4
18
/
891260
Vịnh Hạ Long - Những góc nhìn đặc biệt
longform
Vịnh Hạ Long - Những góc nhìn đặc biệt

 

Cảnh sắc Vịnh Hạ Long với đá, nước, mây trời bốn mùa thay đổi cùng những cánh buồm nâu sớm tối đi về của dân chài xưa và hàng trăm con tàu du lịch chở khách phương xa ghé thăm di sản hiện nay, đã trở thành niềm đam mê sáng tác bất tận của biết bao nghệ sĩ nhiếp ảnh yêu biển, yêu Hạ Long... Nhưng yêu Vịnh Hạ Long một cách đặc biệt nhất thông qua những góc máy với cá tính sáng tạo riêng và có hẳn một gia tài ảnh xưa - nay về nơi đây thì chắc ít người vượt qua 2 cha con nghệ sĩ Đỗ Kha và Đỗ Giang.

 

 

 

Tôi quen biết NSNA Đỗ Kha đã lâu và hay được ông tặng cho những cuốn sách ảnh Vịnh Hạ Long mới xuất bản, nhưng cuối cùng bao giờ trong câu chuyện của chúng tôi cũng quay về Hạ Long xưa. Chẳng riêng tôi mà hẳn là còn nhiều, rất nhiều những người yêu nhiếp ảnh, yêu Hạ Long khác sẽ không thể không rung động với những bức ảnh đen - trắng đầy chất thơ về Vịnh Hạ Long xưa. Đó là những cánh buồm tựa đàn bướm xinh đậu xúm xít dưới chân núi Bài Thơ, là những con thuyền xưa phơi lưới như những tấm khăn lớn giăng mắc trong gió, là thu đi qua với hai cánh buồm thong thả trôi trong cảm xúc bao người... Hạ Long xưa trong mắt ông hiện lên thật đặc biệt, thật giàu cảm xúc. Hạ Long nay cảnh sắc đã có nhiều đổi khác, vì vậy, những góc nhìn về một Hạ Long xưa cũ nay đã mất được lưu giữ trong kho ảnh của NSNA Đỗ Kha mãi mãi là hoài niệm gợi thương nhớ của bao người...

Ông bảo, hồi ấy phần lớn ảnh phong cảnh Vịnh Hạ Long là chụp ngẫu hứng, vì yêu thích vẻ đẹp của Hạ Long. Tôi lại đồ rằng, ông vốn thích hội họa, cũng có tâm hồn văn chương nữa nên ảnh Hạ Long của ông mới giàu chất thơ, tựa những bức tranh lãng mạn, huyền ảo về Hạ Long như thế. Tôi cũng tin rằng khi ấy ông chỉ chụp Vịnh Hạ Long vì yêu thôi, để chơi thôi bởi lẽ nghề báo mà ông gắn bó từ năm 1963, với đặc thù của báo chí vốn chẳng thể sử dụng phổ biến những bức ảnh đầy chất nghệ thuật ấy. Và vào thời khó khăn đó, không chỉ máy ảnh khan hiếm mà với đồng lương của một phóng viên thì việc ông “đốt” tiền vào mua phim, mua giấy ảnh cũng là “tay chơi” lắm rồi! Máy móc kém, điều kiện bảo quản kém cùng hàng trăm nỗi lo đời thường khác nên việc mất mát, hỏng hóc phim ảnh thiết nghĩ cũng là chuyện bình thường. Như thế càng trân quý hơn những bức ảnh Vịnh Hạ Long đen - trắng vốn là ký ức Hạ Long xưa mà ông và gia đình đã lưu giữ được tới hôm nay.

 

 

Không có quyết tâm không làm được! Xưa thế, nay cũng không khác. Đó là câu chuyện về Đỗ Giang, con trai của NSNA Đỗ Kha, người đã và đang nối nghiệp bố tiếp tục tôn vinh vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long hôm nay thông qua nhiếp ảnh. Bởi lẽ, chụp ảnh về Vịnh Hạ Long chưa bao giờ hết thách thức với các tay máy, kể cả là tay máy chuyên nghiệp vì phải có phương tiện đi biển, có sự đầu tư về tiền bạc và có thời gian. Vịnh Hạ Long rất khó chụp bởi chỉ có đá và nước, những vách đá vôi dựng đứng ngâm chân giữa biển nước mênh mông. Khó khăn từ xưa đến nay vẫn là những chuyến đi...

Nhất là với Đỗ Giang, khi anh lại lựa chọn khám phá Hạ Long từ trên cao, từ những đỉnh núi đá vôi của Vịnh Hạ Long - công việc vất vả, đòi hỏi sức khỏe, khả năng leo trèo và không ngại nguy hiểm, vốn ít người dám làm. Chia sẻ với chúng tôi, anh bảo: Leo núi trên Vịnh Hạ Long có nhiều khó khăn, nguy hiểm. Núi thường dựng đứng, các chân núi bị sóng triều đánh ăn mòn tới vài mét, trên núi có những tảng đá mà chỉ cần một tác động nhỏ là trượt đổ. Ở những tảng đá lớn ngoài khơi xa, sóng vỗ rất mạnh, để tìm chỗ đỗ xuồng cũng đã rất khó rồi. Núi đá vôi ít cây, không có những sườn dốc để tỳ, tựa, bám để trèo lên...

Đỗ Giang sinh ra và lớn lên tại khu vực Cột 8 của Hòn Gai xưa, thân thiết với bạn bè chài lưới từ bao lần rủ nhau leo núi hái những bông hoa trứng gà to, thơm nức, vặt quả rừng để ăn hay bứng cây thiên tuế ở các khe núi về trồng. Anh cũng theo chân chúng bạn đi đánh bắt cá, câu mực nên luồng lạch trên Vịnh cũng từ đó mà thuộc lòng. Sau này, những người bạn ấy và cả những kinh nghiệm đi biển đã giúp anh rất nhiều trong quá trình tác nghiệp trên Vịnh Hạ Long. Ban đầu, anh chụp thấp và chụp ở ven bờ, dần dần say nghề, lại được tỉnh đặc cách cấp cho chiếc xuồng riêng phục vụ tác nghiệp, anh có điều kiện đi xa hơn, chinh phục những đỉnh núi cao hơn.

Anh chia sẻ: Chụp muốn đẹp thì phải leo lên cao, chụp theo chiều thẳng đứng, lấy những dáng núi đá, cây cổ làm tiền cảnh để khoe vẻ đẹp Vịnh Hạ Long... Điều này được thể hiện rất rõ trong các bức ảnh của Đỗ Giang. Anh theo đuổi phong cách sáng tác này đến nay cũng ngót 20 năm rồi, bắt đầu từ khi theo chân bố đi chụp Hạ Long. Lúc leo lên đỉnh núi Bài Thơ chụp từ trong ra, lấy tiền cảnh là các thớ đá, những dáng cây cổ, anh đã phát hiện ra lối đi riêng cho mình khi khám phá vẻ đẹp Vịnh Hạ Long.

Bám vào núi mà leo, chinh phục các đỉnh núi, Đỗ Giang phát hiện ra, càng đi ra ngoài khơi xa thì càng có những phiến đá mồ côi, đá tựa thạch nhũ, phơi ra với những thớ đá có màu sắc lạ, kỳ ảo; cây chịu sự khắc nghiệt của tự nhiên nên dáng cổ, độc đáo rất đẹp. Không chỉ chụp từ các đỉnh núi, Đỗ Giang còn là một trong những người chụp flycam sớm nhất ở Quảng Ninh và anh đã sử dụng công cụ này để có thêm những góc nhìn mới về Vịnh Hạ Long. “Flycam có lợi thế trong việc bay trên cao, thể hiện sự hùng vĩ của góc nhìn toàn cảnh. Nhưng công cụ này cũng có những hạn chế vì gần như không có zoom mà chỉ có những ống cố định, chụp cũng có cái đẹp nhưng không thể đẹp bằng trèo lên núi rồi chụp xuống” - Đỗ Giang cho hay.  

Nếu như ảnh của nghệ sĩ Đỗ Kha giống một du khách đi chơi, thăm thú, nhìn cảnh quan Vịnh Hạ Long từ ngang, từ ngoài vào với góc nhìn thơ mộng, huyền ảo thì Đỗ Giang lại cho người xem khám phá một Vịnh Hạ Long từ trên cao nhìn xuống, từ trong nhìn ra với một góc nhìn hiện đại, ấn tượng, tiếp cận vẻ đẹp không dễ thấy của Vịnh Hạ Long.

Miệt mài nhiều năm chụp ảnh Vịnh Hạ Long, hai cha con nghệ sĩ Đỗ Kha, Đỗ Giang với hai phong cách khác nhau đã tích lũy được một gia tài ảnh đáng nể. Gắn bó với đề tài Vịnh Hạ Long, họ đã và sẽ vẫn tiếp tục rong ruổi với những chuyến đi biển để không ngừng tìm tòi, sáng tạo và cống hiến những góc ảnh đẹp về Vịnh Hạ Long, cho hôm nay và mai sau...

Bài: Ngọc Mai

Ảnh: Đỗ Kha, Đỗ Giang

Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu