4
18
/
921019
Cấp bách chống dịch, hạn chế thiệt hại
longform
Cấp bách chống dịch, hạn chế thiệt hại

 

 

Dịch tả lợn châu Phi đã chính thức xuất hiện trên địa bàn TX Đông Triều. Như vậy, đến thời điểm này, dịch đã lây lan ra 12 tỉnh, thành phố, gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Điện Biên, Hòa Bình, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình. Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, các địa phương trong cả nước nói chung, Quảng Ninh nói riêng đang tích cực, khẩn trương, quyết liệt triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người nông dân.

Xác định rõ tính chất nguy hiểm của dịch tả lợn châu Phi đối với ngành chăn nuôi nên thời gian qua, Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ, tích cực, quyết liệt các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch. Đặc biệt là từ thời điểm dịch bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam tại tỉnh Hưng Yên vào ngày 1/2. Mặc dù quyết liệt là vậy, nhưng do nguồn lây bệnh đến từ nhiều kênh như nguồn nước, trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi, qua ve hút máu, ruồi, muỗi, các loại bọ, chim, chuột, chó, mèo, trâu, bò, dê, cừu…, nên đến thời điểm này, trên địa tỉnh đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi tại hộ gia đình bà Nguyễn Thị Làn, thôn Đức Sơn, xã Yên Đức, TX Đông Triều.

 

Theo bà Làn, ngày 6/3, một trong 14 con lợn của gia đình có biểu hiện sốt, bỏ ăn. Sau đó đàn lợn đồng loạt mắc các triệu trứng sốt, bỏ ăn, phân táo bón.

Nhận được tin báo, ngày 8/3, Chi cục Thú y tỉnh đã lấy 4 mẫu phẩm gửi lên Chi cục Thú y vùng II (Hải Phòng) xét nghiệm. Tới 23h30’, ngày 8/3, kết quả xét nghiệm cho thấy 4 mẫu phẩm đều dương tính với dịch tả lợn châu Phi.

Ngay sau khi có kết quả, sáng 9/3, các lực lượng chức năng đã tiến hành khoanh vùng diện rộng, phun khử trùng, rắc vôi bột xung quanh chuồng trại và tiến hành tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh trên, tránh dịch lây lan phát tán.

Kiểm tra trực tiếp tại xã Yên Đức, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Huy Hậu yêu cầu các địa phương: Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên - giáp ranh với các địa phương đang có dịch là Hải Phòng, Hải Dương phải tăng cường kiểm tra thực tế, tiến hành ngay việc phun khử trùng, tiêu độc tuyến giáp ranh. Đặc biệt, tại khu vực xảy ra dịch phải kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra việc vận chuyển, buôn bán lợn, các sản phẩm từ lợn chưa được kiểm dịch.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, TX Đông Triều phải quán triệt ngay các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh một cách chi tiết, cụ thể đến từng địa bàn, người đứng đầu, yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc nhất là tuyến xã. Bên cạnh đó, phải thông tin tuyên truyền về dịch bệnh nhanh, chính xác để các hộ dân nắm bắt kịp thời. Trong đó, ưu tiên tuyên truyền hướng dẫn các hộ chăn nuôi quy trình chôn lấp, tiêu độc khử trùng, không giấu dịch, khi dịch xảy ra lập tức báo cáo tiêu hủy và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.

 

 

Ngay sau khi xử lý xong ổ dịch tại hộ gia đình bà Nguyễn Thị Làn, thôn Đức Sơn, xã Yên Đức, Sở NN&PTN đã phối hợp với các lực lượng chức năng điều ra xác định nguyên nhân ban đầu khiến dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Đông Triều.

Theo ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), cho biết: Gia đình bà Làn là hộ nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng trọt, chăn nuôi lợn. Trong quá trình chăn nuôi, bà có lấy nguồn nước từ sông Kinh Thầy dẫn về hồ để tắm rửa cho đàn lợn. Trong khi đó, sông Kinh Thầy chảy qua địa bàn 2 xã: Liên Khê, Lưu Kiếm (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) nơi đã có dịch tả lợn châu Phi cách đây hơn nửa tháng. Qua phản ánh của một số hộ dân thôn Đức Sơn, gần đây trên sông Kinh Thầy thường xuyên xuất hiện xác lợn chết thả bao trôi sông.

Theo ông Đông nhận định thì nguồn nước chứa bệnh chính là nguyên nhân khiến đàn lợn của gia đình bà Làn nhiễm bệnh. Trước tình hình này, Sở NN&PTNT khuyến cáo tất cả hộ chăn nuôi khu vực giáp ranh với 2 tỉnh, thành Hải Phòng, Hải Dương lưu ý tuyệt đối không lấy nước sông chung sử dụng cho canh tác và chăn nuôi bởi có thể mầm bệnh sẽ theo nguồn nước phát tán, bùng phát các ổ dịch.

Dịch tả lợn châu Phi đặc biệt nguy hiểm đối với ngành chăn nuôi, bởi bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên lợn, xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, tỉ lệ chết cao, lên đến 100%, nên gây thiệt hại rất lớn. Hiện nay, dịch đã lây lan tại 12 tỉnh, thành phố trong nước và chưa có dấu hiệu dừng lại. Chính vì vậy, ngoài sự tích cực, quyết liệt vào cuộc của lực lượng, ngành chức năng, cùng các địa phương thì người nông dân, đặc biệt là các hộ, doanh nghiệp, hợp tác xã chăn nuôi tuyệt đối không được chủ quan trong công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, luôn cảnh giác với các nguồn có thể gây bệnh, trong đó đẩy mạnh công tác phòng là chính.

Trước tình hình dịch xuất hiện tại Đông Triều, UBND tỉnh đã yêu cầu Chủ tịch UBND thị xã khẩn trương tập trung huy động lực lượng, bổ sung vật tư, hóa chất, vắc xin… thực hiện ngay các biện pháp bao vây, khống chế, dập tắt ổ dịch, tiêu hủy toàn đàn lợn bị bệnh đảm bảo đúng quy trình, thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn của cơ quan thú y; kiểm tra đến tận các hộ chăn nuôi trên địa bàn, phát hiện ổ dịch báo cáo ngay cho cơ quan thú y lấy mẫu xét nghiệm, xử lý triệt để đàn lợn; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, nghiêm cấm người dân, thú y cơ sở dấu dịch, tự ý chữa trị, tự ý bán chạy, giết mổ lợn làm lây lan dịch.

UBND tỉnh cũng yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố cần triển khai nghiêm túc các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; khẩn trương thực hiện tình huống 2/Kế hoạch 150/KH-UBND của UBND tỉnh về kế hoạch hành động ngăn chặn, ứng phó khẩn cấp đối với khả năng bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm trên địa bàn tỉnh; chủ động triển khai các giải pháp có hiệu quả, phù hợp với thực tế địa phương.

Giám đốc Sở NN&PTNT tăng cường chỉ đạo các lực lượng chức năng trong công tác giám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc sử dụng thức ăn thừa không dùng hết của các bếp ăn, nhà hàng đảm bảo thức ăn dư thừa được xử lý nhiệt trước khi sử dụng để chăn nuôi.

Để xảy ra dịch tả lợn châu Phi ở diện rộng thì thiệt hại cho người nông dân là rất lớn. Chính vì vậy, chính quyền địa phương, ngành, lực lượng chức năng liên quan cần tăng cường tuyên truyền, vận động để người chăn nuôi hiểu rõ về sự nguy hiểm của dịch bệnh chủ động phòng, ứng phó. Trong đó, việc bám sát cơ sở, theo dõi của lực lượng liên quan cũng đóng vai trò quan trọng, qua đó phát hiện sớm, khoanh vùng, xử lý ổ dịch, tiêu hủy lợn bệnh ngay lập tức sẽ góp phần giảm dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

Thái Bình – Phạm Tăng

 Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu