4
18
/
999213
Bài 2: Chân thành - Đổi mới - Đột phá
longform
Bài 2: Chân thành - Đổi mới - Đột phá

 

Với những nỗ lực bền bỉ của mình, 6 năm liên tiếp (2013-2018) Quảng Ninh duy trì trong nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước. Năm 2013, 2014 tỉnh bứt phá lên hạng thứ 4, thứ 5 rồi vươn lên giành vị trí thứ 3, thứ 2 trong năm 2015, 2016. Đặc biệt, năm 2017, 2018, Quảng Ninh dẫn đầu trong số các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất bằng vị trí quán quân PCI. Từ tư duy quyết tâm đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, cùng sự chân thành, cởi mở, Quảng Ninh đã xây dựng nên một thương hiệu PCI riêng có, không chỉ tạo môi trường ngày càng tốt hơn cho doanh nghiệp địa phương phát triển, mà còn là điểm đến hấp dẫn của mọi nhà đầu tư.

Sau gần 1 thập kỷ thực hiện chiến lược tăng trưởng bền vững, trong đó có việc tập trung đổi mới trong điều hành kinh tế, quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Quảng Ninh đã có những thay đổi mang tính đột phá trên nhiều phương diện.

Không để nhà đầu tư phải đắn đo, nghi ngại về khoảng cách địa lý, thời gian di chuyển từ các địa phương khác, thậm chí là từ quốc gia khác đến với tỉnh, Quảng Ninh đã làm một cuộc “đại cách mạng” về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Hiếm có địa phương nào trong cả nước có thể huy động nguồn lực ngoài ngân sách lớn đến hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư cho hạ tầng giao thông. Điều này không chỉ thể hiện quyết tâm rất lớn của tỉnh, mà còn cho thấy sự gắn bó, tin tưởng ngày càng lớn giữa tỉnh đối với các nhà đầu tư.

Từ năm 2018, Quảng Ninh chính thức đưa 2 tuyến cao tốc do tư nhân triển khai vào khai thác với tổng chiều dài gần 100km, trong đó trên tuyến có cầu Bạch Đằng, cây cầu có công nghệ thi công mới nhất và lần đầu tại Việt Nam với tổng mức đầu tư gần 7.500 tỷ đồng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn dài gần 60km tổng vốn 12.000 tỷ đồng; tỉnh cũng hoan thiện cảng hàng không tư nhân đầu tiên ở Việt Nam tại Vân Đồn và cảng tàu chuyên biệt cho du lịch đầu tiên ở Việt Nam tại TP Hạ Long. Các tuyến đường ra cửa khẩu, biên giới và các khu kinh tế, khu công nghiệp… cũng nhanh chóng được nâng cấp, hoàn thiện.

Thống kê sơ bội khoảng 5 năm trở lại đây, tổng vốn đầu tư PPP cho các công trình giao thông tại Quảng Ninh đã đạt tới trên 47.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước chỉ tham gia khoảng 9% để thực hiện GPMB, đầu tư công trình đối ứng. Từ xuất phát điểm không cao, Quảng Ninh đã vươn lên tốp các tỉnh phát triển năng động nhất cả nước, là một trong những địa phương sở hữu hạ tầng giao thông đa dạng và có thể nói là tốt nhất hiện nay.

Quảng Ninh cũng đã, đang hình thành các KCN, KKT chất lượng cao tại TX Quảng Yên, Hạ Long, Vân Đồn, Hải Hà, Móng Cái với hạ tầng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư tốt hơn, nhất là đối với nhà đầu tư lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghệ cao…

Các nhà đầu tư sau một thời gian trở lại Quảng Ninh đã không khỏi ngỡ ngàng bởi có quá nhiều sự thay đổi. Với khoảng thời gian chưa đầy 2 tiếng đồng hồ đi cao tốc, nhiều nhà đầu tư thường hay nói vui, trong một ngày, họ có thể từ Hà Nội xuống TP Hạ Long để ăn sáng, uống cà phê, sau đó vẫn có thể làm việc với lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương hoặc liên hệ với IPA Quảng Ninh để được hỗ trợ, nghiên cứu các dự án đầu tư một cách nhanh chóng và chuyên nghiệp. Tất cả đều diễn ra thuận lợi, đem đến một cảm giác sảng khoái và hiệu quả cao. Thậm chí, nếu muốn nhà đầu tư vẫn có đủ thời gian trải nghiệm tham quan một số địa điểm, danh lam thắng cảnh đặc sắc của tỉnh...

Cùng với đầu tư hạ tầng đồng bộ, Quảng Ninh tiến công vào khâu đột phá cải cách hành chính ngày càng thực chất hơn, hiệu quả hơn. Đây cũng là một trong những điều mà nhà đầu tư có thể cảm nhận rất rõ. Thay vì phải mất nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí hàng năm để giải quyết các vấn đề liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính, hay những vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, triển khai dự án, giờ đây, nhà đầu tư chỉ mất đến vài ngày, thậm chí là vài giờ.

Hiện Quảng Ninh đã rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp còn 2 ngày làm việc; đối với các dự án không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư tại các Điều 30, 31, 32 Luật Đầu tư, thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư không quá 10 ngày làm việc; đối với dự án thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư, thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư không quá 3 ngày làm việc. Hay đối với thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh không quá 5 ngày; thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa không quá 45 ngày;…

Được biết, trung bình 1 năm, tỉnh Quảng Ninh tổ chức 4 hội nghị gặp gỡ tiếp xúc quy mô cấp tỉnh và hàng trăm cuộc gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp cấp sở, ban, ngành, địa phương và các cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo chuyên đề. Đáng chú ý tại các cuộc tiếp xúc, các vấn đề doanh nghiệp kiến nghị đã được tỉnh tổng hợp, thông tin về cách giải quyết đến doanh nghiệp; cùng với đó, rất nhiều vấn đề doanh nghiệp đề xuất ngay tại cuộc họp cũng được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo hướng giải quyết ngay. Đối với những vấn đề cần có thời gian nghiên cứu, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo cơ quan tham mưu sớm đưa phương án giải quyết và trả lời doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất. Cách làm này của tỉnh được cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư rất hoan nghênh.

Đánh giá cao sự tham gia, đóng góp ý kiến của doanh nghiệp đối với sự phát triển của tỉnh, thời gian qua tỉnh đã mời đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh được tham dự các cuộc họp Thường kỳ UBND tỉnh. Tỉnh cũng cập nhật thường xuyên các quy trình TTHC, các quy hoạch về sử dụng đất, quy hoạch ngành, quy hoạch kinh tế xã hội, quy hoạch chung xây dựng, các thông tin về ngân sách, mời thầu... để nhà đầu tư, doanh nghiệp dễ tiếp cận và tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh.

Trao đổi với PC Trung tâm Truyền thông tỉnh tại Hội nghị công bố Chỉ số DDCI Quảng Ninh, diễn ra vào tháng 2/2020, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đặng Duy Quân đánh giá: Đại diện cho các doanh nghiệp của tỉnh, chúng tôi có thể khẳng định một điều, trong những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương làm rất tốt việc quan tâm, đồng hành và hỗ trợ, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp của tỉnh. Trong đó có những nội dung có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Điều đó đã thể hiện rõ nét quyết tâm cao của Quảng Ninh trên con đường hội nhập và phát triển, lấy sự phát triển của doanh nghiệp là một trong những “hạt nhân” cho sự phát triển của tỉnh. Và các doanh nghiệp của Quảng Ninh chắc chắn sẽ đồng hành, chung sức với tỉnh trên con đường đó.

Còn Giám đốc Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long Nguyễn Văn Nhân thì chia sẻ: Trong suốt thời gian qua, Quảng Ninh đã luôn chứng tỏ được sự chủ động, linh hoạt và chu đáo, sâu sắc của mình trong mối quan hệ đối với các doanh nghiệp. Đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài muốn tìm hiểu cơ hội, đầu tư và phát triển tại tỉnh, trong đó có Amata. Nổi bật phải kể đến việc tỉnh nói chung và các địa phương thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp, quan tâm, chia sẻ và thẳng thắn trao đổi, tìm tiếng nói chung để giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn. Điều quan trọng nhất chúng tôi đánh giá rất cao ở Quảng Ninh chính là sự chủ động trong đồng hành cùng doanh nghiệp, không thụ động chờ doanh nghiệp “gõ cửa”.

Xác định xúc tiến đầu tư cần sự chung tay của nhiều cơ quan, tổ chức trong và ngoài tỉnh, bạn bè quốc tế, Quảng Ninh đã sớm triển khai chương trình hợp tác với JETRO Hà Nội và Hội đồng cố vấn Quảng Ninh - Nhật Bản; hợp tác với nhiều cơ quan thông tấn báo chí chuyên sâu về kinh tế, đầu tư; duy trì hoạt động của Văn phòng hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản tại Quảng Ninh (Japan Desk Quảng Ninh), duy trì kết nối và trao đổi thông tin với các đại sứ quán, lãnh sự quán và các văn phòng đại diện Việt Nam tại nước ngoài, nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam...

Song song với đó, tỉnh tiếp tục ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, hỗ trợ các nhà đầu tư. Trong đó, chú trọng đến các đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao, nông nghiệp sạch, chế biến, chế tạo,…

Có thể khẳng định, các giải pháp mà Quảng Ninh triển khai thực hiện thời gian qua trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đã bám rất sát các chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là các nghị quyết của Chính phủ như: Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2018 (từ năm 2019 là Nghị quyết 02/NQ-CP) về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Thành quả mà Quảng Ninh đạt được hôm nay, đó chính là sự ghi nhận, trân trọng, hợp tác và tin tưởng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Hiện tỉnh đang thu hút được vốn đầu tư từ trên 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Những dự án lớn trị giá lên tới hàng nghìn tỷ đồng ngày một xuất hiện nhiều hơn ở tỉnh đến từ các nhà đầu tư hàng đầu trong nước, như Sun Group, Vingroup, FLC, BIM, Tuần Châu… cùng với đó là hiện diện của các tập đoàn lớn trên thế giới, như Wyndham, Starwood, ISC Corp, Amata, Nakheel, Hilton,..

Thống kê từ đầu năm tới nay, toàn tỉnh có 2.370 đơn vị thành lập mới, vốn đăng ký đạt khoảng 15.500 tỷ đồng. Đến hết Quý I/2020, toàn tỉnh có 19.353 doanh nghiệp, đơn vị phụ thuộc; thu hút nguồn lực đầu tư tư nhân tăng nhanh, trong đó tổng vốn FDI trên địa bàn tỉnh đến nay đạt khoảng 6,8 tỷ USD.

Hoạt động khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp đã mang lại kết quả tích cực với sự hiện diện của nhiều tập đoàn tư nhân lớn hàng đầu, nhiều công trình tạo động lực phát triển được đẩy nhanh tiến độ thực hiện như: Tuyến đường kết nối từ Quốc lộ 18 với đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, Đường trục chính trung tâm khu đô thị Cái Rồng, Tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả (giai đoạn 1)...

Những chuyển động này góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh với tốc độ tăng trưởng GRDP luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước. Giai đoạn 2011-2015 là 7,6%/năm, giai đoạn 2016-2018 là 10,5%/năm, dự kiến giai đoạn 2016-2020 đạt 11,1%/năm. Năm 2019 đạt 12,01%, là mức tăng trưởng cao, hai con số trong 4 năm liên tiếp từ năm 2016 đến nay; tổng thu ngân sách đạt trên 46.600 tỷ đồng trong đó thu nội địa đạt trên 34.600 tỷ đồng; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 6.135 USD/người/năm, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,52%.

Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh tiếp tục được cải thiện. Không chỉ giữ vững 2 năm liên tiếp (2017,2018) đứng đầu xếp hạng về Chỉ số PCI, Chỉ số PAR Index, đứng thứ 3 về Chỉ số ICT Index sau ba năm liên tiếp giữ vị trí thứ 4. Mới đây, Quảng Ninh đón nhận thêm một tin vui nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước Bộ Chỉ số PAPI quốc gia về đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh.

Được biết, kết quả PCI 2018 của tỉnh với tổng điểm 70,36 - điểm số cao nhất cả nước. Tuy nhiên, khoảng cách điểm số đó với thang điểm 100 còn tương đối rộng, cho thấy vẫn còn nhiều dư địa để cải cách. Đặc biệt, vấn đề đáng quan tâm là tổng điểm năm 2018 của chúng ta thấp hơn 0,33 điểm so với năm 2017.

Bên cạnh đó là sự vươn lên mạnh mẽ và nguy cơ cạnh tranh hiện hữu của các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là nhóm dẫn đầu, khi tỉnh Đồng Tháp ở vị trí thứ 2 chỉ kém Quảng Ninh 0,19 điểm và cùng là địa phương có hướng cải thiện PCI một cách bền vững khi duy trì 11 năm liên tiếp trong nhóm dẫn đầu cả nước. Hay PCI năm 2018 cũng cho thấy nỗ lực lớn của 2 thành phố lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong tốp 10.

Những vấn đề đặt ra, đòi hỏi “lửa cải cách” của Quảng Ninh phải không ngừng nghỉ để có những giải pháp hiệu quả hơn với tình hình thực tiễn. Dự kiến ngày 5/5, VCCI Việt Nam sẽ công bố Bảng xếp hạng PCI 2019, chúng ta đang rất mong chờ thành quả xứng đáng mà Quảng Ninh đã nỗ lực suốt thời gian qua trên đường đua này.

HỒNG NHUNG

Trình bày: Tất Đạt

Bài 3: Đường dài cần xung lực mới

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu