4
18
/
896539
Tự hào là người Quảng Ninh...
longform
Tự hào là người Quảng Ninh...

 

Khi nói về người Quảng Ninh, đã có rất nhiều câu hỏi được đặt ra: Đặc trưng con người, đặc trưng văn hoá Quảng Ninh là gì?
 
 

 

 
Nói về đặc trưng con người Quảng Ninh, ít có sử liệu nào ghi chép cụ thể. Đại Nam Nhất thống chí (Viện Sử học, Nhà Xuất bản Khoa học - Xã hội, Hà Nội - 1971), trang 13, phần tỉnh Quảng Yên nói về phong tục chỉ vắn tắt về người Quảng Yên (gồm cả Quảng Ninh ngày nay) rằng “Tục ưa mạnh tợn..., dân làm nghề đánh chài, đi buôn, mối lợi nhờ núi, biển”.
Điều này có lẽ đúng bởi cho đến nay, người dân Trà Cổ (Móng Cái), Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng (Vân Đồn), các xã vùng Hà Nam (Quảng Yên)... đi biển, buôn bán đã và vẫn đang là một trong các nghề kinh tế mũi nhọn. Đầu thế kỷ 20, Trà Cổ có nhiều nhà tư sản là những người chuyên buôn bán đường thuỷ. Những năm 70 - 80 thế kỷ trước, Quan Lạn cũng có những đội tàu đánh cá, buôn bán Nam - Bắc lừng danh. Xuất phát từ cuộc sống mưu sinh trên biển, người vùng biển có tục ăn to, nói lớn (ăn sóng, nói gió) và có lẽ, Đại Nam Nhất thống chí cho rằng tính cách người Quảng Yên “ưa mạnh tợn” là thế.
Đầu thế kỷ 20, sau khi thiết lập bộ máy cai trị ở Vùng mỏ Quảng Ninh, người Pháp bắt đầu mộ phu từ các tỉnh ra khai thác than. Tài liệu do người Pháp để lại hiện lưu tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh cho thấy, các phu mỏ đã được tuyển mộ chủ yếu tại Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Thanh Hoá, vào tới Nghệ An, Hà Tĩnh. Những phu mỏ mang theo gia đình, vợ con đến Vùng mỏ lập nghiệp và họ mang theo cả nét văn hoá đặc trưng quê hương mình. Văn hoá và con người Quảng Ninh được hội tụ chính là từ khi ấy.

 

 
Nói như thế là bởi, mặc dù mỗi phu mỏ và gia đình của họ có những nét văn hoá đặc trưng vùng miền của mình từ ăn mặc, giọng nói, tính cách nhưng ra Vùng mỏ, cùng sống trong những lán thợ, cùng một môi trường lao động, cùng chịu những áp bức, bóc lột như nhau nên họ cùng chia sẻ, đoàn kết, gắn bó với nhau. Mặt khác, chính môi trường, cuộc sống Vùng mỏ có sự khác biệt nên bản thân những phu mỏ cũng phải có những thích nghi. Từ trong áp bức, những công nhân mỏ đã đoàn kết thành một khối và tinh thần ấy đã được thử lửa qua cuộc Tổng đình công của hàng chục vạn công nhân Vùng mỏ Quảng Ninh, tháng 11/1936.
 

 

 
Một trong những thắng lợi quan trọng của cuộc đình công, đó là những thợ mỏ đã nhận ra một giá trị tinh thần to lớn, ấy là “Kỷ luật, đồng tâm”. Giá trị to lớn ấy đã tiếp tục chứng minh qua những thăng trầm của ngành Than, từ khôi phục sản xuất, vừa sản xuất, vừa chiến đấu những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ rồi gần đây là những khủng hoảng về sản xuất, thị trường tiêu thụ... Chính “Kỷ luật, đồng tâm” là sức mạnh để năm 2018, ngành Than dần phục hồi và có bước tăng trưởng bứt phá. Sản lượng than tiêu thụ đạt 40 triệu tấn, tăng 4 triệu tấn so với kế hoạch và tăng 4,4 triệu tấn so với cùng kỳ 2017, không còn than tồn đọng. 
 
 

 

 
Đất nước trên đà phát triển. Quảng Ninh đang có những đột phá ngoạn mục trên con đường đổi mới. Tinh thần “Kỷ luật, đồng tâm” của thợ mỏ lan tỏa đến mọi tầng lớp từ cán bộ, công chức, viên chức đến nông dân. Sự năng động, sáng tạo - vốn là truyền thống của công nhân mỏ tiếp tục được nhân rộng, phát huy đến mọi cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nhằm phát huy tối đa năng lực của mỗi người. Rất nhiều những đột phá, sáng tạo, những “cái đầu tiên” của Quảng Ninh trong những năm qua được Chính phủ đánh giá cao, đã và đang được áp dụng trong nhiều địa phương trong nước. Có thể kể đó là những đột phá trong cải cách hành chính, xây dựng các trung tâm hành chính công; Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP); đưa điện lưới ra các đảo; Đề án 25 sắp xếp, tinh gọn bộ máy,  biên chế chính quyền, tổ chức, đoàn thể; các đột phá, sáng tạo trong xây dựng sân bay Vân Đồn, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, v.v..
 

 

 
Quay trở lại câu hỏi: Đặc trưng con người Quảng Ninh là gì? Có lẽ đó chính là sự kết hợp giữa Văn hoá biển (những giá trị truyền thống, bản địa như hào sảng, lành mạnh, thân thiện) với Văn hoá công nhân mỏ (những giá trị mới, sáng tạo, văn minh).
Văn hoá biển - ấy là những giá trị truyền thống được kế thừa qua hàng ngàn năm kể từ khi người Việt từ thời đại đồ đá đến định cư ở Hạ Long để cho ra đời Văn hoá Hạ Long (cách ngày nay 4.500 - 3.500 năm) mà hậu duệ của họ từng được Đại Nam Nhất thống chí chép là tục “ưa mạnh tợn” và tiếp nối cho đến nay. “Ăn sóng, nói gió” nhưng người Quảng Ninh rất thân thiện, hào sảng, mến khách. Những câu chuyện “nhặt được của rơi trả lại người mất”, “đêm ngủ không cần khoá cửa” trở nên rất bình thường khi du khách đến Cô Tô, Ngọc Vừng, Cái Chiên... Nhất là với Cô Tô, xây dựng con người Cô Tô thật thà, thân thiện, mến khách đang là mục tiêu của huyện đảo. Những câu chuyện khách lỡ tàu được chủ nhà nghỉ Cô Tô mời ở lại ăn, nghỉ miễn phí; lữ khách nước ngoài lỡ tàu được mời tham quan, nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long giờ đã không còn là câu chuyện hiếm ở Quảng Ninh. Khẩu hiệu “Người Hạ Long nói lời hay, cử chỉ đẹp” đang được nhân rộng đến các địa phương khác trong tỉnh. Ngày 9/3/2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh ban  ành Nghị quyết số 11-NQ/TU “Về xây dựng, phát triển văn hoá, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” với mục tiêu là xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng: Năng động - sáng tạo - hào sảng - lành mạnh - văn minh - thân thiện. Xét cho cùng, đó cũng chính là khơi gợi, kế thừa và phát huy những giá trị mà con người Quảng Ninh đã và đang có. 
 

 

 
Bài: Trần Minh
Trình bày: Tất Đạt

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu