4
18
/
963872
Chăm lo toàn diện đời sống nhân dân
longform
Chăm lo toàn diện đời sống nhân dân

Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhấn mạnh: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Thực hiện lời dạy của Người, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư, phát triển toàn diện trên tất cả các ngành, lĩnh vực. Trong đó, tỉnh đã đặc biệt quan tâm, hỗ trợ, phát triển kinh tế-xã hội cho người dân vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể, chất lượng đời sống của người dân ngày càng được nâng lên.

 

Cây dong riềng được nhân giống, phát triển quy mô lớn trở thành động lực giúp người dân Bình Liêu thoát nghèo.
Cây dong riềng được nhân giống, phát triển quy mô lớn trở thành động lực giúp người dân Bình Liêu thoát nghèo.

Đến Ba Chẽ - huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh, có thể thấy những đổi thay rất lớn từ hạ tầng giao thông, điện, đường, trường, trạm... đến thói quen canh tác, phát triển kinh tế của người dân. So với trước đây, cuộc sống của người dân vùng cao Ba Chẽ đã từng bước được nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Từ xuất phát điểm thấp với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 80%, có 7 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) nằm trong Chương trình 135 của Chính phủ. Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chiếm 48%.

Đến nay, Ba Chẽ đã khoác lên mình một tấm áo mới. Toàn huyện có 4/8 xã và 48/49 thôn ĐBKK đủ điều kiện ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành Chương trình 135 năm 2018. Đặc biệt, năm 2018 cũng là năm có số hộ dân tự nguyện viết đơn thoát khỏi diện nghèo cao nhất từ trước đến nay của Ba Chẽ với 104 hộ. Không những thế, nhiều hộ dân còn tự nguyện hiến đất, đóng góp kinh phí, tạo nguồn lực cho các chương trình phát triển kinh tế của địa phương. Từ những kết quả đó, năm 2019, Ba Chẽ đang phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3,8%. 

Những lá đơn xin tự nguyện thoát nghèo ở Ba Chẽ đã chứng minh sự thay đổi tư duy của người dân trong việc tự lực xóa nghèo.
Những lá đơn xin tự nguyện thoát nghèo ở Ba Chẽ đã chứng minh sự thay đổi tư duy của người dân trong việc tự lực xóa nghèo.

Không chỉ Ba Chẽ, nhiều địa phương thuộc vùng "lõi nghèo” của tỉnh cũng đang nỗ lực thoát nghèo. Có thể kể đến huyện Bình Liêu, mọi nguồn lực của huyện đều tập trung cho việc thực hiện Chương trình 135. Trong đó, ưu tiên xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng các xã, thôn trong diện ĐBKK và hỗ trợ phát triển sản xuất bảo đảm sinh kế của người dân.

Từ năm 2016 đến năm 2018, Bình Liêu hỗ trợ đầu tư các dự án, với tổng kinh phí trên 350 tỷ đồng. Riêng năm 2019, huyện được cấp gần 138 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn đó, huyện đã triển khai 124 dự án, công trình giao thông, thủy lợi, nước sạch và hàng loạt dự án quan trọng về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, phân bổ trên 16,3 tỷ đồng để hỗ trợ 12 dự án cho trên 300 hộ dân nuôi trâu, bò... Qua đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2018 còn 870 hộ, tương ứng với 11,35%, phấn đầu năm 2019 giảm còn 467 hộ, tương ứng với 6,31%.

Xây dựng đường liên thôn ở thôn Ngàn Phe, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu.
Xây dựng đường liên thôn ở thôn Ngàn Phe, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu.

Ở một số địa phương khác như Hoành Bồ, bên cạnh phát triển kinh tế, công tác chăm sóc y tế, xã hội là những tiêu chí được địa phương đặc biệt quan tâm. Theo Trưởng phòng Dân tộc huyện Hoành Bồ Nguyễn Văn Ngọc, căn cứ theo mức độ thiếu hụt nhu cầu cơ bản, các chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục được triển khai phù hợp, hiệu quả đến hộ nghèo. Có thể kể đến hệ thống khám chữa bệnh ngày càng được chú trọng đầu tư, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận dịch vụ y tế tốt hơn.

Toàn huyện Hoành Bồ hiện có trên 98% dân số vùng nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% người nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số được cấp phát đầy đủ, kịp thời thẻ BHYT; 100 trạm y tế cấp xã đạt chuẩn... Bên cạnh đó, các chương trình hỗ trợ cho vay vốn là động lực cho người dân thoát nghèo với tổng nguồn vốn trên 700 tỷ đồng; tổng dư nợ từ 13 chương trình cho vay với các đối tượng là hộ nghèo, học sinh, sinh viên… trên 230 tỷ đồng.

Từ mong ước của Bác, đồng bào “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, đến nay, phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã tiếp nối di nguyện của Người, với những chủ trương, chính sách đúng đắn.

Ở Quảng Ninh, trong những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh. Chỉ trong năm 2019, UBND tỉnh đã giao hơn 32 tỷ đồng vốn Chương trình 135 để thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đáp ứng 100% nhu cầu hỗ trợ phát triển sản xuất theo đề nghị của các địa phương; triển khai thực hiện 2 dự án, 3 nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại các xã ĐBKK, xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, tiếp tục thực hiện công tác hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất tại các xã thuộc Chương trình 135 của tỉnh.

Không chỉ cấp tỉnh, UBND các địa phương đã xây dựng kế hoạch cụ thể, lộ trình, phê duyệt phương án giảm nghèo năm 2019 đến từng thôn bản, hộ dân, để thực hiện được mục tiêu giảm nghèo, đưa xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK năm 2019. 6 tháng đầu năm tỷ lệ hộ nghèo đã giảm 0,15%.

Bên cạnh hỗ trợ sản xuất, UBND tỉnh giao hơn 465 tỷ đồng vốn Chương trình 135 để thực hiện dự án, công trình hạ tầng thiết yếu. Tính đến 31/7/2019, các địa phương đã phân bổ vốn Chương trình 135 cho 344 danh mục công trình. Đến nay, số vốn đã triển khai thực hiện là 182,571 tỷ đồng.

hủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh trò chuyện với học sinh Trường Tiểu học và THCS Đồng Sơn. (Ảnh: Thanh Tùng)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh trò chuyện với học sinh Trường Tiểu học và THCS Đồng Sơn. (Ảnh: Thanh Tùng)

Theo ông Lý Văn Thành, Phó trưởng Ban dân tộc tỉnh, các điều kiện về y tế, giáo dục, đào tạo nghề để đạt tiêu chí hoàn thành Chương trình 135, ra khỏi diện ĐBKK cũng đã được các ngành tích cực đầu tư. Trong đó, sở Giáo dục và Đào tạo lập kế hoạch hỗ cơ sở vật chất cho các trường phổ thông dân tộc bán trú tại các xã khó khăn; thành lập các đoàn công tác đánh giá việc thực hiện các tiêu chí về lĩnh vực giáo dục và đào tạo của các trường tại các xã thuộc Đề án 196. Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh ban hành các văn bản để hướng dẫn, chỉ đạo, triển khia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật, tủ sách pháp luật trong đó chú trọng triển khai đến các xã nông thôn mới, xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh; tổ chức hội nghị trợ giúp pháp lý tại các địa bàn vùng ĐBKK thuộc huyện Tiên Yên, Đầm Hà, Ba Chẽ, Hoành Bồ. 

Có thể thấy, bằng những chính sác đúng đắn, phù hợp và kịp thời, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nổi bật, góp phần nâng cao mức sống của người dân, thực hiện thắng lợi di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng tỉnh ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Hoàng Quỳnh

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu