắc tươi mới hơn trước.

Sự “bén duyên” giữa doanh nghiệp, chính quyền cùng sự ủng hộ, tham gia của người dân địa phương, đến nay Yên Đức vẫn là điểm du lịch cộng đồng thành công, thu hút du khách nhiều nhất tại Quảng Ninh.

Thực tế cho thấy, nếu khách đến Quảng Ninh để tham quan danh thắng thì thời gian lưu trú khá ngắn, thường chỉ 1-2 ngày. Trong khi đó các đoàn khách nước ngoài đi du lịch cộng đồng với mục đích trải nghiệm, hòa mình vào đời sống của người dân bản địa thì thời gian lưu trú thường kéo dài từ 2-4 ngày, thậm chí lâu hơn. Riêng làng quê Yên Đức, có những du khách vì say mê cảnh đẹp và con người nồng hậu nơi đây mà họ dừng chân tới hàng tuần.

Trước khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến Việt Nam, trung bình hằng tháng Yên Đức đón khoảng 2.000-3.000 lượt du khách nước ngoài, chủ yếu đến từ các nước châu Âu. Với lượng khách ổn định, thu nhập từ làm du lịch đã cải thiện đáng kể cuộc sống của người dân, giúp họ có thêm điều kiện để giữ gìn, bảo tồn những nét đẹp văn hoá độc đáo của mảnh đất xinh đẹp này. Trung bình, cán bộ, nhân viên của công ty được trả từ 4-7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài những người dân trực tiếp tham gia làm du lịch, nhiều gia đình trong xã có nhà cổ, ao cá, người làm nghề đan chổi... để công ty đưa du khách đến trải nghiệm thực tế cũng có thêm một khoản thu nhập khá ổn định.

Tuy nhiên, tháng 2/2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động du lịch ở Yên Đức ngay lập tức bị chao đảo. Công ty đã buộc phải đóng cửa khu du lịch trước cả thời điểm Chính phủ yêu cầu các cơ sở kinh doanh du lịch tạm dừng hoạt động. Sau gần 10 năm làm việc, 60 cán bộ, nhân viên của công ty rơi vào cảnh thất nghiệp. Đây là cú sốc nặng nề mà không ai có thể ngờ đến đối với doanh nghiệp này.

Chị Nguyễn Thị Hương (SN 1988), hướng dẫn viên du lịch ở Yên Đức cho biết: Thời điểm đóng cửa khu du lịch, chúng tôi thật sự rất buồn. Môi trường làm việc ở đây ngoài mang đến những trải nghiệm thú vị cùng du khách, còn giúp chúng tôi có thêm điều kiện chăm sóc gia đình vì gần nhà. Tuy nhiên, để trang trải cuộc sống, nhiều người sau 1 tháng ở nhà đã phải quay trở lại nghề nông, hoặc tìm cách đi xin việc ở nơi khác. Nếu tình trạng này còn kéo dài thì thực sự là điều vô cùng đáng tiếc!

 

Cuối tháng 4/2020, sau những nỗ lực của Chính phủ, dịch Covid-19 đã chính thức được kiểm soát tại Việt Nam, trước tín hiệu vui này, một loạt các điểm du lịch nổi tiếng trong nước đã mở cửa đón khách trở lại, nhưng chỉ được đón khách nội địa. Với một điểm du lịch chủ yếu đón khách du lịch nước ngoài, Yên Đức tiếp tục đối mặt với khó khăn lớn khác.

Làm thế nào để thu hút khách nội địa khi du lịch cộng đồng không phải là sự quan tâm hàng đầu của người dân Việt Nam? Làm thế nào để không mất đi những cán bộ, nhân viên tâm huyết và thông thạo nghề, nhất là những diễn viên múa rối nước, hát quan họ, hát chèo mất nhiều năm trời gây dựng? Làm thế nào để Yên Đức sôi động trở lại?... Đó là những trăn trở của chị Lý Thị Hằng, Giám đốc Công ty CP Du lịch làng quê Yên Đức trong suốt một thời gian dài.

 

Chia sẻ về quyết tâm khôi phục lại hoạt động cho khu du lịch, chị Hằng cho biết: Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ tâm lý, xu hướng, điều kiện tài chính của người dân Việt Nam khi đi du lịch, rồi từ đó xây dựng, thiết kế lại các chương trình du lịch với nhiều ý tưởng mới lạ, để mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị hơn. Mang sản phẩm du lịch tốt nhất đến cho du khách với giá thấp nhất là hướng đi của công ty trong thời điểm này.

Để hiện thực hóa quyết tâm này, công ty đã cải tạo lại khu vực văn phòng thành khu chợ quê thời mậu dịch với các gian hàng ăn uống, check-in hấp dẫn cho du khách. Khi đến với chợ quê, du khách sẽ được đổi tiền mặt thành tem phiếu giống như thời bao cấp cho những hoạt động mua sắm, ăn uống tại đây.

Chị Nguyễn Thị Nhung (du khách đến từ Hà Nội) cho biết: Tôi rất ấn tượng với mô hình chợ mậu dịch ở đây khi đã phần nào tái hiện chân thực và sinh động cuộc sống của một giai đoạn lịch sử đáng nhớ thời bao cấp ngày xưa, khơi gợi những kỷ niệm sâu sắc trong lòng những người đã trải qua. Đồng thời, đây cũng sẽ là cầu nối giúp cho các bạn trẻ thêm hiểu về một thời kỳ khó khăn trong quá khứ của đất nước.

Hướng đến khai thác đối tượng là học sinh ở các trường học, công ty đã xây dựng chương trình “Cuộc đua kỳ thú” bên cạnh những hoạt động trải nghiệm như mò cua, bắt cá... để trong quá trình đi giải mã những bí ẩn, các em có sự gắn kết với nhau hơn và thể hiện được cá tính của bản thân.

Ngoài ra, thay vì chú trọng vào các tour dài ngày như trước cho khách Âu, hiện công ty đã xây dựng các tour ngắn trong ngày và triển khai gói kích cầu tour tham quan 99.000 đồng/người từ ngày 30/5 đến hết 20/6/2020 (từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần) cho nhiều hoạt động hấp dẫn như: Xem múa rối nước, thử tài làm nông dân với hoạt động xay thóc giã gạo, đổi tem phiếu trải nghiệm tại khu mậu dịch thời bao cấp, xe điện miễn phí, chụp ảnh và tham quan làng với khung cảnh bình yên, trong lành...

 

Thống kê từ ngày 30/5 đến 9/6, Khu du lịch làng quê Yên Đức đã đón gần 2.000 lượt khách, nhiều trường học đã đăng ký đưa học sinh đến tham quan, trải nghiệm ngay sau khi kết thúc năm học, số lượng cán bộ, nhân viên đã quay trở lại đi làm đạt 70% so với trước thời điểm có dịch.

Nhìn từ câu chuyện ở Khu du lịch làng quê Yên Đức cho thấy, đại dịch Covid-19 là một phép thử, nếu mỗi doanh nghiệp biết cách vượt qua giai đoạn khó khăn, xốc lại chính mình, hướng đến chuyên nghiệp, vươn ra những thị trường mới, thì đây lại là một cơ hội tạo đà đột phá, góp phần đưa du lịch Quảng Ninh cất cánh và chinh phục những dấu mốc mới.

Hoàng Nga

Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu