4
18
/
1002044
Quảng Ninh chinh phục các chỉ số PAR INDEX, SIPAS
longform
Quảng Ninh chinh phục các chỉ số PAR INDEX, SIPAS

 

Ngày 19/5, tại Hội nghị “Công bố chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2019 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) 2019” do Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức, Quảng Ninh đã được vinh danh ở vị trí quán quân của cả 2 chỉ số trong toàn quốc. Đây là kết quả ghi nhận cho những nỗ lực không ngừng của các cấp chính quyền tỉnh trong công tác CCHC, đổi mới hoạt động, qua đó củng cố niềm tin cho người dân, doanh nghiệp vào sự lãnh đạo, quản lý, điều hành.

CCHC được tỉnh Quảng Ninh xác định là một trong 3 khâu đột phá quan trọng trong phát triển KT-XH của địa phương. Thực hiện khâu đột phá này, những năm qua, tỉnh đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, nỗ lực vượt bậc với quyết tâm đưa bộ máy hành chính của tỉnh ngày càng gọn nhẹ, chuyên nghiệp, hướng tới mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách nhanh nhất, tốt nhất.

Ngay từ năm 2012, Quảng Ninh bắt tay vào triển khai Dự án Xây dựng mô hình chính quyền điện tử. Trong đó, dấu ấn đầu tiên của sự đột phá, tiên phong chính là việc từng bước xây dựng, hoàn thiện quy trình hoạt động của Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, 13 địa phương và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả hiện đại tại các xã, phường, thị trấn để giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Đây là mô hình duy nhất ở Quảng Ninh đã được Thủ tướng Chính phủ cho thí điểm thành lập theo Quyết định số 1831/QĐ-TTg ngày 28/10/2015. Đến nay, đã có tổng số hơn 1.400 TTHC được đưa vào thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Gần 100% TTHC thuộc thẩm quyền của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh thực hiện theo nguyên tắc “4 tại chỗ”; 22 sở, ngành, đơn vị trực thuộc sử dụng con dấu thứ 2 tại trung tâm để giải quyết TTHC theo nguyên tắc “5 tại chỗ”.

Với mô hình đột phá này, thời gian giải quyết TTHC tại Quảng Ninh được cắt giảm trung bình 40-60% so với thời gian quy định của Trung ương; thời gian giải quyết, trả kết quả đúng hạn và trước hạn đạt 99,9%, trong đó trước hạn đạt 25,7%, chỉ có 0,01% hồ sơ bị quá hạn. Cung cấp các TTHC mức độ 3, 4 đạt gần 85% tổng số TTHC ở cấp tỉnh và 73% ở cấp huyện...

Quý I/2020, dù chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nhất là trong giai đoạn toàn dân thực hiện giãn cách xã hội, thế nhưng, bộ máy hành chính, công quyền của Quảng Ninh vẫn hoạt động hiệu quả. Người dân vẫn có thể giải quyết mọi vấn đề về TTHC. Trong đó, riêng Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh vẫn tiếp nhận, giải quyết hơn 13.800 hồ sơ TTHC với tỷ lệ giải quyết đúng và trước hạn đạt 99,9%, trong đó có 4.800 hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết bằng hình thức trực tuyến. Trung tâm cũng đã tiếp nhận, xử lý gần 1.700 cuộc gọi hỗ trợ, tư vấn qua tổng đài 1900558826; gửi hơn 36.000 tin nhắn SMS tự động miễn phí thông báo tình trạng hồ sơ cho tổ chức, người dân; tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC qua đường bưu chính đối với hơn 1.200 hồ sơ; cập nhật hơn 2.800 kết quả bằng chữ ký số lên trang http://dichvucong.quangninh.gov.vn...

Quảng Ninh hiện nằm trong số ít các địa phương đã triển khai sử dụng chứng thư số rộng rãi; liên thông quản lý văn bản tới 100% các cơ quan đảng, hành chính, đơn vị sự nghiệp các cấp trên địa bàn tỉnh; đứng top đầu Việt Nam trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giải quyết TTHC và luân chuyển văn bản điện tử 4 cấp. Tính đến ngày 18/5/2020, Quảng Ninh đã trao đổi trên 8,6 triệu văn bản điện tử giữa 713 đơn vị trên địa bàn...

Với mục tiêu “Lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo hiệu quả công việc”, bên cạnh việc đi đầu trong CCHC, Quảng Ninh xác định cần có sự đổi mới mạnh mẽ trong việc định lượng, đo lường đánh giá một cách thực chất, khách quan các kết quả đạt được về nội dung, mục tiêu cải cách. Trên tinh thần đó, ngày 17/8/2018, UBND tỉnh phê duyệt Đề án Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Quảng Ninh (SIPAS), giai đoạn 2018-2020. Nội dung khảo sát tập trung vào 5 trục thành phần: Tiếp cận dịch vụ hành chính công của cơ quan hành chính nhà nước; thủ tục hành chính; công chức trực tiếp tiếp nhận và giải quyết TTHC; kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công; tiếp nhận, giải quyết ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị.

Qua mỗi năm, trục thành phần của bộ chỉ số này đều có những điểm mới, nhằm phản ánh được khách quan hơn, sát thực tế hơn. Gần đây nhất, đầu năm 2019, cùng với đánh giá 20/20 sở, ban, ngành, 14/14 địa phương trong tỉnh, Quảng Ninh thực hiện đánh giá kết quả SIPAS 2018 đối với 3/6 cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là lần đầu tiên tỉnh thực hiện tích hợp điểm SIPAS vào kết quả đánh giá PAR INDEX.

Đồng thời, để người dân có thể đánh giá một cách khách quan cho các nội dung thành phần của SIPAS, các đơn vị đã triển khai đồng bộ các cách thức khảo sát, như: Phát phiếu khảo sát; qua hòm thư góp ý; đánh giá qua hệ thống mạng internet tại địa chỉ website: dichvucong.quangninh.gov.vn... đồng thời thí điểm triển khai ứng dụng điện thoại thông minh.

Tính đến năm 2020, Quảng Ninh đã có 7 năm thực hiện đánh giá PAR INDEX và bước sang năm thứ 3 đánh giá SIPAS. Có thể thấy, điều mà cả hệ thống chính quyền Quảng Ninh làm được đó là “dám nhìn thẳng sự thật”, tập trung CCHC toàn diện với quyết tâm thực hiện thành công nhiều mô hình, cách làm mới. Từ đó, tỉnh đã tìm ra cách để “truyền lửa” cải cách từ cấp tỉnh xuống các sở, ban, ngành và địa phương; chủ động để các địa phương “thi đua” lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu của mọi sự phục vụ.

Luôn không bằng lòng với những kết quả đã đạt được, sau mỗi kỳ công bố kết quả đánh giá các chỉ số của các tổ chức, đơn vị, nhất là trong 2 năm 2017, 2018 giữ ngôi đầu trên đường đua PAR INDEX, PCI... Quảng Ninh tổ chức ngay các cuộc họp bàn, hội nghị để phân tích, đánh giá từng chỉ số thành phần và đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả cho những năm tiếp theo.

Tại các cuộc hội nghị, các chuyên gia đều tập trung “mổ xẻ” những điểm, những tiêu chí còn yếu kém như: Tiêu chí về trễ hẹn, tiêu chí về xin lỗi vì trễ hẹn, tiêu chí trách nhiệm giải trình với người dân… dẫn đến hạn chế trong công tác CCHC; một bộ phận người dân chưa thật sự hài lòng về kết quả giải quyết thủ tục hành chính... Từ đó, các chuyên gia uy tín trong và ngoài nước đã gợi mở, đưa ra giải pháp để tỉnh tiếp tục khắc phục những hạn chế, nâng cao các điểm thành phần, duy trì vị trí dẫn đầu.

Với quyết tâm cao, Quảng Ninh đã quyết liệt thực hiện thành công nhiều giải pháp về CCHC, nhằm xây dựng nền hành chính phục vụ, mang đến sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp, qua đó tạo những đột phá mới trong phát triển. Thành quả của sự cầu thị, nỗ lực và đổi mới không ngừng này chính là sự ghi nhận của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đối với các cấp chính quyền, bộ máy điều hành của tỉnh ngày càng được nâng cao. Tại lễ công bố PAR INDEX và SIPAS năm 2019 vừa được tổ chức vào sáng 19/5, Quảng Ninh đồng thời được vinh danh là quán quân của cả 2 chỉ số. Trong đó, đối với Chỉ số PAR INDEX đạt 90,09 điểm trên thang điểm 100, tăng 1,03 điểm so với năm 2018, và là địa phương duy nhất nằm trong nhóm A (trên 90 điểm). Trong 8 trục thành phần của Chỉ số PAR INDEX, Quảng Ninh có 4 trục tăng điểm so với năm 2018.

Đáng chú ý nhất, trục thành phần Xây dựng và nâng cao chất lượng cán bộ công chức, viên chức tăng từ vị trí thứ 6 (11,61/13,5 điểm) lên vị trí cao nhất toàn quốc (12,95/13,5 điểm). Theo đánh giá của Trung ương, Quảng Ninh là địa phương có nhiều cách làm hay, sáng tạo, đi đầu cả nước thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 3/3/2015 về “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”. Các cơ quan, đơn vị hành chính của tỉnh ngày càng tăng tính chủ động, kịp thời nắm bắt, giải quyết có hiệu quả, dứt điểm những vấn đề khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp; bám sát với mục tiêu xây dựng hình ảnh, môi trường đầu tư kinh doanh, văn hóa đồng hành, văn hóa thực thi của tỉnh Quảng Ninh đối với người dân, doanh nghiệp.

Nếu như đối với Chỉ số PAR INDEX, Quảng Ninh đã giữ vững được thành quả ngôi vị đứng đầu liên tiếp 3 năm liền thì ở Chỉ số SIPAS, lần đầu tiên tỉnh chạm đến vị trí số một. Chỉ số SIPAS 2019 ghi nhận sự bứt phá, vươn lên mạnh mẽ của tỉnh từ vị trí thứ 7 năm 2018 với 91,15% lên vị trí dẫn đầu cả nước với điểm số 95,26%. Trong đó, một số chỉ số quan trọng phản ánh cảm nhận của người dân, tổ chức về sự phục vụ hành chính, như: Việc phải đi lại nhiều lần để giải quyết công việc; vấn đề bị trễ hẹn, bị phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực... của tỉnh đều ở mức thấp và giữ được xu hướng giảm dần kể từ năm 2017.

Chia sẻ đánh giá của mình về Quảng Ninh, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết: Quảng Ninh đã chứng tỏ được chất lượng cũng như vị thế của mình thông qua bảng xếp hạng chỉ số PCI, PAR INDEX cùng nhiều chỉ số đo lường về hiệu quả, hiệu lực của chính quyền địa phương. Đây cũng là minh chứng rõ nét, sống động khẳng định cách làm đúng, hướng đi mới của tỉnh đã được nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao.

Được biết sau hội nghị công bố này, trong tháng 5/2020, Quảng Ninh sẽ tổ chức một hội nghị để đánh giá, phân tích tất cả các chỉ số đã đạt được thời gian qua. Qua đó, không chỉ tiếp tục giữ vững thành quả đứng đầu mà phải nâng cao hơn nữa các trục thành phần trong các bộ chỉ số. Sự quyết tâm này là điểm tựa để chúng ta tin tưởng, Quảng Ninh sẽ tiếp tục gặt hái về thành công, không chỉ trong các bảng xếp hạng như PAR INDEX, SIPAS, ICT Index, PAPI, PCI... mà còn trên nhiều phương diện phát triển KT-XH, đưa Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ hơn.

Minh Hà - Thanh Tùng

Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu