4
18
/
910020
Nối giấc mơ đôi bờ Cửa Lục
longform
Nối giấc mơ đôi bờ Cửa Lục

Sau bao nỗ lực, ngày 19/2 người dân Quảng Ninh đón chào tin vui mới, đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về việc thẩm định dự án Hầm đường bộ qua vịnh Cửa Lục (hầm Cửa Lục) trên quan điểm đồng ý với đề xuất đầu tư dự án của tỉnh Quảng Ninh. Như vậy, “giấy khai sinh” cho công trình thế kỷ Quảng Ninh đang ấp ủ triển khai đã bắt đầu được soạn thảo. Đây cũng chính là giấc mơ, niềm mong mỏi của người dân Quảng Ninh từ nhiều năm nay.


TP Hạ Long, được chia cách thành 2 khu vực Hòn Gai và Bãi Cháy bởi vịnh Cửa Lục. Giao thông kết nối độc nhất hiện nay đó là cầu Bãi Cháy. Năm 2006, khi cầu Bãi Cháy hoàn thành và đưa vào khai thác, đã thay thế những chuyến phà qua vịnh Cửa Lục, đáp ứng được niềm mong mỏi của người dân. Đồng thời, tạo sự thuận lợi, hiện đại hơn đối với giao thông của TP Hạ Long nói riêng và của tỉnh Quảng Ninh nói chung.

Theo người dân, từ khi có cầu Bãi Cháy, giao thông đi lại tương đối thuận lợi, an toàn và rút ngắn được thời gian di chuyển giữa 2 bờ thành phố. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi mật độ phương tiện qua cầu ngày càng tăng, đã khiến giao thông ở đây phức tạp hơn. Chỉ cần một vụ tai nạn nhỏ trên cầu, lượng xe ùn tắc có thể kéo dài cả cây số rất nhanh. Vào những ngày mưa bão lớn, để đảm bảo an toàn, lực lượng chức năng buộc phải tạm dừng lưu thông trên cầu, gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân.


Với mục tiêu tạo đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông kết nối, trong 2 năm qua, TP Hạ Long đã dành nguồn vốn, ưu tiên đầu tư cho các công trình giao thông. Các tuyến đường nội thị được mở rộng, nút giao thông được cải tạo, đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại của người dân và du khách.

TP Hạ Long đang trong lộ trình xây dựng trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế, nhiều công trình, điểm đến đã hình thành, được kết nối thành chuỗi du lịch, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách như: Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu; Công viên Hạ Long; cụm công trình Bảo tàng - Thư viện - Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm; di tích núi Bài Thơ, các trung tâm mua sắm... Do vậy, việc lưu thông giữa các điểm đến trong chuỗi sản phẩm du lịch giữa 2 khu vực của thành phố cũng diễn ra rất thường xuyên, ngày càng đòi hỏi giao thông phải có sự thông suốt, nhanh chóng hơn. Cầu Bãi Cháy trở thành "nút thắt" đối với giao thông khu vực.

Cũng bởi lẽ đó, từ yêu cầu của thực tiễn mang tính cấp bách, người dân TP Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung đang rất mong mỏi, ước mơ có thêm được tuyến đường kết nối. Đây cũng là mở ra thêm cơ hội phát triển, kết nối nhanh, thuận lợi các điểm du lịch, tham quan, giải quyết sớm tình trạng ùn tắc cục bộ vào giờ cao điểm và tạm dừng hoạt động khi có gió bão của cầu Bãi Cháy.

Ý tưởng về công trình hầm Cửa Lục đã có trong Quy hoạch tổng thể phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 và được xếp hạng là công trình cấp đặc biệt, ưu tiên thực hiện. Cũng bởi, do đây là công trình cấp đặc biệt, vì thế các phương án cần được lựa chọn kỹ lưỡng, tối ưu nhất, đáp ứng các yêu cầu thực tế. Liên tiếp các cuộc họp bàn, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đã được Quảng Ninh thực hiện.

Tại Thông báo số 811-TB/TU ngày 31/1/2018 của Tỉnh ủy Quảng Ninh đã thống nhất chủ trương thực hiện dự án trên nguyên tắc phương án hầm Cửa Lục với quy mô mặt cắt ngang hầm 6 làn xe (không bố trí hệ thống monorail trong hầm); ngày 17/4/2018 tại Kết luận số 233-KL/TU, Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh đã thống nhất chủ trương đầu tư dự án bằng vốn ngân sách tỉnh.

Trên tinh thần đó, các phương án thiết kế được chuyên gia nước ngoài của Công ty Nippon Koei (Nhật Bản), Công ty CP FECON và Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải đưa ra để Quảng Ninh lựa chọn. Nhằm chủ động trong công tác điều hành, tháng 5/2018, tỉnh Quảng Ninh đã quyết định thành lập Ban Quản lý dự án Hầm đường bộ qua vịnh Cửa Lục, gấp rút triển khai các công tác, thủ tục pháp lý để báo cáo Chính phủ cho phép tỉnh đầu tư dự án.

Từ cơ sở thực tế vị trí đầu tư đã được chọn lựa, tỉnh Quảng tiến hành so sánh, nhận định tính khả thi của mỗi phương án và quyết định lựa chọn công nghệ hầm dìm (IMT) đối với hầm Cửa Lục. Hầm có tổng chiều dài tuyến là 2.750m, trong đó chiều dài hầm đến đuôi tường chắn là 2.140m bao gồm 1.000m hầm dìm và 1.140m hầm dẫn (gồm 630m hầm đào và lấp, 380m tường chắn U và 130m gờ chắn). Công trình có tổng mức đầu tư 9.781 tỷ đồng từ ngồn vốn ngân sách tỉnh, thời gian thực hiện trong 5 năm từ 2019 đến 2024. Hiện nguồn vốn triển khai công trình đã được Quảng Ninh chuẩn bị đủ, giai đoạn đến năm 2020 sẽ thực hiện giải ngân 3.000 tỷ, giai đoạn tiếp theo sẽ là 6.781 tỷ để hoàn thành dự án.

Khi hoàn thành, bên cạnh việc tạo điều kiện lưu thông thuận lợi giữa 2 bờ Vịnh Cửa Lục, phá thế độc đạo của cầu Bãi Cháy hiện nay, kết nối giữa khu du lịch phía Tây với khu hành chính, văn hóa và các khu dân cư phía Đông TP Hạ Long, hầm còn có ý nghĩa đảm bảo giao thông thông suốt trong đô thị Hạ Long.

Mọi loại xe đều có thể lưu thông, kể cả trong trường hợp mưa bão (cầu Bãi Cháy sẽ bị cấm khi có mưa bão và gió cấp 6 trở lên). Đồng thời, nối thông 2 tuyến đường trục chính lớn của thành phố là Hạ Long và Lê Thánh Tông, không còn phải chạy vòng vèo trên các tuyến đường dẫn lên Cầu Bãi Cháy, rút ngắn thời gian, khoảng cách trong di chuyển. 

Như vậy, mọi công tác chuẩn bị để khởi công hầm Cửa Lục đang diễn ra khá thuận lợi, hiện Quảng Ninh đã sẵn sàng, ngay sau khi các bộ tham gia ý kiến theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính Phủ tại Văn bản số 1386/VPCP-CN ngày 19/2/2019 và được sự chấp thuận đầu tư từ Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiến hành khởi công dự án.

Có thể thấy rằng, giấc mơ nối đôi bờ Cửa Lục của người dân Quảng Ninh đã sắp thành hiện thực. Đây là mong mỏi chính đáng. Bởi làm đường hầm dưới biển là phương án giao thông được rất nhiều nước lựa chọn đầu tư, vừa đảm bảo giao thông, thông xe cả các mùa, vừa thúc đẩy kết nối, phát triển giữa các khu vực trong cùng địa bàn. Dự án còn khẳng định sự hiện đại của một đô thị lớn đang phát triển mạnh mẽ và tạo điểm nhấn du lịch hấp dẫn. Đây là công trình hầm vượt biển lớn nhất Việt Nam hiện nay, một lần nữa khẳng định quyết tâm to lớn của tỉnh Quảng Ninh, tạo đột phá mạnh mẽ trong phát triển hạ tầng giao thông với những công trình ấn tượng.

Đỗ Phương

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu