4
18
/
924411
14 ngày trên nước Đức - Bài 2: Trái tim của châu Âu
longform
14 ngày trên nước Đức - Bài 2: Trái tim của châu Âu

 

Trên hành trình của mình, trải qua muôn vàn cảm xúc sau trận cầu đỉnh cao ở Dortmund, tôi không đành lòng rời khỏi thành phố này. Nhưng “cuộc vui nào cũng có lúc tàn”, tôi di chuyển hơn 6 tiếng bằng xe bus để tiến về Berlin - thủ đô nước Đức, trái tim của châu Âu. Đón tôi là một Berlin mang vẻ đẹp cổ kính, đậm tính lịch sử của các công trình từ hàng trăm năm trước vẫn sừng sững, thách thức thời gian. Sánh vai là những tòa nhà chọc trời với lối kiến trúc hiện đại, nhịp sống năng động phát triển...

[links()]

Điểm đầu tiên ngay buổi tối khi tôi đặt chân đến thủ đô chính là Cổng thành Brandenburg. Bởi theo kinh nghiệm của các du khách, buổi tối, cổng thành được thắp đèn lung linh, vô cùng rực rỡ. Quả thật, từ ga tàu bước lên, cổng thành đã nằm nổi bật ở cuối con đường. Cơn mưa đầu đông lạnh buốt khiến mặt đường lấp loáng nước, phản chiếu ánh đèn và kiến trúc của công trình này thêm sắc nét.

Cổng thành Brandenburg là cổng duy nhất còn lại trong hàng loạt cổng cổ của Berlin, nằm ở quận Trung tâm (Bezirk Mitte), xây dựng từ năm 1788 đến 1791. Nơi đây đã ghi dấu thăng trầm lịch sử, là biểu tượng của sự thống nhất, chấm dứt chiến tranh lạnh giữa Đông và Tây, mở ra tương lai tươi sáng cho nước Đức. Nó đã được in lên tem, tiền giấy hay tiền xu. Cổng thành có 18 cột được chia làm 3 hàng, đường kính chân cột 1,75m và cao 15m. Phía trên của công thành là biểu tượng của nữ thần Victoria trên cỗ ngựa tứ mã làm bằng đồng. Do bị ô-xi hóa theo thời gian mà bức tượng này có màu xanh ngọc độc đáo. Đây cũng là nét đặc trưng của các công trình bằng đồng ở thủ đô Berlin.

Ngày hôm sau, tôi tiếp tục quay lại Cổng thành Brandenburg để chiêm ngưỡng vẻ đẹp công trình này vào ban ngày và di chuyển đến Tòa nhà quốc hội Reichstag chỉ cách đó 200m. Tuy nhiên, để vào tham quan bên trong tòa nhà, tôi phải đăng ký bằng hộ chiếu và đặt lịch vào buổi chiều tại quầy thông tin gần đó.  Sau khi đã hoàn thành thủ tục, tôi bắt chuyến xe bus 100 đi đến Tháp truyền hình Berlin để trải nghiệm cảm giác được ngắm thành phố từ trên cao. Tháp truyền hình Berlin được xây từ năm 1965 đến 1969, cao 368m, là công trình cao nhất nước Đức và cũng là địa điểm tham quan nổi tiếng tại khu Alexanderplatz, trung tâm thành phố. Tháp có đài ngắm cảnh với tầm nhìn 360 độ ở độ cao 203m, có thể quan sát các tòa nhà Reichstag, Potsdamer Platz, Sân Olympic, Cổng Brandenburg và Đảo Bảo tàng. Phía dưới mỗi ô cửa kính đều có một bảng thông tin tương ứng với các tòa nhà, khu di tích lịch sử, văn hóa giúp du khách hiểu hơn về lịch sử hình thành, chức năng và hoạt động của những địa điểm này.

 

Sau khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp thành phố từ trên cao, tôi đi dạo dọc con đường dẫn về Tòa nhà Quốc hội Đức Reichstag để kịp giờ tham quan đã đặt trước. Hai bên đường, những công trình cổ từ trăm năm trước vẫn sừng sững sánh ngang với các tòa nhà cao chọc trời khiến Berlin vừa mang vẻ đẹp cổ điển, vừa hiện đại.

Khi hoàng hôn đã rám đỏ cả chân trời, nhiệt độ xuống gần 2 độ C nhưng dòng người xếp hàng vào tham quan Toà nhà Quốc hội Đức Reichstag vẫn chật kín. Reichstag do kiến trúc sư người Anh Norman Foster thiết kế, được xây dựng năm 1884 và mất 10 năm để hoàn thành. Không chỉ được biết đến như một toà kiến trúc cổ, nơi đây còn là một biểu tượng của đế chế Đức, một toà nhà mang trong mình những biến cố lịch sử thăng trầm. Công trình đồ sộ này là cơ quan đầu não của đế chế Đức khởi công từ cuối thế kỷ 19, được xây dựng bằng đá với phong cách kiến trúc La Mã đầy uy quyền kết hợp với phong cách Baroque (sử dụng nét đặc trưng của kiến trúc Phục Hưng mang màu sắc sân khấu hóa khiến các công trình trở nên phức tạp và cầu kỳ hơn-PV).

Reichstag là một công trình lớn với nhiều phòng làm việc, phòng họp, hội thảo, kho lưu trữ, hai giếng trời lớn nằm hai bên, bốn đài quan sát cùng với mái vòm Baroque và nhiều pho tượng đá. Mái vòm Reichstag được làm bằng các tấm kính lớn cho phép quan sát toàn cảnh thành phố với góc nhìn 360 độ. Ở giữa mái vòm là một nón xoáy với những tấm gương lật chuyển động, ánh sáng phản chiếu từ đó xuống các không gian chức năng bên dưới. Xung quanh bên trong mái vòm là cầu thang chạy vòng quanh xoắn lên trên, cho ta liên tưởng tới kiến trúc vĩ đại của sự sống - cấu trúc xoắn ADN.

Trở về sau một ngày dài, tôi háo hức tới ngày mai để đến một trong những kiến trúc ấn tượng nhất, mang trong mình cả danh xưng thủ đô: Berliner Dom. Địa  điểm duy nhất tôi dành cả 1 ngày để được thưởng lãm và tận hưởng.

Ngay khi chuẩn bị cho chuyến đi ở Việt Nam, tôi đã bị “mê hoặc” bởi màu xanh ngọc bích nổi bật, pha những dải vân đen cổ kính vì thời gian trên những mái vòm của Berliner Dom. Tuy nhiên, cảm giác được chiêm ngưỡng và tận mắt chứng kiến  công trình này khiến tôi không khỏi ngạc nhiên. Bởi sự kỳ vĩ, tinh xảo và choáng ngợp hơn rất nhiều so với tưởng tượng và những gì tôi biết trước đó.

 

Berliner Dom được xây khoảng những năm 1894 đến 1905 trên nền của ba nhà thờ trước đó, nổi bật với lối kiến trúc của thời kỳ Phục Hưng kinh điển. Những vòm mái tròn xanh ngọc tinh tế kết hợp màu vàng của các bức tường sa thạch tạo nên một tổng thể vô cùng tráng lệ. Không hiểu sao, tôi như bị thu hút và cuốn vào những đường nét kiến trúc ở đây. Nhà thờ lớn Berlin từng được sử dụng cho hoàng gia với phần nội thất vô cùng lộng lẫy. Tổng thể kiến trúc gồm có 4 tầng và nơi cao nhất của nhà thờ lên đến 114m. Bên trong nhà thờ được trang trí bằng cột tường đan xen những đường kẻ phức tạp. Gian giữa cao tới 70m và có khoảng 35 bức tranh khảm từ 500.000 viên đá với 2.000 màu sắc khác nhau. Một trong những nội thất ấn tượng nhất trong nhà thờ là đàn ống Đại phong cầm có hơn 7000 ống được chế tạo đầu năm 1905, được coi như dàn nhạc khí cổ và quý giá nhất của Đức. Sau khi tham quan các sảnh và tầng chính, tôi phải vượt qua 270 bậc thang để lên hành lang bao quang mái vòm trên đỉnh tòa nhà, nơi có thể ngắm toàn cảnh thành phố.

Một mặt của Nhà thờ lớn hướng ra công viên Lustgarten mang vẻ uy nghi, cổ kính, tĩnh  mịch nhưng mặt còn lại nằm thơ mộng soi bóng bên dòng Spree, mà khi đi tàu qua, tôi ngỡ như đang chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiều diễm, quý phái của những công nương thế kỷ 19. Tôi chỉ ước mình có thể biết chút ít về kiến trúc nghệ thuật phương Tây để hiểu giá trị và thông điệp đằng sau mỗi biểu tượng. Nhưng rồi, tôi nhận ra, mọi thông tin tôi tìm hiểu trước đó chỉ khiến bản thân càng nhỏ bé trước vẻ đẹp tráng lệ của Nhà thờ lớn. Và hơn hết trong tôi đang dâng đầy lòng ngưỡng mộ, khâm phục và tri ân trước sự tài hoa mà những kiến trúc sư đã để lại cho hậu thế.

Trên chuyến tàu, tôi như quên hết thực tại, rằng mình đến từ đâu, những nỗi lo, buồn phiền trước đó... Tôi không suy nghĩ quá nhiều bởi mọi giác quan dành để cảm nhận vẻ đẹp của công trình nơi đây và để ghi nhớ từng khoảnh khắc nhiệm màu của tạo hóa: hoàng hôn đang buông xuống.

Hoàng hôn mùa thu lúc nào cũng đẹp. Hoàng hôn ở Berlin còn biết lấy lòng người hơn thế. Bây giờ đã là cuối thu, thời tiết và thời gian trôi nhanh hơn. Hai giờ chiều, nắng vàng rám những hàng cây, cái màu vàng mật ong long lanh sánh quyện và ấm áp phủ lên tán lá vàng xao xác. Màu vàng sậm, chảy qua ngón tay mà người ta chỉ muốn cầm bắt lấy. Nắng vàng như đạt đến độ chín quyện mà không ngại ngần đổ ngập lên nóc các toà nhà cao tầng, để mang đến cho nó vẻ đẹp ngọt ngào và say mê đến vậy. Giữa trái tim của châu Âu, nơi nào có thể đẹp hơn như thế.

Rồi nắng cũng nhanh tắt, chỉ một tiếng sau đó, nắng bắt đầu thưa thớt, rút về phía bên kia trái đất. Rám nắng như đám tro tàn màu đỏ hồng liu riu, tàn tro le lói bốc lên trong chốc lát để phủ gam màu cuối cùng rồi biến mất hẳn. Đằng đông, màn đêm đã bắt đầu buông xuống. Tôi kết thúc chuyến tàu trên sông, men theo con đường lá vàng trở về điểm dừng chân, chuẩn bị cho hành trình đến với “Miền đất cổ tích”.

Bài 3: Miền đất cổ tích

Bài, ảnh: Hoàng Quỳnh
Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu