4
18
/
974243
Kỳ Thượng và giấc mơ lâm viên
longform
Kỳ Thượng và giấc mơ lâm viên
1
1

Đối với những ai đã biết về xã Kỳ Thượng (huyện Hoành Bồ), cơ bản sẽ ấn tượng với địa danh này vì những con đường quanh co, nơi "thâm sơn, cùng cốc", cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn. Có lẽ vì vậy mà khi đến đây rồi thì ít ai nghĩ sẽ quay lại lần nữa. Thế nhưng, bây giờ đến Kỳ Thượng, hẳn nhiều người sẽ có những suy nghĩ vô cùng khác, nhất là khi Hoành Bồ đang trên lộ trình sáp nhập với TP Hạ Long, những giá trị về rừng, về văn hóa của đồng bào các dân tộc, cảnh quan tự nhiên... ở Kỳ Thượng sẽ được coi là bản sắc độc đáo níu chân du khách, nhà đầu tư.

Một ngày đầu thu tháng 11, con đường quanh co, khúc khuỷu dẫn lên Kỳ Thượng đẹp đến lạ kỳ. Dù vẫn là tuyến đường năm xưa, nhưng mặt đường đã được làm mới, đường tràn qua suối được thay thế bằng cầu, cống, không còn những ổ voi, ổ gà như trước. Dọc hai bên đường là màu xanh ngát của núi rừng, thi thoảng điểm thêm bởi màu hoa trắng của những cây bươm bướm (một loại cây thuốc chữa bệnh viêm họng gọi theo tiếng dân tộc Dao), của những bông lau lất phất trong gió.

Đi cùng chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng Nguyễn Huy Hải hồ hởi kể về những đổi thay của vùng đất này: Kỳ Thượng nay khác rồi, người dân những thôn khó khăn không còn phải đi lại bằng “chân bẩn” (đi chân đất trên những con đường lầy lún - nói theo cách người dân bản địa). Những tuyến đường bê tông được xây dựng về tận các thôn. Hạ tầng về điện, nước, viễn thông đã đươc đầu tư, không còn bị cô lập như trước. Cuộc sống của người dân trong xã đã cải thiện rất nhiều. Tư duy tự cung, tự cấp trong sản xuất dần được loại bỏ. Người dân bây giờ đã biết sang Tiên Yên để mua gà về chăn thả, biết khai thác lợi thế giá trị cây nếp nương trồng xen kẹp với rừng keo, biết tìm bạn hàng để trao đổi, mua bán.

Chính nhờ vậy, nhiều nhà đã có của ăn, của để và mua được xe ô tô. Từ chỗ có đến 70% người dân trong xã là hộ nghèo vào năm 2012, nằm trong diện xã đặc biệt khó khăn (Chương trình 135), đến nay hộ nghèo tại Kỳ Thượng chỉ còn 11 hộ, quý I/2020 xã sẽ chính thức ra khỏi Chương trình 135…

Để về được UBND xã, xe của chúng tôi phải vượt qua một đường tràn cũ, anh Hải cho biết: Đường tràn này là nguyên nhân khiến Kỳ Thượng bị cô lập và chia cắt vào mùa lũ, tuy nhiên, chỉ khoảng một tháng nữa thôi, cầu Kỳ Thượng nằm kế bên thay thế đường tràn sẽ hoàn thành thi công, phục vụ nhân dân đi lại, ngay cả nước lũ có dâng cao đến mấy, Kỳ Thượng cũng không bao giờ còn sợ bị cô lập.

Khi hỏi về thôn khó khăn nhất của Kỳ Thượng, anh Hải cho biết đó là Khe Phương, một thôn nằm sâu trong khu rừng bảo tồn Đồng Sơn - Kỳ Thượng. Thôn chỉ có 42 hộ dân sinh sống, 100% là người dân tộc Dao. Trước đây muốn vào thôn, phải vượt đường rừng hơn 8km, đi bộ mất hơn 2 tiếng đồng hồ. Đầu tháng 11 vừa qua, tuyến đường bê tông nối thôn Khe Phương ra trung tâm xã được huyện Hoành Bồ đầu tư cũng đã đưa vào khai thác, đi xe máy chỉ mất 15 phút. Anh Hải bật mí thêm, người dân Khe Phương đang có ý tưởng mới, đó là làm du lịch trên chính mảnh đất, quê hương mình.

Câu chuyện của anh Hải trên chuyến xe cứ thế xoay quanh những đổi thay tại Kỳ Thượng, những mô hình phát triển kinh tế, những mong ước của người dân nơi đây khiến tôi hết sức bất ngờ, khác hẳn với những gì đã nghĩ trước chuyến đi.

Chiếc xe đưa chúng tôi qua những con đèo, thỉnh thoảng chậm lại nhường đường cho những chiếc xe tải chở nông sản từ Kỳ Thượng về dưới xuôi. Theo gợi ý của anh Hải, chúng tôi dừng nghỉ ở đèo Dài (đèo cao và dài nhất cung đường Trới - Kỳ Thượng). Tôi để ý thấy một tốp thanh niên "phượt" bằng xe máy, đổ đèo cũng dừng lại ở đây. Giống như chúng tôi, họ say mê chụp hình, trầm trồ trước khung cảnh tự nhiên đẹp như tranh vẽ đang hiển hiện trước mắt, đó là những dãy núi trùng điệp, những con đường quanh co nằm nép mình giữa những cánh rừng, những đám mây thả trôi trên bầu trời rộng lớn...

Tôi nghĩ, giữa những bộn bề công việc, tốc độ đô thị hóa đang diễn ra ngày càng nhanh, hẳn ai cũng thèm cảm giác thư thái, an yên nhìn ngắm mây trời như thế này. Và điều này hẳn không còn khó khăn đối với những người dân phố thị, bởi đường lên Kỳ Thượng bây giờ đã dễ dàng hơn rất nhiều.

Trong hành trình về với Kỳ Thượng, chúng tôi đã đến Khe Phương. Đi trên con đường bê tông mới, Trưởng thôn Khe Phương là ông Bàn Sinh Linh giới thiệu: Khe Phương nằm trong một khu vực được ví như lòng chảo, bao quanh là đồi. "Tài sản" của xã chẳng có gì ngoài những cây cổ thụ nhiều năm tuổi, những ruộng nếp nương trồng xen kẹp mà bà con bao đời vẫn giữ lại được.

Chỉ về phía khu rừng, ông Linh nói: Phía trên kia là đỉnh Thiên Sơn ở độ cao 1.096m nằm giữa khu bảo tồn Đồng Sơn - Kỳ Thượng có cảnh quan cực kỳ độc đáo, hiện còn nguyên hệ sinh thái, hệ thống núi kiểu mái nhà, nhiều thác nước đẹp, hoang sơ ẩn sâu trong rừng già, khí hậu quanh năm mát mẻ. Trên núi có thể quan sát được TP Hạ Long, TP Cẩm Phả và một số xã của huyện Hoành Bồ. Người Dao chúng tôi còn có nhiều bài thuốc chữa bệnh, tắm lá, có các lễ hội đặc sắc, có chợ phiên… Nếu làm du lịch sẽ rất thuận lợi, nhất là các mô hình du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, trải nghiệm đi bộ, khám phá rừng già.

Ngay khi nghe chủ trương sáp nhập Hoành Bồ vào TP Hạ Long, ông Linh cùng những người dân Kỳ Thượng đều tin tưởng và mong muốn một ngày không xa Kỳ Thượng là một công viên rừng có một không hai để họ tự hào. Bởi vậy, ông và một số hộ dân trong xã đã ấp ủ dự định phát triển mô hình homestay để đón khách. Ông Linh chia sẻ thêm, bà con ở đây bảo nhau, nhà cho khách du lịch thuê đi thăm công viên rừng phải lợp bằng lá, tường dựng bằng tre mới hợp với khung cảnh và môi trường ở đây, mới gần gũi với thiên nhiên. Còn nếu lợp bằng tôn, xây bằng bê tông chắc khách du lịch sẽ không thích. Ngoài tham quan rừng, du khách còn có thể thưởng thức những đặc sản vùng cao như rượu nếp nương, hay các phiên chợ của đồng bào dân tộc thiểu số với những màu sắc văn hóa đặc sắc.

"Nhập Hoành Bồ vào Hạ Long để trở thành TP Hạ Long mới, sẽ có Di sản Vịnh Hạ Long, có biển, lại có rừng. Khách du lịch có thể xuống biển, có thể lên rừng, mà rừng ở đây là đặc sắc, mới lạ. Khí hậu ở Kỳ Thượng không thua gì Tam Đảo hay Sa Pa đâu, thậm chí còn trong lành, tuyệt vời hơn. Vậy là nhất rồi! Bà con ở đây mừng lắm, mong mỏi một ngày Kỳ Thượng sẽ có công viên rừng, nhà báo ạ" - Trưởng thôn Bàn Sinh Linh hồ hởi nói.

Quả vậy, là người dân của một xã miền núi, nằm trong diện đặc biệt khó khăn, tuy nhiên qua câu chuyện từ ông Linh, trong tôi đã cảm nhận được sự đổi thay rất rõ của Kỳ Thượng. Người dân tộc Dao nơi đây đã dần thoát khỏi thói quen cố hữu là ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước, mà ngược lại, đã chủ động, đổi mới cả tư duy và cách làm.

Uống chén rượu nếp nương, chào tạm biệt ông Linh, suốt chặng hành trình từ Kỳ Thượng về TP Hạ Long nhộn nhịp, tôi vẫn còn quẩn quanh với những chia sẻ của ông, hình dung về những con đường mới lên Kỳ Thượng, những tour du lịch kết nối rừng - biển, về một công viên rừng trong tương lai không xa, về màu xanh ngút ngàn của Kỳ Thượng sẽ làm lay động tâm hồn bao du khách...

Đỗ Phương

Trình bày: Đỗ Quang

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu