4
18
/
998651
Quảng Ninh trở lại ngoạn mục trong bảng xếp hạng PAPI: Đó là hành trình xây dựng giá trị niềm tin
longform
Quảng Ninh trở lại ngoạn mục trong bảng xếp hạng PAPI: Đó là hành trình xây dựng giá trị niềm tin

 

Năm 2011, Quảng Ninh chính thức tham gia vào bộ chỉ số PAPI, nhưng suốt 7 năm (2011, 2012, 2013, 2014, 2015, 2016, 2017) vị trí xếp hạng cũng chỉ lóp ngóp ở top cuối, thậm chí là gần như đội sổ. Điều này đã khiến cả hệ thống chính trị của tỉnh buộc phải suy nghĩ, tìm giải pháp thực thi thực sự có hiệu quả để lấy được niềm tin của người dân. Và sự nỗ lực trong những năm qua đã có trái ngọt đầu mùa. Đó là thực hiện toàn diện cải thiện 6 trục nội dung cơ bản liên quan đến người dân, đưa Quảng Ninh bứt phá ngoạn mục trở lại trong bảng xếp hạng PAPI 2019 của cả nước, với sự có mặt trong top 3 tỉnh dẫn đầu cả nước (sau Bến Tre và Đồng Tháp).

Năm 2017, Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU về thực hiện thống nhất bầu trưởng thôn, bản, khu phố với nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ nhiệm kỳ 2017-2020 theo quy trình “dân tin, Đảng cử”. Như luồng gió mới để dân chủ hóa quá trình tham gia của người dân vào quản trị từ hạt nhân nhỏ nhất trong hệ thống chính trị là cấp thôn, bản, khu phố, chủ trương này đã được nhân dân toàn tỉnh đón nhận trong niềm vui được tôn trọng, quyền chủ động tham gia quyết định trong xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh nhà.

 

Ông Nguyễn Văn Phức, thị trấn Bình Liêu (huyện Bình Liêu) cho rằng: “Dân biết, dân bàn, dân làm chủ” nội dung này đã được các cấp chính quyền thực hiện trong những năm qua nhưng để người dân thấy được việc mình biết, mình bàn, mình tham gia một cách chủ động thì trong thực hiện bầu trưởng thôn, bản, khu phố với bầu Bí thư Chi bộ thôn là rõ nhất. Cán bộ cấp thôn những người gần dân, sát dân nhất, lãnh đạo hoạt động của thôn là chi bộ, vậy nên vai trò của người đứng đầu là bí thư chi bộ, trưởng thôn rất quan trọng. Với mô hình nhất thể hóa này, dân chúng tôi tin tưởng bầu trưởng thôn, trưởng thôn được Đảng tín nhiệm giới thiệu để bầu bí thư chi bộ, như vậy cùng một cán bộ, một con người nhưng họ nhận được niềm tin của cả người dân và Đảng. Kết quả không chỉ chúng ta có được một lãnh đạo trọn vẹn niềm tin của nhân dân, đảng viên mà quan trọng hơn nữa chúng ta đã phát huy được dân chủ, phát huy được quyền tham gia của người dân ở cơ sở.

3 năm thực hiện nhiệm vụ tạo cơ chế để người dân tham gia vào các quy trình quản trị của hệ thống chính trị từ cơ sở, họ đã hài lòng với chất lượng bầu cử vị trí trưởng thôn, bản, khu phố gắn với chức danh bí thư chi bộ cho Quảng Ninh những trái ngọt rất tự hào. Đó là, ngày 5/1/2020, tỉnh Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai đồng loạt việc bầu trưởng thôn, bản, khu phố, chỉ trong buổi sáng, toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc bầu cử với tỷ lệ cử tri đi bầu đạt gần 100%, số ứng cử viên trúng cử đạt số phiếu tuyệt đối chiếm tỷ lệ lớn. Trong tháng 1, thực hiện việc tổ chức đại hội chi bộ cấp cơ sở theo quy trình “dân tin, Đảng cử”, đến ngày 5/2/2020, 1.542/1.542 thôn, khu  trên toàn tỉnh đã hoàn thành công tác đại hội chi bộ, nhiệm kỳ 2020-2022. Kết quả, 100% trưởng các thôn, khu đều được bầu làm bí thư chi bộ với số phiếu bầu cao tuyệt đối. 1.542 bí thư chi bộ, đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố của tỉnh Quảng Ninh được bầu theo đúng quy trình Đảng giới thiệu nhân sự để nhân dân lựa chọn vào chức danh trưởng thôn, khu; sau đó cấp ủy giới thiệu để bầu chức danh trong chi bộ, hoàn thành mục tiêu 100% bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu (năm 2016 có 21,5% bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu; 32,8% trưởng thôn, khu là đảng viên).

Giá trị niềm tin của nhân dân, đó không phải là những lá phiếu điều tra xã hội học được thực hiện hàng năm, mà đó là sự đồng thuận, ủng hộ với các chủ trương mới, lớn của tỉnh, của huyện của xã, là sự tham gia một cách chủ động của người dân để góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Minh chứng  rõ nhất cho giá trị niềm tin mà Quảng Ninh gây dựng được trong những năm qua trong lòng nhân dân, đó là từ việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết của Quốc hội năm 2019. 1 đơn vị cấp huyện thực hiện sáp nhập (huyện Hoành Bồ sáp nhập vào TP Hạ Long) 16 đơn vị cấp xã thực hiện sáp nhập, chuyện không hề nhỏ, vì đó không chỉ là quyền lợi mà là truyền thống, lịch sử, là sự tự tôn của người dân sở tại của địa phương đó, là tính cục bộ địa phương luôn tiềm ẩn trong suy nghĩ của mỗi người. Khó, chắc chắc rồi rất khó nhưng Quảng Ninh đã làm được, làm một cách tròn trịa, thành công, nhân dân phấn khởi đồng thuận. Điển hình như việc sáp nhập địa giới hành chính huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long, tính từ khi chủ trương sáp nhập được Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xây dựng Đề án đến khi Đề án đươc Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua là 77 ngày. Những con số 98% cử tri nhân dân đồng thuận, 100% đại biểu HĐND cấp xã, 100% đại biểu HĐND cấp huyện, 100% đại biểu HĐND cấp tỉnh biểu quyết tán thành thông qua nghị quyết sáp nhập địa giới hành chính huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long là con số của sức mạnh niềm tin!

 

Nhìn lại kết quả trong 7 năm điều tra về các nhóm nội dung trong bộ chỉ số PAPI, Quảng Ninh nhận thấy rằng, việc người dân chưa hài lòng với hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp do những “nút thắt” niềm tin chưa được cởi bỏ. Dân chưa thấy chính quyền thực sự công khai, minh bạch, chưa nhận thấy hiệu quả của việc cung ứng các dịch vụ công, tác động những chính sách của tỉnh đối với đời sống dân sinh, chưa được thực sự tham gia vào xây dựng bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả… Sử dụng “chìa khóa” công khai – minh bạch – phục vụ như thế nào để mở nút thắt niềm tin đã được Quảng Ninh vào cuộc quyết liệt trong 5 năm trở lại đây.

Đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, xuyên suốt, thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, là những đổi mới, sáng tạo, đột phá trong thu hút nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phục vụ tốt nhất cho đời sống nhân dân, là ưu tiên dành nguồn lực thỏa đáng để giải quyết dứt điểm việc đưa các xã, thôn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, là dùng vốn mồi nhà nước để kích thích người dân chủ động tham gia vào xây dựng nông thôn mới, xã, phường, thị trấn văn minh theo cách người dân là chủ thể; là thuận lợi nhất cho người dân trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính liên thông từ cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh, tăng cường dịch vụ công trực tuyến để phục vụ nhu cầu cao hơn của người dân… Hàng loạt những đổi mới, đột phá, sáng tạo đã đem lại cho tỉnh Quảng Ninh không chỉ là sự phát triển bằng tăng trưởng GRDP luôn trong top 5 địa phương cao nhất cả nước; bộ mặt mới từ đô thị đến nông thôn, miền núi, hải đảo; môi trường sống an toàn, văn minh, thân thiện; chất lượng đời sống nhân dân được nâng lên mà đó là chỉ số niềm tin của nhân dân với Đảng, với chính quyền năm 2018 đạt 85,1%, năm 2019 đạt 95% (kết quả điều tra, khảo sát của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy).

Cùng với đổi mới, tạo đột phá phát triển, tỉnh Quảng Ninh đã soi rõ 6 trục nội dung đánh giá của bộ chỉ số PAPI quốc gia hàng năm, nhận ra rằng, việc tháo gỡ những nút thắt niềm tin của nhân dân phải ở từ con người, đó là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh phải gần dân, sát dân, trọng dân, thái độ, tinh thần phục vụ nhân dân. Chính vì vậy, tỉnh đã tạo môi trường tốt nhất để đội ngũ cán bộ, công chức viên chức được đào tạo, rèn luyện, được nuôi dưỡng những khát vọng cống hiến, sáng tạo, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, tận tụy, chuyên nghiệp, trung thành làm việc có kỷ cương, kỷ luật. Với việc đổi mới mạnh mẽ các khâu trong công tác cán bộ, hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm, nâng cao chất lượng về mọi mặt của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp, tỉnh Quảng Ninh đã bước đầu xây dựng được đạo đức công chức và kỷ luật công vụ, để mỗi cán bộ, công chức viên chức thực sự liêm chính, tận tụy phục vụ nhân dân tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Đồng thời tỉnh tiến hành rà soát, bổ sung quy định rõ và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị, tăng cường cơ chế giao, khoán việc, quy trách nhiệm đến cùng, gắn công việc của mỗi người với mục tiêu của cơ quan, lấy kết quả, hiệu quả hoạt động của từng cơ quan đơn vị để đánh giá lãnh đạo, quản lý... qua đó để nâng cao hiệu quả của khu vực công. Đổi mới đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ theo chức danh, theo vị trí việc làm, nhất là cấp cơ sở, cấp phòng và cán bộ, công chức cấp xã. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, điều kiện đổi mới, sáng tạo, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp, người dân. Mở rộng đối tượng thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo quản lý, đổi mới công tác tuyển dụng, đề bạt cán bộ, công chức theo nguyên tắc có cạnh tranh, công khai, minh bạch, kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ.

Không phải ngẫu nhiên, khi điểm số các trục nội dung PAPI Quảng Ninh năm 2019 khảo sát từ người dân trên địa bàn hầu hết đều ở mức cao nhất, với 5/8 nội dung được xếp ở nhóm có điểm số cao nhất cả nước, gồm: Tham gia của người dân ở cơ sở; công khai minh bạch; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; cung ứng dịch vụ công và quản trị môi trường. Bởi đó là kết quả của quá trình nỗ lực xây dựng chính quyền phục vụ, “lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hoạt động”, đó là cộng hưởng của giá trị niềm tin từ nhân dân trước tinh thần không ngừng đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, của vận hành hoạt động hiệu lực, hiệu quả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh.

Ngọc Lan – Hồng Nhung

Trình bày: Tất Đạt


>> Bài 2: Vì dân phục vụ - Xây dựng thương hiệu Quảng Ninh

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu