4
18
/
996892
Doanh nghiệp vận tải 'ngóng' gói 62.000 tỷ sớm đến tay
longform
Doanh nghiệp vận tải 'ngóng' gói 62.000 tỷ sớm đến tay

Cách ly toàn xã hội, tạm dừng các hoạt động kinh tế có thể gây lây lan dịch bệnh như du lịch, dịch vụ, vận tải..., những giải pháp quyết liệt để phòng, chống Covid-19 trong thời gian qua được cả hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện nghiêm ngặt nhằm chiến thắng trong cuộc chiến với đại dịch toàn cầu. Tạm dừng hoạt động gần 1 tháng nay và hoạt động cầm chừng gần 2 tháng nay, đến thời điểm này các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã gần kiệt sức. Hơn lúc nào hết, họ mong ngóng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Thủ tướng Chính phủ sớm đến được tay mình.

Công ty TNHH Vận tải Ka Long (TP Móng Cái) kinh doanh trong lĩnh vực vận tải đã nhiều năm nay với tổng số 60 đầu xe khách chất lượng cao hoạt động tuyến Móng Cái đi các tỉnh phía Bắc; 3 tàu du lịch chất lượng cao với tổng số 544 ghế ngồi. Đồng thời đây là đơn vị quản trị, khai thác Cảng Cái Rồng đưa khách đi các tuyến đảo của huyện Vân Đồn, Cô Tô.

Nếu như không có dịch, vào thời điểm 3 tháng đầu xuân, đơn vị này hoạt động tấp nập. Nhưng nay, từ bến xe Móng Cái cũng như Cảng Cái Rồng với hàng loạt đầu xe khách, tàu du lịch phải vẫn nằm im.

Ông Lê Văn Tòng, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Ka Long, thở dài: “Từ cuối tháng 1 đến nay, người dân hạn chế đi lại khiến vận tải hành khách sụt giảm nghiêm trọng. Và từ đầu tháng 4 sau khi thực hiện yêu cầu cách ly toàn xã hội của Chính phủ thì hoạt động vận tải khách tạm ngừng. Từ chỗ có tổng số 400 lao động, Công ty phải giảm xuống còn 300 rồi sau đó không còn người nào”.

Tương tự Ka Long, Công ty TNHH Vận tải Phúc Xuyên (TP Uông Bí) cũng là một thương hiệu vận tải có tiếng của người Quảng Ninh từ nhiều năm nay với các dịch vụ vận tải khách đường dài, taxi, du lịch, đưa đón công nhân. Song khi nói về cơ sự lúc này, người “cầm lái” Đoàn Thế Xuyên chỉ biết dùng hai từ “bế tắc”. Đáng nói, Công ty vừa mới đầu tư một giàn xe 29 chỗ để nâng cao chất lượng dịch vụ, đem đến cho hành khách những trải nghiệm mới. Hiện, ông phải ôm một khoản nợ ngân hàng rất lớn trong khi hoạt động vận tải “đóng băng”.

Khó là vậy, nhưng 3 tháng đầu năm, Phúc Xuyên cố gắng duy trì 75% lương cho người lao động, đóng các chi phí BHXH để cố giữ chân người lao động chờ đại dịch sớm qua. “Song nếu dịch kéo dài thì…”, vị Giám đốc bỏ lửng câu nói. Nhưng ai cũng hiểu, nếu dịch kéo dài thì không chỉ doanh nghiệp của anh mà hàng loạt doanh nghiệp lớn nhỏ đều rơi vào tình cảnh đình đốn, phá sản.

Là một doanh nghiệp vận tải hàng hóa song Công ty CP vận tải ô tô Quảng Ninh cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Những ngày này nhiều phương tiện của Công ty đang tạm dừng hoạt động. Theo ông Trần Văn Thuyết, Giám đốc Công ty: Doanh nghiệp bị giảm doanh thu 35%. Các hoạt động vận tải hàng hóa công nghiệp như sắt, thép, xi măng, vật liệu xây dựng đã ngừng hoàn toàn. Hiện đơn vị chỉ thực hiện vận chuyển các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người tiêu dùng.

Cám cảnh hơn là các doanh nghiệp vận tải khách du lịch bị “tê liệt” hoàn toàn. Công ty CP thương mại du lịch và vận chuyển khách Tình Nghĩa (phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều) với 35 đầu xe đang nằm phủ bụi. Theo ông Lê Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty, kinh doanh vận tải du lịch mỗi năm chỉ được 5 tháng, 3 tháng đầu xuân và 2 tháng hè. Vào thời vụ, mỗi ngày doanh thu của Công ty lên đến gần 200 triệu/ngày. Còn hiện tất cả các hợp đồng vận tải du lịch của Công ty bị hủy sạch. Trong khi mỗi tháng tổng chi của Công ty gần 600 triệu/tháng, trong đó riêng lãi suất ngân hàng 250 triệu đồng.

Dừng hoạt động từ tháng 2 và 40 lao động của Công ty trong tình cảnh không có việc làm. Song để giữ chân người lao động, chờ qua đại dịch ông vẫn bố trí trả lương cho họ. Đây là một sự cố gắng rất lớn nếu không muốn nói là quá sức để đảm bảo an sinh cho người lao động của một doanh nghiệp nhỏ như Tình Nghĩa. Anh Nghĩa tâm tư: “15 năm kinh doanh vận tải du lịch tôi chưa bao giờ lao đao, rơi vào tình trạng chạm đáy như hiện nay”.

Trong khi vận tải khách đường bộ “tê liệt” thì vận tải thủy chở khách du lịch cũng phải dừng hẳn. Đã 3 tháng nay tàu của Công ty TNHH Phượng Hiến phải nằm bám bờ. Anh Trần Văn Hiến, Giám đốc Công ty, chia sẻ: Chúng tôi đã cho tàu nằm bờ, cắt giảm đến 80% nhân viên. Nếu dịch bệnh kéo dài, các doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi khó mà trụ nổi. Trong khi tiền kinh doanh đều vay vốn ngân hàng, thế chấp đất, giấy tờ tàu du lịch đến xe ô tô”.

Thống kê của Chi hội tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long, hơn 1 tháng qua, 500 tàu tham gia dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long im lìm đậu bến, kéo theo hàng chục nghìn lao động trực tiếp và gián tiếp phải nghỉ việc. Không chỉ những doanh nghiệp nhỏ mà cả những doanh nghiệp đã hoạt động hàng chục năm có tích lũy cũng không tránh khỏi khó khăn.

Ông Hà Văn Thiều, Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: So với cùng kỳ năm 2019 thì số doanh nghiệp đăng kí kinh doanh giảm, còn số giải thể, tạm ngừng kinh doanh lại tăng mạnh. Tính từ ngày 1/1 đến 15/4/2020 có 484 đơn vị thành lập với số vốn đăng ký là 3.121,564 tỷ đồng, giảm 20,26% về số đơn vị thành lập mới và giảm 32% về số vốn so với cùng kỳ năm 2019. Số lượng đơn vị giải thể là 191 đơn vị, tăng đến 72% so với cùng kỳ 2019. Số lượng đơn vị tạm ngừng 471 đơn vị, tăng 34% so cùng kỳ 2019. 

Thống kê của Sở GTVT cũng cho thấy, sản lượng vận tải quý I năm nay chỉ đạt 835.943 lượt khách, so với cùng kỳ 2019, đạt 22,08%.

Trước những tác động của dịch Covid-19, từ cuối tháng 2/2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho các sở, ngành, địa phương tìm giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Điển hình tại Kỳ họp thứ 16 ngày 31/3 vừa qua, HĐND tỉnh Quảng Ninh biểu quyết nhất trí thông qua Nghị quyết dành 1.000 tỷ đồng để đầu tư các trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác điều trị, chăm sóc người bị nhiễm bệnh Covid-19; công tác phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt là hỗ trợ cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người bị mất việc do đại dịch Covid-19… với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng.

Về phía Sở GTVT, theo Phó Giám đốc sở Bùi Hồng Minh, sở đã thông báo hết hiệu lực phù hiệu để doanh nghiệp làm thủ tục giảm thuế, phí có liên quan; tạo điều kiện cấp phù hiệu hợp đồng cho một số xe tuyến cố định, xe buýt để chở công nhân trong thời thời gian phải dừng kinh doanh vận chuyển khách công cộng. Đồng thời, cam kết giữ “lốt” cho những xe trả lại phù hiệu do phải dừng kinh doanh được đăng lý lại tuyến cũ khi được hoạt động trở lại. Sở cũng tổng hợp, báo cáo tỉnh, Bộ GTVT các kiến nghị của doanh nghiệp vận tải về tháo gỡ khó khăn do phải giảm, dừng hoạt động như: Giảm phí đường bộ, giãn nộp thuế, BHXH, hỗ trợ vay vốn tái cơ cấu các khoản vay do ảnh hưởng Covid-19. Hoãn các cuộc thanh, kiểm tra doanh nghiệp theo kế hoạch của tỉnh.

Về phía Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh đã kịp thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng đánh giá khả năng tác động ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vay vốn ngân hàng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, ngay sau khi thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ về cách ly toàn xã hội bởi dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 01/2020 về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ vay nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Đến 10/4, trong lĩnh vực vận tải - kho bãi, số dư nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ là 1.072 tỷ đồng với tổng số 89 khách hàng.

Hiện Chính phủ đã có nhiều giải pháp toàn diện để hỗ trợ doanh nghiệp từ: Giảm giá điện, hỗ trợ thuế, vốn; tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất; được vay tiền để trả lương cho người lao động; miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng… Tuy nhiên, đến nay nhiều doanh nghiệp phản ánh chính sách chưa đến được với doanh nghiệp. Đặc biệt là gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng chưa có tiền lệ với quy mô lớn nhất từ trước tới nay vẫn đang được nhiều doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19 ngóng đợi. 

Hầu hết các doanh nghiệp đều rất mừng với những gói hỗ trợ của Chính phủ, tỉnh, thế nhưng theo họ cần phải thực hiện những cam kết bằng hành động. Còn hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn phải trả lương cho doanh nghiệp, loay hoay với những khó khăn trả lãi ngân hàng khi không có doanh thu đến 3 tháng này, trong khi chưa thấy tín hiệu của việc hỗ trợ. 

Ông Lê Văn Tòng, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Ka Long, cho biết: Công ty chúng tôi 2 tháng nay không có doanh thu do ảnh hưởng của dịch, Công ty chưa nộp được tiền lãi gốc, mỗi tháng 1 tỷ đồng nên ngân hàng không cho hưởng chế độ hỗ trợ. Vì thế, đề nghị các ngân hàng cần linh hoạt hơn trong việc tháo gỡ cho doanh nghiệp. Nếu không, đến khi hết dịch doanh nghiệp cũng không thể vận hành trở lại.

Còn ông Lê Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty CP thương mại du lịch và vận chuyển khách Tình Nghĩa, cho biết: Trong số 2 ngân hàng mà doanh nghiệp vay vốn đã có 1 ngân hàng giảm 1% lãi suất. Nhưng, trong bối cảnh doanh nghiệp thất thu 100% như hiện nay thì mức giảm này không thấm vào đâu so với gánh nặng của doanh nghiệp. Nên chăng cần xem xét mức giảm sâu hơn nữa, hoặc chính phủ hỗ trợ tiền trực tiếp cho các ngân hàng để hỗ trợ các doanh nghiệp với mức lãi suất thấp nhất có thể hoặc về 0.

Bên cạnh đó, dù Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ BHXH cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất rõ ràng, song ông Nghĩa cho biết: Tôi cũng đã đi các cửa từ BHXH tỉnh đến Sở LĐ-TB&XH nhằm giải quyết các thủ tục liên quan để mong sớm được nhận hỗ trợ nhưng đến nay vẫn chưa chạm tay được vào gói hỗ trợ. Công ty vẫn liên tục nhận được giấy báo của BHXH tỉnh yêu cầu nộp BHXH nợ trong 2 tháng qua. Nếu không nộp sẽ xử lý theo quy định của pháp luật… khiến tôi đau đầu.

Rất nhiều doanh nghiệp có ý kiến rằng, chính sách đã có nhưng để tiếp cận với chính sách còn nhiều khó khăn. Trong khi hiện nay nhiều doanh nghiệp không còn tiền trả lương cho nhân viên, việc trả lãi ngân hàng vẫn phải thực hiện. Giữ người lao động là hướng tới tương lai, đại dịch qua đi, thị trường sôi động trở lại thì lấy người đâu mà làm là những trăn trở của các chủ doanh nghiệp.

Ông Trần Văn Hồng, Phó Chi hội tàu du lịch Hạ Long, cho biết: “Chúng tôi đang rất cần hướng dẫn của nhà nước cũng như ngân hàng được phép cho các hộ kinh doanh vay theo chính sách này. Chi hội chúng tôi sẵn sàng xác nhận cho các hội viên về đề xuất của họ và cam kết cho các chủ tàu, yêu cầu họ thực hiện cam kết tín chấp và trả vốn đúng thời hạn như hợp đồng tín dụng. Phải có ràng buộc như vậy thì ngân hàng mới có thể giải ngân được”.Theo Chi hội tàu du lịch Hạ Long, 90% số tàu hoạt động trên vịnh đều đã phải thế chấp tài sản ở các ngân hàng. Hơn 250 doanh nghiệp hoạt động vận tải khách trên Vịnh Hạ Long đều có nhu cầu vay vốn để duy trì hoạt động của doanh nghiệp, giữ chân người lao động.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Đoan, Phó Giám đốc, cho biết: Hiện Ngân hàng đang tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn nắm tình hình thiệt hại của doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực ảnh hưởng nặng nề để khẩn trương có các biện pháp tháo gỡ kịp thời như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay và các loại phí giao dịch, cho vay mới với lãi suất ưu đãi... theo đúng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình tháo gỡ, nếu doanh nghiệp nào gặp vướng mắc với các tổ chức tín dụng có thể liên hệ ngay với Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Ninh để được tư vấn, giải quyết kịp thời theo 2 số điện thoại đường dây nóng: 0904418486 và 0915345911.

Đặc biệt, để thúc đẩy nhanh hơn các giải pháp hỗ trợ kịp thời đến doanh nghiệp, ngày 15/4 vừa qua, UBND tỉnh đã ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo các giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội ứng phó với đại dịch Covid-19. Ban Chỉ đạo do đích thân đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Theo đó, bên cạnh việc chỉ đạo triển khai kịp thời, có hiệu quả các giải pháp theo các Nghị quyết, hướng dẫn của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương và Nghị quyết của HĐND tỉnh thì trên cơ sở thực tế của địa phương, sẽ chỉ đạo triển khai các giải pháp cụ thể, phù hợp hơn (ngoài các giải pháp, chính sách của Trung ương) tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý, đối với từng lĩnh vực đều được xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể. Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo sẽ triển khai, tổng hợp tiến độ công việc, báo cáo hàng tuần nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn.

Tin rằng, với sự vào cuộc sát sao, cụ thể của UBND tỉnh, ngành chức năng, những giải pháp tháo gỡ khó khăn, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp từ các gói hỗ trợ của Chính phủ, tỉnh sẽ sớm đến được với doanh nghiệp. Chỉ sớm được nhận các gói hỗ trợ, cộng với sự nỗ lực vượt khó của bản thân mình thì sau khi đại dịch qua đi, doanh nghiệp mới có cơ hội hồi phục “sức khỏe”. 

Thực hiện: Thanh Hằng - Thu Trang

Trình bày: Đỗ Quang

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu