4
18
/
968961
Mở rộng địa giới hành chính TP Hạ Long: Khi "chiếc áo" đã quá chật
longform
Mở rộng địa giới hành chính TP Hạ Long: Khi "chiếc áo" đã quá chật

 

 

Tầm nhìn cho Hạ Long đến năm 2050, với yêu cầu cốt lõi là phải mở rộng được không gian phát triển cho thành phố thủ phủ, trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội, của tỉnh địa đầu Đông Bắc, xuất phát từ sự phát triển đang rất nhanh, mạnh của tỉnh Quảng Ninh trong những năm gần đây. Nhìn từ Hạ Long có thể thấy rất rõ chuyển dịch mạnh mẽ, hiệu quả về cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh Quảng Ninh, với hàng loạt các dự án hạ tầng, dịch vụ, du lịch, giao thông được triển khai thực hiện tạo sức đột phá, kết nối, lan tỏa vùng. Nhưng cũng từ sự phát triển này, các chuyên gia kinh tế đều đưa ra nhận định, do đặc thù của thành phố ven biển, rất hạn chế về diện tích đất đai để đầu tư, mở rộng không gian phát triển nên sẽ cản trở chính đột phá trong tương lai của Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung.

 

Hạ Long với đặc thù của thành phố ven biển, diện tích tự nhiên trải dài ven bờ vịnh Hạ Long. Tổng diện tích đất tự nhiên của toàn thành phố là 275,58 km2. Với lợi thế của địa bàn nằm bên bờ Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, là tâm phát triển của tỉnh Quảng Ninh, trong những năm gần đây Hạ Long đang có bước bứt phá mạnh về phát triển du lịch, dịch vụ, với hàng loạt các dự án đầu tư tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Tính từ Tây sang Đông của thành phố đều đã hội tụ đủ các nhà đầu tư chiến lược của tỉnh Quảng Ninh, từ cửa ngõ vào thành phố là phường Đại Yên với dự án đô thị Hạ Long Xanh của Tập đoàn Vingroup, phường Tuần Châu là chuỗi các dự án dịch vụ, du lịch của Tập đoàn Tuần Châu, phường Hùng Thắng là chuỗi các dự án đô thị, dịch vụ của Tập đoàn BIM, phường Bãi Cháy là các siêu dự án của Tập đoàn Sungroup, Vingroup. Sang phía Đông thành phố là trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh với các trụ sở làm việc liên cơ quan các đơn vị sở, ngành, chuỗi các dự án đầu tư kết nối về du lịch, dịch vụ, thương mại, giáo dục của các tập đoàn Vingroup, Sungroup, FLC đã ken kín quỹ đất hiện có của thành phố. 

Với thực trạng về đất đai hiện nay, ngoài những nhà đầu tư đã cắm dùi trên đất Hạ Long, hẳn rằng sẽ là vô cùng khó khăn và gian nan với những nhà đầu tư mới muốn đổ bộ vào địa bàn đang rất “hot” trên bản đồ đầu tư này. Như trong chuyến công tác tại Hàn Quốc vừa qua, đoàn chúng tôi có cuộc làm việc với Tập đoàn SG (một trong những tập đoàn kinh tế mạnh của Hàn Quốc). Ông Jo Choing Jin, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn đã rất tiếc nuối chia sẻ với chúng tôi về dự định đầu tư hệ thống sân golf kèm dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng tại TP Hạ Long của mình khó có thể thực hiện do Hạ Long không còn quỹ đất đáp ứng quy mô dự án. Khi chúng tôi ngỏ ý giới thiệu ông nghiên cứu tìm hiểu tại một địa bàn cận kề với Hạ Long, chúng tôi nhận thấy sự ngần ngại của ông bởi với một dự án có tên đầu tư ở địa bàn đang được các nhà đầu tư thế giới đặc biệt quan tâm sẽ là lợi thế, là nguồn lợi của nhà đầu tư. Có lẽ không chỉ có sự tiếc nuối của ông Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn SG (Hàn Quốc) mà nhiều nhà đầu tư tầm cỡ khác cũng đã từng tiếc nuối như vậy.

Theo đánh giá của các nhà đầu tư, các chuyên gia kinh tế thì, kinh tế - xã hội của thành phố Hạ Long đang phát triển mạnh, song nguồn lực tự nhiên đã tới hạn, khó có đột phá căn bản. Về cơ bản Hạ Long không còn nhiều dư địa về không gian phát triển, quỹ đất khả dụng cho phát triển kinh tế - xã hội đã gần hết, không có vùng đệm về hậu cần, vệ tinh đủ lớn. Trong khi đó để đảm bảo cho sự phát triển bền vững Hạ Long cần hạn chế việc san đồi lấp biển để bảo vệ môi trường, giữ cảnh quan độc đáo. Trong bối cảnh hiện nay thì thách thức lớn đối với phát triển bền vững của Hạ Long là bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long do chưa kiểm soát được tận nguồn ô nhiễm từ các dòng sông đổ về vịnh Cửa Lục chảy ra vịnh Hạ Long và kiểm soát ô nhiễm không khí từ nguồn khói bụi các nhà máy xi măng, nhiệt điện từ bên bờ vịnh Cửa Lục. Những thiếu, quá tải đã được dự báo trước sẽ đến với Hạ Long đó là thiếu quỹ đất cho xây dựng những dự án lớn mang tầm cỡ quốc gia và khu vực; dân số tăng nhanh, quá tải trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giảm sút chất lượng đô thị trong khu vực nội thành…

 

Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2030 tầm nhìn ngoài năm 2050 đã được phê duyệt từ đầu tháng 10/2013, đó là thời điểm TP Hạ Long đang là đô thị loại II. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, trong bối cảnh sự phát triển đột phá của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2014 – 2019, TP Hạ Long đã có được những bước phát triển mạnh, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tốc độ đô thị hoá nhanh, bộ mặt đô thị được đổi mới theo hướng hiện đại, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội và dịch vụ đã phát triển đồng bộ với các tiêu chí của đô thị loại I và đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận.

Việc xây dựng Hạ Long là đô thị dịch vụ - du lịch quốc gia, có tầm quốc tế, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long đang dần được thực hiện bởi các dự án trọng điểm, động lực như tuyến cao tốc Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái, Cảng tàu khách Quốc tế Hạ Long, Công viên Đại Dương Hạ Long, Sân golf Ngôi Sao Hạ Long, Trường Đại học FLC Hạ Long, Bảo tàng, thư viện tỉnh, Cung quy hoạch hội chợ, triển lãm, nhà thi đấu 5.000 chỗ… Nhìn nhận thấy sự bức xúc của Hạ Long, một số nhà đầu tư chiến lược đã đề xuất ý tưởng phát triển mới, giải quyết một số nhu cầu phát triển đô thị mới như giảm ùn tắc giao thông, kiểm soát công trình cao tầng, phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ ngầm hệ thống điện thông tin; kiểm soát các tác động ô nhiễm môi trường, bố trí các không gian công cộng…. Đó là thực hiện giai đoạn 2 dự án đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả để hình thành trục phát triển không gian, kết nối các đô thị quan trọng của tỉnh; Đường nối KCN Cái Lân qua KCN Việt Hưng đến Cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, từ năm 2019-2022, là đường chuyên dùng vận tải công nghiệp, kết hợp đô thị, kết nối KCN Việt Hưng, KCN Cái Lân lên cao tốc, tạo thuận lợi cho phát triển logistisc, thu hút các nhà đầu tư vào 2 khu công nghiệp này. Song cùng với các dự án này thì, các dự án cầu Cửa Lục 1 và cầu Cửa Lục 3 nối TP Hạ Long – huyện Hoành Bồ sẽ được đầu tư hoàn thành trong năm 2021 nhằm đánh thức tiềm năng về không gian quỹ đất rộng lớn, phục vụ phát triển đô thị, mở rộng và khai thác quỹ đất phía nam huyện Hoành Bồ và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân hai địa phương Hoành Bồ và Hạ Long. Đồng thời đảm bảo giao thông mùa mưa bão, giảm tải cho tuyến giao thông kết nối khu du lịch Bãi Cháy, Hòn Gai qua cầu Bãi Cháy.

Thực tế đặt ra nhu cầu bức thiết đối với Hạ Long trong tầm nhìn 2040, 2050 muốn là thành phố cấp vùng, đô thị thông minh, đô thị xanh, phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu để dẫn dắt cả vùng Đông Bắc buộc phải mở rộng được không gian phát triển, phải làm lại quy hoạch, phải cởi bỏ chiếc áo quá chật cho thành phố để Hạ Long bứt phá trong giai đoạn mới.

Ngọc Lan

Trình bày: Tất Đạt

Bài 2: Thời cơ đã đến đừng chậm trễ

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu