4
18
/
969214
Mở rộng địa giới hành chính TP Hạ Long: Nền tảng cho thành phố Quảng Ninh tương lai
longform
Mở rộng địa giới hành chính TP Hạ Long: Nền tảng cho thành phố Quảng Ninh tương lai

 

 

 

Tỉnh Quảng Ninh hiện có 14 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 4 thành phố, 2 thị xã, 8 huyện. Được ví như hình ảnh đất nước Việt Nam thu nhỏ, tỉnh Quảng Ninh hội tụ đủ các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, văn hóa của đất nước. Trong những năm gần đây Quảng Ninh đang có những phát triển rất mạnh mẽ, xứng đáng là một trong những cực tăng trưởng của cả nước. Trong mục tiêu phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương, thì nền tảng Quảng Ninh cần tập trung mạnh đó là bứt phá của thành phố thủ phủ Hạ Long để từ đó tạo sự lan tỏa, lôi kéo phát triển các cực tăng trưởng trong tỉnh.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì không gian lãnh thổ Quảng Ninh được tổ chức theo hướng “một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá” nhằm bảo đảm mục tiêu liên kết, đồng bộ để phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh cũng như thế mạnh tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Theo định hướng này, Hạ Long là tâm, hai tuyến đa chiều là tuyến hành lang phía Tây và tuyến hành lang phía Đông, hai mũi đột phá là Khu kinh tế Vân Đồn và Móng Cái.

Với định hướng này đương nhiên vùng trung tâm của tỉnh Quảng Ninh là TP Hạ Long không chỉ phát triển thành trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của tỉnh để xứng tầm là một trung tâm du lịch lớn trong nước và quốc tế trong tương lai, mà phải trở thành một thành phố đô thị hiện đại trong vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ. Việc phát triển TP Hạ Long gắn liền với công tác bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa của Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long. Không gian thành phố sẽ được phát triển mở rộng về phía Tây và phía Bắc, trong phía Tây là khu Bãi Cháy sẽ tập trung phát triển du lịch; phía Đông là khu Hòn Gai là trung tâm hành chính và thương mại. Như vậy từ năm 2013 không gian phát triển cho TP Hạ Long đã được tính đến việc mở rộng, chuyển các hoạt động công nghiệp từ Hạ Long sang Hoành Bồ để tạo thêm không gian phát triển đô thị cho Hạ Long.

Lợi thế phát triển mà Hạ Long đang sở hữu đó chính là hoạt động du lịch, dịch vụ từ bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long gắn với Vịnh Bái Tử Long. Đây là nguồn tài nguyên vô giá, vô hạn, nhất là trong chiến lược phát triển bền vững, sẽ không đâu có được một Vịnh Hạ Long, liên thông với Vịnh Bái Tử Long để phát triển kinh tế xanh như TP Hạ Long. Thành phố thủ phủ phát triển đương nhiên sẽ lôi kéo sự phát triển của các vùng lân cận, nhưng để thực sự lôi kéo được các vùng phụ cận cùng phát triển không khoảng cách là bài toán không hề dễ nếu vẫn cát cứ về quản lý hành chính mang tính địa giới và tư duy lãnh đạo, chỉ đạo có sự khác biệt giữa cấp huyện hay cấp thành phố, thị xã hay tư duy về nguồn lực cho phát triển.

Vậy làm thế nào để từ trung tâm vùng Hạ Long phát triển xứng đáng là nòng cốt của tỉnh Quảng Ninh đầu tàu trong vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Bắc? Nhìn lại thời gian qua thấy rằng, tỉnh Quảng Ninh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rất quyết liệt để Hạ Long phát huy được tốt nhất ưu thế. Đó là, hoàn thành hệ thống hạ tầng giao thông kết nối Hạ Long với các trung tâm kinh tế Hà Nội, Hải Phòng bằng tuyến đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng; kết nối Hạ Long với các địa phương trong tỉnh (Vân Đồn, Móng Cái) bằng các tuyến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; kêu gọi đầu tư hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn để tạo thêm các cơ hội hút khách du lịch quốc tế đến với Vịnh Hạ Long... Công tác quản lý, phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long cũng được chuyển đổi phù hợp, đảm bảo sự thống nhất trong quản lý nhà nước, quản lý chuyên ngành và quản lý hoạt động trên Vịnh Hạ Long. Năm 2018 tổng thu ngân sách nhà nước của TP Hạ Long đạt 4.300 tỷ đồng. Nguồn thu này đảm bảo nguồn lực để Hạ Long thực hiện xong việc cải tạo, chỉnh trang đô thị, mở rộng các tuyến đường tạo bộ mặt đô thị đẹp, hiện đại.

Thực hiện các chủ trương của Trung ương, những năm qua tỉnh Quảng Ninh đã rất thành công trong đổi mới, đi đầu hiện thực hóa các nghị quyết của Đảng, Nhà nước, từ công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đến phát huy nguồn lực của Nhà nước và xã hội cho phát triển, nâng cao đời sống nhân dân. Những đổi mới, sáng tạo mà Quảng Ninh triển khai thực hiện có hiệu quả đã được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao và trở thành nhiều bài học kinh nghiệm quý được đúc rút từ thực tiễn bổ sung cho việc ra đời các nghị quyết của Bộ Chính trị, nghị định của Chính phủ... Đích đến thành phố trực thuộc Trung ương của tỉnh Quảng Ninh đang rất gần, sự bứt phá trong những năm qua đang là nền tảng rất vững chắc. Đó là, 5 năm liên tục đều nằm trong top 5 địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP, thu ngân sách nhà nước cao nhất cả nước, 2 năm liền dẫn đầu năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; dẫn đầu bảng đánh giá chỉ số hài lòng của người dân. Những đổi mới mang tính đột phá, như huy động nguồn lực xã hội để hoàn thiện hạ tầng giao thông, dịch vụ, du lịch, đô thị; mô hình thí điểm của cả nước về trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện; mô hình cơ quan xúc tiến hỗ trợ đầu tư chuyên nghiệp... đều đã được khẳng định bằng kết quả thành công, được đúc rút để nhân rộng.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thì dư địa phát triển của tỉnh Quảng Ninh còn rất lớn. Ngoài 2 địa bàn được xác định là động lực mới là Khu Kinh tế Vân Đồn và Khu Kinh tế Quảng Yên, thì thành phố du lịch, dịch vụ Hạ Long vẫn là tâm lan tỏa lôi kéo sự phát triển của cả tỉnh trong thực hiện mục tiêu là tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ - công nghiệp và phát triển xanh. Thế mạnh về du lịch, dịch vụ từ khai thác các giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long để phát triển du lịch biển sẽ vẫn là nền tảng chủ đạo để Hạ Long giữ vững vị trí trên bảng xếp hạng du lịch thế giới, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với dòng khách quốc tế. Và cũng theo đánh giá của các chuyên gia thì không gian du lịch của TP Hạ Long cũng cần được mở rộng, đó không chỉ là du lịch biển, mà phải là sự kết hợp đa dạng của du lịch văn hóa, du lịch khám phá, bởi như vậy thì Hạ Long mới phát huy được hết hiệu quả của hệ thống hạ tầng đô thị, dịch vụ đã được đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng thời gian qua.

Như vậy muốn mở rộng, làm mới không gian phát triển du lịch của Hạ Long và để bổ sung cho thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh” thì việc tạo cho Hạ Long một sức mạnh vượt trội, khai phá nguồn lực mới, thời kỳ phát triển mới, làm hạt nhân cho thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai cần có tư duy, cách làm đột phá mới. Cách làm đó không chỉ ở những cơ chế, chính sách thúc đẩy tăng trưởng của ngành du lịch, dịch vụ, mà cần bước đột phá tổng thể từ nguồn lực tự nhiên, đất đai, con người đến tư duy lãnh đạo, bộ máy vận hành của thành phố đô thị hạt nhân.

Ngọc Lan

 Trình bày: Tất Đạt

Bài 4: Sáp nhập Hạ Long - Hoành Bồ: "Châu về hợp phố"


>> Mở rộng địa giới hành chính TP Hạ Long: Khi "chiếc áo" đã quá chật

>> Mở rộng địa giới hành chính TP Hạ Long: Thời cơ đã đến đừng chậm trễ

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu