4
18
/
966637
Bãi tắm Hòn Gai - Mong ước bấy lâu sắp thành hiện thực
longform
Bãi tắm Hòn Gai - Mong ước bấy lâu sắp thành hiện thực

 

Đường bao biển phường Hồng Hà, Hồng Hải, Bạch Đằng, Hồng Gai (TP Hạ Long) chỉ khoảng hơn 6km, nhưng có đến 4 bãi tắm tự phát. Mặc dù tại đây nhiều biển ghi rất rõ “Khu vực nguy hiểm CẤM TẮM”, nhưng xem ra người dân không mấy bận tâm... Người dân phía Hòn Gai luôn mong chờ có một bãi tắm đạt chuẩn và điều này sắp thành hiện thực khi tới đây Dự án “Cải tạo, chỉnh trang, khắc phục ô nhiễm môi trường đường Trần Quốc Nghiễn” hoàn thành sẽ có hạng mục quan trọng này.

Gần 5 giờ sáng, tôi có mặt dọc đường bao biển liên phường: Hồng Hà, Hồng Hải, Bạch Đằng, Hồng Gai (TP Hạ Long), lúc này tiết trời thu se lạnh, thủy triều dần cạn, lộ ra những hòn đá lởm chởm dưới mặt bùn. Gần những cửa cống nước thải thoảng mùi hôi khó chịu, tuy vậy, vẫn có rất đông người dân đến tắm. Trên quãng đường bao biển khoảng hơn 6km mà có tới 4 điểm tắm tự phát tập trung đông người. Một người dân thuộc phường Hồng Hải thường xuyên đi bộ tuyến đường này cho biết, 4 điểm tắm trên hình thành đã nhiều năm nay, khi thủy triều cao thì thêm vô số điểm tự phát, người dân quanh vùng cứ tiện đâu tắm đấy...

5 giờ 35 phút, tại một điểm tắm tự phát phường Hồng Hà, một tốp 8 người vừa tắm xong lên bờ. Tôi hỏi: Nước thấp, bùn trơn... ở đây nguy hiểm sao các bác không nghỉ. Một bà chừng tuổi gần 60 nhanh nhảu: - Nhiều khi nước cạn hơn thế chúng tôi vẫn ra xa tắm đấy chứ! Nhiều người bị hà, đá xẻ sứt cả chân tay là thường xuyên. Lúc này, một bác gái lớn tuổi nhất trong nhóm vừa giơ chiếc can nước ngọt tắm tráng, nói xen: Hà, đá xẻ chịu được hết, chứ cảnh đau xương khớp khổ lắm. Tôi đây gần 74kg giờ tiêu tan bách bệnh như xương khớp, tim mạch, mỡ máu... là nhờ duy trì tắm biển hàng chục năm nay đấy!

Chia sẻ với tôi về việc nghe thông tin sắp có bãi tắm tại khu vực phường Hồng Hà, một chị trong nhóm tên là Hương, nói: Đáng ra phải có từ lâu rồi mới phải! Một chị đứng cạnh tiếp lời: Vẫn biết khu vực này nguy hiểm không nên tắm, nhưng “cực chẳng đã” chỉ vì bệnh tật... Giờ bảo chúng tôi đi 15-16 cây số sang tận bãi tắm Bãi Cháy tắm đúng nơi quy định thì không thể có điều kiện, bất cập nhiều vấn đề lắm!

Gần 6 giờ, tôi đến cầu tàu Hải đội 1 thuộc Cục chống buôn lậu Tổng cục Hải quan tại phường Hồng Gai. Ngay cổng cầu, chiếc biển đỏ ghi rõ: “UBND phường Hồng Gai thông báo KHU VỰC NGUY HIỂM KHÔNG TẮM BIỂN” được dựng khá vững chãi. Tuy nhiên, khi tôi vào phía trong cầu thì thấy khoảng 30 người tắm biển đã dần bơi vào bờ, họ toàn người già, trung niên có cả nam, nữ. Tại đây, chỗ nào nước cũng rất sâu. Tôi thật sự ái ngại khi chứng kiến cảnh mọi người rất bình thản tắm ngay sát luồng tàu ra, vào tấp nập; lối lên, xuống là đống đá hộc lổng chổng sát bờ kè... tiềm ẩn nguy cơ tai nạn thương tích rất cao.

Khi tôi hỏi anh bảo vệ khu cầu, sao vẫn để họ vào tắm, trong khi có biển cảnh báo nguy hiểm, anh bảo vệ nói: Có cấm qua cổng thì họ lại bơi từ chỗ khác vào... Ở đây họ tắm quanh năm, hàng chục năm nay rồi. Mùa hè họ tắm từ 4 giờ 30 phút ấy chứ... Giờ chủ yếu là ý thức tự bảo vệ tính mạng của họ thôi

17 giờ cùng ngày, tôi đến khu tắm tự phát tại phường Bạch Đằng. Lúc này thời tiết vẫn khá oi bức. Khắp khu vực gần chục biển báo “Khu vực nguy hiểm cấm tắm” giăng hàng dài, tuy nhiên người dân vẫn cứ ùn ùn đến tắm, cho dù 3 lực lượng làm công tác an ninh trật tự túc trực, khi cản chỗ này thì họ lại xuống tắm chỗ khác, mỗi lúc một đông lên tới hàng trăm người từ già đến trẻ nhỏ nam, nữ; người đi bộ, xe đạp, xe máy, ô tô đủ cả... gây cản trở, mất an toàn giao thông.

Khi tôi chia sẻ việc không nên tắm ở vùng cấm nguy hiểm này với anh Hải, trú tại khu 1, phường Bạch Đằng vừa đưa cháu nội 6 tuổi đến tắm, thì anh Hải nói: Trời nóng nực tôi chỉ cho cháu tắm một lát rồi về cho cháu ăn, ngủ tốt... Tôi rất mong thành phố hoàn thành nhanh bãi tắm để người dân chúng tôi có nơi tắm đàng hoàng; chứ cả một vùng đông dân cư thế này mà không có nổi 1 bãi tắm thì quả là bất cập.

Đi dọc tuyến bao biển này không khó nhận ra nhiều đoạn kè hình thành bậc lên xuống khá to. Được biết, đây là do người dân từ lâu tự ý làm nhằm đi lại an toàn hơn mỗi khi tắm biển. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế cấp bách cho nhu cầu tắm cao của người dân, nhưng bên cạnh đó còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao mất an toàn. Không có số liệu thống kê, nhưng điều không thể phủ nhận, nhiều năm qua đã có không ít vụ tai nạn đuối nước đáng tiếc do tắm biển tại những khu tắm tự phát này.

Khi tôi trò chuyện vấn đề này với ông Nguyễn Gia Tường, 82 tuổi, nguyên giáo viên Trường THPT Hòn Gai - người nhiều năm qua vẫn tập thể dục trên tuyến đường này, thầy giáo già bày tỏ: Việc cấm tắm khu vực này là rất đúng, vì không đủ điều kiện an toàn, môi trường..., nhưng xét nhu cầu người dân được tắm biển cũng rất chính đáng. Tôi biết tới đây thành phố đầu tư bãi tắm tại khu vực này là việc hết sức nên làm, vì giải tỏa được nỗi khát khao của nhiều người dân bấy lâu nay. Nhưng lại có ý kiến cho rằng, việc đầu tư bãi tắm ở đây là lãng phí vì đã có bãi tắm Bãi Cháy, đây là quan điểm sai lầm theo tôi, bởi xét đơn giản, khi người dân đổ dồn vào một điểm thường xuyên, chắc chắn sẽ xảy ra bất cập về an toàn giao thông...

Gần 26 vạn thuộc 20 phường là dân số hiện tại của toàn TP Hạ Long. Thành phố có hai miền Đông và Tây. Hướng Tây phía khu du lịch Bãi Cháy gồm 7 phường, dân số chiếm khoảng 1/3 thành phố, còn lại hướng Đông phía Hòn Gai. Thành phố nằm dọc bờ vịnh dài 50km. Với một địa phương khá đông dân, nhưng hiện chỉ có một bãi tắm Bãi Cháy phục vụ dân sinh, khách du lịch thì quả là bất cập đối với một thành phố đang không ngừng phát triển, hướng tới bền vững như TP Hạ Long...

Xuất phát từ nhu cầu chính đáng của người dân, mới đây thành phố quyết định đầu tư một bãi tắm tại phường Hồng Hà, với quy mô dài 900m, rộng 90m, vỉa hè phụ trợ rộng 28m gồm nhiều cây xanh bóng mát, khuôn viên; khu vực tắm tráng, để xe riêng biệt... kinh phí đầu tư khoảng 100 tỷ đồng, nằm trong tổng đầu tư 680 tỷ đồng toàn Dự án “Cải tạo, chỉnh trang, khắc phục ô nhiễm môi trường đường Trần Quốc Nghiễn”. Về cảnh quan của dự án được biết do chuyên gia người Ý thiết kế với chiều dài toàn tuyến là 4,7km, thời gian thi công không quá 12 tháng trong năm 2019-2020.

Trao đổi với tôi về việc đầu tư bãi tắm, ông Phạm Hồng Hà, Chủ tịch UBND TP Hạ Long, cho biết: Phải khẳng định, đến thời điểm này kinh tế của thành phố mới cho phép đầu tư thêm bãi tắm. Trước kia ngân sách có hạn nên tập trung chủ yếu vào y tế, giáo dục... Việc đến nay vẫn tồn tại nhiều bãi tắm tự phát dọc đường bao biển thuộc phường Hồng Hà, Hồng Hải, Bạch Đằng, Hồng Gai, mặc dù thành phố cũng đã có nhiều biện pháp cấm, xong ý thức của người dân vẫn cố tình không chấp hành; trong khi lực lượng làm công tác an ninh trật tự tại các phường mỏng... Chính từ những lý do đó, nguy cơ tiềm ẩn rủi ro, mất an ninh trật tự cao. Đây cũng là trăn trở từ lâu của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền thành phố trước khi quyết định đầu tư thêm bãi tắm phục vụ người dân 13 phường miền Đông của thành phố tại khu vực này.

Ông Hà cũng cho biết thêm, để đầu tư một bãi tắm mang tính lâu dài, bền vững thì cần phải đầu tư đồng bộ, nên chi phí không nhỏ. Tuy nhiên, bằng sự chuẩn bị trọng tâm, dự án sẽ được đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng đề ra. Nhất là khu bãi tắm, không chỉ đảm bảo về cảnh quan, không gian, đặc biệt về môi trường nước thải, bằng nguồn ngân sách thành phố và nguồn vốn vay ODA sẽ đầu tư hệ thống xử lý nước thải, khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm... Đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn môi trường cho bãi tắm phục vụ người dân.

Được biết, khi dự án đi vào sử dụng sẽ hình thành tuyến đường dạo bao biển ngắm cảnh Vịnh Hạ Long tuyệt đẹp, là nơi có thể tổ chức các lễ hội, sự kiện quy mô nhỏ; bãi tắm biển văn minh, an toàn... tất cả sẽ tạo nên điểm nhấn tham quan du lịch mới, tăng sức hấp dẫn đối với du khách... Đây thật sự là một niềm vui, tiếp tục khẳng định sự phát triển không ngừng của TP Hạ Long, mà người dân đang nóng lòng chờ đợi - Kỳ vọng ở một dự án, một bãi tắm trăm tỷ.

Thanh Hà

Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu