4
18
/
964045
Những "em bé kangaroo"
longform
Những "em bé kangaroo"

 

 

Những khái niệm “cái ôm đầu đời”, “da kề da” là cách nói khác của phương pháp kangaroo trong y học. Đây là phương pháp chăm sóc trẻ sơ sinh bằng cách đặt trẻ nằm tiếp xúc da kề da trên ngực mẹ để được giữ ấm và nuôi dưỡng bằng sữa mẹ. Phương pháp chăm sóc trẻ này không những mang ý nghĩa về mặt y học, mà còn mang đậm tính nhân văn, xây dựng tình cảm gắn bó mẹ con, gia đình, cộng đồng và tạo cho trẻ môi trường tốt nhất ngay trong giai đoạn đầu của cuộc đời. Những “em bé kangaroo” đã chào đời và lớn lên bằng tình yêu thương như thế...

 

Hai lần mang thai trước đều khỏe mạnh, sinh con đủ ngày, đủ tháng, nên chị Lê Thị Thu Huệ (tổ 8, khu 8, phường Vàng Danh, TP Uông Bí) rất yên tâm khi mang thai bé thứ 3. Không ngờ rằng đến tuần thứ 29, chị Huệ thấy trong người không khỏe nên gia đình vội đưa chị đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí. Em bé “hạt tiêu” của chị Huệ ra đời chỉ nặng 1,1kg, được cả nhà đặt tên là Nguyễn An Bình.

 

“Biết là con sinh thiếu tháng, nhưng không thể ngờ con bé như vậy. Nhìn con bé xíu thấy thương lắm” - chị Huệ chia sẻ. Sau vài ngày chăm sóc đặc biệt, An Bình được đưa về phòng với bố mẹ. Tuy đã hai lần làm mẹ, nhưng chị Huệ chưa lần nào chăm con bé đến thế. Cơ thể nhỏ xíu, mỏng manh của con khiến chị Huệ lo lắng, lóng ngóng mỗi khi thay bỉm hay cho con bú.

Cả gia đình chị Huệ được các y, bác sĩ Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, tận tình hướng dẫn cách ấp con bằng phương pháp kangaroo. “Bác sĩ bảo ấp bé vào ngực để truyền hơi ấm cho con, bù đắp cho những ngày bé phải rời bụng mẹ sớm. Được ôm, ấp con vào lòng, nghe được cả nhịp tim của mình và con cùng đập thấy thiêng liêng, gắn bó vô cùng” - chị Huệ xúc động.

Bé An Bình ngày ngày nằm ngoan trên ngực mẹ, tựa như chú chuột kangaroo bé bỏng nằm trong túi chuột mẹ. Không chỉ mẹ, bé An Bình còn được bố, bà ngoại thay phiên nhau ấp. Cô bé "hạt tiêu" được truyền hơi ấm, tình thương cứ dần lớn lên. Sau hơn một tháng, An Bình đã đạt mốc 1,6kg. Nhìn chỉ số cân nặng của con, chị Huệ như được tiếp thêm động lực.

Ở phòng bên cạnh, đôi vợ chồng trẻ Lý Văn Hưởng - Nguyễn Thị Ngọc Ánh (thôn Xuân Bình, xã Bình Khê, TX Đông Triều) cũng khá bận rộn khi chăm sóc con gái bé nhỏ ra đời khi mới 31 tuần tuổi, nặng 1,7kg. Làm bố ở tuổi 22, Hưởng vừa bỡ ngỡ, vụng về, vừa lo lắng, sợ làm… rơi mỗi khi bế con. Ấy thế mà chỉ vài lần được các y, bác sĩ hướng dẫn, Hưởng đã ấp con thành thạo.

“Ngày đầu ấp con không quen, em thấy gò bó, khó chịu vì phải nằm yên, trời lại nóng, đổ cả mồ hôi. Nhưng bác sĩ bảo ấp kangaroo rất tốt cho con, nên khó mấy em cũng làm. Bây giờ ấp con, thấy con nằm ngủ yên trên ngực, nghe được cả hơi thở của con, được cầm bàn tay bé tí xíu của con… lại thấy rất thích” - ông bố trẻ tâm sự.

Không chỉ mẹ, bố, những "em bé kangaroo" còn được bà, bác, cô, dì… thay phiên nhau ấp, vừa để cho mẹ bé nghỉ ngơi, vừa đảm bảo bé được nằm lâu nhất trên ngực. Thay phiên cho con ăn cơm, bà Phạm Thị Lan, bà bé An Bình thành thạo đặt cháu lên ngực, lấy khăn choàng qua người giữ cháu. Vừa vỗ về cháu ngoại bà Lan vừa kể: “Tôi nuôi mấy đứa cháu rồi, nhưng đây là đứa bé nhất. Vất vả lắm, 3 tiếng phải cho ăn một lần, rồi thay phiên nhau ấp cháu. Hôm nào ấp đủ giờ thì thấy cháu ngủ ngoan hơn, ăn nhiều hơn…”.

 

Được biết, từ năm 2009, phương pháp kangaroo đã được đưa chính thức vào Hướng dẫn Quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, phần chăm sóc sơ sinh. Tại Quyết định số 1142/QĐ-BYT ngày 18/4/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt “Hướng dẫn tổ chức thực hiện đơn nguyên sơ sinh và góc sơ sinh tại các tuyến y tế”, chăm sóc trẻ bằng phương pháp kangaroo một lần nữa được nhấn mạnh thực hiện ở tất cả các tuyến y tế. Hai cơ sở thực hiện phương pháp kangaroo đầu tiên ở Việt Nam là, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí và Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh). Tại đây, nhiều đoàn tham quan và cán bộ từ nước ngoài đến học tập kinh nghiệm triển khai, nhân rộng phương pháp kangaroo.

 

Bác sĩ Vương Thị Hào, Trưởng Khoa Sơ sinh,  Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, cho biết: Năm 1986, bác sĩ Nguyễn Thu Nga và một điều dưỡng của Bệnh viện, được cử sang Colombia học về phương pháp kangaroo trong chăm sóc, điều trị trẻ sơ sinh để về áp dụng tại Bệnh viện. Nhờ phương pháp này mà hơn 30 năm qua, đã có rất nhiều em bé sinh non thể trạng yếu, nhẹ cân vượt qua được ranh giới sinh tử để ở bên bố mẹ.

Đến nay, phương pháp kangaroo đã trở thành kĩ thuật thường quy trong chăm sóc trẻ sơ sinh tại các khoa Nhi, Sơ sinh, Sản của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí. Đặc biệt, Bệnh viện đã thực hiện được cả 5 mô hình chăm sóc kangaroo cho trẻ sơ sinh, là: Thực hiện tiếp xúc da kề da ngay sau sinh; khi trẻ chuyển tuyến; đối với trẻ cần hồi sức cấp cứu; với trẻ đẻ non, nhẹ cân đã ổn định; tại nhà và cộng đồng.

Mỗi ngày Khoa Sơ sinh điều trị, chăm sóc cho khoảng 10 trẻ sinh non, nhẹ cân. Công việc chăm sóc những trẻ sơ sinh non yếu, nhẹ cân rất vất vả, khó khăn nhưng các y, bác sĩ trong Khoa luôn kiên nhẫn, tận tình, thực hiện các phác đồ điều trị phù hợp, đồng thời tuyên truyền, thuyết phục gia đình bệnh nhân thực hiện phương pháp kangaroo. Cũng từ thực tế triển khai phương pháp này, các nhân viên y tế của Khoa đã sáng tạo ra những chiếc áo địu, phù hợp để các ông bố, bà mẹ ấp con. Những chiếc áo địu đủ màu, được làm từ vải thun mềm mại, có cái đã bạc màu, sờn vải… nhưng vẫn được sử dụng để ấp ủ, chở che những thiên thần bé nhỏ.

 

"Trẻ sinh non rất nhỏ, yếu, có bé chỉ nặng vài trăm gram. Các bố mẹ ban đầu rất lo lắng khi chăm sóc, bế con, sợ con đau, sợ đánh rơi con. Nhưng nhờ hơi ấm, nhờ tình yêu thương của cha mẹ, người thân, các bé đã vượt qua giai đoạn khó khăn, lớn dần, lớn dần. “Nhờ chăm sóc tích cực, đặc biệt là bằng phương pháp kangaroo, Khoa đã cứu được nhiều bé sơ sinh nhẹ cân, non tháng, thậm chí có bé chỉ nặng 0,7kg, có bé chỉ 26 tuần tuổi, các bộ phận trong cơ thể còn chưa hoàn thiện. Chúng tôi gọi đó là những điều kỳ diệu được làm nên bởi chính các bé và gia đình các bé” - bác sĩ Hào chia sẻ với chúng tôi.

Hoàng Quý - Hùng Sơn

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu