4
18
/
957533
Bài 3: Trường Sa - "Thủ đô" giữa trùng khơi
longform
Bài 3: Trường Sa - "Thủ đô" giữa trùng khơi

 

Hải trình 9 ngày trên quần đảo Trường Sa, một trong những nơi chúng tôi mong chờ nhất chính là đảo Trường Sa lớn. Được mệnh danh là “thủ đô” của huyện đảo Trường Sa, Trường Sa lớn khiến chúng tôi có cảm giác thân quen như đang đi giữa một vùng quê ven biển Việt Nam thuần hậu, yên hòa, có bóng cây xanh mát, lớp học trẻ ê a đọc chữ, có ngôi chùa vang vọng tiếng gõ mõ…

 

Trường Sa lớn là đảo duy nhất mà các tàu lớn có thể neo tại bến mà không phải “tăng bo” bằng xuồng. Mọi mệt mỏi bỗng chốc tan biến khi chúng tôi đặt chân lên đảo, được chào đón nồng nhiệt bằng những cái bắt tay tình nghĩa của quân và dân. Vậy là ước mơ được một lần ra với Trường Sa của tôi và tất cả các thành viên trên tàu cũng thành hiện thực. Cảm giác thân thuộc, tự hào xen lẫn xúc động khi được đặt chân lên vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc. Giữa mênh mông sóng nước, đảo Trường Sa lớn nằm vững chãi, hiên ngang và giàu đẹp như chính niềm tin của mỗi người con đất Việt dành cho biển đảo quê hương.

Đến đây, vui nhất là được nghe thấy tiếng cười giòn tan của trẻ con đùa nghịch. Những đứa bé mặc sắc phục hải quân màu trắng, lon ton chạy theo bóng áo dài truyền thống thướt tha của mẹ. Có đứa còn ngại ngần, xấu hổ khi nhìn thấy người lạ, có đứa vui vẻ chụp ảnh. Nhưng khi nhìn thấy các chú hải quân, bọn trẻ bỗng chốc hò reo, ào đến để được ôm, được bế như những người anh, người chú thân thiết trong gia đình. Nếu như trước đây việc học hành hay chăm sóc y tế luôn là nỗi lo thường trực của người dân, thì hiện nay, trên đảo đã có trường học, trung tâm y tế. Trường lớp đủ cấp mầm non và tiểu học được trang bị đầy đủ bàn ghế, đồ dùng học tập để phục vụ cho việc học, vui chơi của học sinh. Cùng với đó, công tác y tế ngày một nâng cao, cải thiện. Ngoài việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, thì khi ốm, đau người dân đã được y, bác sĩ tại các bệnh xá chăm sóc tận tình, chu đáo, cấp thuốc đầy đủ, miễn phí. Không những thế, nhờ có hệ thống điện gió, điện mặt trời, các hộ dân được cấp điện sinh hoạt, được xem tivi, nghe đài, có sóng điện thoại… Vì vậy, khoảng cách với đất liền dường như gần hơn.

Ở đây, nhà dân cũng được xây dựng như bao ngôi nhà khác ở đất liền với kiến trúc kiên cố thông thoáng. Nước trên đảo được khai thác từ nguồn nước giếng và nước mưa, giúp người dân và chiến sĩ có thể tăng gia trồng rau, nuôi gà vịt… Chị Nguyễn Bình Phương Ái, sinh sống gần 5 năm trên đảo chia sẻ: “Cuộc sống ở trên đảo cũng giống như trên đất liền. Những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày tương đối đầy đủ như điện, nước ngọt, tivi, tủ lạnh, sóng điện thoại... Năm 2015, tôi sinh được cháu Thái Bình Hải Thùy. Vì mong con lớn lên sẽ anh dũng, kiên trung như các chú hải quân canh giữ biên thùy biển đảo của Tổ quốc, nên tôi đã đặt tên này”. Hiện nay, để đảm bảo việc học tập cho các cháu, không chỉ ở Trường Sa mà các đảo nổi khác đều có lớp mầm non, tiểu học cho học sinh. Sau đó, lên cấp 2, các em sẽ chuyển vào đất liền học tiếp. Có lẽ vì vậy, lớp học ở đảo Trường Sa rất đặc biệt. Từ những em bé mầm non 3 tuổi cho đến cô cậu học sinh lớp 4, lớp 5 đều được học chung một lớp. Dù khó khăn nhưng các thầy cô cố gắng khắc phục, tạo điều kiện học tập tốt nhất cho các em.

Trung tá Trần Văn Quyển, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa cho biết: “Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nên chất lượng cuộc sống của người dân thị trấn Trường Sa không ngừng được cải thiện. Không chỉ có máy lọc nước biển, hệ thống điện từ năng lượng gió, mặt trời cũng đã được trang bị. Bên cạnh đó, thị trấn Trường Sa còn được đầu tư đồng bộ nhiều thiết bị y tế hiện đại, không thua gì đất liền nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân, cán bộ chiến sĩ trên đảo, cũng như trở thành “điểm tựa” của những ngư dân đi biển. Không ít trường hợp ngư dân gặp hiểm nguy đã được cứu sống kịp thời nhờ các thiết bị hiện đại với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa tay nghề cao tại Trung tâm Y tế Trường Sa”.

 

 

Hành trình đi qua 8 điểm đảo và 1 Nhà giàn DK1/9 đã để lại trong chúng tôi nhiều cảm xúc. Trong đó, Trường Sa có lẽ là nơi khiến các thành viên trong đoàn xúc động hơn cả. Khoảnh khắc cả đoàn tham dự lễ chào cờ trên đảo chính là giây phút lòng tự hào dân tộc như dâng trào, hòa theo lời hát, cất cao giữa biển trời quê hương.

 

Lễ chào cờ trên đảo diễn ra một cách khẩn trương và hết sức trang nghiêm. Khi hiệu lệnh của người chỉ huy vừa dứt, ai nấy lặng người hướng mắt về lá cờ Tổ quốc cùng đồng thanh cất tiếng hát hùng hồn: “Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc. Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa. Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước…”. Cũng lá cờ Tổ quốc đỏ tươi, cũng bài hát Quốc ca đã in sâu trong tâm trí mỗi người con đất Việt từ thủa học trò, nhưng chào cờ giữa Trường Sa mang lại sự nghẹn ngào, xúc động khó tả. Đó là khi đứng giữa muôn trùng sóng gió của đại dương, tiếng nhạc quốc ca hùng tráng vang lên cùng hình ảnh lá cờ đỏ tung bay giữa biển trời Tổ quốc, chúng tôi muốn hát to, vang mãi bài hát giữa đảo quê hương như để khẳng định chủ quyền thiêng liêng từ bao đời của dân tộc… Dường như ai cũng có thể cảm nhận dưới chân mình là từng viên đá, hạt cát đã thấm máu cha anh để gìn giữ bình yên cho Tổ quốc ở đầu sóng, ngọn gió. Khi bài Tiến quân ca vừa dứt, người chỉ huy dõng dạc hô 10 lời thề danh dự của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Từng lời thề vang lên đanh thép, đầy quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ hải quân. Nhìn cờ đỏ sao vàng tung bay kiêu hãnh và đoàn quân oai nghiêm bên cạnh cột mốc chủ quyền, cùng sự thống nhất, đoàn kết của quân, dân trên đảo… tất cả như tiếp thêm sức mạnh, tình yêu đất nước cho chúng tôi.

Nhưng có lẽ, giây phút khiến các thành viên trong đoàn xúc động nhất ở đảo Trường Sa lớn chính là khoảnh khắc chia tay. Sau buổi diễn văn nghệ, tàu chúng tôi rời đi ngay trong đêm. Các cán bộ, chiến sĩ đứng thành hai hàng, những đứa trẻ cũng chạy theo cùng bố mẹ đứng vẫy tay chào. Giống như những người thân trong gia đình, giây phút chia tay khiến ai nấy đều bịn rịn. Chúng tôi cùng nhau hát vang hơn 10 bài hát về quê hương, biển đảo. Ai cũng muốn mình được thể hiện tình cảm nhiều hơn, hát “sung” hơn. Mọi mệt mỏi như biến mất. Giây phút ấy khiến cả những người mạnh mẽ nhất cũng rơi lệ. Anh Nguyễn Phúc Vinh, Trưởng Phòng Giao thông, Công nghiệp và Xây dựng, Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh Quảng Ninh, chia sẻ: “Có lẽ lâu lắm rồi chúng tôi mới khóc nhiều như vậy”. Những giọt nước mắt của tình cảm quân dân, của sự gắn kết như hòa quyện.

 

Cho đến khi tàu rời bến, những lời đối đáp “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước”, “Đất liền yêu Trường Sa, Trường Sa yêu đất liền”... vẫn còn vang vọng. Chỉ đến khi tiếng sóng át đi tiếng gọi, mọi người mới dừng lại. Nhưng ở bến tàu Trường Sa, khi con tàu chưa khuất, khi vẫn còn nhìn thấy nhau, những bàn tay ở hai bên vẫn không ngừng vẫy. Chưa bao giờ tôi cảm thấy bản thân ý thức trọn vẹn về tình nghĩa quân dân, về tình yêu quê hương Tổ quốc đến như vậy. Nó thuần khiết, sâu sắc, đủ sức khơi dậy những cảm xúc sâu thẳm và mãnh liệt nhất trong trái tim mỗi người. Có lẽ, tôi đã hiểu vì sao, trong thời khắc cam go nhất của lịch sử, khi phải đối đầu với các thế lực lớn mạnh nhất của thế giới, chúng ta vẫn chiến thắng. Chính vì trong mỗi người, luôn có sẵn một tinh thần và tình yêu nước nồng nàn đến vậy.

Bài 4: Gửi niềm tin, yêu thương ở lại

Hoàng Quỳnh -Lý Cường

Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu