4
18
/
983745
"Phép màu" mang tên nông thôn mới
longform
"Phép màu" mang tên nông thôn mới

 

 

Nhắc đến Quảng Ninh là nhắc đến những bước nhảy vọt về kinh tế, công trình hạ tầng giao thông, là miền đất hứa cho các nhà đầu tư ở các đô thị lớn. Nhưng không chỉ có thế, các vùng nông thôn, miền núi của Quảng Ninh cũng có sự đổi thay vượt bậc, đặc biệt là sau khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Sau 10 năm, nông thôn Quảng Ninh như có một phép màu làm thay đổi diện mạo, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân và chính người dân là chủ thể, viết nên câu chuyện cổ tích cho chính mình.

Đối với người dân ở vùng khó Quảng Ninh, phong trào xây dựng NTM đã không còn xa lạ. 10 năm là quãng thời gian đủ để “từ khóa” ấy đi vào tiềm thức và cuộc sống của chính người dân. Nếu không theo dõi hành trình xây dựng NTM từ những ngày đầu tiên thì nhiều người sẽ không thể hiểu những vùng quê nghèo như Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà… thay đổi thế nào. Đó là những con đường nhỏ hẹp, sình lầy, trơn trượt, biệt lập với trung tâm mỗi khi mùa mưa đến. Nó ngăn không cho người dân có cơ hội thoát nghèo, kéo giá nông, lâm sản đi xuống, khiến đường tìm đến con chữ của trẻ em cũng xa hơn.

Nhưng đó chỉ là câu chuyện của 10 năm trước, nông thôn Quảng Ninh giờ đã khác. Những con đường bê tông trắng xóa, hai bên trồng đầy hoa chiều tím, hoa mười giờ rực rỡ là minh chứng rõ nét nhất cho quá trình xây dựng NTM bền bỉ suốt 10 năm, cho một “phép màu” đã được hiện thực hóa. Có thể nói, những con đường chính là cầu nối rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn, miền núi và đô thị, góp phần quan trọng thay đổi diện mạo của các địa phương vùng khó.

Dịp cuối năm, đến với các xã chuẩn bị về đích NTM, tôi như lạc vào những đại công trường bởi nhiều con đường liên xã đang được mở rộng. Ở xã Húc Động (huyện Bình Liêu) hay Tân Dân (huyện Hoành Bồ) và rất nhiều xã miền núi, máy móc, nhân lực được huy động tối đa. Ông Bàn Văn Bảo, thôn Tân Lập, xã Tân Dân, huyện Hoành Bồ, phấn khởi: “Những con đường này không chỉ giúp việc đi lại dễ dàng, thuận lợi mà còn khiến giá nông, lâm sản tăng lên. Nhờ vậy, thu nhập của người dân sẽ ổn định hơn. Không chỉ với người lớn, tụi trẻ cũng vui mừng, háo hức vì nay đường đến trường không còn xa, tương lai chúng sẽ rộng rãi, thênh thang như chính con đường này”.

Là một trong những người gắn bó với chương trình xây dựng NTM từ những ngày đầu, đồng chí Trương Công Ngàn, nguyên Trưởng Ban Xây dựng NTM tỉnh, nhớ lại: Khi mới triển khai, chương trình xây dựng NTM gặp nhiều khó khăn. Cũng như nông dân đi khai hoang, những nhát cuốc đầu tiên vấp phải không ít ổ đá, thậm chí nhiều khi đi vào bế tắc. Vì tư tưởng trông chờ, ỷ lại nằm sâu trong tiềm thức của không chỉ người dân mà còn ở không ít lãnh đạo xã, huyện. Dù vậy, với quyết tâm, sự đầu tư bài bản, phương châm “mưa dầm thấm lâu”, “cầm tay chỉ việc” đã mang lại những kết quả bước đầu. Từ xuất phát điểm các xã chỉ đạt 3-5 tiêu chí, thậm chí chỉ có 2 tiêu chí, tỷ lệ hộ nghèo cao, đến nay, bình quân các xã đạt 18 tiêu chí, 49 chỉ tiêu, không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí.

Như một phép màu diệu kỳ, trải qua 10 năm, bức tranh NTM của Quảng Ninh đã thêm nhiều sắc màu rực rỡ, đầy sức sống. Đó là những tòa nhà cao tầng khang trang mọc lên bên các mô hình trang trại, nông trại hiệu quả. Những ngôi trường, nhà văn hóa, trạm y tế… khang trang phục vụ tối đa lợi ích của cộng đồng. NTM giờ đây không còn là phong trào mà trở thành nếp sống, nét văn hóa đặc sắc của vùng quê Quảng Ninh. Vui hơn nữa, những ngày này, Quảng Ninh hân hoan đón nhiều “trái ngọt” từ hành trình 10 năm xây dựng NTM khi toàn tỉnh đã có thêm 2 đơn vị cấp huyện là TP Móng Cái và Uông Bí đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, nâng tổng số lên 5 đơn vị cấp huyện về đích NTM.

Trong xây dựng NTM, Quảng Ninh có nhiều bước đi tiên phong, sáng tạo, đạt hiệu quả cao. Điển hình trong đó là chương trình OCOP Quảng Ninh – Mỗi xã, phường một sản phẩm. Là một trong những địa phương đầu tiên đặt nền móng cho chương trình OCOP, đến nay, mô hình đã được Trung ương đánh giá cao và nhân rộng ra cả nước.

Được ví như Việt Nam thu nhỏ, Quảng Ninh có đầy đủ các sản vật của rừng và biển. Tuy nhiên, nếu trước đây, những nông sản ở khu vực Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu, người dân Hạ Long, Uông Bí hay Đông Triều khó có cơ hội thưởng thức; hải sản ở vùng biển thì các huyện miền núi khó tiếp cận, nhưng hiện nay, với sự phát triển của chương trình sản phẩm OCOP nói chung và hệ thống mạng lưới phân phối, xúc tiến sản phẩm rộng khắp, đã góp phần mang đặc sản vùng miền đến đông đảo người dân.

Cả tỉnh hiện có 171 doanh nghiệp, HTX và hộ sản xuất với 428 sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Trong đó, có 196 sản phẩm đạt sao, trên 90% sản phẩm OCOP được dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc. Năm 2019, Ban Xây dựng NTM tỉnh đã thẩm định, hỗ trợ phát triển 107 sản phẩm mới theo chu trình OCOP chuẩn, vượt 77 sản phẩm so với chỉ tiêu kế hoạch.

Không những thế, hội chợ OCOP được tổ chức thường niên đã trở thành điểm hẹn được người dân Quảng Ninh và khách du lịch chờ đợi. Đặc biệt, trong năm 2019, Hội chợ OCOP khu vực phía Bắc diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 30/8 đến 3/9 là một trong 4 hội chợ OCOP quy mô nhất. Với hơn 400 gian hàng của 39 tỉnh, thành phố, Hội chợ đã thu hút trên 80.000 lượt người tham quan mua sắm, với tổng doanh thu trên 20 tỷ đồng.

Thông qua các chính sách hỗ trợ sản xuất được triển khai sâu rộng, kịp thời, người dân đã có thêm động lực để phát triển kinh tế. Đặc biệt, sự ra đời và triển khai mạnh mẽ của Chương trình OCOP là cơ hội để người dân phát triển sản phẩm chất lượng cao, khẳng định thương hiệu. Nhờ vậy, đời sống nhân dân ổn định, thu nhập khu vực nông thôn tăng cao, từ 10,98 triệu đồng/người/năm (năm 2010) lên 41,5 triệu đồng/người/năm (năm 2019). Tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt qua các năm, từ 7,68% (năm 2010) xuống còn dưới 1% (năm 2019).

Có thể thấy, chương trình OCOP không chỉ tạo nền tảng cho sự bứt phá của nông sản Quảng Ninh mà còn là tiền đề để hình thành nên các trang trại, khu sản xuất nông sản tập trung. Từ đó, hướng đến phát triển NTM bền vững, xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.

Trong 10 năm xây dựng NTM, Quảng Ninh đã ghi dấu ấn quan trọng khi có đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM đầu tiên ở miền Bắc (TX Đông Triều), có huyện đảo đầu tiên về đích NTM (Cô Tô) và có xã đầu tiên trong toàn quốc đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (xã Việt, TX Đông Triều).

Tháng 7/2019, xã Việt Dân (TX Đông Triều) được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí của Chính phủ. Đây là xã đầu tiên của Quảng Ninh và cũng là xã đầu tiên trong toàn quốc đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Miền quê kiểu mẫu Việt Dân đón chúng tôi bằng con đường trải bê tông rộng, sạch, hai bên rực rỡ màu hoa. Không chỉ những con đường trung tâm mà khắp các ngõ, xóm ở Việt Dân đều khiến cho lữ khách muốn dừng bước và ước ao được sống ở miền quê này: Đường đi sạch sẽ, có biển chỉ dẫn; vườn tược, cây cối xanh tươi; nhà cửa khang trang; người dân nhiệt tình, mến khách...

Vào thăm khu vườn của chị Vũ Thị Lan (thôn Đồng Ý, xã Việt Dân), chúng tôi vô cùng thích thú ngắm những trái bưởi chín vàng treo lúc lỉu. Chị Lan đang cắt vài chục quả bưởi bán cho khách đến tận vườn mua. Với giá thành khoảng 25.000 đồng/quả bưởi, vườn bưởi 200 gốc, trong đó 65 gốc đã cho thu hoạch mang lại cho gia đình chị hàng trăm triệu đồng/năm. Bên cạnh vườn bưởi nhà chị Lan là vườn bưởi nhà anh Nguyễn Văn Hạnh với 400 gốc, cũng mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình.

Hai vườn bưởi trĩu cành này nằm trong số 45ha trồng cam, bưởi được xã Việt Dân quy hoạch từ diện tích ruộng chân cao, khó lấy nước, cấy lúa kém hiệu quả. Đặc biệt, xã còn có 220ha trồng na; trong đó có 125ha na áp dụng công nghệ tưới tự động và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc cho ra quả theo ý muốn, bằng các công nghệ như: Thụ phấn cho hoa, phân bố cành ra hoa, quả, cho ra quả trái vụ để tăng năng suất, tăng thu nhập...

Từ những vườn cây mang hiệu quả kinh tế cao, nông dân xã Việt Dân có thu nhập tốt, đời sống ngày càng thay đổi, có của ăn của để. Toàn xã không còn hộ nghèo, chỉ còn 2 hộ thuộc diện bảo trợ xã hội. Số hộ có nhà biệt thự trong xã là 842 hộ, chiếm 66%; thu nhập bình quân đạt 55,8 triệu đồng/người/năm, tăng 2,4 lần so với thời điểm được công nhận xã đạt chuẩn NTM (năm 2013). Trường học, trạm y tế xã đều đạt chuẩn quốc gia. Xã có 9/9 nhà văn hóa thôn được đầu tư xây mới, 9/9 thôn đạt danh hiệu Làng văn hóa; duy trì 9 tổ thu gom rác thải sinh hoạt ở 9 thôn, đảm bảo trên 98% rác thải sinh hoạt được thu gom xử lý. Đến nay, 100% đường trục chính của xã đã được đổ bê tông đạt tiêu chuẩn, được lắp đặt hệ thống đèn cao áp, có biển chỉ dẫn đường, đánh số nhà và trồng cây xanh, cây cảnh hai bên đường. Đi khắp các ngõ xóm ở Việt Dân, nơi nào cũng sạch đẹp, người dân phấn khởi, đoàn kết, tập trung phát triển kinh tế, xây dựng thôn, xã giàu đẹp, văn minh.

Đến hết năm 2019, Quảng Ninh có 90 xã đạt chuẩn NTM, 5 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Xã NTM kiểu mẫu Việt Dân đang là hình mẫu để nhiều thôn, xã khác trong và ngoài tỉnh hướng đến. Hy vọng tương lai không xa, Quảng Ninh sẽ có nhiều hơn những miền quê kiểu mẫu, những thôn làng đáng sống để người dân thêm yêu, gắn bó và làm chủ xây dựng quê hương.


Bài: Hoàng Quý - Hoàng Quỳnh

Ảnh: PV

Trình bày: Hùng Sơn

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu